Chúng tôi có mặt tại trụ sở Đội Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an quận Đống Đa vào những ngày giữa tháng 6 nắng như đổ lửa. Lúc này các CBCS của đơn vị đang đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền công tác PCCC cho các hộ dân, các hộ kinh doanh trên địa bàn, hăng say hướng dẫn người dân các phương án chữa cháy…
Giọng nói thu
hút, truyền cảm, Thượng úy Vũ Ngọc Hoàng, Đội Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an
quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ thực tế công tác đấu tranh với “bà hỏa” tại hội
trường trong sự chăm chú lắng nghe của hàng trăm người dân. “Chắc các bác, các
anh, chị còn nhớ ngày 10/9, khi trên địa bàn phố Núi Trúc (phường Giảng Võ, quận
Ba Đình, Hà Nội) xảy ra đám cháy lớn không ạ?…”.
Đó có lẽ là một
trong những kỷ niệm không bao giờ quên trong đời chàng Cảnh sát trẻ Vũ Ngọc
Hoàng: Ngay khi nhận được thông tin báo cháy tại một cửa hàng quần áo tại ngôi
nhà 5 tầng số 8, ngõ 12, phố Núi Trúc, Thượng úy Vũ Ngọc Hoàng cùng đơn vị đã
nhanh chóng triển khai có mặt tại hiện trường. Lúc này đám cháy đã rất lớn, lửa,
khói và khí độc bao trùm toàn bộ căn nhà. Với sự hỗ trợ từ Công an quận Ba
Đình, đơn vị nhanh chóng đưa được 2 người bị mắc kẹt trong ngôi nhà ra ngoài an
toàn nhưng vẫn còn một nạn nhân nữa đang hoảng sợ, mắc kẹt trên tầng 4 ngôi
nhà…
“Tôi và đồng
đội lúc đó đã nhanh chóng tiếp cận, đưa nạn nhân ra vì nếu chậm trễ, khói, khí
độc ngày một lớn, có thể người bị mắc kẹt chưa bị chết cháy thì đã bị chết ngạt…”
– Thượng úy Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ. Trong đám cháy lớn, khói tỏa đen kịt, Thượng
úy Vũ Ngọc Hoàng tìm thấy em Giang (nạn nhân cuối cùng mắc kẹt) đang nằm sấp dưới
sàn nhà, tim vẫn đập nhưng hơi thở đã rất yếu. Cùng các đồng đội hỗ trợ, trùm
bình thở cho nạn nhân, anh nhanh chóng sốc em Giang lên lưng và khẩn trương di
chuyển ra cầu thang bộ. Tuy nhiên khi ra tới cửa, nhóm cứu hộ bị kẹt lại do
cánh cửa phòng tầng 4 chỉ mở được một nửa. Lúc đó, cách duy nhất để vượt qua là
phải bỏ lại mũ chữa cháy, bỏ bình thở cho nạn nhân, nghiêng người để lách qua mới
có thể đi ra phía cầu thang bộ. Trong quá trình di chuyển xuống phía dưới,
Hoàng gặp nhiều khó khăn vì lối đi nhỏ, lượng chất cháy nhiều, không khí ngột
ngạt, khói nhiều và sức nóng của vụ cháy tác động. Cõng em Giang đến chiếu nghỉ
giữa tầng 1 và tầng 2, Thượng úy Vũ Ngọc Hoàng gần như đã kiệt sức. “Quyết tâm
đưa nạn nhân ra ngoài, chúng tôi đã cố gắng hết sức và cuối cùng đã thành công.
Rất may mắn, nhờ được đưa ra ngoài và cấp cứu kịp thời, ba ngày sau, em Giang
đã tỉnh lại và trở lại cuộc sống bình thường…” – ngay sau những lời chia sẻ này
từ Thượng úy Vũ Ngọc Hoàng, hội trường rộn vang tiếng vỗ tay, nhiều người dân
lén lau nước mắt vì xúc động trước hành động anh dũng, quên mình vì nhân dân của
các CBCS Đội Cảnh sát PCCC & CNCH.
Theo Trung tá
Thịnh Vũ Khanh, Đội trưởng Cảnh sát PCCC & CNCH, Công an quận Đống Đa, thời
gian gần đây, nhất là vào cao điểm nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn,
bên cạnh phối hợp với các phường, tổ dân phố, các trường học đóng trên địa bàn
tuyên truyền PCCC, đơn vị đang tích cực xuống cơ sở tuyên truyền, đặc biệt chú
trọng các hộ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn…
Đến giờ, mỗi
khi nhắc lại vụ cháy xảy ra lúc rạng sáng 1/3/2022 tại nhà riêng vừa ở vừa kinh
doanh trên khu phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, anh Sái Văn
Tuynh (SN 1987) vẫn không hết cảm giác sợ hãi. “Tôi không biết nói gì để cảm ơn
các anh Đội Cảnh sát PCCC & CNCH Công an quận Hoàng Mai, những người đã
dũng cảm, bất chấp hiểm nguy để giúp tôi và các con thoát nạn trong gang tấc”,
anh Tuynh xúc động chia sẻ. Theo anh Tuynh, đám cháy xảy ra vào khoảng 2h sáng.
Do nhà có nhiều thiết bị dễ cháy gồm các loại máy in và thiết bị điện khác… nên
chỉ trong chốc lát, ngọn lửa bùng dữ dội, khói đen bao trùm tầng 1, xâm lấn lên
khu vực tầng 2, nơi vợ chồng anh cùng 3 con nhỏ đang chìm trong giấc ngủ. Chỉ đến
khi khói xộc vào phòng ngủ ở tầng 2, tiếng nổ lốp bốp bắt đầu vang lên thì vợ
anh mới tỉnh giấc.
Bước chân ra
bên ngoài, vợ anh bàng hoàng khi phát hiện căn nhà đang chìm trong biển lửa.
Anh Tuynh lúc này choàng tỉnh sau khi vợ hô hoán, vội đưa vợ và con lớn lên tầng
3, thoát ra ngoài theo cửa tum rồi quay lại phòng ngủ để cứu thêm 2 con nhỏ…
Khi anh quay trở lại, ngọn lửa đã bùng cháy dữ dội, khói xông lên tầng 2 khiến
anh mất phương hướng, không tìm được đường thoát ra ngoài. Cả 3 cha con bị kẹt
lại trong phòng ngủ…
Rất may, ngay
trước thời điểm xảy ra hỏa hoạn, gia đình anh mới được các cán bộ Đội Cảnh sát
PCCC & CNCH Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Công an phường Thịnh Liệt
tuyên truyền về công tác phòng, chống cháy nổ nên khi sự cố cháy xảy ra, anh đã
dùng nước dội lên chiếc đệm, sau đó phủ lên người 3 bố con để tránh lửa và các
khí độc xâm lấn…
Nhắc lại thời
khắc chạy đua với ngọn lửa đang bao trùm ngôi nhà 3 tầng của vợ chồng anh
Tuynh, Trung tá Nguyễn Hùng Nam, Phó trưởng Công an quận Hoàng Mai cho biết,
nơi xảy ra vụ cháy tuy chỉ cách ngõ khoảng 200m nhưng tương đương với khoảng 10
cuộn vòi chữa cháy. Nếu lúc đó sử dụng vòi dẫn nước thì sẽ không đảm bảo thời
gian chữa cháy. Vì thế, anh em đơn vị đã triển khai phương tiện chữa cháy
chuyên dụng, sử dụng máy bơm chữa cháy hút nước từ bể nhà dân để chữa cháy và
phun làm mát mở đường cho CBCS. Đồng thời, sử dụng trang phục bảo hộ chống
cháy, bình thở băng qua lửa lao vào bên trong căn nhà tìm kiếm nạn nhân.
Lúc này, vợ
anh Tuynh cùng một người con đã thoát ra bên ngoài, bất lực nhìn ngọn lửa đang
bao trùm toàn bộ căn nhà, gào khóc gọi chồng và các con. Dù cố gắng giữ bình
tĩnh để nắm bắt tình hình nhưng anh em CBCS cũng nóng ruột bởi sự việc rất cấp
bách. Ngay khi thông tin vẫn còn người mắc kẹt tầng 3, dù toàn bộ khu vực tầng
1 đang cháy nhưng nhận thấy phần cầu thang lên tầng 2 không có vật cản, vì thế,
CBCS nhanh chóng băng qua lửa, tiếp cận căn phòng anh Tuynh và 2 cháu nhỏ đang
được cho là tránh trú trong đó.
Trong làn
ranh giới sinh tử được tính bằng giây, việc tìm kiếm đang đi vào tuyệt vọng thì
dưới chiếc đệm vang lên giọng nói đáp trả của mấy bố con… “Đây không phải là lần
đầu tiên chúng tôi tham gia cứu người nhưng cảm giác lúc đó rất đặc biệt. Khi
nhấc chiếc đệm lên, mọi người tạm thở phào vì thấy anh Tuynh cùng hai cháu nhỏ
đang nằm ở bên dưới…”, Trung tá Nguyễn Hùng Nam nhớ lại.
Chúng tôi đến
Đội Cảnh sát PCCC, Công an quận Hoàn Kiếm vào trưa 18/7. Khi đó Thượng úy Nguyễn
Viết Quân và đồng đội mới trở về đơn vị sau khi nỗ lực dập tắt đám cháy tại số
nhà 378 phố Phúc Tân, phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thượng úy Nguyễn
Viết Quân chính là người đã dũng cảm cứu người bị nạn, cõng ông Đỗ Đức Kiện đang
dần ngất lịm thoát khỏi đám cháy.
Lúc này, Thượng
úy Nguyễn Viết Quân và đồng đội vẫn mặc nguyên bộ quần áo bảo hộ ướt sũng nước,
khuôn mặt lấm lem, ám khói bụi, lộ vẻ mệt mỏi sau cả đêm trắng chiến đấu với
“giặc lửa” hung dữ. Dẫu vậy, khi thấy chúng tôi, người chiến sĩ Cảnh sát PCCC
trẻ ấy vẫn nở nụ cười, không giấu được nỗi vui mừng, bởi may mắn trong trận hỏa
họa đêm qua, bằng sự mưu trí, dũng cảm, với nỗ lực, quyết tâm cao nhất, anh và
đồng đội, có sự giúp sức của người dân đã đưa được 4 người dân thoát khỏi bàn
tay của “tử thần”.
“Đặc thù nghề
nghiệp không cho phép chúng tôi nấn ná với thời gian bởi lý do khi xảy ra cháy,
người chiến sĩ Cảnh sát PCCC phải tranh thủ từng giây từng phút chạy đua với thời
gian để đến hiện trường nhanh nhất, kịp thời khống chế ngọn lửa, tìm kiếm, đưa
người bị nạn ra ngoài an toàn”- Thượng úy Nguyễn Viết Quân tâm sự. Chính vì lẽ
đó, trong mọi hoạt động, sinh hoạt ngày thường cũng như ở đơn vị, cái nếp, cái
tính cẩn thận, ngăn nắp gọn gàng và tác phong nhanh nhẹn ấy Thượng úy Nguyễn Viết
Quân và đồng đội được rèn rũa, thấm nhuần.
Nhắc đến vụ
cháy và nhất là việc hình ảnh của bản thân đang được dư luận và cộng động mạng
chia sẻ, Thượng úy Nguyễn Viết Quân cười hiền cho biết, từ đêm cho đến giờ vẫn
chưa có lúc nào ngơi nghỉ, cầm điện thoại nên không biết việc đó. Đêm 17/7, Thượng
úy Quân đang trực ở đơn vị cùng đồng đội thì khoảng 0h52’ ngày 18/7, tiếng
chuông báo động của đơn vị réo vang. Tin báo cháy tại địa chỉ số 378 phố Phúc
Tân nhanh chóng được Đại úy Trần Quốc Oai, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC thông báo,
yêu cầu đơn vị khẩn trương di chuyển đến hiện trường để tham gia chữa cháy, cứu
hộ cứu nạn.
Rất nhanh
chóng, đội hình triển khai công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn gồm 27 CBCS của đơn
vị cùng với 2 xe chữa cháy đã khẩn trương có mặt tại địa điểm cháy. Khi đến
nơi, cửa chính tầng 1 của ngôi nhà khóa bên trong. Ngọn lửa hung dữ lúc này đã
bao trùm toàn bộ tầng 1, thiêu cháy gần như hoàn toàn những vật dụng, đồ đạc ở
phía trong. Toàn bộ diện tích tầng 1 của ngôi nhà ước chừng khoảng 30m2 bị lửa
“chiếm giữ”. Lửa khói đang lan lên trên tầng 2, 3 và 4 của ngôi nhà. Đường
thoát của những người dân trong ngôi nhà trên đã bị “biển lửa” chặn lại, buộc họ
phải chạy ngược lên trên để cầu cứu.
Thượng úy
Nguyễn Viết Quân thuật lại, kể từ lúc nhận được tin báo cháy và di chuyển đến
hiện trường vụ cháy có lẽ chỉ tính bằng giây bằng phút. Ngoài tổ chữa cháy, đơn
vị còn bố trí một tổ công tác có nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn các nạn nhân.
Thượng úy Nguyễn Viết Quân nằm trong tổ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn.
Khi đến nơi,
vòi rồng nhanh chóng được anh và CBCS trong đơn vị đưa ra, phun nước vào trong
đám cháy. Trong khi đồng đội phun nước từ vòi rồng vào đám cháy thì Thượng úy
Nguyễn Viết Quân cùng với CBCS trong tổ công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn bất chấp
hiểm nguy lao vào đám cháy để tìm kiếm các nạn nhân. Lúc này, toàn bộ tầng 1 của
ngôi nhà dường như bị ngọn lửa bao trùm. Ở phía trên tầng 2 và 3, tầng 4 của
ngôi nhà, những tiếng hô hoán, kêu cứu của các nạn nhân cứ lịm dần, lịm dần bởi
khói, lửa đang xâm chiếm lên phía trên.
“Cánh cửa
tầng 1 của ngôi nhà nhanh chóng bị phá, chúng tôi lao vào biển lửa và chạy lên
tầng 2. Khói mù mịt, đêm hôm hệ thống điện bị chập, cháy càng khiến cho công
tác tìm kiếm khó khăn”-Thượng úy Quân thuật lại. Thượng úy Quân cùng với
đồng đội nhanh chóng mở toang những cửa sổ trên tầng 2 để khói đặc phía trong
thoát bớt ra ngoài.
Những người
trong căn nhà bị cháy dù đã chạy lên tầng 2, tầng 3 và 4 đồng thời đóng chặt cửa
vào nhưng khói vẫn len vào bên trong, khiến họ bị sặc khói. Lúc này, bà Nguyễn
Lan Anh cùng với ông Đỗ Đức Kiện và con gái Đỗ Linh Chi bị ngạt khói, ho sặc sụa,
vô cùng hoảng loạn. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã khẩn trương dùng khăn ướt, làm
biện pháp chống ngạt khói và nhanh chóng đưa mọi người ra ngoài an toàn.
Lúc này,
trong ngôi nhà trên vẫn còn người. Tiếng kêu cứu yếu ới và hoảng loạn của người
bị nạn trong căn nhà càng thôi thúc Thượng úy Quân cùng đồng đội chạy đua với
giặc lửa, với khói độc lao lên tầng thượng tìm kiếm. Trên tầng thượng của ngôi
nhà, anh Đỗ Chí Bằng lúc này bị lửa trùm lên người, bỏng nặng. Khói xộc vào miệng
và đường thở của anh Bằng khiến anh dần ngất lịm đi. Nếu không được sơ cứu kịp
thời thì cho dù có đưa được anh Bằng xuống phía dưới thì nạn nhân cũng sẽ gặp
nguy hiểm đến tính mạng.
Thượng úy
Quân nhanh chóng rửa mũi, đưa những bụi mịn, tàn muội của khói ở trong miệng,
mũi của anh Bằng ra ngoài, đồng thời hô hấp nhân tạo, giằng giật sự sống lại
cho nạn nhân từ bàn tay “tử thần”. Khi hơi thở của anh Bằng đã được kéo trở lại,
nhịp tim dần đập bình thường, Thượng úy Quân lúc này nhanh chóng xốc người bị nạn
lên lưng, trùm chăn ướt kín người nạn nhân và đưa xuống phía dưới.
Hình ảnh mặt
mũ, quần áo lấm lem và nhất là đôi mắt cương nghị, quyết tâm chiến đấu, chiến
thắng giặc lửa của Thượng úy Nguyễn Viết Quân đã trở thành hình ảnh đẹp, được
dư luận ngợi khen. Hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, bình luận với những dòng, trạng
thái của cộng đồng mạng bày tỏ niềm xúc động, khâm phục người chiến sỹ Cảnh sát
PCCC đã tràn ngập khắp mạng xã hội.
Khi chúng tôi
hỏi khoảnh khắc lao vào biển lửa để cứu người dân gặp nạn, những người chiến sỹ
Cảnh sát PCCC như Thượng úy Nguyễn Viết Quân có suy nghĩ gì? Vẫn nụ cười hiền,
Thượng úy Quân thành thực: “Tôi chẳng kịp nghĩ gì cả. Lúc ấy, chỉ mong sao lao
vào lửa tìm kiếm được người bị nạn để đưa họ ra ngoài an toàn một cách
nhanh nhất”.
Ngọn lửa quá
hung dữ, và như một phản xạ đã trở thành có điều kiện, một mệnh lệnh của trái
tim, những người Cảnh sát PCCC như Thượng úy Quân và đồng đội chẳng có đủ thời
gian để nghĩ gì, ngoài việc làm thế nào tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn được các nạn nhân,
đưa họ ra ngoài nhanh nhất, an toàn nhất.
Hơn 11 năm đứng
trong hàng ngũ lực lượng CAND và cũng chừng đó thời gian Thượng úy Nguyễn Viết
Quân gắn bó với công việc, nhiệm vụ chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Trong suốt 11
năm qua, rất nhiều những vụ cháy lớn đã được Thượng úy Quân và đồng đội tham
gia dập tắt, cứu hộ cứu nạn thành công.
“Đã xảy ra
cháy nổ thì dù có cứu được người thì cũng thiệt hại ít nhiều và thậm chí rất lớn
về tài sản. Hậu quả cháy rất khủng khiếp. Mỗi người dân chúng ta hãy tự nâng
cao ý thức phòng cháy chữa cháy, thay đổi từ chính những thói quen, nếp sinh hoạt
tưởng chừng như đơn giản như khóa van gas khi nấu ăn xong, không thắp hương khi
vắng nhà, hệ thống điện không được câu, nối dẫn tới quá tải…điều đó cũng góp phần
phòng ngừa rất lớn cháy, nổ”- Thượng úy Nguyễn Viết Quân trăn trở khi trải lòng
với phóng viên.
0 nhận xét: