29/7/22

HUYỀN THOẠI NỮ ANH HÙNG

             Người nữ kiên trung ấy chính là bà Phạm Thị Mai (tức Tám Tiệm, SN 1946, ngụ ấp 3, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). Cô được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng với 7 anh chị em, song 3 người anh đã hy sinh trong chiến tranh kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thời chống Mỹ, cô là đội viên du kích mật của xã Hàm Liêm trong vùng “Tam giác sắt”, mảnh đất kiên cường hứng chịu đạn bom ác liệt giành từng tấc đất. 2 giờ chiều ngày 8-3-1968, Tiểu đoàn 4 Sư đoàn 32 quân đội Sài Gòn kéo về bao vây Hàm Liêm. Lúc đó, chị đang viết báo cáo chuẩn bị cho cuộc mít tinh. Nghe động, chị chạy xuống hầm cùng 4 đồng chí khác. Kẻ thù ném lựu đạn xuống hầm bí mật, 4 đồng chí của chị hy sinh. Chị tung hầm, bằng quả lựu đạn cuối cùng, chiến đấu quyết liệt, gây thiệt hại nặng nề cho địch. Chị bị thương ở chân, hai tay và mặt. Địch dùng máy bay đưa chị cùng số binh lính thương vong về Camp ESEPIC (Bệnh viện Đoàn Mạnh Hoạch). Tại đây, chúng tra tấn chị bằng nhiều hình thức, chúng tra tấn vô cùng dã man và cưa hai chân của cô đến ba lần sát bẹn rồi ném vào nhà xác. Sức sống mãnh liệt của người cộng sản kiên trung vì dân, vì nước đã làm cô sống lại giữa hàng trăm xác chết, bọn địch sau đó tống cô vào nhà lao giam giữ. Vết thương chưa lành hẳn, địch chuyển chị về tiểu khu tiếp tục tra tấn, hỏi cung. Nhổ máu từ miệng ra, chị nhìn thẳng vào bọn ác ôn, gằn từng tiếng: “Đồ hèn, hành hạ một phụ nữ tàn phế như tao, các người không nhục sao? Tao thà chết, quyết không khai ra đồng chí của mình, phản bội cách mạng”. Địch tống chị vào trại giam Ty cảnh sát, rồi đưa chị xuống nhà tù Bình Thuận.

Đầu năm 1970, địch thả người nữ tù bị cưa cụt đôi chân về địa phương vì cho rằng chị đã tàn phế, không còn sức để hoạt động cách mạng nữa. Nhưng địch đã lầm, với đôi chân bị cưa sát, chị vẫn tiếp tục đánh giặc. Chị làm cố vấn chỉ huy quân sự, tham gia đánh hàng trăm trận. Với thương tật như thế, thêm hai lần nữa, chị bị kẻ thù bắt giam vào nhà tù Bình Thuận rồi đưa ra tòa án quân sự ở Nha Trang. Tháng 11-1974, chị ra khỏi nhà tù, được đưa vào căn cứ làm việc trong một cơ quan dân y cho đến ngày hòa bình.

Đến ngày hôm nay, chúng ta đang được sống trong thời bình, không có chiến tranh là nhờ công ơn của các anh hùng liệt sỹ. Thật đáng tự hào về thế hệ đi trước, tự hào về nữ anh hùng trong thời chiến.

 

0 nhận xét: