“Phi chính trị hóa” quân đội là một trong những chiêu trò thâm độc của các thế lực thù địch nhằm hiện thực hóa âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; làm cho Quân đội ta bị vô hiệu hóa; Đảng, Nhà nước mất chỗ dựa vững chắc là Quân đội.
Gần đây, lợi
dụng Đảng ta tổ chức Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII bàn về tiếp tục đổi mới
phương thức lãnh đạo của Đảng; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, một số người viết bài, tung tin trên mạng xã hội, đã xuyên
tạc, tỏ rõ thái độ thiếu thiện chí, không có ý thức xây dựng lực lượng vũ
trang; trong đó có kiến nghị với Đảng ta, rằng “Quân đội phải duy trì tính
trung lập về chính trị, đặt lợi ích của nhân dân lên trước bất kỳ tổ chức hay
cá nhân nào”, “Quân đội chỉ cần trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không
phải trung thành với bất kỳ tổ chức chính trị nào”; “không phải trung thành với
Đảng Cộng sản Việt Nam”; “Quân đội chỉ tuân theo pháp luật”, “phải thượng tôn
pháp luật”…
Thực chất của
quan điểm thiếu thiện chí này là gì”, sự vô lý của nó thể hiện như thế nào?
(a) Ẩn ý đằng
sau luận điểm này là đề cao vai trò của Nhà nước, hạ thấp và phủ nhận vai trò
lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; đối lập và chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa
Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân, làm cho quân đội mất phương hướng chính
trị, bị vô hiệu hóa và suy yếu sức mạnh chiến đấu, từ đó thực hiện ý đồ: đánh mất
bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, làm cho quân đội không còn
“tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên”; cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật, từ
bỏ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu. Cùng với đó, lái Quân đội sang hướng khác, “lạc
đường”, “chệch hướng xã hội chủ nghĩa”, không còn là lực lượng tin cậy, tuyệt đối
trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
(b) Tán
dương và cổ súy cho cái gọi là “Quân đội phải đứng ngoài cuộc đấu tranh giai cấp,
đấu tranh dân tộc”; “không tham gia tranh giành quyền lực nhà nước” để điều hòa
mâu thuẫn giai cấp, giảm bớt sự căng thẳng giữa các đảng phái chính trị, giai cấp
và nhà nước.
(c) Cố
tình “tách” vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc ra khỏi bản chất, mục tiêu, lý tưởng
chiến đấu của quân đội cách mạng; thủ tiêu bản chất giai cấp công nhân, tính
nhân dân và tính dân tộc của Quân đội ta. Rõ ràng là, quan điểm sai trái nêu
trên vừa phản khoa học vừa phi lịch sử, cố tình đồng nhất chính trị của quân đội
cách mạng với chính trị của quân đội tư sản. Vì vậy, nó không chỉ sai lầm về lý
luận nhận thức, mà còn phản ánh sai sự thật, trái với bản chất, truyền thống của
quân đội cách mạng. Đó là cái cớ để chúng xuyên tạc quá trình xây dựng, trưởng
thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta.
Nắm vững
lý luận “gốc”, thống nhất tính đảng và tính khoa học trong xem xét nguồn gốc, bản
chất, chức năng và nhiệm vụ của quân đội cách mạng
Bàn về vấn đề
này, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định: giai cấp công nhân
phải đứng vững trên lập trường mác xít để xem xét nguồn gốc, bản chất, mục
tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội, không thể đánh đồng quân đội cách mạng với
quân đội phản cách mạng – quân đội của giai cấp tư sản. Đó là điều căn cốt nhất
để khẳng định: Không thể có quân đội phi chính trị, phi giai cấp, hoặc
quân đội “trung lập”, “đứng ngoài chính trị”, “quân đội chỉ tuân theo pháp
luật” thuần thúy. Quan điểm này sai từ “gốc”, từ điểm xuất phát, đã đối lập
tính đảng với tính khoa học.
Thực tế chứng
minh rằng: Bất cứ quân đội của giai cấp nào và ở chế độ xã hội nào cũng vậy,
chính trị của quân đội luôn là vấn đề “gốc”, có ý nghĩa quyết định sự sống còn
của quân đội, của chế độ chính trị – xã hội và vận mệnh của quốc gia – dân tộc,
trước hết là nhà nước đã sản sinh ra và nuôi dưỡng nó. Chính trị của quân đội,
về thực chất, không có gì khác là vấn đề bản chất giai cấp của quân đội. Nó trả
lời cho câu hỏi: Quân đội đó do giai cấp nào đứng ra tổ chức, đảng chính trị
nào lãnh đạo, quân đội ấy bảo vệ quyền lợi của ai, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu
vì ai.
Thực tiễn tổ
chức và hoạt động của quân đội trong lịch sử nhân loại đã chứng minh: Sự xuất
hiện của mọi quân đội đều gắn với chính trị, với sự ra đời của giai cấp, nhà nước,
đồng hành với nó là chiến tranh; không thể có và không bao giờ có quân đội
trung lập, đứng ngoài chính trị, chỉ tuân thủ pháp luật. Cho nên, quân đội bao
giờ cũng là công cụ bạo lực của một giai cấp, nhà nước và của đảng phái chính
trị để tiến hành đấu tranh vũ trang, thực hiện mục tiêu chính trị của giai cấp,
nhà nước đã tổ chức và nuôi dưỡng quân đội. Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, quân
đội là công cụ bạo lực của giai cấp tư sản, có nhiệm vụ bảo vệ nhà nước tư sản
và lợi ích của giai cấp tư sản; không có quân đội đứng trên giai cấp, đứng
ngoài giai cấp, phi chính trị, chỉ tuân theo pháp luật thuần túy. Quan điểm cho
rằng “quân đội chỉ tuân theo pháp luật”, “quân đội phải trung lập, đứng ngoài
chính trị” là sự cổ súy cho quân đội đứng ngoài cuộc đấu tranh giai cấp, tranh
giành quyền lực nhà nước của các đảng phái chính trị tư sản, nó chỉ có ở các nước
tư bản và chỉ trên lời nói.
Chính trị
của Quân độita là chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Chính trị
của Quân đội nhân dân Việt Nam là thực hiện mục tiêu,
lý tưởng của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, biểu hiện
tập trung, thống nhất ở mục tiêu độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa, vì
cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Trong điều kiện
Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, lãnh đạo, Quân đội ta không chỉ tuân theo Hiến
pháp, pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trực tiếp là
Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Sĩ quan quân đội; Luật giáo dục Quốc phòng và An ninh
cũng như các bộ luật, pháp lệnh và các chiến lược quốc gia khác. Đó là lẽ đương
nhiên vì quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam đồng thời là công dân nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng trước hết, là quân nhân cách mạng do Đảng,
Bác Hồ sáng lập, tổ chức giáo dục và rèn luyện. Đã là quân nhân cách mạng, nhất
thiết phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm Cương lĩnh, chủ
trương, đường lối của Đảng. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc và là đặc trưng
căn bản nhất của quân đội cách mạng, làm cho nó hoàn toàn khác với quân đội của
giai cấp tư sản.
Vì vậy, giữ vững
và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân
đội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với quân đội; xây dựng
quân đội vững mạnh về chính trị là yêu cầu khách quan, rất cơ bản trong xây dựng
quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân. Đó là cơ sở để nâng cao chất lượng tổng
hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội; là “vũ khí sắc bén” để đập tan sự xuyên tạc,
“đổi trắng thay đen”, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Xem
nhẹ hoặc buông lỏng vấn đề xây dựng quân đội vững mạnh về về chính trị là sai lầm;
nó sẽ làm cho quân đội mất phương hướng chính trị, xa rời bản chất giai cấp
công nhân, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa
xã hội; làm cho quân đội không còn là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối
trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Từ những vấn
đề trình bày trên đây, chúng ta có đủ căn cứ khoa học để bác bỏ các luận điểmsai
trái, phản động khi cho rằng: “các lực lượng vũ trang phải duy trì tính
trung lập về chính trị”, “lực lượng vũ trang chỉ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ
quốc gia và phục vụ nhân dân”, “quân đội chỉ tuân theo pháp luật”… Đã là
quan điểm sai trái, đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta
và lợi ích quốc gia – dân tộc, thì phải đoạn tuyệt với nó, Quân đội ta không cần
nó và không thể làm khác mục tiêu, lý tưởng đã xác định.
Lịch sử xây dựng,
chiến đấu và trưởng thành gần 78 năm qua đã chứng minh: Quân đội nhân dân Việt
Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện,
từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân,
tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Vì vậy, Quân đội ta thật sự là công cụ bạo
lực sắc bén của Đảng, Nhà nước, một lòng một dạ “tận trung với Đảng, trọn hiếu
với dân”. Chân lý này đã được lịch sử cách mạng Việt Nam chứng minh và sự trưởng
thành, lớn mạnh của Quân đội ta khẳng định trong các cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trong sự xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đây chính là
sự biểu hiện sâu sắc bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của
Quân đội ta. Đồng thời, thể hiện rõ ràng nhất mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề
giai cấp và vấn đề dân tộc trong cách mạng Việt Nam và bản chất chính trị – xã
hội của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Ai đó đưa ra
luận điểm: “Quân đội chỉ tuân theo pháp luật”, “quân đội phải trung lập, đứng
ngoài chính trị”, thoát ly sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là “sự ngụy
biện” dẫn đến sai lầm đáng tiếc. Họ cố tình “tách” vấn đề giai cấp và vấn đề
dân tộc ra khỏi bản chất, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta để che đậy
mưu đồ tách Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, đồng nhất chính trị của Quân
đội ta với chính trị của quân đội tư sản. Đó là điều vô lý, không thể chấp nhận
Vấn đề có
tính nguyên tắc không bao giờ thay đổi, cần giữ vững, tiếp tục phát huy trong
xây dựng, củng cố và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Quân đội ta
(1) Không thể
và không cho phép ai tách vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc ra khỏi bản chất
cách mạng, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, cũng như chức năng, nhiệm vụ của Quân
đội nhân dân Việt Nam. (2) Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và Bác Hồ:
Quân đội ta là quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đồng thời là
quân đội của giai cấp công nhân Việt Nam, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý;
không được làm sai điều đó. (3) Phải đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng quân đội vững
mạnh về chính trị, lấy chính trị làm “gốc”, thực hiện “người trước súng sau” để
xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến
đấu; phấn đấu từ năm 2030, xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy,
tinh nhuệ, hiện đại. (4) Không ngừng củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công
nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội. (5) Giữ vững và tăng cường sự
lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. (6) Kiên định
mục tiêu, lý tưởng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; không ngừng nâng cao
chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng hệ
thống tổ chức đảng trong quân đội trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ,
sĩ quan quân đội vững mạnh toàn diện. (7) Phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp
của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện chức năng, niệm vụ của quân đội, sẵn sàng nhận
và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.
ĐOÀN HẢI
0 nhận xét: