12/10/22

Làm chủ ‘sức mạnh mềm’ nhân quyền: Việt Nam tự tin vào ‘sân chơi lớn’ (Bài 1)

 


Sau 36 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu nổi bật. Khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng, ý chí tự lực, tự cường luôn là “sức mạnh nội sinh” cho đất nước vững tiến đi lên, cũng như đạt được nhiều thành tựu kinh tế vô cùng ấn tượng trong công cuộc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy vậy, trên chặng đường đổi mới của nước ta, các lực lượng phản động, thù địch vẫn thường xuyên dùng các luận điệu “phản biện xã hội,” đấu tranh vì “dân chủ, nhân quyền,” xây dựng “xã hội dân sự,” lợi dụng vấn đề chủ quyền, lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo, nhất là các hoạt động lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do Internet… để xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; từ đó kích động tư tưởng, thái độ thù địch, bôi nhọ hình ảnh, uy tín đất nước ta.

Đáng chú ý, do sự khác biệt về bản chất và ý thức hệ giữa chế độ chính trị của Việt Nam với các nước tư bản, phương tây nên vấn đề dân chủ, nhân quyền luôn là nội dung “đấu tranh” thường xuyên, lâu dài, bởi đây là vấn đề nhạy cảm mà các thế lực thù địch, phản động, bất mãn chính trị thường lợi dụng, bóp méo để nói xấu chế độ, kích động chống phá Việt Nam cũng như chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Trước những mưa đồ, thủ đoạn chống phá trên, trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động tăng cường sự tham gia nhiều hơn vào cơ chế về quyền con người của Liên Hợp quốc; trong đó Đảng và Nhà nước ta luôn xác định bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là chủ trương xuyên suốt.

Gần đây, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu…”

Mặt khác, Việt Nam không bao giờ chấp nhận và kiên quyết đấu tranh với những luận điệu, đánh giá chủ quan, phiến diện, thiếu thiện chí, không có cơ sở, không phản ánh đúng tình hình thực tế. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã nâng cao nền tảng nhận thức cho các cán bộ từ Trung ương tới các cấp cơ sở về vấn đề nhân quyền, qua đó đảm bảo “sức mạnh mềm” để vững tin tham gia vào “luật chơi” toàn cầu – thực hiện nghĩa vụ pháp lý của quốc gia thành viên đối với các công ước quốc tế về quyền con người; chủ động hội nhập sâu rộng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Để rõ hơn về vấn đề trên, mời bạn đọc đón đọc loạt bài Làm chủ “sức mạnh mềm” nhân quyền: Việt Nam tự tin vào “sân chơi lớn”

Người Mông theo đạo Tin lành ở xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bài 1: Nhận diện “bóng ma” tà đạo “bóp méo” nhân quyền, chống phá Việt Nam

Lẩn trong “bóng ma đen tối” của tà đạo – hiện tượng đội lốt tôn giáo cùng thông tin sai trái độc hại trên Internet, nhiều năm qua, các thế lực thù địch, tổ chức người Mông lưu vong, phần tử Fulro chống phá nhà nước đã tăng cường các hoạt động kích động, tuyên truyền tư tưởng ly khai tự trị trong đồng bào các dân tộc.

Trước sự càn quét của “virus” tà đạo, tại một số khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã nổi lên các hoạt động chống phá như: Lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số thành lập “vương quốc Mông” hay “nhà nước Mông” ở các tỉnh biên giới phía Bắc; âm mưu thành lập “nhà nước Đề Ga” tại khu vực Tây Nguyên.

Tất cả các mưu đồ, hoạt động tuyên truyền, kích động chống phá nêu trên đều nhằm tới mục tiêu: Chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; hạ thấp uy tín và thành quả cách mạng của Đảng và Nhà nước Việt Nam; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta.

“Virus” tà đạo lừa phỉnh đồng bào, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc

Giữa tháng 8/2022, trong quá trình đi thực tế tìm hiểu về công tác nhân quyền tại các tỉnh miền núi, phóng viên VietnamPlus nhận được thông tin từ Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ cho biết các luận điệu “bóp méo” nhân quyền nhằm chống phá Việt Nam, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc thời gian qua vẫn đang diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu đã từng xuất hiện các hoạt động lôi kéo đồng bào thành lập “nhà nước Mông” thông qua hệ phái tôn giáo trái pháp luật (tà đạo) với hình thức biến tướng, bản chất là mê tín dị đoan, hoang đường, xuyên tạc các nội dung trong kinh thánh để chống phá đất nước như: “Giê Sùa” và “Bà Cô Dợ” – đây là những loại tà đạo có nguồn gốc từ người Mông sinh sống ở Mỹ.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, vấn đề lợi dụng hiện tượng lạ đội lốt tôn giáo để tuyên truyền, thành lập cái gọi là “nhà nước Mông” bắt đầu manh nha xuất hiện tại huyện Mường Nhé từ những năm 2003, 2004; sau đó lan rộng sang khu vực huyện Mường Tè trong thời gian gần đây.

Cao điểm nhất là năm 2011, một số đối tượng chủ trương lợi dụng mê tín dị đoan, thần quyền để cầu nguyện đã tuyên truyền xuyên tạc, lừa bịp, kêu gọi, tập hợp lực lượng, tổ chức đón “vua Mông,” lập “vương quốc Mông.” Do ảnh hưởng của các luận điệu trên, những ngày đầu tháng 5/2011 đã có nhiều người Mông gồm cả thanh niên, phụ nữ, người già, trẻ em từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông mang theo chăn, màn, quần áo, tư trang, lương thực, nước uống, xăng dầu, theo đường mòn, men các sườn núi kéo về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè để tụ tập “xưng vua” – lập “vương quốc Mông.”

Thực tế, tư tưởng ly khai, tự trị được các đối tượng phản động trong cộng đồng dân tộc Mông ở nước ngoài tuyên truyền vào địa bàn thông qua một số đối tượng cốt cán tìm cách vận động, tập hợp lực lượng trong người Mông.

Sau năm 2011, mặc dù lực lượng chức năng các tỉnh đã đẩy mạnh ngăn chặn, xử lý nhiều đối tượng cầm đầu; tích cực gặp gỡ, vận động, củng cố địa bàn, song những hoạt động lôi kéo thành lập cái gọi là “nhà nước Mông” vẫn chưa được giải quyết triệt để và có biểu hiện diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2020, một số đối tượng do chưa từ bỏ tư tưởng chống đối, vẫn ảo tưởng sẽ được Chúa giúp đỡ thành lập nhà nước riêng của người Mông nên đã móc nối với tổ chức ở nước ngoài và một số đối tượng ở Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu tập trung về huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) để bàn bạc, thống nhất… Sau đó, gần 400 người đã tụ tập tại địa danh Ao Rồng thuộc địa bàn xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, Lai Châu) để thực hiện “Lễ công bố thành lập nhà nước Mông.”

Để thực hiện mưu đồ trên, các đối tượng tung ra những luận điệu tuyên truyền mang tính chất hoang đường, lợi dụng mê tín dị đoan như: “Sắp có họa lớn” hay “sắp đến ngày tận thế” để lôi kéo, mị dân, làm cho đồng bào vừa hoang mang, lo sợ, vừa hy vọng vào sự xuất hiện của một vị cứu tinh, thoát kiếp nghèo khó.

Ngoài ra, để dễ tạo niềm tin, các đối tượng chống phá đã triệt để lợi dụng tôn giáo, thông qua việc tuyên truyền “Vua của người Mông sẽ cứu giúp người Mông, đưa người Mông đến chỗ sung sướng, có cuộc sống no đủ.” Hầu hết người dân tham gia các hoạt động có màu sắc tôn giáo kiểu tà đạo đều tin một cách mê muội vào chúa trời và tin rằng mọi thứ trên đời đều do chúa sắp đặt.

Các tín đồ chức sắc Tin Lành bà con dân tộc Mông tập trung ở Pờ Ngài, một trong 7 điểm sinh hoạt tôn giáo ở xã Huổi Luông để cùng hát Thánh ca. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cứ thế, “virus” tà đạo Giê Sùa, Bà Cô Dợ như “nấm mốc” đã lan vào nhiều khu vực cộng đồng người Mông sinh sống; tạo ra tư tưởng lệch lạc nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc; phủ nhận những chủ trương, chính sách chăm lo cho đời sống đồng bào mà Đảng và Nhà nước đang kiên trì, quyết tâm thực hiện nhiều năm qua.

“Dòng tiền đen” huyễn hoặc “nuôi” mưu đồ chống phá

Cổ vũ cho tư tưởng ly khai, tự trị, chia rẽ đồng bào trên, nhiều năm nay, một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thường xuyên tài trợ tài chính để các hiện tượng mang màu sắc tôn giáo (đạo lạ) hoạt động với mục đích chính là xuyên tạc, kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông tham gia vào công cuộc chống phá.

Thông tin từ cơ quan điều tra cho thấy chỉ riêng các hoạt động lôi kéo bởi tà đạo “Bà Cô Dợ” do Vừ Thị Dợ (người Mông, đang sinh sống tại Mỹ) tự lập ra, trong nhiều năm, thông qua hệ thống ngân hàng, đối tượng này cùng “cộng sự” ở Mỹ đã hơn 20 lần gửi tiền, với tổng số tiền trên 600 triệu đồng cho những đối tượng cầm đầu ở huyện Mường Nhé để tuyên truyền, lôi kéo người Mông tham gia.

Bị huyễn hoặc bởi “dòng tiền đen” cùng những lời hứa hẹn về một tương lai sẽ có cuộc sống no đủ, thậm chí “không làm thì cũng có ăn” từ các đối tượng phản động, nhiều người Mông đã tin nghe, hoặc vì lợi ích vật chất trước mắt mà làm theo.

Song, thực tế các hoạt động trên chỉ nhằm hướng đến mục đích chống phá, bởi sự thật hiện hữu là “ngày tận thế” không đến, trời đất không sụp đổ, cũng chẳng có “ông vua” hay “đấng cứu thế” nào là người Mông có quyền năng để đưa người dân tới nơi được gọi là “miền đất hứa” như những lời lừa phỉnh huyễn hoặc.

Thay vào đó, rất nhiều đối tượng cầm đầu thực hiện âm mưu, thủ đoạn, ảo vọng thành lập “nhà nước Mông” đã bị bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Và, sự thật cũng chỉ có công an, bộ đội, cán bộ chính quyền, đoàn thể đến giúp đỡ đồng bào về nhà bằng tất cả trách nhiệm, sự sẻ chia. Đó là minh chứng vạch trần luận điệu xuyên tạc, chống phá của các đối tượng phản động.

Chính Sùng Vả Lình (một trong số hàng trăm người từng tham gia hoạt động lập “nhà nước Mông”) ở xã Tà Tổng, huyện Mường Tè – trong cuộc trải lòng với phóng viên cũng đã khẳng định quá khứ lầm lỗi của mình và các thành viên trong gia đình, là do bị các đối tượng xấu lôi kéo theo tà đạo; bị huyễn hoặc bởi đồng tiền cũng như những hứa hẹn sẽ mang lại một tương lai “không làm cũng có ăn.”

“Đến lúc bị bắt, được các cán bộ giải thích, tôi đã hiểu thực tế là không thể có ‘nhà nước Mông.’ Việc tham gia hoạt động trên chỉ là nhằm làm mất hình ảnh đất nước, làm cho gia đình và người dân thêm khổ hơn thôi!” Sùng Vả Lình chia sẻ.

Trước đó, tà đạo “Hà Mòn” hay còn gọi là “Đạo Gyin” cũng đã xuất hiện tại khu vực tỉnh Kon Tum từ cuối năm 1999, sau đó lan sang các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk – do Y Gyin (sinh năm 1942, người dân tộc Ba Na Rơn gao, trú ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) tự dựng lên một câu chuyện để lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin.

Đó là việc Y Gyin đã trông thấy Đức mẹ Maria hiện ra chói lọi trên nóc nhà, Đức mẹ đã lựa chọn Y Gyin để phán truyền xứ điệp cho loài người rằng: Trái Đất này sẽ có ngày tận thế, ai tâm niệm theo Đức mẹ thì linh hồn sẽ được lên thiên đường, còn không sẽ bị xuống địa ngục với muôn vàn đau đớn vì quỷ quái hành hạ. Từ câu chuyện bịa đặt đó, Y Gyin cùng một số phần tử Fulro đã tung ra các luận điệu sai trái, bịa đặt hết sức phản động nhằm lôi kéo, kích động giáo dân Công giáo từ bỏ đạo chính thống của mình, từ bỏ nhà thờ để đi theo tà đạo của chúng.

Đồng bào Jrai đến Nhà thờ Tin Lành Plei Mơ Nú để cảm tạ Chúa đã ban cho mình sức khỏe, trí tuệ. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Nguy hiểm hơn, các phần tử Fulro đã lợi dụng tà đạo Hà Mòn để tập hợp lực lượng, gây mất ổn định về an ninh ở một số địa bàn, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Thực tế, “Hà Mòn” là một tổ chức hoạt động phi pháp, tà đạo, lợi dụng ảnh hưởng của tôn giáo để lôi kéo người dân chống phá chính quyền, phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân, đi ngược lại với chính sách, pháp luật của Nhà nước, trái với tín ngưỡng tôn giáo truyền thống và vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

“Luồng gió độc” càn quét vào lỗ hổng “tự do Internet”

Nói về thực trạng nhức nhối trên, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) Đinh Tiến Dũng cho biết ngày nay, lĩnh vực Internet đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực như thúc đẩy sự phát triển xã hội, những tác động tiêu cực của hàng loạt thông tin sai trái, độc hại trên Internet cũng đang gia tăng phức tạp.

Trên thực tế, lợi dụng chính sách khuyến khích người dân tham gia “không gian mở” trên Internet để khai thác, chia sẻ thông tin, hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch, phản động đã triệt để lợi dụng không gian mạng đăng, phát nội dung không được phép, các thông tin độc hại, sai sự thật để tiến hành các hoạt động chống phá.

Đơn cử như vụ việc thành lập “nhà nước Mông” nêu trên, Thượng tá Lù Văn Hoàn, Trưởng Công an huyện Mường Tè cho biết mưu đồ thành lập “nhà nước Mông” xuất phát từ những biểu hiện của tà đạo “Bà Cô Dợ” do Vừ Thị Dợ lập ra.

Theo đó, để thực hiện mưu đồ trên, Vừ Thị Dợ đã lợi dụng quyền tự do Internet, không gian mạng để đăng tải, tán phát nhiều đoạn video clip tuyên truyền trên mạng xã hội Youtube.com, để lôi kéo mọi người tin theo nhằm lập nhà nước riêng của người Mông. Thậm chí, một số đối tượng cầm đầu, cốt cán theo tà đạo “Bà Cô Dợ” ở Mỹ còn sử dụng ứng dụng Zoom – tạo phòng họp trực tuyến để tuyên truyền.

Do bị ảnh hưởng bởi các luận điệu tuyên truyền, ngoài các đối tượng đã trực tiếp liên hệ và xem các video của đối tượng Vừ Thị Dợ quay phát trực tiếp, tạo phòng Zoom trên mạng vào ban đêm, qua theo dõi phòng Zoom nói trên, cơ quan an ninh đã phát hiện mỗi buổi có khoảng hơn 100 người Mông ở một số nước tham gia, trong đó có Mỹ, Pháp, Lào và các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk…

Mặt trái của tự do Internet. (Nguồn: Vnews)

Theo ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), tin tức giả mạo xuất phát từ hoạt động của các tà đạo không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.

Đáng chú ý, theo ông Dũng, các hoạt động phá hoại tư tưởng chủ yếu được tiến hành thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng Internet, tập trung vào các thời điểm trước và trong khi diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của Việt Nam như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

Trong các vụ án được cơ quan chức năng triệt phá thời gian qua, có thể thấy phương thức hoạt động của các hội nhóm phản động hết sức tinh vi nên lôi kéo được khá đông số đối tượng tham gia. Số cầm đầu phản động lưu vong ở nước ngoài đã móc nối với số phần tử phản động trong nước thông qua các phần mềm mang tính bảo mật cao để liên lạc, phân công, giao nhiệm vụ, nhận sự chỉ đạo và kinh phí để tổ chức các hoạt động chống đối. Các hình thức hội họp, đào tạo, huấn luyện, chỉ đạo hoạt động đều được thực hiện qua các phần mềm này.

Cùng với đó là thành lập hội nhóm “kín” hoạt động công khai trên các mạng xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau. Cứ hội nhóm này bị các lực lượng chức năng đấu tranh, phá rã thì hàng chục hội nhóm “kín” khác trên không gian mạng tiếp tục được thành lập, tạo thành một mạng lưới làm nhiễu loạn thông tin trong cộng đồng mạng. Thành phần tham gia các hội nhóm “kín” phần lớn là đối tượng chống đối mới, tư tưởng lệch lạc hoặc đang có những vấn đề bất mãn xã hội.

Bên cạnh đó, thông qua không gian mạng, các hội nhóm phản động đẩy mạnh hoạt động đào tạo kỹ năng, phương thức tập hợp lực lượng tham gia chống phá qua các bài viết được đăng tải trên các mạng xã hội và thực địa ở một số địa phương… Từ đó, chúng tiêm nhiễm vào người dân các tư tưởng chống đối cực đoan; thực hiện các hoạt động phá hoại, bạo loạn, khủng bố nhằm mục tiêu xóa bỏ chế độ ta./.

Trước mưu đồ chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, cùng các hoạt động “bóp méo” nhân quyền của các thế lực thù địch, tổ chức người Mông lưu vong, phần tử Fulro chống phá nhà nước nêu trên, Việt Nam đã phản ứng cũng như có giải pháp, định hướng thế nào để bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền trong bối cảnh mới?

 

0 nhận xét: