“Đảng Cộng sản
Việt Nam tự cho mình quyền lãnh đạo là phản dân chủ vì dân chưa bao giờ bỏ phiếu
giao quyền cai trị cho Đảng” là nội dung được trích từ bài: “Ai giao quyền lãnh
đạo cho Đảng Cộng sản Việt Nam?” của Phạm Trần trên các trang Việt Báo, Sự thật
về Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 18/4/2023.
Họ đặt vấn đề:
“lịch sử nào” đã chọn Đảng thay dân? Nói cách khác là Đảng của ai và đại diện
cho tầng lớp nào trong xã hội Việt Nam”? Thưa ông Phạm Trần, tôi chỉ là người
ít được học hành, nhưng qua tìm hiểu, tôi thấy có mấy “lịch sử” sau, được trao
đổi với ông.
Lịch sử thứ
nhất, chính là lịch sử ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lịch sử nước ta
dưới thời thực dân Pháp xâm lược ai cũng thấy rõ, nhân dân phải sống kiếp ngựa
trâu, nô lệ. Vì thế, trước năm 1930, phong trào yêu nước ở Việt Nam nổ ra mạnh
mẽ nhằm thoát khỏi kiếp nô lệ nhưng đều bị thất bại, do bị khủng hoảng về đường
lối cách mạng. Tình hình đó đặt ra và đòi hỏi phải có Đảng của giai cấp tiên tiến
nhất để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Nhận rõ tình
hình ấy, từ 1919 – 1929, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị về tư tưởng,
chính trị và tổ chức cho sự thành lập Đảng. Nguyễn Ái Quốc đã ra sức tuyên truyền
chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị. Thành lập
Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để thông qua tổ chức này truyền bá chủ nghĩa
Mác – Lênin vào Việt Nam.
Những năm 1928
– 1929, chủ nghĩa Mác – Lênin được truyền bá sâu rộng vào Việt Nam, làm cho
phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ. Lúc bấy giờ ở
Việt Nam lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản hoạt động riêng rẽ gây ảnh hưởng
không tốt đến tiến trình cách mạng nước ta. Cuối năm 1929, những người cách mạng
Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách
phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong
trào cộng sản ở Việt Nam. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức và chủ trì hội nghị
hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930. Hội
nghị đã quyết định hợp nhất 03 tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng
sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời
của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào
công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Điều đó cho thấy, những
người yêu nước, thông qua phong trào yêu nước của nhân dân ta đã thấy sự cần
thiết và thừa nhận cần phải kết hợp với phong trào công nhân và chủ nghĩa Mác –
Lênin để thành lập ra chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo phong trào
cách mạng. Đây là sự ủy quyền lần thứ nhất của những người yêu nước Việt Nam
cho những người yêu nước của giai cấp tiên tiến (giai cấp công nhân) nước ta
lãnh đạo phong trào cách mạng thông qua Đảng của giai cấp công nhân.
Lịch sử thứ
hai, thực tiễn phong trào yêu nước của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX
đầu thế kỷ XX đòi hỏi.
Lịch sử nước ta
cho thấy, trước khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước chống
thực dân Pháp diễn ra sôi nổi, không ngừng khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, nhưng
đều lâm vào bế tắc và cuối cùng thất bại. Ðó là các phong trào Cần Vương, cuộc
khởi nghĩa nông dân Yên Thế, cuộc vận động chống thuế Trung Kỳ, cuộc vận động
Duy Tân, Ðông Kinh nghĩa thục, các phong trào Ðông Du, Tây Du do các sĩ phu yêu
nước chủ xướng, cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Ðảng tiến hành,
v.v. Như vậy, tất cả các phương án chính trị của các giai cấp đều đã được đưa
ra (từ đường lối cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, đến những đường lối theo
lập trường nông dân, lập trường tiểu tư sản, lập trường tư sản) và được lịch sử
khảo nghiệm, nhưng đều bế tắc. Điều đó làm cho tình hình nước ta lúc ấy “đen tối
như không có đường ra”.
Chỉ đến khi Đảng
Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc,
nhân dân cả nước đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm
1945. Dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH của Đảng, nhân dân ta tiếp tục đánh
thắng thực dân, đế quốc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.
Điều đó cho thấy,
như một lẽ tự nhiên lịch sử đã trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam vai trò lãnh đạo
cách mạng Việt Nam. Vì chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta mới
giành được thắng lợi, còn các đảng phái, giai cấp khác đều đã được khảo nghiệm
nhưng không giành được thắng lợi.
Lịch sử thứ
ba, Việt Nam cũng đã có thời kỳ tồn tại đa đảng, nhưng các đảng ấy
tự giải tán và đều thừa nhận vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Đó là cùng với
Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng Xã hội Việt Nam và Đảng Dân chủ Việt
Nam. Đảng Xã hội Việt Nam là một chính đảng của giới trí thức
Việt Nam, hoạt động từ năm 1946 đến 1988. Đảng Xã hội Việt Nam được thành lập
ngày 22/7/1946, tên ban đầu Việt Nam xã hội đảng, dưới vận động của Mặt trận Việt
Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm “tập hợp, đoàn kết mọi trí thức yêu nước
và dân chủ”.
Đảng Dân chủ
Việt Nam là “chính đảng của tư sản dân tộc và tiểu tư sản, trí thức
yêu nước và tiến bộ Việt Nam”, hoạt động từ năm 1944 đến năm 1988. Mục tiêu,
tôn chỉ của Đảng Dân chủ Việt Nam là đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do dân
chủ, dân sinh hạnh phúc. Đảng hoạt động trong giới sinh viên, trí thức, tiểu tư
sản lớp trên. Ngay sau khi ra đời, Đảng Dân chủ Việt Nam tự nguyện đứng vào
hàng ngũ Việt Minh, hoạt động theo Chương trình của Mặt trận Việt Minh.
Cả Đảng Xã hội
Việt Nam và Đảng Dân chủ Việt Nam hoạt động đến năm 1988 đều tuyên bố tự giải
tán và thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt
Nam.
Như vậy, mặc dù
không có cuộc trưng cầu dân ý nào về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam đối với Nhà nước và xã hội, nhưng mấy mốc lịch sử trên và thực tiễn nhân
dân ta luôn đồng hành dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH của Đảng nên dân tộc
ta không chỉ đánh thắng thực dân, đế quốc mà còn bảo vệ vững chắc Tổ quốc và đạt
được thành tựu to lớn trên tất cả các mặt mà trước đây chưa bao giờ đất nước ta
có được. Điều đó cho thấy, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn tất
yếu của lịch sử thưa ông Phạm Trần./.
0 nhận xét: