Lâu nay, các
tổ chức như Phóng viên không biên giới (RSF); các đài BBC, RFA, RFI, VOA tiếng
Việt và một số tổ chức, cá nhân phản động luôn tìm cách xuyên tạc, bịa đặt về
tình hình tự do báo chí tại Việt Nam. Mới đây, RSF đã công bố cái gọi là báo
cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2023”. Trong bảng xếp hạng, RSF xếp
ba nước đứng cuối bảng đều ở châu Á, trong đó xếp Việt Nam hạng 178.
Nhận diện
tổ chức RSF và bảng xếp hạng tự do báo chí
Phóng viên
không biên giới hay Ký giả không biên giới (Tiếng Pháp: Reporters sans
frontiers – RSF) là một tổ chức phi chính phủ với phạm vi hoạt động trên toàn cầu.
Mục đích của họ được cho là bảo vệ tự do báo chí trên toàn thế giới, chống kiểm
duyệt và tạo áp lực giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Tổ chức này lấy Điều
19 của Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền làm cơ sở để hành động. Phóng viên không
biên giới được Robert Ménard, Rémy Loury, Jacques Molénat và Élmilien Jubineau
sáng lập tại Montpellier, Pháp, năm 1985.
Hiện, tổ chức
này có trụ sở tại quận 2, Paris; mở văn phòng tại Berlin, Brussels, Geneva,
Madrid, Rome, Stockholm, Tunis, Vienna và Washington DC. Văn phòng đầu tiên của
họ ở châu Á, đặt tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 7/2017. Ngoài ra,
tổ chức này còn hoạt động chung với 150 thông tin viên, phóng viên trên khắp
các châu lục cũng như với hàng chục tổ chức đảng phái độc lập với chính phủ. Nếu
nhìn vào những thông tin trên thì nhiều người nghĩ RSF hoạt động “ngay hàng thẳng
lối”, giúp thúc đẩy tự do và văn minh, thực sự vì sự phát triển con người.
Song thực tế
lại hoàn toàn khác. Tuy viện dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc về
nhân quyền, tự do ngôn luận nhưng RSF lại “hát theo người cho bánh mỳ”, bôi nhọ
các nước khác, trái ngược với chủ trương của Liên hợp quốc. Nhiều quốc gia trên
thế giới cáo buộc tổ chức RSF đứng đằng sau những vụ việc phức tạp, gây rối, bất
ổn, kích động bạo lực.
Thực chất,
RSF tồn tại và hoạt động dựa vào một phần nguồn hỗ trợ kinh phí của một số
chính giới phương Tây. Chính vì vậy, trong các bảng xếp hạng tự do báo chí hằng
năm, RSF thường tuân theo sự sắp đặt một cách có chủ ý của các chính phủ quốc
gia tài trợ cho tổ chức này hoạt động. Những yếu tố được tổ chức này sử dụng để
đánh giá tự do của một nền báo chí thiếu tính bao trùm, không cân nhắc đến các
yếu tố văn hóa, xã hội, nhận thức của từng quốc gia riêng biệt. Phần lớn những
thông tin được đưa ra là không khách quan, không có hoạt động khảo sát, kiểm chứng
thực chất mà đó là những đánh giá thiếu căn cứ hoặc được suy diễn, phóng đại.
Về bảng đánh
giá tự do báo chí World Press Freedom Index hằng năm được RSF đưa ra, không khó
để thấy căn cứ đánh giá, xếp hạng của RSF không thuyết phục. Riêng đối với Việt
Nam, RSF không có một nghiên cứu chuyên sâu, cụ thể nào về tình hình báo chí. Đồng
thời, tổ chức này cũng không sử dụng bất kì báo cáo nào của Chính phủ Việt Nam
để đưa ra đánh giá. Trái lại, việc RSF xếp loại tự do báo chí ở Việt Nam lại
thường dựa vào những thông tin do số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội
chính trị, có các hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam cung cấp, do đó thông
tin không khách quan, sai thực tế về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Thực tế,
cách đánh giá của tổ chức này thông qua bảng xếp hạng tự do báo chí thường niên
không trung thực và không thể hiện được bản chất vấn đề. Chính vì vậy, mức độ
tin cậy trong bảng đánh giá tự do báo chí được RSF đưa ra hầu như không có.
Với động cơ,
cách làm như vậy, năm nay RSF vẫn xếp Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đứng
gần cuối trong “Bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí thường niên năm 2023”. Cổ
suý cho bảng xếp hạng là những luận điệu cũ rích được các trang BBC tiếng việt,
RFA, RFI, VOA tiếng Việt… và một số tổ chức, cá nhân phản động triệt để sử dụng
nhằm mục đích quy kết, vu khống Việt Nam không có tự do báo chí nên xếp hạng tự
do báo chí Việt Nam luôn ở vị trí áp chót bảng. Bên cạnh đó, họ xuyên tạc Đảng,
Nhà nước Việt Nam quản báo chí theo chế độ “đăng ký”, “bị kiểm duyệt”, “hà khắc”…
Từ việc xuyên
tạc trên, nhiều tổ chức và trang mạng xã hội thù địch, phản động kêu gọi thay đổi
thể chế chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chính sách với những
luận điệu xảo trá như: “Thể chế hiện nay không tạo môi trường để thay đổi báo
chí được mà phải thay đổi thể chế sâu rộng”; “Nhà nước phải cho phép báo chí tư
nhân hoạt động”. Không những vậy, một số cơ quan truyền thông phương Tây thiếu
thiện chí với Việt Nam như BBC, RFI, RFA, VOA… và các hội nhóm, các cá nhân phản
động trên YouTube, Facebook mỗi khi có sự kiện, vụ việc cụ thể liên quan đến
báo chí lại la lối, suy diễn, xuyên tạc tình hình trong nước. Với sự giúp sức của
các tổ chức thù địch, một số đối tượng phản động trong nước tự đứng ra thành lập
các hội nhóm phi pháp nhằm cổ súy cho cái gọi là “tự do báo chí”, “xã hội dân sự”
theo mưu đồ của chúng.
Những thông
tin mà “Bảng xếp hạng thường niên về tự do báo chí” năm 2023 một lần nữa khẳng
định sự thiếu khách quan, sai thực tế và quy chụp của RSF về tình hình tự do
báo chí tại Việt Nam.
Việt Nam luôn
là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chúng ta tuân thủ luật
pháp quốc tế, trong đó có Điều 19, Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền: “Mọi người
đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị
can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng
bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”. Báo
chí là diễn đàn của nhân dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, để
nhân dân trình bày những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình, thông qua đó
báo chí thực hiện chức năng phản biện xã hội, đề xuất những ý kiến đối với Đảng,
Nhà nước; định hướng dư luận trong quá trình xây dựng đường lối, chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế,
văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự và an toàn xã hội.
Điều đó càng
được khẳng định rõ về quyền con người, quyền công dân trên lĩnh vực đời sống xã
hội, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí luôn được Nhà nước ta bảo
đảm, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và thông lệ quốc tế. Quyền tự do
ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin là những quyền cơ bản của quyền con người,
của mọi công dân. Nhà nước Việt Nam đã xây dựng khung pháp luật về quyền tự do
ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin của công dân đầy đủ, đồng bộ, hoàn toàn
tương thích với pháp luật quốc tế về quyền con người. Điều 25, Hiến pháp năm
2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận
thông tin… Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Theo đó, khoản
1, Điều 3, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cũng khẳng định: “Mọi công dân đều
bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông
tin”. Bên cạnh đó, Luật Báo chí năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin năm 2016
cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để
công dân thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí.
Tính đến năm
2022, cả nước có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận
chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát
thanh, truyền hình, 77 kênh phát thanh trong nước, 194 kênh truyền hình (7 kênh
truyền hình thiết yếu quốc gia, 63 kênh truyền hình địa phương), 57 kênh nước
ngoài. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong
đó, khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Bên cạnh đó, hợp tác quốc
tế trong lĩnh vực báo chí ngày càng phát triển theo hướng hợp tác đa quốc gia
và đa lĩnh vực. Hiện nay đã có gần 40 hãng truyền thông quốc tế có mặt tại Việt
Nam, trong đó có nhiều hãng lớn như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn
Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc) và Hãng thông tấn Rossiya
Segodnya (Nga)…
Các cơ quan
truyền thông quốc tế như CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg
và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam
dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các
nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp.
Nhiều nhà báo Việt Nam được Nhà nước tạo điều kiện đi học tập, trao đổi kinh
nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Đến nay, Việt
Nam nằm trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với
68,7% người sử dụng, cao hơn mức trung bình của thế giới (51,4%). Có thể khẳng
định rằng, ở Việt Nam, Internet đã trở thành công cụ rất quen thuộc, là “một phần
tất yếu” trong cuộc sống của mọi tổ chức và cá nhân, nhất là trước sự phát triển
mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; những tiện ích mang lại từ hệ
thống Internet nhanh chóng được ứng dụng trong thực tiễn, nhằm bảo đảm ngày
càng tốt hơn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của mọi tổ chức, cá nhân.
Việc đẩy mạnh
ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước thuộc hệ thống chính trị
trong những năm gần đây đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm; trong đó,
công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Quốc hội điện tử đã có bước tiến mạnh mẽ,
hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên
hàng đầu trong giai đoạn 2016 – 2020 để tạo ra nền tảng vững chắc cho việc chuyển
đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021 – 2030. Đánh giá của Liên hợp quốc về
phát triển Chính phủ điện tử, liên tiếp từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đều tăng
hạng. Hiện, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 6 tại
khu vực Đông Nam Á.
Cùng với đó,
thông qua các trang mạng xã hội (Facebook, YouTube, Lotus, Viber, Zalo,
Twitter, Instagram…), người dân Việt Nam có thể chia sẻ thông tin, hình ảnh,
clip, bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình về mọi vấn đề của đời sống xã hội.
Trong hệ thống chính trị, bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương ở Việt
Nam ngày càng có nhiều cơ quan, tổ chức sử dụng mạng xã hội để làm việc, giải
quyết các thủ tục hành chính, giữ mối liên hệ với người dân, nắm bắt và giải
quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân.
Với cơ sở
chính trị, pháp lý đã khẳng định và thực tiễn đã chứng minh quyền tự do báo chí
ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Thực tiễn đó bác bỏ, phủ nhận những luận
điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về bảo đảm quyền tự do báo
chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.
0 nhận xét: