Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, qua rà soát các
tiêu chí, TP Hà Nội có quận Hoàn Kiếm và 176 xã, phường sẽ thuộc diện phải sáp
nhập trong giai đoạn 2023-2025. Đây là một thông tin quan trọng, được người dân
đặc biệt quan tâm bởi quận Hoàn Kiếm là quận nội đô, có sự gắn bó với lịch sử
phát triển Thủ đô cả một nghìn năm qua. Ngày nay, quận Hoàn Kiếm vẫn phát huy vị
trí, vai trò của mình khi là quận luôn đi đầu trong phát triển kinh tế - văn
hóa – xã hội. Do đó, rất nhiều người dân trong đó đặc biệt là nhân dân Thủ đô
mong muốn được giữ nguyên hiện trạng của quận Hoàn Kiếm ngày nay.
Mới đây, trong buổi đối thoại với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội sáng 9-8, Bí
thư TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nêu rõ quan điểm của Đảng bộ, chính quyền TP Hà
Nội về việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm. Theo đó, Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội đều
thấy được tâm quan trọng, cũng như thấy được ý kiến, tâm tư, tình cảm của nhân
dân Thủ đô với việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm. Đồng thời, bên cạnh việc xem xét
tiêu chí về dân số, diện tích thì chính quyền TP Hà Nội còn đặc biệt xem xét đến
tiêu chí quan trọng là văn hóa, lịch sử. Do đó, TP Hà Nội thấy được tính đặc
thù của quận Hoàn Kiếm và TP Hà Nội sẽ tìm cách thuyết phục, tinh thần là bảo vệ
giữ nguyên, ổn định quận.
Đây quả là một tin tích cực đối với nhiều người dân Hà Nội. Như vậy, ý kiến của
người dân đã được các cấp chính quyền lắng nghe, cùng nhân dân kiến nghị xin cơ
chế đặc thù cho quận Hoàn Kiếm. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi Hà Nội là Thủ
đô, là đô thị có vị trí đặc biệt, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn
của cả nước. Do đó, Hà Nội cũng có luật Thủ đô riêng để tạo điều kiện cho sự
phát triển. Vì vậy, việc quận Hoàn Kiếm được xin cơ chế đặc thù giữ nguyên hiện
trạng theo nguyện vọng của chính quyền, người dân Hà Nội là có cơ sở.
0 nhận xét: