Vừa qua một
số người trong nhóm gọi là Văn Đoàn Độc lập, ca ngợi bộ phim tài liệu 10 tập
The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) vừa được Mỹ công chiếu, gọi là “nhìn lại
lịch sử”, kỷ niệm việc Mỹ “tham gia” chiến tranh Việt Nam.
Ảnh minh hoạ |
Trả lời đài
RFI nhân ngày đầu chiếu phim The Vietnam War tại tòa lãnh sự Mỹ tại TP Hồ Chí
Minh, ông Nguyên Ngọc nói: “…Xem phim này thì tôi thấy… đó là cái mạnh của nước
Mỹ. Đấy là một quốc gia luôn luôn nhìn trở lại và đặt câu hỏi về quá khứ, về cuộc
chiến tranh của mình, về những gì mình đã làm trong suốt cuộc chiến tranh đó. Sức
mạnh của nước Mỹ chính là luôn luôn biết tự đặt câu hỏi về quá khứ của mình
(RFI, ngày 25-8-2017). Và Nguyên Ngọc cho rằng: Việt Nam cũng nên noi gương Mỹ,
“nhìn lại lịch sử” (người viết nhấn mạnh – NTX) cuộc chiến tranh sau 50 năm, để
có cái nhìn khác về cuộc kháng chiến. Tham gia ca ngợi bộ phim The Vietnam War
còn có Bảo Ninh, Huy Đức, Bùi Tín…
Báo PLO (Pháp
Luật.online) cũng đăng ý kiến của ông Hoàng Lại Giang, phụ họa ý “có cái nhìn
khác” của Nguyên Ngọc: “Có nhất thiết phải qua chiến tranh mới giành được độc lập
không? Giá chúng ta tìm một con đường khác ít xương máu hơn cho nền độc lập
của nước thì quý biết nhường nào?”.
Một luận điệu
mới nghe qua tưởng như rất “nhân văn”. Thật ra các ông Nguyên Ngọc, Huy Đức, Bảo
Ninh, Hoàng Lại Giang cũng chỉ lập lại những ý của một số nhà sử học bảo thủ Mỹ,
trong số đó có Pierre Asseline, một giáo sư người Mỹ, Đại học Hawaii Pacific –
cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam là “Cuộc nội chiến giữa
Cộng sản và Quốc gia (?)”, “Cuộc chiến tranh ủy nhiệm” của 2 phía (Tư bản và Cộng
sản) trong chiến tranh lạnh.
Trong khi nhiều
nhà sử học tiến bộ Mỹ như Gabriel Kolko, John Prados, Sophie Quinn Judge, Lutz
Baehr, nhà nghiên cứu Daniel Ellsberg, nhà báo Don Oberdorfer… lên tiếng tố cáo
tính chất phi pháp, phi nghĩa, phi nhân, vô vọng… của cuộc xâm lược Mỹ ở Việt
Nam, thì số người Mỹ này – trong đó có hai nhà làm phim The Vietnam War Ken
Burns, Lynn Novick – lại tung luận điệu bào chữa cho tội ác xâm lược của đế quốc
Mỹ.
Luận điểm của
các ông Nguyên Ngọc, Hoàng Lại Giang… thực chất đã bênh vực luận điểm sai trái
đó. Sự thật thế nào? Để hiểu đúng tính chất, nguồn gốc, nguyên nhân của các sự
kiện lịch sử, chúng ta phải căn cứ vào chính sử đã diễn ra cách đây hơn hai thế
kỷ:
1/. Trong thế
kỷ XVIII, XIX sự kiện các nước phương Tây (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ
Đào Nha…) đưa quân đội, pháo thuyền… đánh chiếm các nước kém phát triển châu Á,
châu Phi… làm thuộc địa, đã được kho tư liệu của chính các nước đế quốc, các bộ
lịch sử chính thức các nước bị chiếm đóng ghi nhận. Cuộc xâm lược Việt Nam (và
Đông Dương) của thực dân Pháp, dưới thời vua Napoléon thứ III (1852-1870), diễn
ra bắt đầu bằng cuộc đánh chiếm Đà Nẵng (năm 1858) và Gia Định (năm 1859).
Cuộc xâm lược
Việt Nam bằng sức mạnh vũ trang áp đảo của đội quân đội, pháo thuyền Pháp,
nhưng quân dân Nam Bộ Việt Nam không nề gian khổ, hy sinh, đã dũng cảm kháng
chiến.
Cuối cùng, do
vua tôi nhà Nguyễn đầu hàng, chúng ta đã thua thực dân Pháp. Thời gian 87 năm
(1858-1945), Pháp hoàn thành việc xâm lược rồi thiết lập chế độ cai trị Việt
Nam bằng chánh sách “cải hóa”, thực chất là thực dân, bóc lột, nô dịch nhân dân
ta mà tính chất tàn bạo, phi nhân đã được mô tả trong bộ sách Bản án chế độ thực
dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc viết năm 1923. Thân phận nô lệ của dân Việt thời
Pháp thuộc đã được nhà thơ Tố Hữu thể hiện rất xúc động: Cha trốn ra Hòn Gai cuốc
mỏ/ Anh chạy vào Đất Đỏ làm phu/ Bán thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc
cao su mấy tầng…
Trong thập niên
1990, Giáo sư người Nhật Furuta Motoo cùng cố Giáo sư Văn Tao, Viện trưởng Viện
Sử học Việt Nam, tiến hành điều tra về nạn đói ở Bắc Việt Nam năm 1944-1945 –
làm chết hơn 2 triệu người (trách nhiệm của thực dân Pháp và phát-xít Nhật), đã
đánh giá: “Điều mà tôi muốn nói ở đây là, …tại nhiều nơi miền Bắc Việt Nam, số
người chết trong nạn đói năm 1945 còn nhiều hơn số người đã hy sinh trong ba
mươi năm kháng chiến sau đó ở Việt Nam” (Báo Trí Thức trực tuyến).
Nỗi thống khổ
của dân tộc bị nô dịch không sao kể xiết!
Cho đến năm
1945, bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 2 tháng 9 đã cáo
chung nền thống trị thực dân Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm.
2/. Trong Chiến
tranh thế giới II (1939-1945), khi quân Đồng minh chuẩn bị giải phóng châu Âu
khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức, năm 1943, Ủy ban giải phóng dân tộc Pháp
do Charles de Gaulle làm Chủ tịch, đã quyết định cử tướng Charles Blaizot phụ
trách đạo quân viễn chinh Viễn Đông nhằm đến Đông Dương. Ngày 23-4-1945,
Charles de Gaulle ra Tuyên bố về cái gọi là Liên hiệp Pháp, thực chất là tái
chiếm 5 xứ Đông Dương thuộc địa cũ, thiết lập lại chế độ thực dân. Tướng Anh
Douglas Gracey, khi vào Sài Gòn giải giáp quân Nhật ở Việt Nam (từ vĩ tuyến 16
trở vào Nam), đã ủng hộ quân Pháp tái chiếm Sài Gòn và Nam Bộ. Cuộc kháng chiến
Nam Bộ nổ ra ngày 23-9-1945.
Năm 1946, sau
khi Pháp thương lượng với quân Tưởng Giới Thạch để thay thế quân Trung Quốc giải
giới quân Nhật ở phía Bắc vĩ tuyến 16, quân Pháp gây chiến ở Hà Nội. Cuộc kháng
chiến Toàn quốc chống xâm lược Pháp nổ ra đêm 19-12-1946.
3/. Trong Lời
kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ
dã tâm của thực dân Pháp: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng.
Nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm
cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu
mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Đã là người Việt Nam thì phải đứng
lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”…
Càng lùi xa về
thời gian chúng ta càng thấy Lời kêu gọi kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh
là chính xác. Cuộc kháng chiến cứu nước của quân dân Việt Nam là chính nghĩa! Mặc
dù so sánh lực lượng ta – địch rất chênh lệch, con đường kháng chiến là con đường
đúng nhất để giành lại độc lập dân tộc, không có con đường nào khác.
Sau khi Pháp
thua ở trận Điện Biên Phủ (1954), phải ký Hiệp định Genève – công nhận Độc lập,
Thống nhất, Chủ quyền và Toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam – đế quốc Mỹ đã hất cẳng
Pháp, xé bỏ Hiệp định Genève, xâm lược miền Nam. Nhưng cuối cùng, qua 21 năm thực
hiện “Chủ nghĩa Thực dân mới” ở Nam Việt Nam, Mỹ đã phải chịu thua cuộc kháng
chiến của quân dân Việt Nam, rút quân về nước sau Hiệp định Paris 27-1-1973 (thực
tế Mỹ chỉ rút hết quân vào ngày 30-4-1975). Bộ phim The Vietnam War do Mỹ sản
xuất năm 2017 (42 năm sau thất bại của Mỹ), mặc dù có chỉ ra những thủ đoạn
lừa dối của 5 đời Tổng thống Mỹ, nhưng chủ yếu mang nội dung biện minh cho cuộc
xâm lược của Mỹ, xuyên tạc ý nghĩa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Trong
cuộc họp báo ngày 21-9-2017, khi được hỏi ý kiến của Việt Nam về bộ phim nói
trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nói thẳng: “Cuộc kháng
chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là cuộc kháng chiến mang tính chính nghĩa,
đã phát huy được sự đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc, được bạn bè và nhân
dân trên toàn thế giới hết lòng ủng hộ. Chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối
cùng là thống nhất đất nước… Cá nhân tôi mong muốn nhân dân Hoa Kỳ và các nhà
làm phim hiểu được tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến cũng như thiện chí (muốn
gác lại quá khứ, hướng tới tương lai) của Việt Nam”. (TTXVN ngày 22-9-2017).
Thực tiễn lịch
sử đã chỉ rõ: Chọn con đường chiến đấu để giành độc lập dân tộc trước kẻ xâm lược
không phải chỉ do một bên dân tộc Việt Nam tự quyết định, mặc dù nhân dân Việt
Nam rất yêu chuộng hòa bình mà chính là một tình thế bắt buộc đánh trả âm mưu,
thủ đoạn của kẻ xâm lược dùng bạo lực nô dịch nhân dân ta. Cuộc chiến tranh vũ
trang xâm lược của thực dân, đế quốc đã buộc nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí
tự vệ.
Rõ ràng luận
điểm “tìm một con đường khác ít xương máu hơn cho nền độc lập dân tộc…” không
phải là một phát kiến không có chủ đích, mà hàm chứa một ý đồ thâm độc. Đánh đồng
tội ác vũ trang xâm lược của thực dân – đế quốc với phong trào kháng chiến vũ
trang tự vệ của nhân dân bị áp bức, không chỉ là sự sai lầm trong nhận thức thực
tiễn lịch sử, mà hơn thế, là sự đồng lõa với ý đồ xuyên tạc chính nghĩa của cuộc
kháng chiến, phủ nhận công lao lãnh đạo kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và
Đảng Cộng sản Việt Nam, để cuối cùng làm giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ,
phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
0 nhận xét: