Tháng 12-2020 đánh dấu mốc 10
năm xảy ra “Mùa xuân Arab” gây nhiều đau thương, biến cố-sự kiện được đánh giá
là một trong những “chương đáng lưu tâm nhất trong đời sống quốc tế của thế kỷ
21”. Tuy nhiên ở Việt Nam, vẫn có nhiều lời tán dương “Mùa xuân Arab” với những
từ mỹ miều, như: “Làn sóng cách mạng”, “sức mạnh quần chúng”, “vì tự do và dân
chủ”… Ngày nay, vẫn có không ít lời kêu gọi người dân các nước, trong đó có Việt
Nam nên đi theo làn sóng “Mùa xuân Arab”, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng
đường phố” để thay đổi chế độ.Vậy “Mùa xuân Arab” và những kiểu “cách mạng” đó
có thật sự mang lại hạnh phúc cho người dân? Chúng ta sẽ có câu trả lời khi “giải
phẫu” nó dưới góc nhìn cách mạng xã hội.
“Mùa xuân” biến thành… “mùa đông”
Từ cuối tháng 12-2010 đến đầu
năm 2011, hàng loạt cuộc chính biến, “cách mạng đường phố” để lật đổ chính quyền
ở nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông đã bùng nổ. Mở đầu là cuộc “cách mạng hoa
nhài” ở Tunisia đến “cách mạng hoa sen” ở Ai Cập. Sau đó như một hiệu ứng
domino, nó lan rộng ra hầu hết các nước Arab và gần đây là “phiên bản 2.0” ở
nhiều khu vực khác. “Mùa xuân Arab” chẳng những không mang lại mùa xuân mà còn
biến thành “mùa đông” của chiến tranh, đau thương, đói khổ, tình trạng khủng bố,
cực đoan gia tăng…
Biểu tình, biểu tình và lật đổ
Mở màn sự kiện là ngày
17-12-2010, Mohammed Bouazizi, một người bán hàng rong 26 tuổi ở Tunisia, tự
thiêu để phản đối việc bị tịch thu chiếc xe chở rau, quả, phương tiện kiếm sống
cho cả gia đình nghèo khó. Bouazizi chết sau đó hai tuần. Sự kiện được lan truyền
nhanh chóng qua mạng xã hội Facebook, gây nên sự căm phẫn dẫn tới biểu tình, bạo
loạn ở khắp đất nước, buộc tổng thống nước này Zine El Abidine Ben Ali cùng gia
đình phải di cư ra nước ngoài vào ngày 14-1-2011.
Ở Ai Cập, một thanh niên khác
là Khaled Said, 28 tuổi, bị cảnh sát bắt quả tang trong khi đang đưa lên mạng
đoạn băng video tố cáo tham nhũng trong ngành cảnh sát. Vì không xuất trình giấy
tờ tùy thân nên Khaled Said bị lôi từ quán cà phê ra đánh đập đến chết. Sự kiện
này cũng lập tức được lan truyền qua Facebook, làm bùng lên làn sóng biểu tình,
bạo loạn của hàng trăm nghìn thanh niên, sinh viên, trí thức từ ngày 25-1-2011,
đòi Tổng thống Hosni Mubarak phải từ chức. Mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp mạnh
song cuối cùng Tổng thống Mubarak vẫn phải từ chức vào đầu tháng 2-2011 sau hơn
30 năm cầm quyền.
Việc chính quyền Tunisia và Ai
Cập bị thay đổi trong thời gian ngắn được ví như con virus độc hại lan rộng tới
các nước Trung Đông và Bắc Phi. Các thế lực bên ngoài nhân cơ hội này “đục nước
béo cò” để hà hơi, tiếp sức với cái gọi là “dân chủ, tự do và một tương lai
tươi mới”. Các cuộc biểu tình và nhiều hình thức như: Bất tuân dân sự, chống đối
dân sự, nổi dậy, bạo loạn, vận động trên mạng xã hội, đình công, chiến đấu đô
thị lan nhanh sang các nước lân cận như vết dầu loang: Algeria (29-12-2010),
Jordan (14-1-2011), Oman (17-1-2011), Saudi Arabia (21-1-2011, các cuộc biểu
tình phản đối chính thức bắt đầu diễn ra từ ngày 11-3-2011), Ai Cập (25-1-2011),
Syria (26-1-2011), Yemen (27-1-2011), Djibouti (28-1-2011), Palestine
(10-2-2011), Iraq (12-2-2011), Bahrain (14-2-2011), Libya (15-2-2011), Kuwait
(19-2-2011), Morocco (20-2-2011), Lebanon (27-2-2011)…
“Mùa xuân Arab” phiên bản 2.0
Làn sóng biểu tình và lật đổ
không chỉ dừng lại ở hai năm 2010-2011 mà còn liên tục diễn ra cho đến hiện
nay.
Algeria, Sudan, Lebanon và Iraq
là 4 quốc gia trong khu vực ít bị ảnh hưởng bởi “Mùa xuân Arab” năm 2011 nhưng
vào năm ngoái, làn sóng biểu tình lại tiếp tục nổ ra, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ
của các chính quyền. Tháng 4-2019, Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika đã đệ
đơn từ chức sau khi xảy ra các cuộc biểu tình chưa từng có tiền lệ và thủ lĩnh
quân đội kêu gọi phế truất. Ở Sudan, cũng trong tháng 4-2019, quân đội đã lật đổ,
bắt giữ Tổng thống Omar al-Bashir. Trước đó cũng tại Sudan, năm 2013, khi chính
quyền loại bỏ trợ cấp dầu mỏ, các cuộc biểu tình đã nổ ra. Tại Iraq, các cuộc
biểu tình thường xuyên bùng nổ vào tháng 10-2019, lan rộng khắp đất nước, buộc
chính phủ của ông Adel Abdel Mahdi phải từ chức. Năm nay, đại dịch Covid-19 khiến
các cuộc biểu tình giảm bớt, nhưng phong trào phản kháng trong khu vực (hay còn
gọi là Hirak-“vòng ảnh hưởng”), vẫn diễn ra trên các đường phố ở Algeria, nơi đất
nước đã bị tàn phá bởi nội chiến.
Nhiều người đang lo ngại nhìn
thấy bóng dáng một “Mùa xuân Arab” phiên bản 2.0 hồi sinh trở lại?
“Mùa đông Arab”
Báo cáo của Viện Nghiên cứu an
ninh Liên minh châu Âu (IES) đưa ra tháng 5-2017 nhận xét: Bức tranh toàn cảnh
của khu vực Trung Đông và Bắc Phi rất ảm đạm. Còn theo báo cáo của các tổ chức
quốc tế và Liên hợp quốc, tổng thiệt hại về kinh tế của các nước Arab lên tới
hơn 600 tỷ USD, bên cạnh hơn 22 triệu người thất nghiệp, tổn thất về cơ sở hạ tầng
lên tới 461 tỷ USD, còn có 15 triệu người phải di tản và 1,3 triệu người chết
và bị thương.
Trước “Mùa xuân Arab”, Tunisia
là nước có nền giáo dục đứng thứ 17, nền kinh tế có sức cạnh tranh đứng hàng 40
thế giới. Nhưng sau “cơn bão” biểu tình, thất nghiệp tăng lên hơn 40%.
Tại Libya, theo Christopher
Brennan, nhà phân tích chính trị độc lập người Mỹ, trước cuộc chính biến năm
2011, Libya có chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất ở châu Phi, tỷ lệ tử
vong trẻ sơ sinh thấp nhất châu Phi. Mức sống của người dân nước này nằm trong
số các nước đứng đầu châu lục. Nguồn điện dân dụng, y tế công cộng đều được
cung cấp miễn phí. Hai nhà báo Anh là Andrew Lycett và David Blundy từng viết:
“Thanh niên được ăn mặc đẹp, đầy đủ và có học thức. Tất cả người dân đều có nhà
ở, xe hơi và những tiện ích thông dụng như tivi, tủ lạnh, điện thoại, máy quay
phim”. Thế nhưng giờ đây ngoài đói nghèo, Libya đã biến thành đấu trường cho các
cuộc xung đột ủy nhiệm.
Ở Ai Cập, sau khi Tổng thống
Mubarak mất chức, người dân đã bầu ông Mohammed Morsi thay thế trong một cuộc bầu
cử tổng thống tự do đầu tiên vào mùa hè năm 2012. Thế nhưng chỉ sau một năm,
hàng triệu người dân lại thất vọng và bức xúc đổ xuống đường đòi phế truất ông.
Tổng thống Morsi đã bị quân đội dùng vũ lực lật đổ ngày 3-7-2013 và Ai Cập rơi
vào cảnh hỗn loạn, tranh giành quyền lực đẫm máu suốt cho tới khi có tổng thống
mới Abdel Fattah Al-Sisi vào tháng 6-2014.
Theo các học giả của Đại học
Warsaw, “Mùa xuân Arab” đã biến thành “Mùa đông Arab” từ năm 2014 với hệ lụy là
sự trỗi dậy của nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thời tang tóc mà IS gây ra cho
không chỉ châu Phi, Trung Đông mà cả châu Âu.
Ở Tunisia, dù thay đổi chính phủ,
đất nước này vẫn lâm vào tình trạng xung đột, bất ổn trong nhiều năm kèm tham
nhũng, thất nghiệp, nghèo đói. Ở Syria, cuộc nội chiến kéo dài cả thập kỷ vẫn
chưa có hồi kết, khiến 600.000 người thiệt mạng, 8 triệu người trong nước ly
tán và 6 triệu người phải tìm đường tị nạn ra nước ngoài, chưa kể hạ tầng bị
tàn phá tan hoang. Libya bế tắc trong một cuộc nội chiến giữa các phe phái và
25.000 người đã thiệt mạng. Ở Yemen, cuộc nội chiến “ủy nhiệm” giữa người Sunni
và người Shia vẫn tiếp diễn mà chưa thấy hồi kết, đã khiến khoảng 250.000 người
thiệt mạng, nhiều người chết đói.
Ở Sudan, tỷ lệ lạm phát cao gần
70% trong năm 2019, thất nghiệp tăng, các nhóm khủng bố hoành hành, mất gần 3/4
doanh thu từ dầu, nợ nước ngoài lên tới 56,5 tỷ USD vào năm 2018, bằng 111%
GDP…
Các nhà lãnh đạo và truyền thông quốc tế nói gì?
Ngoại trưởng Nga Lavrov cho rằng,
“Mùa xuân Arab” là chương đáng lưu tâm nhất trong đời sống quốc tế của thế kỷ
21″. Năm 2015, chuyên gia Christopher Brennan đã xuất bản một cuốn sách về “Mùa
xuân Arab”, trong đó ông gọi hiện tượng này là sự tàn phá với tiêu đề cuốn
sách: “Sự sụp đổ của Mùa xuân Arab: Từ cách mạng đến tàn phá”. Trong bài phát
biểu thông điệp liên bang năm 2015, Tổng thống Nga Putin nhận xét: “Có những nước
cách đây không lâu đang ổn định và khá phồn vinh ở Trung Đông và Bắc Phi, như
Iraq, Lybia, Syria-đã trở thành khu vực hỗn loạn và vô chính phủ mà từ đó xuất
hiện mối đe dọa đối với toàn thế giới”.
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu
vấn đề quốc tế-IAI (Italia) nhận định: Mùa xuân Arab đã thổi bùng thêm ngọn lửa
chiến tranh, tạo ra nhiều lỗ hổng an ninh. Còn Giáo sư Abdeslam Maghraoui tại Đại
học Duke (Mỹ) thì đánh giá: “Thật là bi kịch khi thấy rằng những người tham
gia, cổ xúy “Mùa xuân Arab” đã thu được rất ít so với những gì họ hằng đặt ra”.
Vậy ai mới là người thực sự hưởng
lợi từ đây? Theo chuyên gia phân tích chính trị Maria Dubovikova, Trưởng Câu lạc
bộ các nhà nghiên cứu quốc tế về Trung Đông tại Nga: “Vẫn có thể thấy được nhiều
kẻ đã “phất lên” từ sự đau khổ của người dân khu vực. Đó là các nhà sản xuất,
buôn bán vũ khí. Việc bán vũ khí cho các nước Arab tăng lên rất nhiều kể từ khi
bắt đầu các cuộc biểu tình”.
Trả lời phỏng vấn của phóng
viên Báo Quân đội nhân dân, ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam
cho rằng: “Nhân dân Arab sau một thời gian trải qua cái gọi là “Mùa xuân Arab”
giờ đây đã nhận thức được sự thật và có tâm lý “phòng ngự”, tránh đi theo “đường
cũ”. Bất cứ sự ủng hộ một “Mùa xuân Arab” mới nào trong điều kiện hiện nay sẽ rất
khó xảy ra bởi những gì mà “Mùa xuân Arab” trước đây mang đến khiến họ thấy rằng
mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là đoàn kết, thống nhất, bảo vệ độc lập, chủ
quyền. Đó cũng là mục tiêu tiên quyết để mỗi quốc gia bảo vệ an ninh, an toàn
cho dân tộc mình”.
Là một thành viên trong nhóm
tác giả thực hiện loạt bài này, nhà báo Phan Ngọc Thạch, phóng viên Đài Tiếng
nói Việt Nam thường trú tại Ai Cập và Trung Đông cho biết: “Sống và làm việc ở
đây trong 4 năm qua và cũng từng chứng kiến thời khắc bùng phát “Mùa xuân Arab”
năm 2010, tôi thấy “thất vọng và buồn chán”. Đó là tâm lý chung của nhiều người
dân Arab. Hầu như không ai muốn nhắc tới ngày đó và dường như họ cũng nhận thấy
rõ những sai lầm của chính mình trong quá khứ khi “ảo tưởng” về một tương lai
tươi sáng mà thiếu đi những nền tảng cơ bản cho mỗi đất nước là sự đoàn kết,
năng lực sản xuất và tránh xa những can thiệp từ bên ngoài”. “Chiến tranh đã
phá hủy Syria. Nếu được, tôi chỉ ước xung đột kết thúc ngay vào ngày mai. Những
người tị nạn Syria và cả tôi giờ đây không mong muốn điều gì khác ngoài được trở
về quê hương. Đất nước chúng tôi đã từng phát triển, yên bình và tươi đẹp, người
dân hạnh phúc. Bây giờ người dân đã hiểu được giá trị của sự bình yên và không
có những hành động ngốc ngếch như trước”, anh Mahammad Muwafiq, người dân
Aleppo, tâm sự trong nước mắt.
Nghe những tâm sự trên, chúng
tôi càng thấm thía sự thật cay đắng mà người dân nơi đây từng đúc kết “tự do
không bao giờ miễn phí” và càng thấy trân trọng xiết bao cái giá của hòa bình,
độc lập và phát triển ngày hôm nay mà dân tộc Việt Nam ta đã phải trải bao hy
sinh, mất mát để giành lấy…
Từ mùa xuân châu Âu đến “Mùa xuân Arab”
Năm 2015, khi kỷ niệm 5 năm
“Mùa xuân Arab”, truyền thông thế giới đã nhắc rất nhiều đến sự kiện chàng trai
bán hàng rong Mohamed Bouazizi tự thiêu thổi bùng lên ngọn lửa “cách mạng”, tạo
nên cơn địa chấn ở các nước Arab. Một trong những người gây ra sự kiện ấy, cô
Faida Hamdy, viên thanh tra tịch thu quầy hàng rong khi trả lời báo chí đã nói:
“Tôi ước gì mình đã không làm vậy. Tôi khởi đầu “Mùa xuân Arab”. Và giờ thì chết
chóc đang ở khắp nơi, cực đoan thì bùng nổ”.
Phát biểu đầy cảm xúc trên mới
chỉ nhìn hiện tượng ở cái vỏ bên ngoài. Câu chuyện sâu xa hơn rất nhiều nếu
nhìn lịch sử một cách toàn diện.
Theo PGS, TS Nguyễn Thanh Hiền
(Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
Nam): Thật ra không phải đến năm 2010-2011, thuật ngữ “Arab Spring” (Mùa xuân
Arab) mới xuất hiện trong đời sống chính trị quốc tế. Nó xuất hiện lần đầu tiên
vào mùa xuân năm 2005 trong giới cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ George Bush
và sau đó được ký giả Jeff Jacoby dùng làm tiêu đề cho một bài viết đăng trên
báo The Boston Globe. Thuật ngữ này được dùng để gọi chung cho tất cả các biến
động chính trị mà không ít người cho rằng có khả năng đem lại tự do và dân chủ
cho khu vực Trung Đông xảy ra vào mùa xuân 2005. Sau đó “Mùa xuân Arab” được Tạp
chí Chính sách đối ngoại của Mỹ sử dụng để mô tả biến động chính trị-xã hội khởi
đầu từ Tunisia cuối năm 2010.
“Spring” trong tiếng Anh ngoài nghĩa là mùa
xuân, còn có nhiều nghĩa khác, như: Giai đoạn mở đầu của một thời kỳ, xuất hiện,
đâm chồi… Tại các cuộc cách mạng xảy ra ở châu Âu vào mùa xuân năm 1848, người
dân nổi dậy đòi lật đổ chế độ quân sự với các phong trào mang tên gọi
Springtime of peoples, Spring of Nations. Sau đó, vào năm 1968, cũng xuất hiện
“Mùa xuân Praha” ở Tiệp Khắc với chương trình cải cách kinh tế và chính trị
mang tư tưởng xét lại, muốn tự do dân chủ kiểu tư bản.
Một kiểu “cách mạng màu” xuất khẩu
Ông Christopher Brennan, nhà
phân tích chính trị độc lập người Mỹ nhận định, “Mùa xuân Arab” được tiến hành
dựa trên những nền tảng lý thuyết của các hoạt động can dự và lật đổ của phương
Tây, như: Luận thuyết về “Sức mạnh quần chúng”, học thuyết “Can thiệp nhân đạo”,
“Sức mạnh mềm”, “Chủ nghĩa đế quốc tự do”… Ông Brennan viết: “Các cuộc nổi dậy ở
khu vực Trung Đông và Bắc Phi sử dụng triệt để “sức mạnh quần chúng”. Trong các
cuộc nổi dậy ở các nước Arab, phương thức này được đưa vào thực nghiệm. Các cuộc
đảo chính những lãnh đạo Arab có tư tưởng độc lập đã liên tiếp diễn ra sử dụng
phiên bản mới nhất: “Đảo chính kiểu mới” hay “Cách mạng màu”.
Khái niệm “Cách mạng màu” chỉ một
chuỗi các “cuộc cách mạng” được tiến hành thành công hoặc không thành công
trong nỗ lực lật đổ các chính phủ ở không gian hậu Xô viết. “Cách mạng màu” phản
ánh các khái niệm có từ thời Viện Tavistock của Anh. Cơ quan này cho rằng, các
khái niệm “kích động nổi loạn” và “đám đông thanh niên” được phát triển sau khi
nghiên cứu hành vi đám đông trong các buổi biểu diễn nhạc rock. Họ đã phân tích
hành vi của thanh niên dưới sự dẫn dắt của Tổ chức quốc tế của những người xây
dựng thời thế (Situationalist International) gây bất ổn cho nước Pháp.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, “Mùa
xuân Arab” được thực hiện theo cái gọi là học thuyết phản kháng phi bạo lực của
TS Gene Sharp, học giả tại Viện Albert Einstein (Mỹ). Với cuốn sách “Từ độc tài
tới dân chủ”, viết cho phong trào dân chủ ở Myanmar vào năm 1993, ông này đã xuất
khẩu cách đấu tranh bất bạo động để lật đổ chính quyền và trở thành “cẩm nang”
cho nhiều phong trào lật đổ. Gene Sharp cũng chính là người được công nhận là
tác giả chiến lược đằng sau cuộc lật đổ Chính phủ Ai Cập tháng 2-2011. Gene
Sharp đã “vẽ đường” làm tan rã một quốc gia thông qua phản kháng phi bạo lực
theo 3 giai đoạn: 1-Hình thành các hoạt động mềm như mít tinh, biểu tình chống
chính phủ. 2-Làm mất uy tín bộ máy quyền lực nhà nước và các cơ quan quyền lực
khác, vận động các quan chức và nhân viên chính phủ tham gia hoạt động phá hoại.
3-Trực tiếp lật đổ chế độ.
Một số học giả khác thì cho rằng,
“Mùa xuân Arab” đã vận dụng những lý luận về các cuộc cách mạng sắc màu đã diễn
ra ở Trung và Đông Âu kể từ năm 1989, như: “Cách mạng đường phố” ở Nam Tư (năm
2000), “Cách mạng nhung” ở Gruzia (năm 2003), “Cách mạng cam” ở Ukraine (năm
2004), “Cách mạng hoa Tulip vàng” ở Kyrgyzstan (năm 2005). Trong khi đó, làn
sóng “Mùa xuân Arab” ẩn chứa nhiều cuộc cách mạng có tên gọi giống với các cuộc
cách mạng sắc màu, như: “Cách mạng hoa nhài” ở Tunisia (năm 2011); “Cách mạng
hoa sen” ở Ai Cập (năm 2011); hay hàng loạt các cuộc cách mạng đường phố diễn
ra ở nhiều nước. Xét cho cùng, “cách mạng màu” chính là thuật ngữ chỉ các cuộc
bạo loạn phi vũ trang, bạo lực chính trị có tổ chức nhằm lật đổ chính quyền
đương nhiệm; đồng thời lập ra bộ máy cầm quyền mới được nước ngoài hậu thuẫn.
Thực chất, đó là những phương thức bạo loạn lật đổ phi vũ trang nhằm thiết lập
một chính phủ thân nước ngoài. Sở dĩ gọi là “cách mạng màu” bởi những cuộc
chính biến, bạo loạn lật đổ diễn ra ở các nước thường được gắn với một màu sắc
mang tính biểu tượng văn hóa địa phương như “Cách mạng cam” ở Ukraine vì bởi
phe đối lập lấy biểu tượng bang cờ màu da cam để trang bị cho cuộc biểu tình; ở
Kyrgyzstan lấy hoa Tulip vàng-loài hoa nở rộ ở vùng rừng núi của Kyrgyzstan vào
khoảng giữa tháng 3 hằng năm, cũng là thời điểm xảy ra chính biến (3-2005).
Sâu xa hơn thì “Mùa xuân Arab”
hay “cách mạng màu” cũng đều bắt nguồn từ chiến lược “diễn biến hòa bình”
(Peaceful evolution), còn có tên gọi khác nhau, như: “Chuyển hóa hòa bình”
(Peaceful change), “Biến đổi hòa bình” (Peaceful transformation), “Cạnh tranh
hòa bình” (Peaceful competition)…
Trong “Mùa xuân Arab”, “công
nghệ cách mạng” đều dựa trên cơ sở lý thuyết phản kháng phi bạo lực, không dùng
bạo lực để lật đổ chính quyền như các cuộc đại cách mạng trên thế giới.
Trong tác phẩm “Sự bất hạnh của
một đế chế”, GS Chalmers Johnson tại Đại học California (Mỹ) phân tích: Theo lý
luận của chủ nghĩa đế quốc tự do, vấn đề cơ bản là ở chỗ coi “can thiệp nhân đạo”,
“trách nhiệm bảo vệ” như là một cái cớ để can thiệp quân sự. “Chủ nghĩa đế quốc
tự do” tiếp tục vận động và phát triển. Một phương thức mới của chủ nghĩa đế quốc
hiện đại là sử dụng “cách mạng màu”. Còn Peter Ackerman tại Viện Albert
Einstein (Mỹ) và Carl Gershman tại Quỹ Dân chủ quốc gia (Mỹ), những người ủng hộ
phương thức này cho rằng, các chế độ thiếu thân thiện có thể bị lật đổ bởi tầng
lớp thanh niên bất mãn thông qua tin nhắn, Facebook và Twitter… Chiến thuật “sức
mạnh nhân dân” được phương Tây sử dụng như một nguồn động lực cho cái gọi là
“Mùa xuân Arab” và sau đó nó được thay thế bởi chiến dịch can thiệp quân sự trực
tiếp theo mô hình chiến tranh phi quy ước của phương Tây.
Không phải là những cuộc cách mạng thực sự
Những hệ lụy mà người dân các
nước Arab phải gánh chịu như đã đề cập ở bài viết trước càng cho thấy, “Mùa
xuân Arab” hoàn toàn không phải là các cuộc cách mạng như truyền thông phương
Tây ngợi ca.
Theo quan điểm của Chủ nghĩa
Mác-Lênin, về nghĩa rộng, cách mạng xã hội là sự biến đổi có tính chất bước ngoặt
và căn bản về chất trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, là phương thức thay thế
hình thái kinh tế-xã hội lỗi thời bằng hình thái kinh tế-xã hội cao hơn. Theo
nghĩa hẹp, cách mạng xã hội là việc lật đổ một chế độ chính trị đã lỗi thời,
thiết lập một chế độ chính trị tiến bộ hơn. Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp,
giành chính quyền vẫn là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Bởi vì,
chỉ khi nào giành được chính quyền, giai cấp cách mạng mới bảo đảm được quyền lực
của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng:
“Chúng tôi đã nói rằng vấn đề căn bản của cách mạng là vấn đề chính quyền. Bây
giờ phải nói thêm: Chính các cuộc cách mạng đã luôn luôn chỉ cho chúng ta thấy
người ta đã làm lu mờ vấn đề đâu là chính quyền chân chính; các cuộc cách mạng ấy
đã chỉ cho ta thấy sự khác nhau giữa chính quyền hình thức và chính quyền thực
tế”.
Như vậy, “Mùa xuân Arab” mặc dù
có dẫn đến sự lật đổ chính quyền ở một số nước, nhưng không phải là một cuộc
cách mạng thực sự bởi “Mùa xuân Arab” không tạo ra những thay đổi cơ bản về thể
chế chính trị, cơ cấu giai cấp, hay sự thay đổi hình thái kinh tế-xã hội. “Mùa
xuân Arab” đã lật đổ nhiều chính quyền qua các hình thức phi bạo lực nhưng
không phải là những cuộc cách mạng xã hội với những cải biến sâu sắc trên mọi
bình diện xã hội nên không thể tạo ra sự thay đổi về chất của xã hội.
Trao đổi với phóng viên Báo
Quân đội nhân dân, GS, TS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học
Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “10 năm qua,
phương Tây đã dùng mọi hình thức để can thiệp vào khu vực Bắc Phi-Trung Đông, với
ý đồ xây dựng một nền “dân chủ” mới nhưng đã không thể thực hiện được. Qua đó
ta thấy rằng, bất cứ thế lực bên ngoài nào cũng không thể áp đặt hay xây dựng một
“chế độ” tốt đẹp hơn lên một quốc gia khác mà ở đó người dân không đồng thuận
và không phù hợp với nền tảng lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội ở quốc gia
đó. Hơn nữa, những cuộc biểu tình, lật đổ, thay đổi chính phủ dù thế nào cũng vẫn
chưa phải là những cuộc cách mạng xã hội thực sự”.
Còn theo PGS, TS Lê Phước Minh,
Viện trưởng viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội
Việt Nam), nhiều cuộc bạo động đã không được dẫn dắt và lãnh đạo bởi những đảng
phái chính trị chân chính, cách mạng nên không thể có cương lĩnh, đường lối
cách mạng thực sự. Và với các hình thức bạo loạn lật đổ mang tính manh động,
thiếu kiểm soát thì các mâu thuẫn chính trị-xã hội sâu sắc về phân biệt chủng tộc
và tôn giáo, thay vì được giảm thiểu, thì trái lại, càng bị khoét sâu và trầm trọng
hơn trong hàng chục năm sau đó.
Đây là điểm yếu căn cốt dẫn đến
khi xong giai đoạn lật đổ chính quyền cũ, bước vào giai đoạn tổ chức xây dựng
xã hội mới, các nước đều gần như không có cương lĩnh, đường lối, mô hình xã hội
rõ ràng. Các cuộc “cách mạng” tự phát và thiếu một chính đảng cách mạng lãnh đạo
sẽ chỉ mang lại một kết quả nửa vời, thậm chí thất bại cay đắng.
Thực tế trên càng cho chúng ta
thấy sự cần thiết phải có một lực lượng lãnh đạo đất nước đủ trí tuệ, năng lực
và bản lĩnh; dựa trên một nền tảng lý luận và cương lĩnh vững chắc. Qua đây,
càng thêm trân trọng, vững tin vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã
lựa chọn, như dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đánh giá:
“35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về
chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được
xác định rõ hơn và từng bước được hiện thực hóa”. Đó là một chặng đường có cơ sở
khoa học từ thực tiễn đổi mới đất nước. Niềm tin là có cơ sở, không cho phép
chúng ta đơn giản, chủ quan trước những lời kêu gọi đi theo một con đường khác.
Hiểu bản chất của “Mùa xuân
Arab” là điều hết sức quan trọng để mỗi người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ Việt
Nam ngày hôm nay hiểu được giá trị vĩ đại của các cuộc cách mạng giải phóng dân
tộc và sự nghiệp đổi mới. Đó cũng là cơ sở để không bị mơ hồ, ảo tưởng bởi những
luận thuyết kêu gọi cách mạng đường phố, phản kháng phi bạo lực, xúi giục đấu
tranh đòi lật đổ chế độ để có được tương lai tốt đẹp.
(Còn nữa)
Nguồn: Báo QĐND