19/5/20

NGUYỄN ÁI QUỐC - HỒ CHÍ MINH

Người đầu tiên kết hợp văn hóa Đông - Tây và tinh hoa chủ nghĩa Mác.
Hồ Chí Minh từng nói:
“Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân.
Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả.
Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng.
Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách thích hợp điều kiện nước ta.
Khổng Từ, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ sống trên đời nay, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết.
Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”(1)
Suốt cuộc đời bôn ba năm châu bốn bể, từ “Ái Quốc” đến “Chí Minh” Người vẫn luôn giữ trọn được những giá trị truyền thống của dân tộc: (đi xa mà vẫn luôn giữ trọn tình cảm quê hương, gia tộc, vẫn không quên giọng quê xứ Nghệ, trở về Kim Liên sau hơn nửa thế kỷ vẫn nhận ra người bạn cùng câu cá thuở ấu thơ…). Lối sống hài hòa, trọng tình cảm, (kính già, yêu trẻ, tôn trọng phụ nữ, chung thủy bạn bè, chan hòa với thiên nhiên, thơ ca…)
Hồ Chí Minh mang dấu ấn của cả Nho-Phật-Đạo.
Xuất thân từ một gia đình Nho giáo, Nguyễn Ái Quốc đã học hỏi được nhiều ở Nho gia, trong hàng nghìn bài nói, bài viết của mình Người có hàng nghìn câu trích dẫn hoặc vận dụng cách nói của Khổng Tử. Tinh thần từ bi của Phật giáo; lối sống coi nhẹ hình thức của Lão giáo cũng thể hiện rất rõ trong con người Hồ Chí Minh. Năm 1946 Người từng nói: “Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính lứu gì tới danh lợi”. Sau này cuộc sống của một vị chủ tịch nước trong ngôi nhà sàn nhỏ bên vườn cây, ao cá chính là tư tưởng rất Lão Trang của Người. Tích hợp truyền thống phương Đông Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh luôn bộc lộ tư duy tổng hợp, hoài bão tìm kiếm sự thống nhất của vũ trụ. Đường lối đại đoàn kết; cách sống cần, kiệm, liêm, chính; chủ trương “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; mục tiêu Độc lâp-Tự do-Hạnh phúc…
Lăn lộn trời Tây, Nguyễn Ái Quốc đã kết hợp tư duy tổng hợp dựa trên cảm tính của truyền thống văn hóa phương Đông với phương pháp phân tích lý tính của văn hóa Phương Tây tạo nên phong cách tỉ mỉ, trình bày chặt chẽ đầy sức thuyết phục trong hàng loạt bài phóng sự, tiểu phẩm, truyện kí…của Người.
Chính nhờ sức tích hợp tri thức Đông-Tây, khả năng dung hợp nhuần nhuyễn mà Hồ Chí Minh đã có được một tầm nhìn rộng lớn, giải quyết nhiều vấn đề vượt trước thời đại. Sau khi nước nhà giành được độc lập 1945 ngày 4/10/1945 người phát động phong trào “Bình dân học vụ” nhằm chống nạn mù chữ (trong khi UNESCO năm 1996 mới đặt ra vấn đề xóa nạn mù chữ). Từ năm 1960 Người đã phát động “Tết trồng cây” và phong trào gây rừng để bảo vệ môi sinh (trong khi mãi sau này UNESCO mới đề ra chương trình này). Trên tinh thần dung hợp truyền thống trong Sách lược vắn tắt công bố năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra đường lối đoàn kết rộng rãi toàn dân và xác định “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, tri thức, trung nông…để kéo họ về phía vô sản giai cấp”, lúc đó không phải ai cũng hiểu được tư tưởng của Người. Sau này với chính phủ liên hiệp do người thành lập năm 1946 nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ đã một mình vượt qua hiểm nguy trước cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
Thực chất Người đã đi một chặng đường dài từ “Ai Quốc” đến “Chí Minh”, từ yêu nước trở thành một người cộng sản sáng suốt. Chính vì vậy mà quốc tế rồi mà vẫn rất dân tộc, văn minh rồi mà vẫn rất truyền thống, lí trí đó nhưng rất tình cảm, viết truyện kí nhưng không bỏ thơ ca, hành động kiên quyết nhưng vẫn mang tâm hồn vô cùng lãng mạn…Chính vì vậy mà nhà báo Nga O. Mandelstamm gặp Nguyễn Ái Quốc khi mới 33 tuổi đã nhận xét: “Nguyễn Ái Quốc thấm đượm chất văn hóa-không phải thứ văn hóa châu Âu, có lẽ đây là nền văn hóa của tương lai”.
Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc, cũng không phải ngẫu nhiên mà Đại hội đồng UNESCO họp năm 1990 quyết định công nhận Người là Anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới. Nghị quyết UNESCO ghi rõ: “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc mình”.
                                                    19/5/2020

0 nhận xét: