Khi đất nước bị xâm lược, gặp họa binh đao, triệu triệu người hiên ngang bước vào cuộc chiến, không mảy may vị kỷ, gợn tâm nghĩ đến mưu cầu vật chất, quyền được sống. Cứ thế họ lao lên, nhắm thẳng quân thù mà bắn. Cũng trong hoàn cảnh giang sơn tăm tối, điêu linh đó, nhiều người khác được Đảng, Nhà nước ưu ái cho đi nước ngoài học tập, những người đang bước qua lằn ranh sinh tử, chiến đấu trên chiến trường cũng gửi gắm, kỳ vọng vào những người được xuất ngoại, mong họ được bình an, chăm chỉ học tập, nghiên cứu để thành tài, trở về giúp nước, xây dựng Tổ quốc sau ngày giải phóng to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Tức là, khi những người khác chịu gian khổ, hy sinh cho Tổ quốc được sống, thì một số người xuất ngoại lại được hưởng cuộc sống thanh bình, an nhàn nơi trời Tây. Thế rồi, Đất nước hòa bình, những người bước ra từ cuộc chiến ít hơn nhiều so với lúc những đoàn quân đi vào cuộc chiến, thậm chí bước ra cuộc chiến rồi mà vẫn không được hưởng hạnh phúc, no ấm, đủ đầy vì đất nước còn nghèo, con đau thương, vết cắt chiến tranh chưa lành; bản thân họ thân thể, tâm trí cũng không lành lặn gì. Họ vừa vật lộn với cuộc sống, vừa cố gắng vượt qua những cơn đau bằng ký ức chiến tranh, bằng những giấc ngủ mộng mị, bằng những âm thanh bom đạn chát chúa, xé thịt, bỏng rát văng vẳng bên tai mỗi đêm, bằng những giấc mơ ú ớ gọi tên đồng đội, bằng những tiếng hô xung phong trong những ngày chiến trận bám víu lấy cơ thể... thì những người xuất ngoại kết thúc khoảng thời gian êm ả ở bên Tây, trở về Tổ quốc, được bố trí công việc, có lương, có thưởng, ngồi phòng lạnh, phòng đẹp nghiên cứu mát rười rượi, sang chảnh làm việc, nghiên cứu khoa học, đề xuất chính sách xây dựng đất nước. Trong số họ nhiều người thăng tiến nhanh chóng trên con đường quan lộ, nhiều người trở nên giàu có, được gọi bằng hai chữ ĐẠI GIA.
Dù trái cảnh, ngược đời, những người sống chết với Tổ quốc trong chiến tranh không một tiếng kêu than, trách móc, so sánh, đòi hỏi, họ im lặng, lầm lũi lao động giản đơn, gặm nhấm quá khứ để sống trọn vẹn một kiếp người, họ cũng hiểu: Đã hy sinh thì phải hi sinh trọn vẹn mới không có lỗi với non sông. Còn những người đã từng xuất ngoại, trở thành tầng lớp trí thức, nay là nhà nghiên khoa học, là nhà kinh tế, là quan to, là đại gia, nhà đẹp, xe sang, cuộc sống dư thừa vật chất như bậc vương giả mà nền tảng của cuộc sống ấy không chỉ là tiền của của Nhà nước, của Nhân dân, không chỉ là sức lao động, chất xám của bản thân, mà còn bằng chính máu xương của những người từng ở lại dấn thân vào cuộc chiến, thì có không ít kẻ tự cho mình cấp tiến, tư duy mới, tư duy khoa học thượng đẳng, họ trở nên hung hăng đâm thẳng ngọn giáo làm bằng kim - tiền vào thẳng trái tim của những người từng đổ máu trên chiến trường, họ hùa vào nhau trên bàn nhậu đầy rượu ngoại, thức ăn ngon, rôm rả, bàn đàm về cuộc chiến tranh chống ngoại xâm mà họ may mắn không trở thành một phần trong đó. Họ xét lại tất cả, xét lại cả tính chất, mục tiêu, ý nghĩa của chiến tranh, xét lại cả hành vi tàn bạo của kẻ thù, họ biến những người đã đổ máu, lấy máu của mình trải lên con đường lập nghiệp của họ trở thành những người lạc lối, bơ vơ, ngu muội. Họ coi những kẻ xâm lược là cứu tinh văn minh, xem những kẻ từng là tay sai, bán nước là chính danh, đồng nghĩa máu của những người yêu nước đổ xuống trong chiến tranh là vô nghĩa, phi nghĩa, bất nghĩa. Họ dùng lý luận, lý lẽ Tây hóa biện minh cho âm mưu xét lại, dùng quyền uy và đồng tiền để che lấp sự thật, để đánh tráo bản chất.
Nỗi đau, sự bất hạnh không chỉ đến từ kẻ thù, không chỉ bởi cuộc sống vất vả, bất công, mà nỗi đau càng lớn, càng đau đớn gấp bội bởi sự vô tâm, phản bội của những người anh em, đồng loại.
Dù xã hội còn những khó khăn, tiêu cực nhất định nhưng đừng bao giờ vì thế mà phản bội.
| 10.6.20
0 nhận xét: