8/2/21

Những người nghĩa hiệp trong tâm dịch Chí Linh

            Vài giờ sau lệnh phong toả, các cửa ngõ thành phố Chí Linh phấp phới băng rôn đỏ in dòng chữ “Hỗ trợ bà con di chuyển và vận tải miễn phí hàng ủng hộ”.

“Tầm này mọi năm, các anh đang làm gì?” – “Họp mặt, nhậu với nhau một chầu để lấy tinh thần “cày cuốc” vì cái Tết ấm no”, tài xế 30 tuổi Vũ Trọng Linh trả lời, kèm tràng cười sảng khoái. Sáu năm nay, chàng thanh niên đất Cộng Hoà, TP Chí Linh, gắn với chiếc ôtô 4 chỗ và hành trình Hà Nội – Hải Dương – Thái Bình.

Cận Tết mọi năm, nhu cầu di chuyển tăng cao, có những ngày Linh rong xe ra cổng từ 3h sáng, chạy 4-5 cuốc liên tỉnh, gần nghìn cây số. Bố mẹ anh chẳng mấy khi thấy mặt con trai, nhưng họ yên tâm vì biết anh có công việc đều. Tết này, bố mẹ Linh đã 10 ngày không thấy mặt con trai, song không còn thấy yên tâm như trước.

Trưa 28/1, sau 55 ngày Việt Nam không có ca nhiễm cộng đồng, Covid-19 bùng phát trở lại. Với 72 ca dương tính nCov mới, Hải Dương phong toả ổ dịch Chí Linh trưa cùng ngày. Linh nhận ra “mùa kiếm tiền” của mình chưa kịp bắt đầu, đã chính thức kết thúc.

Thành viên của Hội lái xe Chí Linh hỗ trợ vận chuyển hàng cứu trợ trong thời gian thành phố này bị phong toả vì dịch Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Nhiều ý nghĩ hỗn loạn xẹt qua đầu, anh nhắn tin vào nhóm chat Hội lái xe Chí Linh: “Thành phố mình bị phong toả vì dịch Covid rồi, anh em lại chuẩn bị sẵn sàng nhỉ”. 80 thành viên trong hội lập tức hiểu việc sẽ phải làm.

Họ giống Linh, đều là những “bác tài” xe khách, xe tải, taxi tư nhân… ở Chí Linh. Trên đường, chỉ cần thấy logo của nhóm ở kính xe là nháy đèn, vẫy tay chào dù có thể ngoài đời chưa từng gặp mặt. Tham gia nhóm để chia sẻ kinh nghiệm đi đường, chia sẻ những mối công việc tốt, giúp đỡ cộng đồng, họ đã quen với những tin nhắn kiểu “các bác chuẩn bị sẵn sàng” như thế.

Mùa lũ miền Trung cuối tháng 10 vừa qua, hơn 40 tấn hàng cứu trợ đã theo những chuyến xe tải của anh em Hội lái xe Chí Linh lăn bánh hàng nghìn cây số, vào Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Lần này, hội “không quen ngồi im” quyết định cùng nhau dùng chính phương tiện của mình giúp bà con về nhà, vận chuyển nhu yếu phẩm và hỗ trợ các khu cách ly tập trung.

Chiều 28/1, 5 xe tải, 4 ôtô con và 2 xe 16 chỗ cùng các tài xế và 15 anh em trong nhóm xung phong tham gia. “Nhưng mà em chưa chắc bao giờ thì xong đâu”, Linh nói dạm. Các anh em trong nhóm mắng: “Mày hâm vừa, đến bao giờ thì đến”.

Họ để lại số điện thoại liên lạc trên các hội nhóm mạng xã hội, làm băng rôn, xin phép chăng ở cầu Phả Lại và các cửa ngõ ra vào thành phố. Người dân Chí Linh từ tỉnh khác về hoặc cần gửi đồ vào vùng phong toả đều có thể gọi vào số điện thoại trên băng rôn để được đội xe hỗ trợ.

Các ca dương tính tiếp tục tăng những ngày sau đó. Trường học, bệnh viện khắp thành phố dần trở thành các điểm cách ly tập trung cho hơn 2.000 người. Áp lực cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tại các địa điểm này tăng lên trong khi nhiều đồ viện trợ từ tỉnh khác lại thiếu đội vận chuyển.

Nhóm tình nguyện của Linh kết nối Mặt trận tổ quốc thành phố để hỗ trợ. Xe của họ được sát khuẩn, cấp giấy phép lưu thông. Đến các chốt kiểm dịch giao giữa Hải Dương với tỉnh thành khác, anh em nhận nhu yếu phẩm rồi chở về điểm tập kết của thành phố.

Các “bác tài” tranh thủ ăn tối giữa các đợt vận chuyển đồ viện trợ tới các điểm cách ly. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhiều ngày nay, hai chiếc điện thoại của Linh nóng ran, đa số là cuộc gọi lạ. Lần nào, Linh cũng chỉ có ba câu như nhau: “Ở đâu ạ?”, ” Mấy giờ ạ?” và “Được ạ!”. Hơn 20 thanh niên nhóm Linh lúc nào cũng kín mít trong những bộ đồ bảo hộ y tế giống hệt nhau, mỗi người một ngả. Xe thì đến ruộng nhận rau củ tiếp tế cho bếp ăn dã chiến và các khu dân cư bị phong toả. Xe thì tới các điểm cách ly tập trung.

Ngày cao điểm, mỗi xe chở 3-4 chuyến, bốc dỡ chục tấn hàng, đội làm việc đến 3-4 giờ sáng. Đội của Linh nằm trong số những người đầu tiên có mặt tại các khu cách ly tập trung, mang theo chăn đệm, nhu yếu phẩm. Tình nguyện viên tại đây sẽ sắp xếp đồ vào từng phòng, sẵn sàng đón người dân đến cách ly.

10 ngày nay Linh không về nhà, một phần những chuyến xe liên miên, một phần anh muốn tránh nguy cơ lây dịch bệnh cho gia đình. Tết ông Công ông Táo (4/2), tranh thủ giờ nghỉ giữa các chuyến hàng, anh gọi điện về nhà. “Lại gầy đi đúng không?”, bà mẹ nhận ra ngay, dặn dò cẩn thận. Linh để xa điện thoại để bố mẹ nhìn thấy bộ đồ bảo hộ kín mít đang mặc. Mẹ Linh chỉ gật đầu, hỏi mãi một câu anh chưa biết trả lời: “Mùng mấy thì về?”…

Trong khi những nhóm tình nguyện như của Linh lo công việc “tiền phương”, hàng nghìn người dân Chí Linh đi cách ly tập trung bỏ lại một nỗi lo giống nhau ở “hậu phương”: Đồng ruộng không người chăm sóc.

Vụ chiêm xuân 2021, nông dân toàn thành phố Chí Linh gieo trồng hơn 4.500 ha lúa. Tính đến ngày 28/1, khoảng 70% diện tích này đã đổ ải xong, sẵn sàng xuống giống.

“Ba mẫu nhà em đến bỏ chị ạ, năm nay phải đi đong gạo ăn”, một người phụ nữ phường An Lạc sụt sịt gọi về từ điểm cách ly Trung tâm y tế thành phố. Bà Nguyễn Thị Chính, 62 tuổi, chi hội trưởng chi hội phụ nữ Bờ Đa, phường An Lạc, nghe vậy liền mắng: “Bỏ gì mà bỏ. Ở nhà hội phụ nữ khắc đỡ, không để nhà mày đói”.

Đêm 28/1, Ban chỉ huy phòng dịch phường này họp khẩn truy vết và đưa các F1 đi cách ly tập trung, các thành viên Hội phụ nữ cũng nhanh chóng phân công nhau hỗ trợ trông nhà, cây trồng, vật nuôi cho những hộ này.

Phường An Lạc có hơn 100 người, thuộc 20 hộ cách ly tập trung, chưa kể các ngõ xóm bị phong toả tại chỗ. Những cuộc điện thoại “trong đấy – ngoài đây” hỏi thăm nhau thóc giống để đâu, năm nay thích gieo loại gì để sang tận nhà ngâm thóc, ủ mạ giúp.

Những ngày dịch bệnh yên ắng, ngoài tiếng loa tuyên truyền phòng dịch, còn có bản tin Hợp tác xã nông nghiệp An Lạc báo lịch gieo cấy cho từng khu đồng. Bà Chính lục lọi trí nhớ, xem khu đồng ấy có những nhà nào đi vắng để cùng chị em trong hội canh ngày ngâm thóc, đợi cánh đồng tháo bớt nước là đi gieo.

Phụ nữ phường An Lạc, thành phố Chí Linh giúp những gia đình đi cách ly gieo cấy vụ lúa xuân. Ảnh: Hội phụ nữ phường An Lạc.

Mỗi lần ngâm thóc giống khoảng một ngày rưỡi, cứ 7 tiếng bà Chính thay nước một lần cho đỡ bị chua. “Thấy hạt no nước, mép hơi sưng thì đem đãi thật sạch, để ráo đem ủ hai ngày, thấy mầm nhú, rễ dài là gieo được”, bà nói tính mình xuề xoà, nhưng việc đồng áng thì khó tính bậc nhất, “làm hộ càng phải cẩn thận gấp mấy lần”.

Ngày 30/1, khi ông Tạc, chồng bà chưa trở về từ chốt trực chống dịch của xã, bà Chính đã xỏ ủng, quấn khăn lên đầu, ôm cào ra đồng cùng chị em hội phụ nữ gieo mạ “tình nguyện” cho 5 sào ruộng. Nhà có hơn một mẫu ruộng chưa làm, nhưng phải giúp xong các nhà cách ly mới yên tâm làm ruộng nhà mình.

“Một sào ruộng mà có 2 kg thóc, phải lượng cái nắm tay mình mà vung cho đều, cho thưa, nên rất lâu. Một nắm thóc phải liệu làm sao vung 7 lần mới hết là chuẩn”, bà giải thích.

Người gieo mạ, người sang đẩy, người lấy cọc và bạt nilong quây chống chuột, họ chỉ về nhà ăn trưa, nghỉ ngơi nửa tiếng rồi 12h30 lại gặp nhau ngoài đồng. Bà Chính bảo, thợ giỏi một ngày làm 8 tiếng mới gieo được một sào. Nhưng có hôm bốn chị em gieo xong 5 sào ruộng, tối mịt mới về.

Ngày cao điểm, trên cánh đồng Bờ Đa có gần 20 chị em hội phụ nữ ra làm giúp. Tranh thủ lúc đông đủ, họ bật cuộc gọi video vào khu cách ly cho chủ ruộng. “Chị ơi khoẻ không? Nhận ra ruộng nhà ai đây không? Nhận ra những ai đang gieo mạ không này, yên tâm nhé”, mỗi người một câu, lẫn với tiếng cười rộn ràng. Đầu bên kia, chủ nhân đám ruộng chỉ biết lấy tay chùi nước mắt, chẳng nói được gì ngoài câu cảm ơn rối rít.

Một tuần vừa qua, Hội phụ nữ phường An Lạc đã giúp gieo mạ cho khoảng 10 mẫu ruộng của các hộ phải cách ly. Còn gần 7 mẫu ruộng trong Ao Cá, khu ruộng khó làm, ở xa, lại trũng, bà Chính bảo, sẽ phấn đấu ra sớm, đông đủ, gieo xong trước Tết.

“Nói dại, nếu dịch còn dài, nếu phải chăm đến lúc gặt hái, chị em mình cũng quyết mang thóc về tận bếp cho họ”, bà nói.

 

0 nhận xét: