8/6/21

Đấu tranh, ngăn chặn kịp thời việc tán phát thông tin xấu độc

 


Đấu tranh, ngăn chặn kịp thời việc tán phát thông tin xấu độc

Trần Lê Minh

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng hoạt động tán phát thông tin xấu độc, quan điểm sai trái nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu tập trung vào các nội dung phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; cho rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời và chỉ phù hợp với các nước châu Âu, không thích hợp với các nước lạc hậu như Việt Nam. Khai thác những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của đông đảo quần chúng nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc chống phá, qua đó kêu gọi, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự nhằm gây sức ép với chính quyền, tập dượt “cách mạng đường phố” ở nước ta.

Các đối tượng “nổi bật” như các cơ quan đặc biệt nước ngoài có chính sách thù địch đối với Việt Nam; các tổ chức phi chính phủ NGO, tổ chức quốc tế, tổ chức tư nhân bị các thế lực thù địch nước ngoài thao túng, sử dụng vào hoạt động chống Việt Nam (“Theo dõi nhân quyền”/HRW ở Mỹ, “Phóng viên không biên giới”/RSF ở Pháp và các hãng truyền thông BBC, VOA, RFI, RFA, AFP, AP); một số phần tử cực hữu trong chính giới Mỹ và phương Tây; các cá nhân, tổ chức phản động người Việt lưu vong (“Việt Tân”, VOICE, “Ủy ban cứu người vượt biển”/BPSOS, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”); số đối tượng thoái hóa, biến chất về tư tưởng, bất mãn, chống đối chính trị, cực đoan trong nước; cá nhân thiếu hiểu biết, nhất là một bộ phận giới trẻ, học sinh, sinh viên chưa đủ nhận thức và kỹ năng nhận biết đã góp nhặt, chia sẻ các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch.

Để tán phát thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch chống phá, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn rất đa dạng, tinh vi. Chúng triệt để khai thác công nghệ nhằm thiết lập, sử dụng các trang web, blog, tài khoản mạng xã hội để tán phát thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch dưới nhiều hình thức. Một số đối tượng chống đối chính trị còn công khai sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân để tán phát thông tin xấu độc, sai trái, thù địch. Số đối tượng khác tạo lập các Website, Blog, Facebook, Fanpage giả mạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín để đăng tải thông tin xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế – xã hội, bản chất chế độ, hạ thấp uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước và kích động các hoạt động chống đối. Chúng thường tán phát thông tin thật, giả lẫn lộn, thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch được khéo léo lồng ghép trong các bài viết làm người đọc khó phân biệt, dẫn đến hoang mang, mất niềm tin. Bên cạnh đó, các đối tượng cũng sử dụng các Website, Blog, Facebook, Fanpage giả mạo để phát động các chiến dịch vận động gửi kiến nghị, lấy ý kiến nhân dân, như về một vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận, tác động gây sức ép đòi chính quyền trả tự do cho số đối tượng chống đối trong nước đang bị bắt giữ, xét xử hoặc tác động, chống phá những chính sách, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước… Chúng còn thành lập các nhóm trên mạng xã hội (công khai, riêng tư và bí mật), với sự tham gia của hàng nghìn thành viên; xuất hiện hàng trăm nhóm có hoạt động phức tạp như nhóm của số luật sư, lái xe, phóng viên…

Nhiều Website, Blog, Facebook, Fanpage giả mạo được đầu tư lớn về tài chính, có hệ thống máy chủ, đội ngũ kỹ thuật và chuyên gia về bảo mật. Bên cạnh việc tán phát thông tin, các đối tượng còn triệt để lợi dụng các tính năng comment, like, share để thu hút, tạo dư luận trái chiều; đồng thời gia tăng liên kết, phối hợp đưa thông tin, bài viết, bình luận nhằm khoét sâu vào một chủ đề hoặc trích dẫn, đăng lại bài viết, liên kết đến nhiều trang khác làm gia tăng khả năng tán phát thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch. Đáng lưu ý, chúng cũng “một công đôi mục tiêu”, ngoài động cơ chống đối chính trị là chính, các đối tượng còn lợi dụng các website, blog, facebook, fanpage để sản xuất, đăng tải các thông tin, video, clip có nội dung nhạy cảm chính trị, gây tò mò nhằm thu hút lượt xem cao để thu tiền từ các nhà quảng cáo.

Chúng có vẻ khá là chuyên nghiệp khi thành lập và sử dụng các đài phát thanh, kênh truyền hình trên Internet và các phần mềm chuyên dụng để tán phát thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch nhằm chống phá Việt Nam. Bên cạnh các đài phát thanh, truyền hình của Mỹ và phương Tây như BBC, VOA, RFA, RFI… thường xuyên truyền tải nhiều thông tin có nội dung xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch. Một số tổ chức phản động lưu vong cũng lợi dụng phương thức này để hoạt động phá hoại tư tưởng của Đảng, nổi lên như “Đáp lời sông núi”, “Nguồn sống”; các kênh truyền hình như “Đài truyền hình CHTV Việt Nam”, các kênh của “Việt Tân”, “Tiếng dân”, “Chân trời mới Media”…

Các đối tượng cũng triệt để lợi dụng, khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử để sửa chữa, chèn thêm đường dẫn (link) đăng tải nội dung, thông tin giả mạo, xấu độc, quan điểm sai trái; chèn, chỉnh sửa nội dung bài viết, hình ảnh trên các website, cổng thông tin điện tử làm sai lệch bản chất thông tin, làm người đọc mơ hồ mất cảnh giác, phá hoại tư tưởng, từ đó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tạo lập các Website, Blog, mạng xã hội kết hợp với các loại hình thông tin khác như báo viết, báo hình, báo nói để thu hút lượng người truy cập, qua đó truyền bá các quan điểm, tư tưởng phản động.

Quan sát thời gian tới cho thấy chúng sẽ gia tăng tuyên truyền xuyên tạc, tán phát thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch liên quan điều hành của Chính phủ, kết quả bầu cử Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp, tình hình chống dịch Covid-19, quỹ vắc xin phòng, chống dịch, phòng chống tham nhũng… Để ngăn chặn hoạt động tán phát thông tin xấu độc, quan điểm sai trái chống phá Đảng, Nhà nước, thiết nghĩ cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng và cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị, xã hội, mọi người dân chân chính.

Thứ nhất, các bộ, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm chỉ đạo tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, mà trước hết cho cán bộ, đảng viên trong nội bộ, nâng cao “sức đề kháng” của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là giới trẻ trước thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch. Phát huy hiệu lực hiệu quả vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, Ban Chỉ đạo 35, cơ quan chức năng các cấp trong công tác giáo dục chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thứ hai, tăng cường thông tin tích cực, tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”. Các cơ quan thông tin truyền thông cần phát huy hơn nữa các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu gương “người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên. Cần chú ý, thông tin tuyên truyền phải trung thực, không cường điệu, thổi phồng thành tích, nếu không sẽ phản tác dụng, làm mất lòng tin của người đọc người xem, lại tạo cớ cho các loại đối tượng tuyên truyền xuyên tạc chống phá.

Thứ ba, các cơ quan báo chí, truyền thông cần tổ chức các chiến dịch truyền thông có quy mô để kịp thời cung cấp thông tin chính thống về vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm. Chú trọng việc xây dựng, triển khai các “kế hoạch truyền thông” trước khi giải quyết các vụ việc phức tạp, nhạy cảm nhằm định hướng, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân; chủ động tăng cường thông tin tích cực đi đôi với đấu tranh ngăn chặn, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu, độc, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội.

Thứ tư, các lực lượng ngành thông tin truyền thông và công an cần đẩy mạnh tấn công, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để “dọn dẹp”, làm sạch không gian mạng; thường xuyên phối hợp, yêu cầu Facebook, Google và các nền tảng mạng xã hội gỡ bỏ các liên kết, nội dung chứa thông tin xấu độc. Xử phạt nghiêm, củng cố chứng cứ để xử lý hình sự tổ chức, cá nhân vi phạm; nghiên cứu bổ sung cơ sở pháp lý để tịch thu số tiền mà các tổ chức, cá nhân này có được qua lượt view thông tin xấu độc. Việc tịch thu tiền, tài sản không chỉ ngăn chặn các thông tin, video có nội dung xấu độc, nhạy cảm mà còn hạn chế các video có nội dung “nhảm”, trái thuần phong mỹ tục, phản văn hóa (như “Khá Bảnh”, “Huấn Hoa Hồng”), làm sạch môi trường thông tin xã hội.

Thứ năm, các lực lượng chức năng an ninh, quốc phòng các cấp cần thường xuyên phát hiện sớm âm mưu, hoạt động tán phát thông tin xấu độc, quan điểm sai trái thù địch để kịp thời đấu tranh ngăn chặn hiệu lực hiệu quả, vô hiệu hóa các hoạt động chống phá của các đối tượng, hội, nhóm. Nắm chắc tình hình, phát hiện các trang web, blog, diễn đàn thường xuyên đăng tải thông tin có nội dung xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch; chủ động đánh giá và kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn chống phá mới; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video xấu độc, sai trái, thù địch để có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm minh…/.

 

0 nhận xét: