Mùa xuân năm 1934, sau khi thoát khỏi nhà tù ở Hong Kong, Nguyễn Ái Quốc lên một chiếc tàu buôn Liên Xô đến thành phố Vladivostok, rồi từ đó đáp xe lửa đi Moskva, về với Quốc tế Cộng sản sau 6 năm lênh đênh đầy trắc trở. Nhưng gần 7 năm sau đó cho đến khi về nước vẫn là quãng thời gian rất nhiều sóng gió đã trui rèn thêm bản lĩnh, nhân cách của một nhà lãnh đạo thiên tài. Đó là những năm tháng đã làm nên “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; đúng như sau này Người đúc kết: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/Sống ở trên đời người cũng vậy/Gian nan rèn luyện mới thành công!”. Trở lại đất nước của Lenin, Nguyễn Ái Quốc xúc động viết: “Ba năm lưu lạc linh đinh – Nay đã trở lại trong đại gia đình công nông”. Nhưng niềm vui không được bao lâu…
Cuốn Hồ
Chí Minh – Biên niên tiểu sử – Tập 2 (1930 – 9/1945) do NXB Chính trị
Quốc gia – Sự thật xuất bản năm 2016 được công bố trên Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Việt Nam đã thể hiện nhiều thông tin về quãng thời gian nhiều sóng gió này của
Nguyễn Ái Quốc. Theo đó, ngày 6-6-1938, Nguyễn Ái Quốc (bí danh Lin) viết Thư
gửi một đồng chí ở Quốc tế Cộng sản. Toàn văn bức thư (viết bằng tiếng Pháp)
như sau:
Đồng
chí thân mến!
Hôm nay
là ngày kỷ niệm lần thứ bảy việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Kông. Đó cũng là ngày mở
đầu năm thứ tám tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư
gửi đồng chí để xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này.
Đồng
chí hãy phân tôi đi đâu đó. Hoặc là giữ tôi ở lại đây. Hãy giao cho tôi làm một
việc gì mà theo đồng chí là có ích. Điều tôi muốn đề nghị với đồng chí là đừng
để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên
cạnh, ở bên ngoài của Đảng.
Tôi sẽ
rất biết ơn đồng chí, thưa đồng chí thân mến, cho phép tôi được hội kiến. Tôi
tin rằng như vậy sẽ tốt hơn. Đã từ lâu rồi đồng chí không gặp tôi.
Đồng
chí thân mến, xin đồng chí nhận lời chào cộng sản anh em của tôi!”.
Ngày
6-6-1938, Nguyễn Ái Quốc (bí danh Lin) viết Thư gửi một đồng chí ở Quốc
tế Cộng sản |
Tài liệu được
công bố này cho chúng ta thấy Bác Hồ đã phải trải qua “những tháng năm
gian khó” với “nỗi khổ tâm nặng trĩu trong lòng Nguyễn Ái Quốc”, đúng như cảm
nhận của TS Văn Thị Thanh Mai, Phó tổng biên tập Tạp chí Tuyên giáo (Ban Tuyên
giáo Trung ương), người đã có 20 năm công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và
nghiên cứu chuyên sâu về quãng thời gian hoạt động này của Bác Hồ trong các bài
viết đăng trên Tạp chí Tuyên giáo và Báo Công an Nhân dân. “Quãng thời gian từ
1934 đến 1938 là một khoảng lặng buồn trong cuộc đời cách mạng sôi nổi của Nguyễn
Ái Quốc – Hồ Chí Minh như Người đã từng viết cho một người bạn ở QTCS: Xin đồng
chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này. Nhưng chính khoảng lặng đó
càng giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về một Nguyễn Ái Quốc với nghệ thuật sống
“dĩ bất biến ứng vạn biến”. Tư tưởng chính trị đúng đắn, kiên định và trong
sáng đã giúp Người vượt qua được một đoạn đời đầy thử thách chính trị tế nhị và
phức tạp, để tỏ rõ bản lĩnh một lãnh tụ kiệt xuất của Đảng ta, một chiến sĩ
tiêu biểu của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng
dân tộc” – TS Văn Thị Thanh Mai khẳng định.
Bài viết “Những
hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Quốc tế Cộng sản (QTCS)”, đăng trên Cổng thông
tin Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết: Tâm điểm chú ý
nhất của giai đoạn này là việc thành lập Ban Thẩm tra Vụ việc Nguyễn Ái Quốc ở
Quốc tế Cộng sản vào tháng 2- 1936…Nguyễn Ái Quốc lúc này đang là học viên Trường
Đại học Quốc tế Lênin, nhưng lại là tâm điểm chú ý của dư luận trong nội bộ Quốc
tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương, bởi “nghi án” của những vụ việc trước
đây như sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tập hợp địa chủ và tư sản dân
tộc là động lực của cách mạng giải phóng dân tộc. Một loạt dấu hỏi về vụ án
Hương Cảng: Vì sao chịu án phạt nhẹ? bằng con đường nào để đến được Liên Xô?…
Nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng Người đã vượt qua. Và trong lúc khó khăn
nhất, bên cạnh Nguyễn có những người bạn, người đồng chí hết lòng giúp đỡ, như
Vaxiliepna, Lê Hồng Phong, Vaillant Couturier, Manuinxki, Radumopva…
GS, TS Mạch
Quang Thắng, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, một
chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Bác Hồ phân tích: Việc Nguyễn Ái Quốc bị hiểu
lầm đã diễn ra trước vụ án Hong Kong. QTCS đã thúc đẩy phong trào cách mạng thế
giới nhưng cũng không tránh khỏi những sai lầm như Đại hội VI QTCS nhấn mạnh
đấu tranh giai cấp, chủ quan về đánh giá lực lượng cách mạng ở các nước thuộc địa,
chỉ thừa nhận công nông, hạ thấp vai trò giai cấp tư sản dân tộc và các lực lượng
khác. Trong khi đó, tại các Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 do
Nguyễn Ái Quốc khởi thảo lại coi những lực lượng đó là “bầu bạn của cách mạng”.
“Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức…để kéo họ đi vào phe vô sản
giai cấp”. Khi QTCS chủ trương thành lập ĐCS Đông Dương thì Hồ Chí
Minh lại thành lập ĐCS Việt Nam và giữ quan điểm này một cách kiên trì
trên tinh thần thực hiện quyền dân tộc tự quyết mà V.I. Lênin đã nêu ra. Do đó,
đã có những ý kiến cho rằng Nguyễn Ái Quốc là người theo chủ nghĩa dân tộc, quốc
gia cải lương.
Cho nên, đã từ
lâu, Nguyễn Ái Quốc là lãnh tụ của Đảng, là cán bộ của QTCS nhưng gặp nhiều khó
khăn trong công việc ở Việt Nam cũng như ở QTCS. Tại Đại hội VII của QTCS diễn
ra vào tháng 7-1935 ở Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc chỉ được bầu là đại biểu tư vấn
và từng có nhiều năm không được phân công công việc tương xứng với vai trò của
Người. GS, TS Mạch Quang Thắng phân tích: “Vốn đang bị hiểu lầm mà lại trắng
án, ra tù của đế quốc, lại do những người không cộng sản cứu thoát, thì việc trở
về đại bản doanh Mátxcơva, khó mà lấy lại ngay niềm tin của QTCS”. Năm 2013, Tạp
chí Xưa và Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam công bố nghiên cứu về Ban thẩm
tra vụ việc Nguyễn Ái Quốc ở QTCS. Tài liệu cho thấy chính những người đồng chí
ở QTCS đã xem xét kỹ lưỡng và bảo vệ sự trong sáng của Người.
Đồng chí
Vasilievna(Vaxiliepna) – người trực tiếp phụ trách Đông Dương của Quốc tế Cộng
sản – đã viết bản Báo cáo đề ngày 29-6-1935 dài 3 trang gửi Bộ Phương Đông
và Vụ Tổ chức cán bộ của Quốc tế Cộng sản: “Đề nghị cần nghiên cứu kỹ nội dung
bức thư của Ban lãnh đạo Hải ngoại và cung cấp thêm những thông tin về Nguyễn
Ái Quốc để Quốc tế Cộng sản có cơ sở đánh giá chính xác, đầy đủ, toàn diện về
Nguyễn Ái Quốc ”. Đồng chí Vaxiliepna khẳng định:
“Nguyễn Ái
Quốc là người cộng sản Đông Dương đầu tiên, là người rất có uy tín giữa những
người cộng sản, là người đã tổ chức các nhóm cộng sản đầu tiên trên cơ sở đó để
thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi hợp nhất Đảng, Nguyễn Ái Quốc tự nhận
mình là đại diện của Quốc tế Cộng sản, mặc dầu Quốc tế Cộng sản chưa trao ủy
quyền. Trong thời gian hợp nhất Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Ủy ban lâm thời
và đã để xảy ra một số sai lầm như hợp nhất một cách máy móc các nhóm cộng sản,
không phân định rõ ràng quan hệ với các tầng lớp địa chủ và tư sản… Hội nghị
tháng 10-1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương đã nghiêm khắc phê phán những khuyết
điểm của đồng chí. Sau Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đảm nhận công việc liên lạc
viên, công tác tại Trung Quốc và Hồng Kông…
“ Ngày
6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị mật thám Anh bắt tại Hồng Công và bị kết án 2 năm
tù giam. Trong thời kỳ này, chúng tôi (Vaxiliepna) liên hệ với luật
sư bào chữa thông qua Tổ chức cứu trợ những người cộng sản bị nạn của Pháp, gửi
tiền để thuê luật sư bào chữa và luật sư đã tổ chức cho Nguyễn trốn thoát, việc
này đã được luật sư nói rõ trong thư gửi chúng tôi. Một thời gian sau đó, có
tin là Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù vì lao phổi. Năm 1933, xuất hiện tin rằng
Nguyễn Ái Quốc không chết mà được thả tự do và biến mất.… Thống nhất với các đồng
chí Mip và Côchenxky chưa thể nắm hết các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, mặc dầu
chúng tôi biết rằng, Nguyễn luôn luôn kiên trì phấn đấu… Nguyễn rất khổ tâm và
nóng lòng về việc không được tham gia những nhiệm vụ bí mật…
Trên đây
là những dẫn chứng tôi đã trình bày. Nguyễn Ái Quốc khi tự phê bình tỏ ra bình
tĩnh và luôn luôn chấp nhận những tự chỉ trích đó.
Điểm lại
những sự kiện và tư liệu, phải chăng cần khẳng định vị trí đại diện trong Đảng
của Nguyễn Ái Quốc. Phải chăng Nguyễn Ái Quốc có thể tham gia Đại hội (Quốc tế
Cộng sản) như một đại biểu chính thức?”.
(Trích báo
cáo của Vaxiliepna)
Sau nhiều nỗ
lực xác minh khác, để chuẩn bị tốt nội dung làm việc cho Ban thẩm tra,
Vaxiliepna đã viết Bản giải trình dài 6 trang, tổng hợp tất cả những vụ việc
liên quan đến quá khứ, hiện tại của Nguyễn Ái Quốc. Đặc biệt, đã đưa ra những ý
kiến tích cực, khẳng định rằng Nguyễn Ái Quốc là người Cộng sản chân chính, hy
sinh cống hiến hết mình cho Đảng, không phải là kẻ phản bội, chưa bao giờ có sự
liên hệ với mật thám. Dẫn đến việc sai lầm về chính trị, chưa có kinh nghiệm hoạt
động bí mật, trình độ lý luận còn yếu… là do chưa được đào tạo cơ bản…
Trong Bản giải
trình, Vaxiliepna đề nghị thành phần Ban thẩm tra có từ 3 đến 5 người có uy tín
lớn, trong đó, dứt khoát phải có mặt của Hải An (Lê Hồng Phong).
Ngày
19-2-1936, Ban thẩm tra gồm 3 đồng chí: Cônxinna, Hải An và Krapxki đã họp và
đi đến những kết luận dù vẫn nêu Nguyễn Ái Quốc “mắc một số sai lầm nghiêm trọng”
“đề nghị đồng chí rút kinh nghiệm” song đã khẳng định: Ban thẩm tra không tìm
ra chứng cứ nghi ngờ nào về sự trung thành chính trị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc
và “Hồ sơ vụ việc về Nguyễn Ái Quốc được hủy bỏ”.
Sau này nhìn
lại sự việc, nhiều người cho rằng ở vào thời điểm đó, không ít trường hợp thường
bị xử lý “ tiền trảm hậu tấu ”…nhưng Người đã thể hiện bản lĩnh, chữ
“Nhẫn” cần có trong nguy nan, không phản ứng, không giãi bày, nhiều lúc thực hiện
im lặng.
Trước muôn
vàn trắc trở như vậy, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên trì, chờ thời cơ, tìm được
lối thoát, như đồng chíV.Vasilievna nhận xét: “Anh ấy bình thản tiếp nhận sự chỉ
trích trong mối quan hệ của mình, luôn nhất trí với sự phê bình này”, và bà
đánh giá: “Cần nhấn mạnh rằng tên tuổi của đồng chí Quốc được biết đến như một
chiến sĩ cách mạng trong nước, có thể hiện tại đang được sử dụng để tập hợp và
đoàn kết các lực lượng cách mạng rộng rãi trong việc thành lập mặt trận nhân
dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc ở Đông Dương”.
Đến đây và cả
sau này khi đã rời khỏi Liên Xô, những việc Nguyễn Ái Quốc đã làm, những vấn đề
thuộc về tư tưởng và lý luận Người nêu ra được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn,
thì những hoài nghi đều được khép lại. Đúng như trước đó đồng chí Lê Hồng
Phong đã khẳng định: Có thể nói rằng đồng chí ấy (Nguyễn Ái Quốc) luôn sống và
làm việc vì Đảng ở bất kỳ hoàn cảnh và môi trường nào.
TS Chu Đức
Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh phân tích: “Dù tin là mình đúng,
nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn nhẫn nhịn chấp hành chỉ thị, không tranh cãi, không
lôi kéo người ủng hộ, tiếp tục củng cố mối quan hệ với Quốc tế Cộng sản. Vì lợi
ích của Đảng, của cách mạng, Người luôn đặt quyền lợi của Đảng, của dân tộc lên
trên hết và trước hết. Sự hy sinh này lấp lánh bản lĩnh kiên cường, trí tuệ và
tấm lòng son sắt của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với sự tồn tại và phát triển
của Đảng, như chính người đồng chí – học trò của Người, lúc này là Tổng Bí thư
Đảng Cộng sản Đông Dương Lê Hồng Phong nhận xét ngày 3-8 năm 1935: “Tôi biết rằng
đồng chí Quốc rất tích cực trong hoạt động cách mạng và các vấn đề sự nghiệp của
Đảng luôn được đồng chí đặt cao hơn cuộc sống cá nhân. Có thể nói rằng đồng chí
ấy luôn sống và làm việc vì Đảng”.
0 nhận xét: