Thiết lập
“vùng xanh” trên không gian mạng cũng cần thiết không kém “vùng xanh” trong cộng
đồng. Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tin giả trên mạng xã hội,
tránh việc người dân bị hoang mang, dao động đối với công tác phòng, chống dịch
COVID-19 của Nhà nước ta, đã đến lúc chúng ta cần thiết lập một “vùng xanh”
trên Internet theo hướng nhận diện tin giả và “vùng xanh”…
Tin giả độc
hại xâm lấn không gian mạng
Từ tháng
4/2021 đến nay, lợi dụng diễn biến tình hình phức tạp, khó lường của đợt bùng
phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, số đối tượng phản động, chống đối và một số
cá nhân trong, ngoài nước gia tăng hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà
nước trên không gian mạng như: Tung tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch
bệnh COVID-19, về công dụng của thuốc, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh; kêu
gọi tự điều trị, chẩn đoán tại nhà, không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; xuyên tạc
chính sách phân bổ vaccine của Bộ Y tế; bịa đặt thông tin về công dụng, hiệu quả
vaccine COVID-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc; bài xích quan hệ ngoại giao của Việt
Nam với một số quốc gia; công kích, bôi nhọ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng,
Nhà nước và chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch.
Nhiều bài viết
xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhân viên Y tế, Công an, Quân đội, những người
tham gia phòng chống dịch bệnh, xuyên tạc về tình hình, diễn biến người mắc bệnh,
tử vong, người có nguy cơ lây nhiễm. Cùng với đó là thông tin kích động công
nhân đình công tập thể tại các công ty, thậm chí kích động chống phá tại khu
công nghiệp có yếu tố nước ngoài, các công ty không đáp ứng yêu cầu “ba tại chỗ”.
Tung tin về
việc thiếu lương thực, thực phẩm trầm trọng, gây tâm lý hoảng loạn trong quần
chúng nhân dân. Nhiều đối tượng trục lợi thông qua bán, làm giả vật tư, thiết bị
y tế phòng dịch, đầu cơ, kinh doanh qua mạng. Các tổ chức thù địch, phản động lợi
dụng dịch bệnh để gia tăng hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, lôi kéo người
vào tổ chức, phát triển lực lượng chống đối trong nước, như một số tổ chức khủng
bố Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Triều Đại Việt…
Tin giả (fake
news) được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông, bao gồm
cả truyền thông xã hội. Thực tế, những thông tin sai lệch thường có xu hướng
lan truyền nhanh hơn tin thật, kể cả được đưa bởi các cơ quan truyền thông, báo
chí chính thống nếu thiếu sự kiểm tra, xác minh nguồn tin. Đây là một thách thức
đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo thống kê của cơ quan chức năng,
mạng xã hội (Facebook, Google, Zalo…) trở thành nền tảng lan truyền tin giả phổ
biến nhất.
Tin giả về
COVID-19 được tán phát với nhiều mục đích, ý đồ khác nhau, theo một thống kê
thì nó được liệt vào 25 chủ đề tiêu cực, trong đó có 5 loại chủ đề xâm phạm an
ninh quốc gia. Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ
cao, trong năm 2020, cơ quan chức năng đã xác định khoảng 100 hội nhóm trên mạng
xã hội Facebook, 14.000 chuyên trang Facebook, hơn 80 kênh You Tube chống phá với
tần suất cao, khoảng trên 54.000 video vi phạm thường xuyên tán phát tin giả có
ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, xử phạt hành
chính hơn 1.000 đối tượng có hoạt động đăng tải thông tin chưa chính xác về dịch
COVID-19.
Nhiều thủ đoạn
được các đối tượng sử dụng trong đăng tải tin giả, nguy hiểm nhất là việc sử dụng
khoảng trống thông tin, còn gọi là “vùng trắng” để tấn công vào sự hiếu kỳ của
công chúng và làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới. Nhiều thông tin bị
xuyên tạc, bóp méo sự thật, thông qua những tiêu đề giật gân, câu khách về vấn
đề dư luận đang quan tâm, nhất là vấn đề liên quan đến nội bộ Đảng, Nhà nước,
thông tin về tham nhũng, tiêu cực.
Thông qua các
phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các đối tượng đã thực hiện nhiều thủ đoạn
tuyên truyền, xuyên tạc, tác động vào tư tưởng, tình cảm của người tiếp nhận,
gây tâm lý hoang mang, dao động, hoài nghi của nhân dân đối với Đảng, gây bất ổn
xã hội. Hoạt động chống phá của các đối tượng diễn ra thường xuyên, liên tục,
trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội nước ta, đặc biệt là những thời điểm nhạy
cảm, khó khăn của đất nước như cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay.
Thiết lập
“vùng xanh” COVID-19
Trên bản đồ
COVID, màu xanh dường như đã trở thành một sắc màu mang tới sự lạc quan, niềm
tin và hy vọng. Đó là màu xanh từ những “vùng xanh” hay còn được gọi là “vành
đai xanh”- vành đai an toàn không COVID-19. Xây dựng “vùng xanh” trong cuộc chiến
chống COVID-19 đang là giải pháp nhằm giảm mức độ từ vùng nguy cơ rất cao (vùng
đỏ) thành vùng nguy cơ cao (vùng cam), vùng nguy cơ (vùng vàng) và tiến tới trở
thành địa bàn an toàn – vùng xanh. Tùy vào đặc thù cụ thể, từng địa phương đã
và đang triển khai nhiều cách làm, giải pháp quyết liệt để mở rộng “vùng xanh”
với phương châm củng cố, phát triển ngay từ cơ sở, địa bàn dân cư. Bảo vệ “vùng
xanh” ở cấp độ “tế bào” (tổ dân phố, ngõ, xóm) được xem là “vaccine cộng đồng”,
mũi giáp công hiệu quả trong chiến lược chuyển hướng từ phòng ngự sang phản
công.
Tại những cuộc
làm việc với các bộ, ngành, địa phương về phòng, chống dịch, Thủ tướng Phạm
Minh Chính đều nhấn mạnh thông điệp, phải có cách tiếp cận mới và triển khai
các giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Các bộ, ngành, địa
phương liên quan hết sức chú ý việc củng cố, bảo đảm an toàn các “vùng xanh”.
Nhiều ý kiến đánh giá, mô hình “vùng xanh” cũng như việc phân vùng xanh, đỏ,
vàng để có cách thức chống dịch phù hợp, là một cách tiếp cận mới so với trước,
để chủ động phòng ngừa dịch ngay khi dịch bệnh chưa xảy ra, nhất là khi biến thể
Delta có hệ số lây nhiễm R0 rất cao.
Thiết lập
“vùng xanh” trên không gian mạng cũng cần thiết không kém “vùng xanh” trong cộng
đồng. Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tin giả trên mạng xã hội,
tránh việc người dân bị hoang mang, dao động đối với công tác phòng, chống dịch
COVID-19 của Nhà nước ta, đã đến lúc chúng ta cần thiết lập một “vùng xanh”
trên Internet theo hướng nhận diện tin giả và “vùng xanh” như sau:
Thứ nhất,
tăng cường các kênh thông tin chính thống đa dạng phủ sóng trên các nền tảng mạng
xã hội (Facebook, YouTube, Tiktok…) để người dân có thể nhận diện được thông
tin đúng đắn và tạo sự đề phòng, tính cảnh giác của bản thân khi tiếp xúc với
thông tin được lan truyền khác không chính thống trên không gian mạng. Từ đó tạo
thói quen có sự tham khảo khi sử dụng thông tin, nhất là thông tin được chia sẻ
bởi mạng xã hội, chủ thể không rõ nguồn gốc, không xác thực.
Thứ hai, đối
với các kênh tin giả, thông qua các kênh thông tin ở “vùng xanh” để giúp người
dân có thể nhận diện được các đặc điểm như: Tin giả thường có tiêu đề hấp dẫn,
giật gân, viết in hoa kèm dấu ký tự mang tính chất khẳng định, thường có vẻ khó
xảy ra trong thực tế nhưng được viết dưới dạng khẳng định để thu hút sự chú ý của
người đọc. Đồng thời, kiểm tra đường dẫn liên kết. Đường dẫn URL chứa tin giả
thường giả mạo gần giống các trang tin chính thống.
Ví dụ: đuôi
tên miền “.org” dành cho các tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận nhưng
không vì thế mà mất cảnh giác, bởi những trang này có thể đăng tải thông tin chủ
quan vì mục đích riêng của tổ chức đó chứ không hoàn toàn cung cấp thông tin
khách quan cho người đọc. Kiểm tra kỹ mục “liên hệ” hoặc “giới thiệu” trên
trang tin để tìm kiếm thông tin về cá nhân hoặc tổ chức đứng sau, xác định mức
độ tin tưởng thông qua các thông tin được đề cập như: Chức danh, chức vụ, học
hàm, học vị, mức độ phản hồi của người dùng, tính xác thực của địa chỉ.
Tin giả thường
không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, thể thức văn bản, dễ có lỗi chính tả
và ngữ pháp, không thống nhất. Hình ảnh sử dụng trong bài viết đa phần là ảnh lấy
trên mạng rồi chỉnh sửa cho phù hợp với nội dung nguồn tin. Cần kiểm tra xem ảnh
có tồn tại trên không gian mạng thông qua tính năng “Search Google for image”
và nguồn gốc, địa điểm, thời gian. Về mốc thời gian sử dụng trong bài viết, tin
giả được biên soạn và định dạng mốc thời gian không trùng với thực tế, do đó, cần
xem kỹ các mốc thời gian, sự kiện có trong nội dung tin và thời gian đăng tải.
Về các luận cứ, luận chứng trong bài viết, thông thường các tin giả được tạo ra
dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thực nhưng được thêm thắt, thổi phồng,
làm giả ở những nội dung quan trọng nhất.
Điều quan trọng
nhất là người dân khi tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội cần nâng cao cảnh
giác trước những thông tin thất thiệt, mang tính kích động, gây hoang mang dư
luận, có biện pháp tự bảo vệ mình trước những thông tin xấu độc. Không
chia sẻ, bình luận, like các bài viết đăng tải những thông tin chưa được kiểm
chứng. Để nắm các thông tin chính trị, kinh tế-xã hội, tình hình dịch COVID
-19, người dân cần tham khảo trang thông tin của các ban, bộ, ngành và cơ quan
chức năng, thu thập, tiếp nhận thông tin ở các tờ báo chính thống, có uy tín những
thông tin thuộc “vùng xanh”.
0 nhận xét: