19/11/21

Bản án dành cho nhóm “Báo Sạch” là đúng người, đúng tội

 


Trương Châu Hữu Danh cùng đồng phạm là những đối tượng đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Cuối tháng 10 vừa qua, TAND huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân” đối với Trương Châu Hữu Danh và các đồng phạm. Các bị cáo bị truy tố gồm: Trương Châu Hữu Danh (39 tuổi, trú tại tỉnh Long An), Nguyễn Thanh Nhã (41 tuổi), Đoàn Kiên Giang (36 tuổi) (cùng trú tại TP.HCM), Nguyễn Phước Trung Bảo (39 tuổi, trú tại TP Đà Nẵng), Lê Thế Thắng (39 tuổi, trú tại Hà Nội).


Trong vụ việc này, TAND huyện Thới Lai (Cần Thơ) đã tuyên phạt các bị cáo là thành viên nhóm “Báo Sạch” tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 2, Điều 331 Bộ Luật Hình sự. Ngoài ra, tòa còn tuyên phạt bổ sung cấm các bị cáo hoạt động trong lĩnh vực báo chí thời hạn 3 năm.

Các bị cáo tại Tòa án nhân dân huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.

Sau khi 5 đối tượng thuộc nhóm “Báo Sạch” bị tuyên án, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra thông cáo, nêu ra những ý kiến thiếu khách quan, sai lệch về tự do báo chí ở Việt Nam, kêu gọi trả tự do cho “5 nhà báo này và tất cả những người bị giam giữ vô cớ”. Cái gọi là Tổ chức Phóng viên không biên giới cũng ra thông báo phản đối các bản án đối với nhóm “Báo Sạch”, vu cáo Việt Nam “gia tăng đàn áp truyền thông độc lập”.

Để rộng đường dư luận, phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá Nguyễn Tuấn Việt – Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an về vấn đề này.

Đại tá Nguyễn Tuấn Việt: Trước hết, cần phải khẳng định, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin.

Việc đảm bảo mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp và các quy định pháp luật là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, được triển khai thực hiện trong thực tế đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam cũng được thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của báo chí Việt Nam.

Tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ và xét xử chỉ vì bày tỏ chính kiến hay bảo vệ nhân quyền. Chỉ có những đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, vi phạm pháp luật; tung tin giả, tin xấu, độc hòng gây bất ổn tình hình đất nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận, phá hoại cuộc sống bình yên của Nhân dân… mới bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực tiễn diễn biến quá trình khởi tố bắt giam và phiên tòa xét xử các đối tượng vừa qua cho thấy rõ: Trương Châu Hữu Danh cùng đồng phạm là những đối tượng đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Những đối tượng này cần phải bị trừng trị thích đáng theo đúng quy định của pháp luật.

PV: Một số ý kiến cho rằng, đây là các “nhà báo độc lập” và hoạt động khách quan. Ông đánh giá gì về ý kiến này?. Ở Việt Nam có “truyền thông độc lập” và “nhà báo độc lập” hay không?

Đại tá Nguyễn Tuấn Việt: Tôi xin nhấn mạnh, với ý kiến cho đây là các “nhà báo độc lập”, hoạt động khách quan là cố tình bóp méo sự thật, cố tình lấp liếm, bao che cho hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng. Chính các đối tượng tại phiên tòa xét xử vừa qua đều cúi đầu nhận tội, đều ăn năn hối cải, mong được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước.

Việc sử dụng các danh nghĩa “nhà báo độc lập”, “truyền thông độc lập” là cố tình bỏ qua tính chất khách quan, chính nghĩa của báo chí nói chung và báo chí cách mạng Việt Nam, đánh đồng hành vi vi phạm của các đối tượng với sự đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của lực lượng báo chí chân chính, đại diện cho tiếng nói của Nhân dân, của Nhà nước. Bất kỳ hoạt động nào cũng phải theo khuôn khổ của pháp luật. Trong đó hoạt động báo chí, truyền thông không loại trừ, phải theo quy định của pháp luật, phải phục vụ lợi ích của dân tộc, của Nhà nước, của Nhân dân.

Thực tiễn tại Việt Nam, đã có một số đối tượng được ca ngợi hoặc tự nhận, tự phong là “nhà báo độc lập”, hoạt động “truyền thông độc lập” như Tạ Phong Tần, Trần Khải Thanh Thủy… hoạt động của các đối tượng là nhằm phục vụ cho lợi ích của các thế lực bên ngoài. Số này nhận tiền và hoạt động theo ý muốn của từ bên ngoài, lợi dụng không gian mạng, truyền thông trên mạng xã hội để đăng tải thứ sản phẩm vu khống, bịa đặt mà mục đích nhằm phá hoại chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đi ngược lại với lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.

“Nhà báo độc lập”, “truyền thông độc lập” là những mỹ từ mà các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao nhằm che lấp mưu đồ xấu xa với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, hoạt động báo chí, truyền thông ở Việt Nam nói riêng. Đó là lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để hoạt động phá hoại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân, vi phạm pháp luật. Mưu đồ đó phải được bóc trần và vô hiệu hóa vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

PV: Một số thành viên nhóm “Báo Sạch” có tác nghiệp theo đúng Luật Báo chí không, thưa ông?

Đại tá Nguyễn Tuấn Việt: Hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí theo đúng quy định tại Luật Báo chí năm 2016. Quyền và nghĩa vụ của nhà báo được quy định tại Điều 25 Luật Báo chí 2016, trong đó tại Khoản 1, Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định rõ: “Nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo”. Các đối tượng thuộc nhóm “Báo Sạch” đã bị tước thẻ nhà báo thì không thể hoạt động như một nhà báo thông thường, mọi hoạt động lấy danh nghĩa nhà báo đều là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật.

Việc các đối tượng nhóm “Báo Sạch” bị khởi tố, đưa ra xét xử tại phiên tòa sơ thẩm vừa qua đã chứng minh rõ hoạt động của các đối tượng là vi phạm pháp luật, hoạt động của các đối tượng là tư lợi, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phá hoại lợi ích của nhân dân.

PV: Theo ông, việc kêu gọi thả tự do cho nhóm “Báo Sạch” có thuyết phục hay không?

Đại tá Nguyễn Tuấn Việt: Hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng được thể hiện rõ với đầy đủ tài liệu chứng cứ. Căn cứ vào hồ sơ, kết quả thẩm tra, xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Châu Hữu Danh cùng các đồng phạm, Hội đồng xét xử phiên tòa đánh giá việc truy cứu trách nhiệm hình sự, quá trình điều tra đối với các bị cáo là đúng quy định của pháp luật.

Ngay tại phiên tòa này, các đối tượng đều cúi đầu nhận tội, khai báo hành vi vi phạm pháp luật của mình, thể hiện thái độ ăn năn hối cải, đều có nguyện vọng mong muốn được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Hội đồng xét xử đã có bản án đối với hành vi vi phạm của các đối tượng, một mặt thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, là bản án thích đáng đối với các hoạt động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của nhân dân, mặt khác khung hình phạt dành cho các đối tượng cũng thể hiện sự đánh giá toàn diện, khách quan của Hội đồng xét xử, chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta.

Việc kêu gọi thả tự do cho các đối tượng là luận điệu tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam, đi ngược lại với lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Đúng trình tự, thủ tục, pháp luật của Việt Nam

Theo thông tin của các cơ quan chức năng, các Quyết định khởi tố bị cán, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở đối với các bị can là có căn cứ và đều được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn trước khi thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Việc bắt, khám xét nơi ở của từng bị can đều được lập biên bản đúng trình tự, thành phần tham dự theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Quá trình điều tra, các bị can đều được điều tra viên giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can theo Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, trong đó có quyền “tự bào chữa, nhờ người bào chữa”. Sau khi giải thích, từng bị can đều hiểu quyền và nghĩa vụ của mình. Thông qua gia đình, từng bị can yêu cầu thuê luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho bị can, cụ thể: Bị can Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã, mỗi người có 2 luật sư tham gia, bị can Đoàn Kiên Giang có 1 luật sư tham gia bào chữa. Tổng số có 7 luật sư và tất cả các luật sư được Cơ quan điều tra tạo điều kiện thuận lợi thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bào chữa theo Điều 73 của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Riêng bị can Lê Thế Thắng tự bào chữa, không yêu cầu luật sư tham gia.

Về việc thăm, gặp thân nhân và chăm sóc y tế của các bị can được thực hiện theo đúng quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.

Theo VOV

 

0 nhận xét: