Sáu thập kỷ đã trôi qua,
nhưng kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển còn vang vọng mãi trong trang sử vàng
dân tộc.
Suốt chiều dài hoạt động của đường Hồ Chí Minh trên biển, bến tàu không số Vũng Rô (tỉnh Phú Yên) là một trong những biểu tượng cho sự gan dạ, mưu trí, dũng cảm của thủy thủ, quân và nhân dân ta.
Những chuyến
tàu “thần tốc”
Mặc dù đã 88
tuổi đời nhưng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tá Hồ Đắc Thạnh vẫn
không thể nào quên được những chuyến đi “thần tốc” trên đường Hồ Chí Minh giữa
biển cả mênh mông. Tham gia “Đoàn tàu không số”, ông đã chỉ huy con tàu chở 12
chuyến vũ khí chi viện cho miền Nam, trong đó có ba chuyến tàu cập bến Vũng Rô.
Trung tá Hồ Đắc
Thạnh kể: Trước đó đã vận chuyển nhiều chuyến hàng thành công nhưng khi được
phân công làm Thuyền trưởng Tàu 41 để chở vũ khí về quê hương thì cảm xúc của mình
lâng lâng và quyết tâm bằng mọi cách phải về bến an toàn. Ngày 26/11/1964, Tàu
41 bắt đầu xuất phát, sau hơn hai ngày vừa lênh đênh trên biển vừa tránh địch,
vào trưa 28/11 tàu đến gần Vũng Rô. Các thủy thủ trên Tàu 41 đã khéo léo ngụy
trang chờ đến tối để lực lượng địa phương tại bến Vũng Rô bốc dỡ 63 tấn vũ khí
và rời bến, trở ra Bắc an toàn.
Chuyến thứ 2
vào đến vịnh Vũng Rô ngày 25/12/1964. Ngoài vũ khí cùng 4 cán bộ chi viện, tàu
còn mang theo 3 tấn gạo dành cho đơn vị ở bến Vũng Rô đang thiếu lương thực.
Không thể kể hết tình cảm của quân, dân ở bến Vũng Rô khi ấy. Chuyến này tàu
cũng phải ngụy trang và ở lại một ngày để bốc dỡ hàng theo cách cũ và tàu đã
ra, vào vịnh Vũng Rô an toàn tuyệt đối.
Ngay khi về đến
Hải Phòng, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh lại nhận được lệnh đi chuyến thứ 3 để vào
đến Vũng Rô đúng Tết Ất Tỵ (năm 1965) nhằm tranh thủ sơ hở của địch. Tối
31/1/1965, tàu vào vịnh Vũng Rô cũng là thời khắc giao thừa.
Anh hùng Hồ Đắc
Thạnh xúc động hồi tưởng: Khoảng 23 giờ 50 phút, tàu vào đến bến, pháo địch bất
ngờ bắn trắng trời, cảm giác đầu tiên là nghĩ tới việc bị lộ. Nhưng ngay lúc đó
dưới buồng báo vụ, từ radio vang lên tiếng thơ chúc Tết của Bác Hồ. Lúc ấy ai
cũng hạnh phúc vì tàu đã vào bến an toàn.
Sau 3 chuyến
vào bến Vũng Rô thành công, Trung tá Hồ Đắc Thạnh còn làm Thuyền trưởng 2 tàu
khác. Mặc dù vậy, Tàu 41 (bây giờ mang số hiệu HQ 671) vẫn gắn liền với nhiều
chiến công của An hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh. Chiếc tàu này
cũng được hai lần được trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện
nay Tàu 41 được trưng bày tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân và Thủ tướng Chính
phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 6, năm 2017).
Quyết tử để
giữ bến Vũng Rô
Sau những hải
trình “thần tốc”, “đoàn tàu không số” đã cập bến Vũng Rô. Hàng chục tấn vũ khí,
hàng hóa được bốc dỡ thành công. Cũng có những thời khắc lực lượng bảo vệ bến
phải mưu trí, dũng cảm, quyết đoán đánh trả sự càn quét của địch; đảm bảo bí mật
cho hoạt động của đường Hồ Chí Minh trên biển.
Theo lời kể của
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Đặng Phi Thưởng (khi đó là Tổ trưởng
Tổ bộ binh thuộc đơn vị K60), lực lượng tham gia bảo vệ, chiến đấu tại bến Vũng
Rô gồm các đơn vị: K60; K64; Trung đội tập trung miền Đông; du kích hai xã Hòa
Hiệp, Hòa Xuân. Lực lượng dân công bốc dỡ vũ khí gồm: đảng viên, đoàn viên, cơ
sở cách mạng và cán bộ địa phương.
Sau 3 lần bốc dỡ vũ khí thành công,
ngày 15/2/1965, bến Vũng Rô lại được lệnh đón Tàu 143. Qua một đêm bốc dỡ khẩn
trương, vũ khí, hàng hóa được đưa vào bãi. Rạng sáng ngày 16/2 ,Tàu 143 có đủ
thời gian nhổ neo rời bến. Tuy nhiên, tời neo bị hỏng, thủy thủ phải sửa chữa
nên phải ngụy trang để neo tại Bãi Chùa.
Khi Tàu 143 bị
lộ, địch đã đưa nhiều máy bay đến thả bom, pháo bắn liên tục vào khu vực bến
Vũng Rô nhằm thu giữ vũ khí của quân ta. Các lực lượng của ta đã anh đũng chống
trả với tinh thần quyết tử.
Anh hùng Lực
lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Đặng Phi Thưởng nhớ lại: Xác định Tàu 143 bị lộ,
chỉ huy bến Vũng Rô đã quyết định dùng khoảng 700kg thuốc nổ để đánh chìm tàu
nhằm xóa dấu vết. Sáng 17/2/1965, máy bay địch tiếp tục ném bom, hỗ trợ cho tàu
đổ bộ từ biển tiến vào với ý định đưa quân lên Bãi Chính, Bãi Lau. Bộ đội K60,
du kích, thủy thủ từ bờ đã đánh trả quyết liệt, đẩy lùi tàu địch ra giữa vịnh.
Quân địch không đến được nơi có tàu ta bị chìm và cũng không lên bờ được.
Trong 3 ngày
18, 19 và 20/2/1965, địch dùng hỏa lực mạnh, thả bom liên tục khiến cho cây cối
ở khu vực núi Vũng Rô bị thiêu rụi. Quân ta vẫn kiên trì bám trận địa, lợi dụng
địa hình hang đá và vũ khí có sẵn mới nhận được từ Tàu 143 để chiến đấu. Cuối
cùng, địch phải rút xuống tàu, chấm dứt cuộc càn quét, truy đuổi lực lượng ta.
Quân ta tiêu diệt hơn 100 tên địch, trong đó có tên Trung đội trưởng. Trong trận
chiến đấu này quân ta hy sinh 12 đồng chí thuộc Đại đội K60. Số vũ khí còn lại
được bảo vệ an toàn và lực lượng dân công tiếp tục vận chuyển về căn cứ.
Mặc dù chỉ hoạt
động trong hơn 2 tháng (từ ngày 28/11/1964 đến ngày 15/2/1965) nhưng bến Vũng
Rô đã tiếp nhận và vận chuyển an toàn hàng trăm tấn vũ khí, hàng hóa cho lực lượng
vũ trang các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk… Có được thành quả đó là sự gan dạ,
mưu trí, dũng cảm của cả những thủy thủ đoàn tàu không số và lực lượng bảo vệ bến.
Thắm nghĩa
tình ruột thịt Bắc – Nam
“Đoàn tàu
không số” cập bến Vũng Rô không chỉ chở vũ khí chi viện cho miền Nam mà còn là
nghĩa tình anh em ruột thịt. Những món quà giản đơn được người trên bến – dưới
tàu trao gửi cho nhau khi tàu cập bến là hình ảnh, cảm xúc không thể quên trong
ký ức của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Đắc Thạnh, Đặng Phi Thưởng và
cô dân công Nguyễn Thị Tản.
Trên chuyến
tàu thứ 3 từ miền Bắc vào bến Vũng Rô, Tàu 41 do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ
huy đã mang theo 3 tấn gạo thơm, thuốc lá điếu, trà và cả một cành hoa đào Nhật
Tân tặng cán bộ, chiến sĩ ở bến đón Tết Ất Tỵ.
Hồi tưởng và
kể lại câu chuyện này, Đại tá Đặng Phi Thưởng rưng rưng nước mắt, tâm sự: Khi
đó mình mới 19 tuổi và là lần đầu được ăn chén cơm gạo thơm, được hút thuốc lá
từ miền Bắc gửi vào. Cũng giống mình, đồng chí nào cũng xúc động. Dù vật chất
không lớn nhưng đó là tình cảm, sự chia sẻ chân thành của miền Bắc với miền
Nam.
Cũng tại bến
Vũng Rô này nữ dân công Nguyễn Thị Tản (khi đó 16 tuổi) đã gửi cho Thuyền trưởng
Hồ Đắc Thạnh và các thủy thủ của đoàn tàu không số một món quà đầy ý nghĩa. Món
quà ấy là nắm đất quê hương được gói kỹ trong chiếc khăn tay của những đồng chí
ở bến Vũng Rô.
Bà Nguyễn Thị
Tản tâm sự: Lúc đó vô cùng khó khăn, gian khổ, bến Vũng Rô chẳng có gì đáng giá
để tặng cho các thủy thủ “tàu không số”. Mình chỉ suy nghĩ rằng con người sinh
ra, lớn lên rồi mất đi gắn liền với nắm đất; bao nhiêu đồng chí, đồng đội chiến
đấu, hy sinh cũng để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Từ đó, mình quyết định tặng
Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và thủy thủ trên tàu nắm đất Vũng Rô. Mong các anh
luôn nhớ mãi quê hương và đó cũng là tình cảm của nhân dân miền Nam gửi ra miền
Bắc.
Nắm đất quê
hương ấy được Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cất kỹ và luôn mang bên mình như báu vật.
Sau này, nắm đất Vũng Rô được trưng bày tại tại Bảo tàng Hải quân nhân dân Việt
Nam. Hình tượng cô dân công miền Nam Nguyễn Thị Tản trao nắm đất cho thuyền trưởng
Hồ Đắc Thạnh gửi ra miền Bắc được tạc thành tượng đồng như một biểu tượng đẹp về
nghĩa tình ruột thịt Bắc – Nam.
“Đoàn tàu
không số” đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của
quân và dân Việt Nam. Chiến công của những thuyền trưởng, thủy thủ, chiến sĩ,
dân công… và những biểu tượng như nắm đất Vũng Rô, bảo vật quốc gia – tàu HQ
671 mãi mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc, trường tồn với thời gian.
0 nhận xét: