1/12/21

MẤT VĂN HÓA THÌ MẤT NƯỚC ĐẾN NƠI


Hiện nay, dư luận xã hội đang khá quan tâm về việc GS.TS Trần Ngọc Thêm cho rằng khái niệm “trồng người”, quan điểm “tiên học lễ, hậu học văn” không còn phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay. Đã có nhiều bài viết thể hiện quan điểm không đồng tình với quan điểm trên, nếu bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm.

Bài viết của tác giả hôm nay sẽ tiếp cận dưới góc độ nếu không giữ gìn văn hóa, truyền thống dân tộc, lịch sử đất nước thì sớm muộn cũng có ngày mất nước,

Khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” có từ xa xưa và nó đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong ngành giáo dục nước nhà. Khẩu hiệu này đã nhắc nhở bao thế hệ thầy và trò chú trọng giáo dục cái đức làm người, mà lễ nghĩa là một mặt của đạo đức vậy cớ sao phải bỏ nó đi? Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc bỏ khẩu hiện trên chẳng khác nào quay lưng với truyền thống, cội nguồn tốt đẹp của dân tộc để đi theo văn hóa phương Tây, nên nhớ rằng mất bản sắc văn hóa là mất tất cả.

Tôi còn nhớ, cách đây khoảng 7 - 8 năm gì đó, một vị Giáo sư nào đó cũng đề xuất thay đổi lời Quốc ca vì lời bài hát “đẫm máu” và “bạo lực quá”. Nên viết lại cho mềm dẻo và phù hợp với xu thế phát triển hiện tại và để cho quốc tế thấy Việt Nam yêu hòa bình thế nào. Cũng cách đây khoảng 10 năm, khi còn ngồi trên ghế đại học, tranh luận về câu nói: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nguyên khí quốc gia ở đây là năng “chất” làm nên sự sống còn và phát triển của đất nước, xã hội. Có bạn nói rằng, nếu tôi chỉ là một người bình thường, không phải hiền tài, thì chẳng lẽ không xứng đáng là “nguyên khí quốc gia”.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì vấn đề giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc đặc trưng, bản sắc ngày càng trở nên quan trọng đối với mỗi quốc gia - dân tộc. Chỉ có quốc gia - dân tộc nào giữ gìn được những nét đặc trưng, bản sắc văn hóa thì có điều kiện trở thành đất nước mạnh, ngược lại, nếu đánh mất bản sắc sẽ trở thành dân tộc bị lệ thuộc. Từ sự lệ thuộc văn hóa chính là con đường ngắn dẫn đến lệ thuộc về kinh tế, lệ thuộc về chính trị.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mượn lời tiền nhân: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất” và nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc. Vì vậy mà văn hóa có một vai trò, vị trí rất quan trọng của một đất nước. Xã hội phát triển hơn, văn minh hơn, giàu có hơn, thì lịch sử hay văn hóa, vẫn luôn là thứ cần phải bảo tồn.

Tự dưng thấy rùng mình khi hết đề xuất thay Quốc Ca, bỏ từ “Ngụy”, bỏ Tết Cổ truyền, sửa Tiếng Việt, và giờ đây lại đề xuất bỏ “trồng người”, “tiên học lễ, hậu học văn”... Mất văn hóa thì khác nào mất niềm tin mà mất niềm tin, mất văn hóa thì sẽ mất tất cả và mất nước sẽ không còn xa.

  

0 nhận xét: