6/1/22

'Ma trận” thuốc điều trị Covid-19


Mua trên mạng xã hội (mua online) thuốc kháng virus điều trị Covid-19 rất dễ dàng. Phổ biến nhất là loại trên bao bì ghi bằng tiếng Nga.

Các thuốc được giới thiệu do Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ sản xuất cũng đều có, giá cả thì vô cùng, sự chênh giữa một số người bán trên mạng có khi lên tới vài triệu đồng, tùy thời điểm. Mua các thiết bị y tế có liên quan đến Covid-19 cũng vậy, phổ biến nhất là kit xét nghiệm nhanh, mua bao nhiêu cũng có. Trong khi đó, một số loại kit đang được rao bán không có trong danh mục được lưu hành tại Việt Nam.

Các chuyên gia đầu ngành về dịch tễ, đội ngũ thầy thuốc có kinh nghiệm đều khuyến cáo người dân, người bệnh không tự ý mua thuốc và tự ý sử dụng thuốc điều trị Covid-19. Bởi đây là lĩnh vực cần có chuyên môn, nhất thiết phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc. Những thuốc điều trị Covid-19 đang được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành ở Việt Nam chỉ được phép sử dụng theo chỉ định của bác sĩ (thuốc kê toa). Còn việc mua bán trên thị trường “chợ đen” đều là thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên rất khó bảo đảm về chất lượng.

Người đi mua như rơi vào ma trận của các loại thuốc điều trị Covid-19. Dễ hiểu điều này bởi dịch bệnh quá nguy hiểm, trong khi số người nhiễm liên tục tăng, hệ thống y tế đang phải căng sức chữa trị cho người bệnh. Chính điều đó khiến người dân có tâm lý phải tự lo cho mình trước, phải tự chuẩn bị khi có tình huống. Biết rằng, việc mua thuốc ở “chợ đen” là rủi ro mọi mặt nhưng người mua vẫn đành liều lĩnh bởi nhu cầu thuốc điều trị Covid-19 là rất lớn.

Việc người dân tự ý mua thuốc điều trị Covid-19 trôi nổi vừa sai về mặt pháp lý, vừa rủi ro về mặt sức khỏe, thậm chí nguy hại tới tính mạng trong trường hợp mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Nhưng một loạt câu hỏi lớn đặt ra là: Vì sao người dân phải tìm mua trên “chợ đen”? Tại sao việc mua bán trên “chợ đen” lại dễ dàng như vậy? Trách nhiệm của những cơ quan có chức năng quản lý lĩnh vực này đến đâu?

Cung và cầu thuốc điều trị Covid-19 là không nhỏ nhưng thị trường “chợ đen” vẫn đáp ứng được. Lượng thuốc ấy ở đâu ra? Những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực dược nói rằng, việc nhập lậu các loại thuốc này từ nước ngoài vào Việt Nam ở thời điểm này không hề dễ. Còn trường hợp nếu thuốc nhập lậu vào được thì vai trò các cơ quan quản lý ở đâu? Và nếu không thể nhập lậu được mà trong nước vẫn có để đáp ứng nhu cầu của người mua thì có hai khả năng. Thứ nhất, nó được sản xuất giả. Thứ hai, nó là thuốc thật, chất lượng thật nhưng được tuồn ra từ nơi quản lý. Dù là khả năng nào thì cũng rất có vấn đề. 

Ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn tình trạng khan hiếm thuốc kháng virus điều trị Covid-19 thì cơ quan chức năng cần khẩn trương cấp phép lưu hành một số thuốc. Đến nay, chúng ta vẫn chưa thể cấp phép lưu hành, sản xuất và cho phép kinh doanh một số thuốc kháng virus điều trị Covid-19, trong đó phổ biến dùng trong điều trị như thuốc Molnupiravir. Trong khi ngay cạnh Việt Nam, Chính phủ Lào đã cho phép kinh doanh thương mại thuốc Molnupiravir. Thuốc do Doanh nghiệp Dược phẩm nhà nước Lào số 3 sản xuất. Đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ.

Mặt khác, ở lĩnh vực quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng cần phát huy vai trò, trách nhiệm cao nhất để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh bất hợp pháp mặt hàng này. Thuốc chữa bệnh là lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của con người. Nó là lĩnh vực không được phép buông lỏng quản lý.

 


0 nhận xét: