Tết Nhâm Dần
2022 đã cận kề, cũng là Tết Nguyên đán thứ ba người dân cả nước phải đối mặt với
dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu tại
cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với 63
tỉnh, thành phố bàn các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp
Tết Nhâm Dần ngày 27/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với nhu cầu đi lại
trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận
nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể
cả biến chủng Omicron, thậm chí có thể có những biến thể mới ngoài Omicron, bởi
vậy đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp xử lý kịp thời, không để bị động, để
nhân dân được ăn Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh.
Năm qua, đất nước
ta đã trải qua nhiều khó khăn, biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo
dài. Vào thời điểm này, bình quân mỗi ngày tổng số ca nhiễm của cả nước liên tục
ở mức trên 15.000 ca; hàng loạt tỉnh thành ghi nhận ca nhiễm mới ở mức 3 con số,
Hà Nội ghi nhận hàng nghìn ca mắc mỗi ngày. Nhưng với phương châm “thích ứng an
toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP
của Chính phủ, mỗi gia đình, đơn vị, địa phương đều đang thích ứng với nhịp sống
bình thường mới, đón mùa xuân Nhâm Dần với tâm thế tin tưởng ở những điều tốt đẹp
hơn trong năm mới.
Dịp Tết đến
xuân về, ai cũng mong được sum họp, đoàn tụ bên người thân. Thế nhưng, trong bối
cảnh dịch bệnh, Tết cũng là thời điểm rất dễ xảy ra những sự cố về sức khỏe
không thể lường trước. Chính vì vậy, Tết an toàn chính là trọng tâm khuyến cáo
của Bộ Y tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện này.
Trong thông điệp, Bộ Y tế không nêu các điều kiện về việc xét nghiệm, cách ly đối
với người về quê đón Tết, mà đề nghị các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh
trên địa bàn, quyết định theo thẩm quyền việc tạm dừng các hoạt động tập trung
đông người không cần thiết, hoạt động vui chơi, lễ hội lớn, nghi lễ tôn giáo có
tập trung đông người tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch; đồng thời tiếp
tục duy trì sản xuất kinh doanh theo hướng an toàn. Việc sinh hoạt, đi lại,
giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuyệt đối tuân thủ
đúng và đầy đủ quy định 5K của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19.
Nhiều tỉnh,
thành phố trong cả nước, đặc biệt một số địa phương có số ca mắc COVID-19 ở mức
cao, đã khuyến cáo hạn chế tập trung đông người, sử dụng rượu bia quá đà trong
những ngày nghỉ Tết, đặc biệt là khi tham gia giao thông.
Sự thận trọng của
các địa phương cũng là dễ hiểu, khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường.
Không ai muốn dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam, nhất là nhu cầu đi lại
của người dân tăng cao cả trước và sau Tết. Những thành quả có được trong đấu
tranh phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, có một phần rất lớn từ chính mỗi
người dân, khi tự nguyện, tự giác và tích cực tuân thủ các quy định về phòng chống
dịch bệnh.
Vẫn biết nhu cầu
vui Tết, chơi Tết, ăn Tết của người dân là rất cao, nhưng vì một cái Tết an
toàn, nhiều người đã hy sinh niềm vui riêng để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 với những ca nhiễm mang chủng virus mới được
phát hiện ở nước ta vào dịp cận kề Tết Nhâm Dần, khiến không ít người dân tại
các địa phương có dịch lao đao. Sát cánh bên họ, chính quyền địa phương các cấp,
nhiều cơ quan, ban, ngành đã nhanh chóng vào cuộc. Điều này cho thấy sự sâu
sát, thấu hiểu của chính quyền các cấp với những khó khăn của nhân dân, kịp thời
có các biện pháp can thiệp, nhằm giảm những thiệt hại do tác động tiêu cực của
dịch bệnh. Với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều địa phương đã ban hành
các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân các địa
bàn bị ảnh hưởng dịch COVID-19; đồng thời kêu gọi các cơ quan, đơn vị và các
đoàn thể chính trị xã hội chia sẻ và tích cực giúp đỡ nông dân trong việc tiêu
thụ các sản phẩm nông sản.
Gần đây nhất,
cùng với việc phối hợp với cơ quan hữu quan của Trung Quốc nỗ lực giải tỏa hàng
nông sản ách tắc tại một số cửa khẩu, Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các
tỉnh, thành phố và các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước thực hiện các giải pháp
phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trước những diễn
biến mới của dịch bệnh COVID-19, theo đó bảo đảm đủ nguồn cung và bình ổn giá
các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ Tết, nhất là tại địa bàn xảy ra dịch
bệnh; đồng thời xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các nông sản của các
địa phương đang gặp khó khăn do dịch bệnh trong tiêu thụ sản phẩm. Đáng chú ý,
chương trình cộng đồng “Tết chung một nhà” đã được phát động tại nhiều địa
phương nhằm hỗ trợ những người lao động, vốn là lực lượng lao động cốt lõi của
xã hội, hiện đang gặp khó khăn, chủ yếu là do bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa hoặc
đình chỉ nhiều khu công nghiệp, nhà máy và công ty trong đợt đại dịch COVID-19
vừa qua. Chương trình góp phần làm lan tỏa tới cộng đồng xã hội lòng biết ơn,
tri ân về sự cống hiến và hy sinh thầm lặng của đội ngũ tuyến đầu chống dịch,
những công nhân lao động, lực lượng lao động nòng cốt của xã hội trong dịp Tết
Nguyên đán 2022”.
Năm mới 2022,
chưa thể lường hết những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, người dân cả nước
tiếp tục phải đương đầu với những thử thách đầy cam go. Nhưng với sự quyết tâm
của Chính phủ, sự vào cuộc nhanh chóng, hiệu quả của các cơ quan chức năng và sự
đồng sức, đồng lòng của nhân dân cả nước, một cái Tết đầm ấm, lạc quan, xua tan
bệnh dịch, thực hiện thành công chủ trương lớn của Chính phủ: Vừa thích ứng an
toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phục hồi, phát
triển kinh tế – xã hội.
0 nhận xét: