27/1/22

Văn hóa tâm linh và phòng, chống mê tín, dị đoan

 


Một trong những trăn trở của không ít cán bộ, đảng viên hiện nay là tham gia đời sống tâm linh như thế nào cho phù hợp, để không vi phạm Điều 19 của Quy định số 37-QĐ/TW “về những điều đảng viên không được làm”: “Mê tín, hoạt động mê tín, ủng hộ hoặc tham gia các tôn giáo bất hợp pháp hoặc lợi dụng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi”.

Ranh giới giữa hoạt động tâm linh với hoạt động mê tín, dị đoan thường rất mỏng manh. Định hình được ranh giới ấy, cán bộ, đảng viên sẽ thấy thoải mái, tự tin hơn trong tham gia các hoạt động tâm linh…

Mỗi dịp Tết đến, những ai là con dân nước Việt đều cảm nhận rõ ràng không khí linh thiêng của ngày Tết. Thời khắc giao thừa, thắp nén hương thơm dâng lên bàn thờ tiên tổ, ai cũng cầu mong tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc. Những người cựu chiến binh dẫn theo con cháu đến nghĩa trang liệt sĩ, nhớ về những đồng đội từng hy sinh cho mình được sống, cảm thấy như đồng đội vẫn đang ở đâu đó trên những tầng mây cao vời vợi dõi theo mình, dẫn dắt mình tránh những tai ương, vận hạn.

Đến vãn cảnh khu tưởng niệm các danh nhân, anh hùng dân tộc, đền, miếu, chùa chiền, có ai không xúc động khi dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân có nhiều công lao với quê hương, đất nước, khấn cầu các vị thánh thần phù hộ cho quốc thái, dân an, gia đình và bản thân mình an khang, gặp nhiều phúc lộc… Rõ ràng, những hoạt động tâm linh kể trên là rất phổ biến trong đời sống hiện nay, mang lại những giá trị tinh thần cao cả, có tác dụng hướng con người đến chân-thiện-mỹ mãnh liệt.

Tuy nhiên, cũng có không ít những hoạt động tâm linh của cán bộ, đảng viên, thậm chí có cả những cán bộ (hoặc vợ con của cán bộ) giữ những vị trí lãnh đạo, quản lý rất quan trọng gây phản cảm trong nhân dân. Đó là những lễ dâng sao, giải hạn rình rang với chi phí hàng trăm triệu đồng, những buổi “gọi hồn, thỉnh vong”, hầu đồng, yểm bùa, cầu cúng, hóa vàng mã… hoành tráng với những niềm tin mù quáng vào số mệnh, thần thánh, ma quỷ.

Trước đây, đã có thời kỳ chúng ta cho rằng, người đảng viên với thế giới quan của Chủ nghĩa Mác-Lênin thì không được phép tham gia hoạt động tâm linh. Nhiều người còn cho rằng, tâm linh là “mảng tối”, là mặt tiêu cực trong ý thức con người, nơi chưa được chân lý khoa học soi sáng; cùng với sự phát triển vũ bão của khoa học-công nghệ (KHCN) thì đời sống tâm linh sẽ ngày càng bị thu hẹp.

Nhưng thực tế hơn 35 năm đổi mới vừa qua cho thấy, đất nước ta càng phát triển, dân trí càng lên cao, KHCN đã và đang có những bước phát triển rất nhanh thì đời sống tâm linh của nhân dân nói chung, của cán bộ, đảng viên nói riêng càng phong phú, đa dạng.

Vậy, đứng vững trên nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề cán bộ, đảng viên tham gia hoạt động tâm linh như thế nào? Có thể thấy, dù KHCN có phát triển đến mấy thì những nỗi đau do thiên tai, nhân tai, dịch bệnh, tai nạn giao thông… vẫn xảy ra.

Thậm chí, sẽ có những người ngẫu nhiên gặp phải rất nhiều tai ương, thiếu may mắn, “họa vô đơn chí”… Với mỗi người, khi gặp phải những nỗi đau quá sức chịu đựng như vậy thì sự giúp đỡ, động viên của cơ quan, đơn vị, hàng xóm, người thân là không đủ, họ cần có niềm tin vào một phép màu, một sự cứu rỗi trong tâm hồn để vượt qua. Rõ ràng, hoạt động tâm linh mang bản tính lịch sử tự nhiên, có tác dụng xoa dịu, bù đắp những mất mát, khổ đau; một loại “thuốc” tinh thần đặc biệt đối với con người.

Do đó, hoạt động tâm linh là một nhu cầu văn hóa tinh thần đặc biệt của con người, trong đó có cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, đời sống tâm linh còn là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua mấy nghìn năm lịch sử, trở thành văn hóa tâm linh, “sợi dây neo” giữ hồn cốt dân tộc. Người cộng sản mang trong mình chủ nghĩa yêu nước, không thể thiếu “sợi dây neo” đó trong phẩm chất, tâm hồn mình. Lênin từng chỉ rõ: “Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”.

Với tinh thần đó, người đảng viên cộng sản Việt Nam không chỉ tìm hiểu về đời sống tâm linh của dân tộc mình, mà phải thực sự tham gia một cách tích cực vào hoạt động đó, để lọc bỏ những yếu tố mê tín, dị đoan, kế thừa và phát triển văn hóa tâm linh trở thành giá trị cốt lõi của nền văn hóa mới, nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Các Mác từng nói rằng: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”; đó là một câu nói rất có giá trị khoa học. Thuốc phiện, nếu được sử dụng hợp lý, đúng lúc, đúng chỗ, luôn là một liều thuốc quý; nhưng nếu sử dụng thái quá, lại trở thành độc dược đối với con người.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa IX của Đảng ta khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2016) quy định: “1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân”.

Như vậy, từ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta đều công nhận và bảo đảm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cũng là thừa nhận và tạo điều kiện cho văn hóa tâm linh hoạt động và phát triển. Về phương diện nhận thức và hành động, cán bộ, đảng viên khi tham gia đời sống tâm linh phải xem đó là hoạt động bày tỏ tình cảm thiêng liêng, niềm tin linh thiêng, là sự biết ơn của người đang sống đối với những người thân đã mất, đối với danh nhân, anh hùng liệt sĩ được nhân dân suy tôn làm thánh, làm thần, làm thành hoàng…; là sự thấu cảm về giá trị văn hóa và đạo đức của các biểu tượng tôn giáo.

Đó là những điều tốt đẹp, cao cả mà ai cũng khát khao, trông đợi, hướng về. Đi ngược lại mục đích tốt đẹp đó, hoạt động tâm linh, buôn thần, bán thánh… để cầu “vinh thân, phì gia”, cầu chạy tội, cầu che mắt các cơ quan công quyền khi làm những việc trái pháp luật, trái đạo lý… là những hành vi đáng phê phán, cần đấu tranh, loại bỏ.

Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, chạy theo đồng tiền là một nguy cơ lớn. Để ngăn ngừa cái xấu, cái ác, ngăn ngừa lối sống thực dụng, Đảng, Nhà nước ta cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tác dụng giáo dục lẽ sống hướng thiện của hoạt động văn hóa tâm linh là không thể phủ nhận.

Đó cũng là con đường giáo dục chân-thiện-mỹ, giáo dục truyền thống dân tộc rất hiệu quả. Niềm tin vào sự tích “con Rồng, cháu Tiên”, niềm tin vào hồn thiêng sông núi, niềm tin vào linh khí tổ tiên… khi hòa quyện vào niềm tin cộng sản sẽ tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn trong mỗi cán bộ, đảng viên để thực hiện khát vọng hùng cường, thịnh vượng, đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

 

0 nhận xét: