Chủ trương đại
đoàn kết dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng
từ khi ra đời, được Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng tái khẳng định và đang
tiếp tục phát huy trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Đoàn kết là
truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam
Đoàn kết là
truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống
đó được phát huy cao độ và là một trong những yếu tố tạo nên thắng lợi của cách
mạng Việt Nam.
Ngay khi mới
ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng của khối đoàn kết
toàn dân tộc và coi đó là động lực, là cội nguồn sức mạnh của cách mạng. Cương
lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, khẳng định: “Đảng
phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày nghèo và phải dựa vào hạng dân cày
nghèo để làm thổ địa c.m đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến. Đảng phải làm
cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khỏi ở dưới quyền
lực và ảnh hưởng của bọn tư sản quốc gia. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu
tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt… để lôi kéo họ đi vào phe vô
sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà
chưa rõ mặt phản c.m thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ
phận nào đã lộ rõ bộ mặt phản c.m (Đảng Lập hiến…) thì phải đánh đổ” (1).
Trong những năm
1930-1950, Đảng luôn quan tâm đến việc lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết dân
tộc trong Hội Phản đế đồng minh (1930), Phản đế liên minh (1935), Mặt trận Dân
tộc thống nhất phản đế Đông Dương (1936), Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1938), Mặt
trận Việt Minh (1941)… Nhờ đó, sức mạnh của dân tộc được nhân lên gấp bội và đã
giành được thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và gặt hái nhiều thành
tựu trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đánh bại những âm mưu, thủ đoạn của
thực dân Pháp trong những năm 1945-1950.
Trước những diễn
biến phức tạp của tình hình và để bảo đảm cho sự thắng lợi của cách mạng, một
trong những yêu cầu đặt ra là cần đẩy mạnh xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh
của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ ngày 11 đến
ngày 19/02/1951, Đại hội đại biểu lần thứ II họp tại xã Vinh Quang (nay là xã
Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung
ương, Bộ Chính trị, đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động
Việt Nam, thông qua Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam và dành sự quan tâm
đặc biệt đến phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.
Đảng khẳng định:
Nhiệm vụ chính trước mắt là hoàn thành giải phóng dân tộc, nên cần phải tập
trung lực lượng vào việc kháng chiến để quyết thắng quân xâm lược (2).
Lực lượng cách
mạng Việt Nam bao gồm tất cả các tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Động lực của
cách mạng Việt Nam lúc này là công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị, tiểu
tư sản trí thức và tư sản dân tộc; ngoài ra là những thân sĩ (địa chủ) yêu nước
và tiến bộ. Những giai cấp, tầng lớp và phần tử đó họp thành nhân dân. Nền tảng
của nhân dân là công, nông và lao động trí thức. Người lãnh đạo cách mạng là
giai cấp công nhân (3).
Đảng còn nhấn mạnh:
Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đoàn kết tất cả mọi đảng phái, mọi đoàn thể
và mọi thân sĩ yêu nước, không phân biệt giai cấp, chủng tộc, tôn giáo, nam nữ
để cùng nhau kháng chiến kiến quốc. Mặt trận dân tộc thống nhất lấy liên minh
công – nông và lao động trí thức làm nòng cốt và do giai cấp công nhân lãnh đạo
(4)… Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không những cần thiết cho kháng chiến thắng
lợi mà còn cần thiết cho kiến thiết dân chủ mới thành công.
Việc Đại hội đại
biểu lần thứ II của Đảng quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng và phát huy khối đại
đoàn kết dân tộc, đã nhân lên gấp bội lần sức mạnh của dân tộc Việt Nam và trở
thành một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp với đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ buộc thực dân
Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo tiền đề vững
chắc để tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Phát huy sức
mạnh khối đoàn kết dân tộc theo tinh thần của Đại hội II
Phát huy sức mạnh
khối đại đoàn kết dân tộc, trong những năm 1954-1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã
kêu gọi được các tầng lớp nhân dân đoàn kết một lòng, kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước, bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất
đất nước.
Từ năm 1975 đến
nay, thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, dưới sự
lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể giữ vững vai trò
trung tâm trong việc thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng
lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người
trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi
thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước
ngoài…; đồng thời, còn là một kênh thông tin quan trọng phản ánh tình hình xã hội,
tâm tư, nguyên vọng của nhân dân và kiến nghị với Đảng, Nhà nước những chủ
trương, giải pháp thiết thực, giải quyết có hiệu quả những vấn đề liên quan đến
nhân dân, đoàn viên, hội viên trong các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam.
Hiện nay, các
thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, kích động tư
tưởng ly khai, chia rẽ dân tộc, gây thù hằn tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết
toàn dân tộc ở nước ta… Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, chiến
tranh cục bộ, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; hoạt động ly khai, can thiệp
lật đổ, khủng bố diễn ra quyết liệt ở nhiều nơi. Sự “trỗi dậy hòa bình” của
Trung Quốc và sự điều chỉnh, chuyển trọng tâm chiến lược của các nước lớn sang
châu Á-Thái Bình Dương làm cho tình hình Biển Đông vốn phức tạp lại tiềm ẩn nhiều
diễn biến khó lường. Điều này phần nào tác động đến tư tưởng, tình cảm của các
tầng lớp nhân dân, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Trước tình hình
đó, những nội dung được đề cập đến tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng
(2/1951) về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục phát huy tác dụng.
Dưới sự lãnh đại của Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam chung sức, chung lòng
cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách và tiếp tục đạt được những thành tựu to
lớn, ngày càng khẳng định được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đặc biệt, trong
cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, một lần nữa, truyền thống đoàn đại kết dân
tộc đã được phát huy cao độ. Các tầng lớp, giai cấp trong nước và người Việt
Nam ở nước ngoài đóng góp công sức, tiền của chung sức chung lòng cùng nhau đẩy
lùi dịch bệnh.
Trong công cuộc
phòng chống dịch, “Quỹ Vaccine” trở thành biểu tượng sáng ngời của ý Đảng hợp với
lòng dân, nhân lên gấp bội lần sức mạnh của dân tộc Việt Nam, trở thành vũ khí
sắc bén giúp Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, là bằng chứng
sống động tô thắm thêm truyền thống đoàn kết của dân tộc; đồng thời, góp phần đập
tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về khối đoàn kết của dân tộc
Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo
của Đảng, Chính phủ và sự đồng lòng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nghiệp
phòng, chống dịch Covid-19 nhất định thắng lợi như khẳng định của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng trong Lời kêu gọi phòng chống dịch Covid-19: “Tôi tin tưởng
sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí
và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn
bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến
thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại
vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng,
xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!” (5).
Hơn 70 năm qua,
chủ trương xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được
khẳng định tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (2/1951) vẫn còn nguyên giá
trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Để xây dựng, củng
cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tinh thần được đề ra tại Đại
hội đại biểu lần thứ II của Đảng, trong những năm tới, toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân cần tăng cường đoàn kết mật thiết trong Đảng, giữa Đảng với nhân dân
và coi đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, chỗ dựa vững chắc để phát huy sức mạnh
của khối đại đoàn kết toàn dân, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây
dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
0 nhận xét: