Cán bộ được bổ
nhiệm chức danh A phải đảm bảo 10 điểm, tuy nhiên, khi đưa cán bộ vào diện quy
hoạch, có thể thời điểm đó cán bộ mới đạt 9 hoặc 9,5 điểm thì vẫn có thể được
xem xét.
Ban Tổ chức
Trung ương mới ban hành Hướng dẫn 16 nhằm giúp thực hiện Quy định số 50-QĐ/TƯ
của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ.
Một trong những
nội dung quan trọng trong Hướng dẫn đã nêu, đó là tại thời điểm xem xét, phê
duyệt quy hoạch, cán bộ phải cơ bản đáp ứng được các tiêu chuẩn như trình độ chuyên
môn, nghiệp vụ tương ứng với chức danh được bổ nhiệm. Cán bộ được quy hoạch các
chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải đáp ứng tiêu chuẩn
lý luận chính trị.
Tuy nhiên,
Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, cán bộ được quy hoạch “chưa nhất thiết phải đáp ứng
ngay” tất cả tiêu chuẩn. Ví dụ, đối với quy hoạch chức danh Thứ trưởng, tại thời
điểm xem xét, cán bộ không nhất thiết đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn như đã kinh qua
và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ trưởng hoặc tương
đương trở lên; hoặc Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND trở lên của cấp tỉnh;
có trình độ quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.
Đối với quy
hoạch chức danh Phó Bí thư Tỉnh ủy, tại thời điểm xem xét quy hoạch, cán bộ
không nhất thiết đáp ứng đầy đủ một số tiêu chuẩn như đã kinh qua lãnh đạo chủ
chốt cấp huyện (Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy cấp huyện; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch
UBND cấp huyện); có trình độ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc
tương đương.
Việc quy định
cán bộ được quy hoạch “chưa nhất thiết phải đáp ứng ngay tất cả tiêu chuẩn” được
dư luận đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội để cán bộ có năng lực, phẩm chất, có triển
vọng phát triển để phấn đấu.
Mở rộng
thêm cơ hội cho cán bộ rèn luyện, phấn đấu
Theo ông Nguyễn
Đức Hà – nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), công tác quy
hoạch cán bộ được Đảng ta xác định là khâu trọng yếu của công tác cán bộ, là
nhiệm vụ thường xuyên nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực,
uy tín, có triển vọng phát triển để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển,
bổ nhiệm.
Tất cả chức
danh đều quy định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm. Khi cán bộ được đề bạt
vào một chức danh cụ thể thì phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện của
chức danh theo quy định. Vì vậy, với cán bộ được quy hoạch – bước tiền đề cho
công tác cán bộ, cấp có thẩm quyền có thể xem xét, phê duyệt quy hoạch đối với
những cán bộ cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh bổ nhiệm.
“Quy hoạch là
bước tạo nguồn cán bộ, chuẩn bị cho lâu dài và cán bộ được quy hoạch còn được
đào tạo, bồi dưỡng tiếp để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện khi bổ nhiệm
vào các chức danh. Vì vậy, Hướng dẫn số 16 của Ban Tổ chức Trung ương nêu tại
thời điểm xem xét, phê duyệt quy hoạch “chưa nhất thiết phải đáp ứng ngay các
tiêu chuẩn như kinh qua chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp dưới, trình độ quản lý
nhà nước…” nhằm mở rộng thêm cơ hội cho cán bộ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng
yêu cầu hiện nay và qua đó chuẩn bị kỹ cho quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”.
Ông Nguyễn Đức
Hà cho biết điều này, đồng thời khẳng định, quy định như vậy là đúng với bản chất
logic của công tác cán bộ. Ông lấy ví dụ, cán bộ được bổ nhiệm chức danh A phải
đảm bảo 10 điểm, tuy nhiên, khi đưa cán bộ vào diện quy hoạch, có thể thời điểm
đó cán bộ mới đạt 9 hoặc 9,5 điểm thì vẫn có thể được xem xét, phê duyệt quy hoạch.
Sau đó, cán bộ thiếu tiêu chuẩn gì thì cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn
vị có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo kế hoạch luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, tạo
điều kiện để cán bộ phấn đấu, rèn luyện, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh quy hoạch
theo quy định.
Từng bước
cụ thể hóa vai trò của người đứng đầu
Nhắc đến
phương châm quy hoạch “động và “mở”, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng cho biết,
phương châm này xuất hiện từ Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị năm 2002. Theo
đó, quy hoạch “động” được hiểu là định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh để đưa
ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn
thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc uy tín
thấp và kịp thời bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy
tín, triển vọng phát triển.
Quy hoạch “mở”
được hiểu là không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà cần mở rộng
nguồn cán bộ từ nơi khác để đưa vào quy hoạch những cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn,
điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Ví dụ quy hoạch
cán bộ chủ chốt cấp huyện thì không khép kín ở nguồn cán bộ trong huyện đó mà cần
mở rộng nguồn cán bộ từ các huyện khác, thậm chí ở tỉnh, ở Trung ương, nhằm khắc
phục tình trạng trì trệ, cục bộ địa phương, khép kín ngành, lĩnh vực.
“Bây giờ chọn
1 đồng chí mà chỉ nhìn vào 10 đồng chí ở đơn vị mình thì dứt khoát không thể bằng
việc nhìn rộng ra khắp cơ quan hoặc khắp địa phương, đơn vị khác” – ông Nguyễn
Đức Hà nhấn mạnh.
Có thể thấy,
quy hoạch cán bộ không phải là một khung cứng mà rất cần sự linh hoạt, đặc biệt
là phải chọn được những cán bộ đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
và vị trí công tác. Trong đó, cần gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc lựa
chọn cán bộ quy hoạch. Bởi thực tế đã chứng minh, nếu người đứng đầu trong
sáng, công tâm, khách quan thì sẽ dẫn dắt, định hướng tập thể theo chiều hướng
tốt; ngược lại, nếu người đứng đầu lồng ghép ý đồ cá nhân không trong sáng thì
sẽ chi phối tập thể.
Ông Nguyễn Đức
Hà cũng cho rằng, vai trò của người đứng đầu sẽ từng bước được cụ thể hóa. Thời
gian tới sẽ thực hiện thí điểm một số chủ trương mới như giao quyền tự chủ, tự
chịu trách nhiệm cho người đứng đầu và cấp ủy trong công tác cán bộ.
Theo ông, đối
với việc phân cấp quản lý cán bộ, không phải cứ cấp trên quản lý mới là tốt.
Quan trọng là cấp nào nắm chắc cán bộ thì giao cho cấp đó quản lý, đồng thời cấp
trên phải thường xuyên kiểm tra, giám sát vấn đề này; cùng với đó là phát huy
vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
“Việc phân cấp,
phân quyền liên quan đến việc đề cao trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu.
Cấp nào quản lý, nắm chắc cán bộ thì giao cho cấp đó quản lý cán bộ là tốt nhất.
Nếu như trước đây, một chức vụ nhỏ nhưng cấp trên cao quản lý, thực chất là quản
lý về mặt hồ sơ, còn con người thế nào thì không nắm rõ được. Chính vì vậy,
giao cho tập thể cấp ủy cấp dưới, thông qua đó đề cao trách nhiệm của tập thể cấp
ủy, trách nhiệm người đứng đầu, nếu có chuyện gì thì phải chịu trách nhiệm trước
cấp trên. Tất nhiên, giao thẩm quyền tự chủ nhưng cấp trên phải thường xuyên kiểm
tra, giám sát, chấn chỉnh những sai sót xảy ra” – ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh./.
0 nhận xét: