Cuốn sách
cũng dẫn lại bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc các cơ
quan nội chính triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được
tổ chức ngày 15/9/2021.
Tổng Bí thư
cho rằng, một đất nước, một xã hội muốn tốt đẹp thì bên cạnh sự giáo dục, sự
khuyên nhủ, càng phải có kỷ cương, phép nước, phải có pháp luật nghiêm minh để
bảo vệ cái tốt, cái đúng; răn đe, trừng trị những cái xấu, cái sai, có hại cho
dân cho nước, tức là phải có sự quản lý bằng cơ chế, pháp luật, phải có phép nước.
Mà muốn thế thì phải có các cơ quan nội chính.
Các cơ quan nội
chính có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, lĩnh vực hoạt động rất trọng yếu,
liên quan hầu hết và trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội. Vì vậy “phải
luôn luôn nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình, phải “đúng vai, thuộc bài”, thực sự am hiểu và thực hiện nghiêm các
nguyên tắc, pháp luật, quy chế, quy định.
Đặc biệt là
phải rất công tâm, khách quan, trong sáng; phải sử dụng và kiểm soát có hiệu quả
quyền lực mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho mình”, xứng đáng là “thanh bảo
kiếm sắc bén” và “lá chắn vững chắc” để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ
cương của xã hội, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.
Cán bộ, chiến
sĩ, công chức các cơ quan nội chính hơn ai hết, phải rất cảnh giác, tỉnh táo,
không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác
phong công tác, lối sống; phải có bản lĩnh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, đấu
tranh chính trực; và đặc biệt, bản thân phải liêm, phải sạch, biết gương mẫu giữ
mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng nào, bất kỳ sự
cám dỗ, mua chuộc nào; thực sự công tâm, khách quan “phụng công thủ pháp”, chí
công vô tư; phải là những “Bao Công” trong thời đại mới.
Mỗi cán bộ,
chiến sĩ, công chức cơ quan nội chính phải thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản
thân để “thanh bảo kiếm” luôn rắn rỏi và sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm
đúng lúc, chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ; để “lá chắn” luôn vững vàng, chắc
chắn, không một viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn,
mũi tên “bọc đường”.
“Tôi đã nhiều
lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một
bên cho người khác làm! Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý
nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm
sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng
liêng, cao quý nhất!”, Tổng Bí thư tâm niệm.
Trong phát biểu
tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội
nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào ngày 9/12/2021
được cuốn sách trích dẫn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kịp thời miễn
nhiệm, cho từ chức, thay thế những cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc
sai phạm mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
“Tuyệt đối chống
tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, tiêu cực”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Mỗi cán bộ, đảng
viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu,
người chủ trì phải gương mẫu, tự giác; nghiêm túc tự phê bình, kiểm điểm, tự
soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm
khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình.
Mọi đảng viên
đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà “phán”, hoặc “chờ xem”,
coi như mình vô can. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị
thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ; tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến
đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất.
Tổng Bí thư
lưu ý, hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình
trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành
nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; đồng thời cũng ngăn chặn, tránh tình trạng lợi dụng
dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng; nghiêm khắc
xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Những trường hợp
sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà
không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng.
“Mọi thái độ
nể nang, né tránh, hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc cực đoan, muốn lợi dụng
phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng. Tự phê bình
và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, trách nhiệm rất cao,
có tình thương yêu đồng chí thật sự, và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn,
chân tình. Đây cũng là dịp để hiểu thêm cán bộ, có cơ sở để đánh giá cán bộ,
xem xét kết hợp chuẩn bị quy hoạch cán bộ cho thời gian tới”, Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí
thư, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người,
là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con
người. Vì vậy, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những
ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác.
Nếu không thật
tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy
ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm,
mặt yếu của người khác nhiều hơn mình.
“Tôi nhớ nhà
văn Nga Mắc-xim Goóc-ky có nói: “Con người – hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh
làm sao!”. Nhưng con người cũng có không ít tật: “Kém một miếng không chịu được”,
“Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu!”. Vì vậy, thường
rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh
mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”, Tổng Bí thư dặn dò.
0 nhận xét: