19/3/22

Giải thưởng cho Phạm Đoan Trang: Sự khác biệt đáng tiếc trong quan hệ Việt – Mỹ

 


          Mới đây, đối tượng Phạm Đoan Trang tiếp tục được trao giải thưởng “Phụ nữ can đảm” của Mỹ. Hành động đáng tiếc diễn ra vài tháng sau chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ tại Việt Nam.

Ngày 14/3, trong một động thái khó hiểu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chủ trì trao cái gọi là “giải thưởng Phụ nữ Can Đảm Quốc tế (IWOC)” cho đối tượng Phạm Đoan Trang. Ông Blinken cho rằng Đoan Trang có công trong việc ‘vận động cho hòa bình, công lý, nhân quyền”. Ông ta còn phát biểu đòi Việt Nam phải thả ngay đối tượng này: “Chúng tôi lên án sự giam cầm bất công đối với bà. Chúng tôi kêu gọi phóng thích cho bà ngay lập tức”. Theo sau phát biểu này, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper có những phát ngôn theo kiểu “dạy dỗ” rằng ông ta tin tưởng Việt Nam chỉ có thể phát triển “mạnh mẽ, thịnh vượng và độc lập” nếu tôn vinh công việc của Đoan Trang. Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden còn nói “Chúng tôi nhận ra sức mạnh mà họ (những người được trao giải) nắm giữ để đối mặt với những thách thức khủng khiếp nhất trong thời đại của chúng ta”. Đây đã là lần thứ 3 một đối tượng vi phạm pháp luật của Việt Nam và bị xét xử vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự 1999 lại được trao giải thưởng này. Hai đối tượng trước đó là Blogger Mẹ Nấm hay còn có tên là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được trao năm 2017, và Blogger Tạ Phong Tần trao năm 2013. Đối với những hành động này của phía Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn phát biểu thẳng thắn rằng: “Việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước”.

Giải thưởng cho Phạm Đoan Trang diễn ra trong một thời điểm nhạy cảm, chỉ vài tuần trước chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, và mới chỉ vài tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Còn nhớ tại chuyến thăm hồi tháng 8, Bà Harris đã thể hiện rõ ràng mong muốn nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ lên một cấp độ mới thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Để có thể đạt được mối quan hệ này thì hai bên cần có sự thấu hiểu nhau, dựa trên việc tôn trọng chủ quyền, công việc nội bộ cũng như thể chế chính trị của mỗi nước. Thế nhưng những phát biểu của Ngoại trưởng và Đại sứ Mỹ thể hiện một điều rằng họ đang muốn áp đặt quan điểm phán xử một chiều và can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Muốn xây dựng quan hệ thân thiết với Nhà nước và nhân dân Việt Nam nhưng lại tôn vinh một đối tượng đã bị Nhà nước Việt Nam xét xử vì hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, kích động gây chia rẽ và chống phá đất nước thì có nên không, thưa Ngoại trưởng Blinken?

Một số đối tượng xấu gần đây tỏ ra hào hứng tung hô giải thưởng của Phạm Đoan Trang và cho rằng giải thưởng như một lời “nhắc nhở” nào đó của phía Mỹ đối với quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến Nga – Ukraine hiện tại. Quan điểm này có thể chỉ là phiến diện, không có cơ sở thực tế, nhưng cũng đặt ra một câu hỏi khác về đối ngoại trong tình hình thế giới có xung đột về địa chính trị. Trong vòng 20 năm trở lại đây có khá nhiều cuộc chiến can thiệp quân sự của Mỹ tại Iraq, Lybia, Syria, Afghanistan, Nam Tư nhưng không có cuộc chiến nào trong số đó gây nhiều phản ứng ở phương Tây như cuộc chiến Nga – Ukraine hiện tại. Tính chất của các cuộc chiến này đều giống nhau là sự can thiệp của nước lớn vào một nước nhỏ hơn, nhưng chỉ có duy nhất nước Nga bị phương Tây chỉ trích là “vi phạm luật pháp quốc tế”, còn Mỹ thì thường được lờ đi. Điều này cho thấy là mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều đặt lợi ích của mình lên trên tất cả, và các mối quan hệ quốc tế thường không có được sự cân bằng.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khi trả lời phỏng vấn về cuộc chiến Nga – Ukraine cho rằng trong đối ngoại, Việt Nam cần biết vị thế của mình ở đâu để có cách ứng xử phù hợp. Phát biểu của Ngoại trưởng Blinken về Đoan Trang cho thấy, nước Mỹ trong một số khía cạnh nào đó muốn tỏ ra áp đặt và không coi trọng pháp luật Việt Nam, đây là một điều hết sức đáng tiếc. Còn nhớ trong chuyến thăm Việt Nam, bà Phó Tổng thống Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc và kêu gọi bắt tay với Việt Nam để chống Trung Quốc ở Biển Đông, tức là kêu gọi Việt Nam phải chọn phe, trong khi chủ trương của Việt Nam là đa dạng hóa, đa phương hóa. Như vậy cần phải thừa nhận là quan hệ Việt – Mỹ hiện tại có những điểm khác biệt, và cần quản lý một cách thật hợp lý, cân bằng để đem lại hiệu quả tốt nhất có thể.

Giải thưởng cho Phạm Đoan Trang không thể thay thế một thực tế rằng cô ta chỉ là một đối tượng hết sức cá biệt, vi phạm pháp luật và không mang lại lợi ích cho Việt Nam. Những khác biệt trong cách hiểu của phía Mỹ cũng không thể phủ nhận thực tế Việt Nam là một đất nước có thực lực vững mạnh, độc lập, với đường lối đối ngoại rõ ràng đề cao đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế.

Như vậy, giải thưởng dành cho Đoan Trang là một hoạt động phi lý, thiếu khách quan nhưng cũng là cơ sở để Việt Nam có thể hiểu rõ hơn một số quan điểm khác biệt của phía Mỹ trong mối quan hệ bang giao giữa hai nước. Nhận thức được điều này sẽ giúp chúng ta có thể chủ động hơn và xây dựng quan hệ Việt – Mỹ hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích thực chất hơn.

 

0 nhận xét: