PGS.TS. Phạm Duy Đức – Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là khẳng định bản sắc, “thương hiệu” quốc gia.
Khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào
dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh
Theo PGS.TS Phạm Duy Đức, Nghị quyết số
33-NQ/TW ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đã xác định mục tiêu
chung của nền văn hóa Việt Nam là: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam
phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc,
nhân văn, dân chủ và khoa học.
Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần
vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền
vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công
bằng, văn minh”.
Để khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy
giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam trong xây dựng và phát triển
đất nước, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến xây dựng phẩm chất, nhân cách của con
người: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách của con người và trong xây
dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt
đẹp với các đặc tính cơ bản là yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn
kết, cần cù, sáng tạo”.
Giá trị văn hóa nổi bật, bao trùm và xuyên suốt
lịch sử dân tộc, làm nên sức mạnh bất diệt của con người Việt Nam trước hết,
trên hết là chủ nghĩa yêu nước. Yêu nước không chỉ là tình cảm thiêng liêng của
mỗi người dân Việt Nam với quê hương, đất nước mà còn là lý trí, đạo lý, pháp
lý của dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được
phát triển lên thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhấn chìm bọn cướp nước và
bán nước, thực hiện sứ mệnh thống nhất đất nước, đưa đất nước đi vào thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa yêu nước cũng là cơ sở để phát huy
sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ là động
lực quan trọng để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò
làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là cơ sở để
sáng tạo các giá trị văn hóa mới, thể hiện được khát vọng của cá nhân và xã hội
trong xây dựng và phát triển đất nước. Dân chủ ở đây là dân chủ xã hội chủ
nghĩa, vừa đảm bảo quyền tự do của công dân, vừa tôn trọng kỷ cương và thực
hành theo Hiến pháp và pháp luật. Giá trị khoa học của nền văn hóa là hướng tới
nâng cao trình độ dân trí, trình độ khoa học kỹ thuật và công nghệ của dân tộc
trong bối cảnh của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, nhất là công nghiệp 4.0.
Nâng cao sức sáng tạo và khả năng ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản
xuất và tổ chức đời sống xã hội, góp phần thực hiện khát vọng đổi mới, sáng tạo,
tăng trưởng kinh tế, tạo sự thịnh vượng, giàu có cho đất nước. Giá trị nhân văn
mà nền văn hóa Việt Nam hướng tới là phấn đấu tất cả vì con người, vì tự do, ấm
no, hạnh phúc của con người.
Con người phải được đặt vào vị trí trung tâm
của phát triển, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện và hoàn thiện
nhân cách của mình. Các giá trị dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn gắn bó
chặt chẽ, tác động biện chứng với nhau, tạo thành đặc trưng của nền văn hóa Việt
Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Động
lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần
yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng
phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ
thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng
dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng
công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát
huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là
nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
“Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát
triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy
giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc”, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định những nhiệm vụ cơ bản và cấp
thiết là: Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự
cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát
triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh
thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân. Phát huy tối đa nhân tố con người;
con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát
triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài
hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ
các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng,
văn minh lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp
thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần,
nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội.
Nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và cấp bách
Để đẩy mạnh khơi dậy khát vọng phát triển Việt
Nam phồn vinh; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Việt Nam trong
công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới, theo PGS.TS Phạm
Duy Đức cần chú ý một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức cho toàn Đảng,
toàn dân về vai trò của việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy
giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất
nước.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Khơi dậy
khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí tự cường và
phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Phát huy nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực
quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người
Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.
Mục tiêu tổng quát mà Đại hội XIII nêu ra là:
“Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây
dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm
tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát
vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại
đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ
công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc
Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI,
nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, đến năm
2045 “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, “sánh vai với các cường quốc
năm châu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm đầu xây dựng chế
độ mới. Để thực hiện khát vọng đó, phải “khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự
hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh”.
Chính vì vậy, Đại hội XIII đã xác định sáu
nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ nhiệm kỳ là “khơi dậy khát vọng phát triển đất
nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con
người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.
Vấn đề xây dựng niềm tin, nâng cao lòng tự
hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước trên cơ sở giữ gìn, phát huy giá trị
văn hóa, sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và
phát triển đất nước là một nhiệm vụ cơ bản, vừa lâu dài, vừa cấp bách. Nhiệm vụ
này phải được quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, để chuyển
hóa thành sức mạnh tinh thần và vật chất của dân tộc trong công cuộc chấn hưng
đất nước hiện nay.
0 nhận xét: