18/3/22

Nhân cách “bẩn” vì dính đất đai


Chế Lan Viên có hai câu thơ rất hay về đất: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Không phải ngẫu nhiên mà trong vốn ngôn ngữ Việt từ “đất nước” đồng nghĩa với “Tổ quốc”.

Đất nước-Tổ quốc là sự thiêng liêng nhất đối với mỗi chúng ta. Đất mẹ cũng là một khái niệm đầy xúc động khi nói về quê hương, xứ sở. Gắn liền với đất đai là làng mạc, phố phường, sông núi, ruộng đồng… là những giá trị văn hóa xưa và nay do nhân dân làm nên. Đất đai không chỉ là tài nguyên vô giá của quốc gia mà còn là nguồn cảm hứng và chất liệu của nhiều tác phẩm nghệ thuật gắn liền với công cuộc dựng nước, giữ nước hào hùng, bi tráng của dân tộc Việt Nam. Trong phạm vi gia đình và cá nhân thì đất đai là tài sản được coi đáng kể, sự giàu có ít nhiều được định giá ở đó.

Tuy nhiên, ở đây tôi lại muốn nói đến những hệ lụy đau lòng gắn với đất đai. Những hệ lụy không tốt đẹp buộc chúng ta phải nghĩ tới cách thức sử dụng, quản lý đất đai và phương pháp giáo dục, quản lý con người, nhất là với cán bộ, đảng viên. Mấy năm gần đây, hầu như tuần nào, tháng nào báo chí truyền thông cũng đưa tin khởi tố, xử lý những vụ việc cán bộ liên quan tới tham nhũng đất đai. Thực ra, đất đai không hề có tội trong việc làm thoái hóa đạo đức, phẩm chất con người nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng. Chỉ xuất phát từ lòng tham vô đáy, từ chủ nghĩa cá nhân tột đỉnh, những kẻ có chức quyền với lợi dụng sự chưa hoàn hảo, chặt chẽ của các quy định về đất đai của Nhà nước để kiếm chác. Đất đai trở thành món siêu béo bở của các nhóm lợi ích. Trong mấy năm qua, không hiếm các vụ đại án gắn liền với đất đai ở các địa phương. Từ Bắc vào Nam, từ miền biển lên vùng cao, từ nông thôn đến thành thị, từ tỉnh giàu đến tỉnh nghèo đều có những chuyện lùm xùm gắn với đất. Đất đai càng sinh lợi lớn càng có cơ hội “làm” hư hỏng cán bộ. Nhiều cán bộ, đảng viên nhúng chàm do liên quan đến đất đai. Họ cấu kết với nhau bằng các nhóm lợi ích, dày công “nghiên cứu” những sơ hở, lỏng lẻo trong các quy định liên quan đến quy hoạch, sử dụng, cho thuê đất hay là sự chưa đồng bộ, thống nhất giữa các luật về quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, nhà ở… để kiếm chác, làm giàu.

Mặt khác, sự thiếu chặt chẽ trong các quy định về việc chuyển dịch đất đai như thu hồi, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng, cho thuê quyền sử dụng đất, tài chính về đất đai, giá đất cũng được các nhóm lợi ích tận dụng triệt để để trục lợi. Hệ quả là Nhà nước bị thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Và đương nhiên, cuộc chiến đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân ta đã lôi ra ánh sáng được không ít kẻ thoái hóa, biến chất từ… đất đai. Những kết quả thu được không nhỏ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.

Tuy vậy, chẳng ai ngây thơ nghĩ rằng, công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực trong đó có mảng liên quan đến đất đai đã trở nên dễ dàng, đơn giản. Bọn cơ hội, biến chất sẽ có những mánh khóe tinh vi hơn để trục lợi. Suy cho cùng, vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề con người, là công tác tổ chức cán bộ. Lựa chọn, giáo dục, thử thách cán bộ nên làm rất kỹ đồng thời với việc quản lý họ. Để cho cán bộ, đảng viên thực sự là “công bộc” của nhân dân, ở đâu, lúc nào thì cũng làm đúng lời Bác Hồ dặn: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Việc cần kíp và không kém phần quan trọng là phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung chặt chẽ các luật, quy định liên quan đến bất động sản nói chung và đất đai nói riêng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, thời nay “tấc đất, tất vàng”. Ở nhiều trường hợp, có khi còn hơn thế. Nhưng quý hơn vàng, hơn cả kim cương là nhân phẩm, danh dự con người. Cán bộ, đảng viên phải là những người biết trọng danh dự để giữ mình trong sạch. Việc ấy khó nhưng không phải không làm được. Đừng để đất đai làm vấy bẩn nhân cách chính mình!

 


0 nhận xét: