Đi lên chủ
nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng đối với tiến trình cách mạng nước ta dưới
sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, việc phát triển kinh tế được coi là trọng tâm của
tiến trình tạo lập nền tảng vật chất, sự phồn vinh vì ấm no, tự do, hạnh phúc của
nhân dân.
Với ý nghĩa
quan trọng đó, trong tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhan
đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường
đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, nhiều tư tưởng quan trọng về lý luận,
thực tiễn trên bình diện kinh tế đã được đề cập. Đây có thể coi là những quan
điểm lý luận đặc sắc thể hiện đường lối phát triển kinh tế nước ta trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
KINH TẾ THỊ TRƯỜNG TƯ BẢN CHỦ NGHĨA THỂ HIỆN PHƯƠNG THỨC “PHÁT TRIỂN XẤU”
Trên cơ sở
đúc kết lý luận và thực tiễn sâu sắc về bản chất nền sản xuất tư bản chủ nghĩa,
kế thừa một cách sáng tạo các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về nền
sản xuất tư bản chủ nghĩa, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Chủ nghĩa tư bản đã
đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển
sức sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển,
trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh giai cấp công nhân
và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không
ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước. Từ giữa thập kỷ 70 của
thế kỷ XX và nhất là từ sau khi Liên Xô tan rã, để thích ứng với những điều kiện
mới, chủ nghĩa tư bản thế giới đã ra sức tự điều chỉnh, thúc đẩy các chính sách
tự do mới trên quy mô toàn cầu, nhờ đó hiện vẫn còn tiềm năng phát triển. Tuy
nhiên, chủ nghĩa tư bản không thể khắc phục được những mâu thuẫn vốn có của nó.
Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt năm 2008-2009, chúng ta đã
chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bắt đầu từ nước Mỹ,
nhanh chóng lan rộng ra các trung tâm tư bản chủ nghĩa khác và tác động đến hầu
hết các nước trên thế giới. Các nhà nước, các chính phủ tư sản phương Tây đã
bơm những lượng tiền khổng lổ để cứu các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia, các tổ
hợp công nghiệp, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, nhưng không mấy
thành công. Và hôm nay chúng ta lại chứng kiến cuộc khủng hoảng về nhiều mặt, cả
về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế đang diễn ra dưới tác động của đại dịch
Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kinh tế suy thoái đã làm
phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: Đời
sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng;
khoảng cách giàu – nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn,
xung đột giữa các sắc tộc. Những tình huống “phát triển xấu”, những nghịch lý
phản phát triển, từ địa hạt kinh tế – tài chính đã lan sang lĩnh vực xã hội,
làm bùng nổ các xung đột xã hội và ở không ít nơi từ tình huống kinh tế đã trở
thành tình huống chính trị với các làn sóng biểu tìnhe, bãi công, làm rung chuyển
cả thể chế(1).
Từ thực tiễn
đó, tác giả cuốn sách đã khái quát: Sự thật đó cho thấy, bản thân thị trường tự
do của chủ nghĩa tư bản không thể giúp giải quyết những vấn đề khó khăn, và
trong nhiều trường hợp còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước
nghèo; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu. Sự thật đó
cũng làm phá sản những lý thuyết kinh tế hay mô hình phát triển vốn xưa nay được
coi là thời thượng, được không ít các chính khách tư sản ca ngợi, được các
chuyên gia của họ coi là tối ưu, hợp lý(2).
Cùng với việc
chỉ ra bản chất khiếm khuyết nêu trên, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, sự phát
triển theo phương thức thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản không những thế,
còn tạo ra hệ quả phát triển kém bền vững trên nhiều phương diện. Cụ thể: Cùng
với sự khủng hoảng kinh tế – tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự
cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái môi trường sinh
thái… đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của
nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế – xã hội lấy lợi
nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày
càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó
cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư
bản chủ nghĩa. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không
bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó(3).
Từ những đặc
trưng và thực tiễn như vậy, đồng chí Tổng Bí thư tổng kết sự phát triển của nền
kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, như vậy, là phương thức phát triển không
thể đưa đến sự bền vững và lành mạnh và “các cuộc khủng hoảng hiện nay không thể
giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa”(4).
Với tư duy biện
chứng, từ các nhận định cơ bản về kinh tế, tác giả đã đặt thể chế phát triển
kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa trong mối quan hệ với thể chế chính trị,
trong mối quan hệ này, đồng thời đã chỉ rõ: Các phong trào phản kháng xã
hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng
làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa.
Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà phương Tây
ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề đảm bảo để quyền lực thực sự
thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân – yếu tố bản chất nhất của dân chủ.
Hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi
ích của các tập đoàn tư bản lớn. Một bộ phận rất nhỏ, thậm chí là chỉ 1% dân số,
nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới ¾ nguồn
tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi
phối toàn xã hội(5).
Từ hiện thực
lịch sử cụ thể không thể rõ hơn đó, đồng chí Tổng Bí thư xác quyết: Sự rêu rao
bình đẳng về quyền, nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện
các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực
chất. Trong đời sống chính trị, một khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì
quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át. Vì vậy mà tại các nước tư bản phát triển,
các cuộc bầu cử được gọi là “tự do”, “dân chủ”, dù có thể thay đổi chính phủ,
nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; đằng sau hệ thống đa đảng
trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản(6).
Với những
quan điểm lý luận và thực tiễn được thể hiện một cách biện chứng, sâu sắc nêu
trên, có thể thấy một thực tế, nền kinh tế thị trường tự do theo lối tư bản chủ
nghĩa, sự thực là một mô thức phát triển xấu, phiến diện. Trên tinh thần đó, đồng
chí Tổng Bí thư luận giải về sự phát triển và con đường phát triển kinh tế của
Việt Nam.
KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA: PHƯƠNG THỨC PHÁT TRIỂN ĐÚNG ĐẮN CỦA VIỆT NAM
Tư tưởng cơ sở
cho sự tất yếu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chính
là mục tiêu xây dựng chế độ xã hội tốt đẹp của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của
Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự
phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và
chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với
tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách phân hóa giàu
nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương
trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn chứ không phải cạnh tranh
bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các
phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm
môi trường sống lành mạnh cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải
để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại
môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về
nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải cho một
thiểu số giàu có(7).
Từ việc khẳng
định mục tiêu đó, tác giả đã khái quát: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân
dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa
trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền
văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do,
hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt
Nam bình đẳng đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do đảng cộng
sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới(8).
Trên cơ sở mục
tiêu đó, về phương thức để đạt được mục tiêu, chúng ta phải đẩy mạnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện
tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia;
trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa
phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và
tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý
chí và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân;
xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện(9).
Như vậy,
trong nội hàm của những nhiệm vụ và cách thức phát triển đất nước để đạt được mục
tiêu xã hội xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa là một luận điểm sáng tạo và độc đáo. Đồng chí Tổng Bí thư khẳng định:
Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một
đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan
trọng trong qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt
Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới. Theo nhận thức của chúng
ta, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện
đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế
thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng
sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là một kiểu kinh tế thị trường
mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa
tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dự trên cơ sở và được dẫn
dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện
trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền
kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta còn trong thời kỳ quá độ)(10).
Xét về cấu
trúc thể chế, tác giả nêu rõ: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Cách thành phần
kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là hợp thành quan trọng của nền kinh tế,
bình đẳng trước pháp luật cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp
tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực
quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích
phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Quan
hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ
phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức
đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã
hội, phúc lợi xã hội. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược,
quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết,
thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội(11).
Về đặc trưng
cơ bản, thuộc tính của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lý
luận của đồng chí Tổng Bí thư chỉ ra: Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan
trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính
sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến
bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá
trình phát triển. Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình
độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không hy
sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội;
mối chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến
khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc
những người có công. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát
triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa(12).
Về mặt quan hệ
lợi ích trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quan điểm của
tác nhấn mạnh rằng: Xã hội, xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến
bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi
ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để
chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm(13). Có thể
nói, đây là quan điểm nhấn mạnh rất mới về sự khác biệt về chất trong mối quan
hệ lợi ích khi thực hiện phát triển nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ
nghĩa với các kiểu hình nền kinh tế thị trường khác.
KIÊN ĐỊNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ PHƯƠNG THỨC
PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Về phương diện
thành tựu kinh tế, quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư nêu rất rõ: Công cuộc đổi
mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước trong
35 năm qua(14).
Nhờ đường lối
đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương
đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm.
Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế –
xã hội những năm 1980 và cải thiện đáng kể đời sống nhân dân. Việc thực hiện đường
lối đổi mới đã đem lại những chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực ở
Việt Nam: kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm
nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải
quyết; chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và
hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường;
niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố. Trên thực tế, xét
trên nhiều phương diện, người dân Việt Nam ngày nay đang có các điều kiện sống
tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đây. Đó là một trong những lý do giải
thích vì sao sự nghiệp đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo
được toàn dân Việt Nam đồng tình, hưởng ứng và tích cực phấn đấu thực hiện. Những
thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng
xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết
được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản có cùng mức phát
triển kinh tế(15).
Như vậy,
trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong điều kiện phát triển
mới của đất nước, thông qua cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực
tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đồng
chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều tư tưởng thể hiện tư duy mới,
biện chứng, thực tiễn về phương diện lý luận kinh tế. Những tư tưởng sáng tạo
này chính là những nguyên lý cơ bản để thực hiện phát triển kinh tế đất nước
nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta./.
0 nhận xét: