10/4/22

Các tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam

 


Trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2022 công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,5% và năm 2023 đạt 6,7%.


Kinh tế Việt Nam khởi sắc trong quý 1, đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam, nhắc tới Việt Nam như một trung tâm sản xuất của khu vực, là quốc gia phát triển nhanh nhất Đông Nam Á với dự báo đà tăng trưởng cao trong năm nay.

Trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2022 công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay sẽ đạt 6,5% và năm 2023 đạt 6,7%.

ADB đưa ra dự báo sau khi xem xét nhiều yếu tố bao gồm việc chính phủ chuyển hướng chính sách trong kiểm soát dịch bệnh, bao phủ diện rộng vaccine ngừa Covid-19, mở cửa du lịch, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ, giúp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries nhận định: “Những rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở tiến trình phục hồi là tình trạng mắc Covid-19 cao kể từ giữa tháng 3/2022; mức tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu, phục hồi chậm lại và giá dầu thế giới tăng mạnh ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và lạm phát. Mức độ phục hồi cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam “sẽ tăng trưởng 5,3% trong năm 2022” trong bối cảnh ảnh hưởng của tình hình gia tăng các ca nhiễm Covid-19 trong quý I/2022 và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.

Bối cảnh kinh tế mới có thể tác động đến hiệu quả chính sách hỗ trợ, làm chậm lại đà tăng trưởng, ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi của nền kinh tế trong các năm 2022-2023.

Ông Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam cho rằng: “Quý 2 chúng ta phải đối mặt với 1 sô vấn đề quốc tế ảnh hưởng đến kinh tế. Đây là thời điểm các chính sách nhà nước phải tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Thế giới có nhiều biến động, chỉ số giá cả sẽ bất ổn và leo thang nên cần bình ổn giá cả, ổn định đời sống người dân là rất quan trọng.

Thứ 2, cần tăng cường việc ứng dụng số hoá, kinh tế số. Đây là điều mà Chính phủ, cơ quan quản lý của nhà nước phải tập trung làm mạnh hơn, doanh nghiệp thì phải chuyển mình để tồn tại, người dân cũng vậy, phải tập, phải hợp nhiều hơn để tăng cường kỹ năng số, giúp công việc và cuộc sống suôn sẻ hơn”.

Nỗ lực phục hồi kinh tế đang gặp phải khó khăn, vấn đề đặt ra lúc này đối với công tác điều hành là vừa phải linh hoạt, chủ động, nhưng đồng thời vẫn phải kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhìn nhận: “Cần liên tục theo dõi tốt diễn biến giá cả để điều hành vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy đầu tư nhất là đầu tư công. Thứ 2, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu do tình hình còn nhiều bất định hơn so với trước, nhất là tác động chiến tranh Nga-Ukraine. Thứ 3, tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và đẩy mạnh hơn chuyển đổi số, tăng sức chống chịu, hồi phục của nền kinh tế, trong điều kiện nhiều bất định. Thứ 4, giám sát hữu hiệu việc thực hiện các giải pháp trong chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023”./.

 

0 nhận xét: