Văn học là sản
phẩm văn hóa cao cấp, là sản phẩm cốt lõi thể hiện tâm hồn, tinh thần dân tộc.
Trong tiến trình hội nhập toàn cầu, vấn đề trước tiên để quyết định chất lượng
mối bang giao giữa các quốc gia chính là sự thấu hiểu tâm hồn của nhau. Văn học
chính là tấm thẻ căn cước của tâm hồn để chúng ta vượt ra khỏi biên giới quốc
gia, hội nhập và phát triển.
Lâu nay, tôi có
để ý đến những sự kiện như giao lưu văn hóa tại một số quốc gia. Chúng ta thường
chuẩn bị các sản vật đặc sắc của Việt Nam để giới thiệu với bạn hữu quốc tế,
trong đó có hàng thủ công mỹ nghệ, trang phục truyền thống, ẩm thực, thậm chí
là những chương trình văn nghệ có ca sỹ, diễn viên phục vụ biểu diễn. Tuy
nhiên, lại chưa thấy có các nhà văn và những cuốn sách văn học xuất hiện trong
những sự kiện này. Khách nước ngoài tới dự sự kiện, được thưởng thức nem rán,
phở, nhãn, vải thiều, nghe hát ca khúc cách mạng, tình yêu quê hương Việt Nam,
biết đến áo dài Việt Nam, nhưng tiếc rằng lại chưa có cơ hội biết đến tác phẩm
văn học Việt Nam.
Quan sát những
sự kiện truyền thông cho thương hiệu Việt Nam, ta cũng thấy hầu như chỉ quảng
bá thương hiệu du lịch, ẩm thực, hàng hóa thiết yếu, dịch vụ, sản vật nông nghiệp
địa phương như cà phê, tiêu, điều, chè, nhãn, vải,… chưa mấy ai nhắc đến hoặc
thực sự xây dựng một kế hoạch quảng bá cho thương hiệu văn học Việt Nam.
Mà nhắc đến
thương hiệu quốc gia, thì hẳn là có ý đặt tương quan với thương hiệu các nước
khác, nên chúng ta không thể xem thường, làm thế nào cũng được, hay làm cũng được
mà không làm cũng chẳng sao. Khi muốn làm bạn với ai, chúng ta cần thấu hiểu
người đó. Khi muốn làm ăn, kinh doanh bền vững với ai đó, ta càng cần hiểu
không chỉ tính cách, thói quen, nếp sống, sở thích, văn hóa, mà còn tâm hồn của
người đó. Khi Hàn Quốc muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam, thì những người Hàn
đầu tiên đến Việt Nam không phải là doanh nhân, mà lại là những nhà Việt Nam học,
những dịch giả, nhà văn, nhà báo, nhà ngôn ngữ học, họ học tiếng Việt, đi thực
địa, sống ở Việt Nam, nghiên cứu Việt Nam rất kỹ, chọn dịch những tác phẩm văn
học Việt Nam, và những thông điệp về Việt Nam của những “người đi tiên phong”
này trở thành cẩm nang cho các doanh nhân Hàn “đổ bộ” sang Việt Nam. Người Hàn
Quốc cũng chinh phục thế giới bằng âm nhạc, phim, tác phẩm văn học và dễ thấy cả
thế giới bắt đầu để ý đến thời trang Hàn Quốc, mỹ phẩm Hàn Quốc, thông qua những
loại thương hiệu văn hóa này. Ảnh hưởng thương hiệu quốc gia Hàn Quốc tăng tốc
nhanh chóng trên thế giới.
Trong thời gian
tôi sống tại Cộng hòa Czech với gia đình nhà chồng, thỉnh thoảng thấy trên truyền
hình Czech có đưa hình ảnh về Việt Nam là chồng tôi lại reo lên vui mừng, gọi
tôi lại cùng xem. Nhưng trong khoảng thời gian suốt hai năm 2015-2016, hiếm lắm
mới có chương trình nói về Việt Nam, thì truyền hình Czech lại chỉ đưa những bộ
phim tài liệu cũ về chiến tranh Việt Nam, hoặc một chương trình du lịch ẩm thực,
do một phóng viên nữ người Czech đã sang Việt Nam thực hiện. Tôi cảm thấy bất
bình với việc đưa tin về Việt Nam như vậy, nhưng có lẽ chẳng trách phía truyền
hình Czech được, vì hầu như phía Việt Nam chúng ta chưa đưa đến những thương hiệu
văn hóa, về một Việt Nam hiện đại và phát triển hôm nay cho người Czech xem.
Lần khác, tôi đến
Oxford, một thành phố của các trường đại học ở Anh, trên đường đi, tôi bị lạc
và phải dừng một cặp vợ chồng già lại để hỏi thăm. Sau khi chỉ dẫn tận tình cho
tôi, họ hỏi tôi người nước nào. Tôi đáp mình là người Việt Nam. Lập tức, gương
mặt hai vợ chồng già người Anh thay đổi, họ tỏ vẻ thương cảm và hỏi tôi rằng,
cuộc sống của người Việt hẳn khó khăn lắm, chiến tranh liên miên như thế thì chịu
đựng sao nổi. Tôi giải thích với họ rằng chiến tranh đã qua từ lâu, cuộc sống của
người Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, hãy xem tôi đây, tôi đã đi tới 30 nước
trên thế giới. Ông bà nên thu xếp đến Việt Nam để xem Việt Nam hôm nay như thế
nào… Lúc ấy, tôi ước sao mình có thể làm ngay một phim tài liệu về Việt Nam, và
gửi cho bất cứ người nước ngoài nào, như cặp vợ chồng già người Anh tôi gặp
trên đường phố Oxford hôm ấy.
Chúng ta đã chậm
chân từ rất lâu rồi, trong việc tạo dựng thương hiệu văn học quốc gia. Thực ra,
đổ lỗi cho thiếu tiền thì chưa hẳn đúng, nhà văn, nhà lý luận phê bình Ngô Thảo
khẳng định:”Văn học làmột trong những nhân tố sang trọng làm nên Thương hiệu một
Quốc gia. Muốn tạo thương hiệu văn học mạnh thìcần có chiến lược và
tầm nhìn. Thời đại 4.0, không thể thiếu quảng bá. Trong đó Tiền là nhân tố Đầu
tiên, dù không phải nhân tố Quyết định. Trong khi quảng bá văn học mang lại những
giá trị bền vững hơn.
Có chung quan
điểm, nhà thơ Mai Văn Phấn, người từng có thơ được dịch ra 40 ngôn ngữ, cho rằng:
“Văn học luôn là cốt lõi tinh thần của bất cứ dân tộc nào. Nhìn vào nền văn hóa
phi vật thể của một dân tộc nào đó, thì văn học chính là vẻ đẹp tâm hồn, tầm
vóc của chính dân tộc ấy thể hiện qua ngôn ngữ, chữ viết. Quảng bá văn học là
điều vô cùng cần thiết. Thực trạng hiện nay, vị thế văn học Việt Nam còn kém
trên bản đồ văn học thế giới, không phải vì bản chất hay nội hàm văn học Việt
Nam thấp kém, mà vì thế giới còn biết quá ít về văn học chúng ta. Trong lần ra
mắt tập thơ của tôi bằng tiếng Hin-đi “Âm vọng của Aalap” tại Ấn Độ năm 2016,
nhà thơ – tiến sĩ Rati Saxena đã phát biểu rằng, người đọc Ấn Độ thường biết về
thơ Việt Nam viết về chiến tranh, bom đạn…, nay qua tập thơ Mai Văn Phấn, chúng
ta còn biết thêm, các tác giả đương đại Việt Nam còn viết cả thơ tình (…!). Kể
về thực tế đó để nhấn mạnh rằng, những gì chúng ta giới thiệu cho độc giả thế
giới còn quá nhỏ bé và không mang tính hệ thống, không đại diện cho toàn bộ nền
văn học Việt Nam.
Lâu nay, việc
giới thiệu văn học Việt Nam ở nước ngoài phần lớn mang tính tự phát. Các nhà xuất
bản hoặc dịch giả nước ngoài thường muốn tìm hiểu về một tác giả nhất định nào
đó, ví dụ Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, thông qua một ngôn ngữ khác (phần lớn qua
bản tiếng Anh) để sau đó tiếp tục xuất bản tác phẩm của tác giả này ở nước họ.
Hoặc cũng có một số tác giả Việt Nam có mối quan hệ riêng với các dịch giả và
nhà xuất bản nước ngoài, nên cũng có tác phẩm được dịch và xuất ngoại. Nhưng
cách làm này manh mún, tự phát, theo sở thích cá nhân của tác giả, dịch giả hoặc
nhà xuất bản, nên chỉ giới thiệu tác phẩm mang tính thời thượng, mà chưa giới
thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài một cách hệ thống, bài bản. Trong hai khóa
vừa qua của Hội Nhà văn Việt Nam, thấy có thành lập Trung tâm dịch văn học,
nhưng ít hoạt động, có lẽ vì nhiều lý do… Theo tôi, cần tổ chức đội ngũ dịch
văn học tâm huyết, giỏi nghề, và cần trả nhuận bút dịch, biên tập xứng đáng. Về
cách làm, chúng ta có thể tham khảo Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc. Họ đầu tư
bài bản cho từng hoạt động.
Ví dụ khi muốn
đầu tư cho một dịch giả Việt Nam dịch tác phẩm văn học Hàn Quốc, họ sẽ thuê một
nhà văn hoặc nhà lý luận phê bình uy tín tại Việt Nam đọc thẩm định tác phẩm dịch,
nếu đạt điểm theo từng tiêu chí do họ đặt ra (độ chính xác với nguyên tác, khả
năng truyền tải cảm xúc, sử dụng ngôn ngữ phù hợp…) thì họ mới đầu tư xuất bản
tác phẩm đó ở Việt Nam. Khi tác phẩm được phát hành, nếu sau một thời gian
không thấy dư luận về tác phẩm đó, họ sẽ mời một số nhà phê bình văn học uy tín
đọc tác phẩm, viết bài bình sách và đăng trên báo chí văn học Việt Nam để thu
hút sự chú ý của độc giả với tác phẩm… Để một tập thơ Hàn Quốc được dịch và xuất
bản ở Việt Nam, thường Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc sẽ đầu tư từ 7 – 10
ngàn USD cho một tập thơ có lượng chữ trên 100 trang in; tác phẩm văn xuôi được
đầu tư cao hơn. Quảng bá văn học cần phải đầu tư làm thấu đáo như vậy mới có thể
mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa.
Cách làm thương
hiệu văn học không phải quá khó, đơn cử một ví dụ, chỉ qua gần một năm chủ động
kết nối với một số cá nhân nhà văn Việt Nam, nhà thơ-nhà văn Nga Alexander
Konstantin Kabishev đã dành thường xuyên 4-6 trang tạp chí trên tờ Humanity mà
anh là Tổng Biên tập để giới thiệu thơ văn Việt Nam. Đọc thơ văn Việt Nam, anh
nhận xét: “Qua thơ văn Việt Nam, tôi thấy chúng ta lại khá gần gũi nhau trong
những giá trị về tinh thần và văn hóa. Tôi còn biết Việt Nam có sự ấm áp về khí
hậu và tình cảm con người. Việt Nam còn là đất nước của những con người tốt bụng
và thân thiện, rất nhiều người trong số người tôi biết qua tác phẩm của họ, khiến
tôi cảm thấy vô cùng thoải mái coi họ là bạn thân. Người Việt chính là biển tài
năng và dòng suối trong trẻo của tư tưởng nhân đạo hiện đại”.
0 nhận xét: