“Giữ lửa” phòng, chống tham nhũng trên tinh thần “không dừng, không nghỉ, không có vùng cấm”, Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa được Bộ Chính trị ban hành chắc chắn sẽ thêm “bảo bối” tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng. Trong tháng 4 này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nhiều điểm nhấn rất quan trọng.
Một trong những
nội dung đáng chú ý trong Kết luận số 12 là Bộ Chính trị yêu cầu kiên quyết,
kiên trì xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng
viên, công chức, viên chức và Nhân dân.
Yêu cầu này
ngay lập tức đã nhận được sự đồng tình, nhất trí, hưởng ứng của đông đảo các tầng
lớp Nhân dân. Theo GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung
ương: Quyết tâm của Bộ Chính trị, của Trung ương gần đây trong việc đẩy mạnh chống
tham nhũng rất được lòng dân. Theo GS, muốn xây dựng văn hóa không tham nhũng
thì không có gì tốt hơn là giáo dục về đạo đức, thực hành đạo đức cách mạng cần
– kiệm – liêm – chính. “Nhất là trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ, công chức có
chức, có quyền phải rất chú trọng giáo dục danh dự, liêm sỉ. Khi biết nhục vì
rơi vào tham nhũng thì người ta tự bảo vệ mình và tự khắc có khả năng chống được
tham nhũng” – GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Mặt khác, GS
Hoàng Chí Bảo cũng lưu ý đến việc phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các
chính sách, cơ chế để không dám tham nhũng và không thể tham nhũng được. Tức
là, có hàng rào luật pháp rất chặt chẽ và để không ai muốn tham nhũng vì phải
trả giá rất đắt cả về cuộc sống, sinh mệnh và danh dự suốt đời, GS Hoàng Chí Bảo
nhấn mạnh đến việc kết hợp tốt đức trị và pháp trị, nhất là đề cao pháp trị
trong xây dựng nhà nước pháp quyền thì cán bộ mới không dám tham nhũng.
Chưa hết, một
trong những nội dung không thể không nhắc đến được nêu ra trong Kết luận số
12-KL/TW là “từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài
nhà nước”.
Trước đó, khi
thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV,
nhiều đại biểu đã ủng hộ việc cần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra
khu vực ngoài nhà nước, bởi những khoản “hoa hồng, “lại quả” mà doanh nghiệp phải
trích để chi phí cho việc “bôi trơn”, “chống trượt” hợp đồng theo phương thức
thỏa thuận ngầm chính là hành vi tham nhũng trong khu vực tư.
Theo một số
chuyên gia, cùng với việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan
nhà nước thì việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà
nước sẽ là hai “gọng kìm” ở cả khu vực công và khu vực ngoài nhà nước bảo đảm
công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai toàn diện, hiệu quả hơn, tạo
ra môi trường phát triển bình đẳng, lành mạnh.
Bởi thực tế
cho thấy, tham nhũng trong khu vực tư không chỉ xâm phạm hoạt động đúng đắn của
các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực mà còn ảnh hưởng đến khu vực công.
Trong một số trường hợp khu vực tư chính là nơi “trú ẩn”, “rửa tiền” của những
hành vi tham nhũng trong khu vực công. Thậm chí tham nhũng trong khu vực tư ảnh
hưởng trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế, đến người tiêu dùng sản phẩm và làm do
dự các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam vì không thể dự đoán trước được
những chi phí không chính thức có thể phát sinh. Rồi tình trạng doanh
nghiệp thân hữu, doanh nghiệp “sân sau” với nhiều ưu ái bất bình thường đã được
đề cập từ lâu.
Điều này được
thể hiện rất rõ khi thời gian qua, chúng ta liên tiếp chứng kiến nhiều lãnh đạo
các tập đoàn tư nhân bị khởi tố, bắt giam để điều tra làm rõ các hành vi phạm tội
có tổ chức, rất tinh vi, phức tạp gây bức xúc trong dư luận. Gần đây nhất chính
là vụ án liên quan đến kit xét nghiệm của Công ty Việt Á vẫn đang được tiếp tục
điều tra mở rộng. Hàng chục lãnh đạo, cán bộ, doanh nhân, kế toán vướng vòng
lao lý với số tiền “hoa hồng” qúa lớn; nhiều cán bộ cấp tướng bị xử lý kỷ luật
với hình thức nghiêm khắc khi mắc khuyết điểm, vi phạm và cả cán bộ cấp cao
đang đối diện mức kỷ luật do vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách,
nhiệm vụ được giao. Vụ án này chỉ là một trong những biểu hiện của sự bắt tay,
thỏa thuận ngầm giữa những đối tượng khu vực ngoài nhà nước và khu vực công để
trục lợi.
Do đó, việc
“từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước” của
Bộ Chính trị là yêu cầu rất cấp thiết khi mà “vòi bạch tuộc” tham nhũng khu vực
ngoài nhà nước đã len lỏi, cấu kết chặt chẽ với những kẻ suy thoái, biến chất
trong khu vực công. Nếu không kịp thời phòng, chống tham nhũng ở khu vực tư thì
công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta như đi “lò cò một chân” mà thôi.
Vì thế, trong
Kết luận 12, Bộ Chính trị cũng lưu ý tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng
cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí phù hợp
với hoạt động đặc thù của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng
cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong chính các cơ
quan này.
Kết luận cũng
nhấn mạnh khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham
nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực,
hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Trong đó khẩn trương rà soát, khắc
phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đấu thầu,
đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán… Đây
chính là những lĩnh vực “nóng” trong thời gian qua khi hàng loạt quan chức ở
nhiều địa phương cũng như doanh nghiệp, cán bộ sai phạm phải hầu tòa, bị bắt và
nhận những bản án nghiêm minh.
Chúng ta tin
tưởng rằng, với rất nhiều vấn đề được yêu cầu rõ ràng, cụ thể trên tinh thần
“phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc”, chắn chắn công tác
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng hiệu quả, thiết thực./.
0 nhận xét: