Bài 1: Vẹn
nguyên ký ức về vị danh nhân vĩ đại của dân tộc Việt Nam
Với những người
nước ngoài từng may mắn có cơ hội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, những ký ức về vị
lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, với nhân cách cao đẹp và phong thái giản
dị vẫn luôn vẹn nguyên sau bao năm tháng. Mỗi khi ôn lại kỷ niệm cũ, những người
trong cuộc luôn kể lại với tâm trạng bồi hồi, dạt dào cảm xúc về một danh nhân
vĩ đại.
“Một vị anh hùng vĩ đại, một vĩ nhân như vậy, lại rất bình dị như
vậy!” – dù đã 65 năm trôi qua, nhưng bà Vương Phong, con gái của cố nhà báo
Vương Duy Chân, nguyên Trưởng Phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội từ năm 1955-1960, vẫn
không khỏi xúc động thốt lên khi kể về lần được gặp Bác Hồ. Cách đây 65 năm,
báo Tiền Phong số 190, ra từ ngày 1-4/6/1957, đã in trang trọng trên trang nhất
bức ảnh của tác giả Mai Nam chụp Bác Hồ kính yêu cùng một bé gái khoảng 5 tuổi,
mặc chiếc váy màu trắng có đôi mắt to, đen láy đang cầm cành hoa hồng, với dòng
chú thích ảnh “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Nhân vật đặc biệt đã vinh
dự được chụp ảnh với Bác Hồ chính là cô bé Vương Tiểu Hồng (sau đổi tên thành
Vương Phong). Bức ảnh được chụp ngày 20/5/1957, khi Tiểu Hồng theo cha mẹ đến
sân bay Gia Lâm nhân sự kiện nguyên soái Liên Xô Kliment Yefremovich Voroshilov
đến thăm Việt Nam.
Ở
tuổi 70, nhưng đôi mắt bà Vương Phong vẫn ánh lên niềm vui khi được ôn lại kỷ
niệm về cuộc gặp Bác Hồ. Bà hào hứng kể khi còn nhỏ, bà vô cùng cảm động khi biết
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dốc hết tâm sức cho công cuộc đấu tranh gian khổ, lãnh
đạo nhân dân Việt Nam đánh thắng quân xâm lược, mở ra thời kỳ độc lập và giải
phóng dân tộc. Đến khi biết có thể được gặp Bác ở sân bay Gia Lâm nhân lễ đón
Nguyên soái Liên Xô Kliment Yefremovich Voroshilov, cô bé Tiểu Hồng đã hết sức
vui mừng và ngay lập tức mặc bộ váy yêu thích màu trắng, ngắt một cành hoa hồng
đỏ, háo hức cùng cha mẹ đến sân bay sớm và đứng ở vị trí trên cùng trong hàng
ngũ chào mừng. Khi nghe tiếng reo mừng ‘Bác Hồ đến rồi!’, cô bé lập tức vẫy
cành hoa hồng trên tay, vừa gọi vừa nhảy. Sau khi thấy Tiểu Hồng, Bác đã kéo cô
bé ra khỏi hàng người chào đón, nhẹ nhàng và nói chuyện một cách thân mật như một
người ông nói chuyện với cháu. Khi Tiểu Hồng nói với Bác ba câu tiếng Việt duy
nhất mình biết: ‘Bạn ăn cơm chưa? Tôi ăn cơm rồi. Chào đồng chí!’, Bác đã cười
lớn. Khoảnh khắc đẹp như vậy đến giờ bà Vương Phong vẫn luôn nhớ mãi.
Tại Indonesia, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường được gọi bằng cái tên thân mật
“Paman Ho (Bác Hồ)” – với tư cách là người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị
gắn bó hơn 65 năm qua giữa hai dân tộc. Rất nhiều lần, kỷ niệm về “Đôi dép Bác
Hồ” đã được bà Megawati Sukarnoputri – Chủ tịch đảng Dân chủ Đấu tranh (PDI-P),
nguyên Tổng thống thứ năm của Indonesia và là con gái của nhà lãnh đạo lập quốc
Sukarno – kể lại. Câu chuyện hơn 60 năm trước trong chuyến thăm lịch sử của Chủ
tịch Hồ Chí Minh đến Indonesia vào ngày 27/2/1959 đã được bà Megawati thuật lại
một cách chi tiết và đầy xúc động. Cha đã dạy bà khi có đoàn khách cấp cao đến,
cần phải ăn mặc gọn gàng, quần áo truyền thống dân tộc và đi giày đẹp.
Chính vì vậy, bà vô cùng thắc mắc khi nghe nói có vị Chủ tịch luôn đi dép. Mặc
dù vậy, khi thấy Bác đi dép, bà lập tức cảm thấy rất thiện cảm bởi vì cảm nhận
được rất rõ rằng Bác Hồ rất yêu quý trẻ con. Bà nhớ lại khi hỏi tại sao Bác
không đi giày, Người đã trả lời rằng: ‘Sau này khi cuộc đấu tranh thắng lợi,
Bác mới đi giày’. Theo bà Mega, “đó là một điều phi thường” và là “kỷ niệm đáng
nhớ nhất” của bà trong cuộc gặp lịch sử vốn đã đặt nền tảng cho quan hệ hữu nghị
bền chặt giữa hai nước láng giềng anh em. Nữ Tổng thống đầu tiên của Indonesia
cũng cho rằng câu trả lời giản dị của Người thể hiện “niềm tin vào nền độc lập
của Việt Nam”.
Chưa một lần được gặp Bác Hồ, nhà báo Sandip Hor biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh
qua những tấm áp phích khi tại quê hương ông, thành phố Kolkata, bang Tây
Bengal, Ấn Độ, diễn ra các cuộc tuần hành, biểu tình ủng hộ cuộc đấu tranh chống
Mỹ và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam vào cuối những năm 1960, đầu những
năm 1970. Phải đến năm 2006, nhà báo Sandip mới có dịp đến Việt Nam lần đầu
tiên. Trong chuyến đi này, giống như nhiều du khách nước ngoài khi tới thủ đô
Hà Nội, ông đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm nhà sàn nơi Người từng
sống lúc sinh thời. Khi tận mắt nhìn thấy nơi vị lãnh tụ nổi tiếng sống và làm
việc, ông vô cùng xúc động. Điều ông cảm phục nhất là Người có lối sống thật giản
dị. Từ đó đến nay, ông đã có nhiều dịp thăm lại Việt Nam, đi đến rất nhiều nơi,
tới các viện bảo tàng và các di tích lịch sử, có cơ hội hiểu thêm về Chủ tịch Hồ
Chí Minh và càng ngưỡng mộ thêm vị lãnh tụ kính yêu của Việt Nam. Với cá nhân
ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh – nhà lãnh đạo suốt cuộc đời đấu tranh vì độc lập cho
đất nước, dân tộc Việt Nam – thật gần gũi và thân thiết như một người
bác.
Thời tuổi trẻ của bà Anjuska Weil – Chủ tịch
Hội Hữu nghị Thụy Sĩ – Việt Nam, Chủ tịch danh dự đảng Lao động Thụy Sĩ và cũng
là ủy viên Ban chấp hành Đảng – ghi dấu ấn bằng những hành động phản đối cuộc
chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam vào những năm 60 của thế kỷ trước. Năm 17 tuổi,
bà được mẹ tặng cuốn “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà đã vô cùng
ấn tượng về những bài thơ mô tả cuộc sống hằng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh
khi ở trong tù. Trong suốt những năm tháng sau đó, bà đã dày công tìm hiểu thêm
về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam. Càng tìm hiểu, bà Weil càng thêm ấn
tượng về nhân cách, tư tưởng của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chia
sẻ với phóng viên TTXVN, bà Weil khẳng định: “Quyết định gia nhập đảng Lao động
Thụy Sĩ của tôi gắn liền với tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Bà Weil nhấn mạnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vĩ nhân, lãnh tụ cách mạng luôn tỏa sáng, ngay cả trong
hoàn cảnh tù đày tối tăm. Bác Hồ đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải
phóng dân tộc của mình. Người một lòng kiên định con đường cách mạng với quyết
tâm mạnh mẽ đấu tranh giành độc lập. Người luôn lựa chọn hòa bình, vì một nền
hòa bình công bằng. Bà Weil cho rằng tư tưởng đó kết hợp với sự khiêm tốn trong
lối sống của Bác Hồ chính là bài học lớn cho các lớp trẻ có thể noi theo.
“Bác không chỉ là vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam mà còn là lãnh tụ của tất cả những người ‘có trái tim đập vì tự do’. Bác là động lực to lớn cho cuộc đấu tranh chống lại sự bất công trên toàn thế giới” – anh Ahmet Yazar, người đàn ông gốc Thổ Nhĩ Kỳ, sinh sống và làm việc ở Bỉ từ 30 năm nay, đã dành những lời khâm phục như vậy khi nói về Bác Hồ. Chính tình cảm ấy đã thôi thúc anh tìm hiểu sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với Ahmet, Bác như một người soi sáng, bởi tên Người “Hồ Chí Minh” có nghĩa là người mang lại ánh sáng cho mọi người. Tác phong gần gũi, giản dị và lý tưởng cao đẹp của Người không chỉ sống mãi trong trái tim nhân dân Việt Nam mà còn ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế với sự ngưỡng mộ và đầy kính phục./.
0 nhận xét: