Việc thành lập
Ban chỉ đạo cấp tỉnh là hoàn toàn cần thiết, giúp nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ trung
ương đến địa phương.
Mới đây, Bộ
Chính trị đã có chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực. Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng,
tiêu cực cũng đã cho ý kiến hoàn thiện Đề án. Đề án này sẽ được trình xem xét,
quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 tới.
Việc thành lập Ban
chỉ đạo cấp tỉnh là hoàn toàn cần thiết, giúp nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực liền mạch, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ trung
ương đến địa phương.
Năm 2005, quy định
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu.
Sau đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng đã bổ
sung quy định Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống
tham nhũng do Chủ tịch UBND đứng đầu. Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, phối
hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, sau Đại hội XI, Trung ương quyết định
chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí
thư làm Trưởng ban; không thành lập Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố; lập lại Ban Nội
chính Trung ương, thực hiện chức năng một ban đảng và là cơ quan thường trực của
Ban Chỉ đạo Trung ương.
Sau gần 10 năm
thành lập, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực
đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực,
lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế”,
được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Công tác phòng, chống
tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm,
không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân
nào”. Do đó nếu Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh được thành lập
sẽ có sự lãnh đạo thông suốt, đồng bộ, có hệ thống từ trung ương đến cấp tỉnh.
Trung ương sẽ không làm thay việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
cho cấp tỉnh, mà do Ban chỉ đạo cấp tỉnh triển khai, thực hiện.
Trung ương chỉ
đóng vai trò hướng dẫn, theo dõi, đầu tàu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ:
“Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo của
Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương. Chúng ta sẽ quán triệt cho anh
em, giúp anh em những kinh nghiệm và làm từ trên xuống chứ không để tình trạng
như lâu nay là “trên nóng dưới lạnh”, trên xuống làm thay. Chúng ta không làm
thay cấp tỉnh, tỉnh nào không làm được thì chúng tôi xử lý tỉnh. Chúng ta
có cả một hệ thống thì tôi nghĩ là chúng ta sẽ làm tốt hơn”.
Thiếu tướng
Nguyễn Mai Bộ, nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc
hội cho rằng: Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh có thể được coi như là “cánh
tay nối dài của trung ương” nhằm giải quyết một cách kịp thời những vấn đề còn
bức xúc trong dân, những vấn đề còn tồn đọng, tiêu cực, tham nhũng ở địa
phương.
“Việc thành lập
Ban Chỉ đạo ở cấp tỉnh để không chỉ phòng, chống tham nhũng đối với những diện
mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mà theo phân cấp quản lý cán bộ còn có những
diện cán bộ thuộc cấp ủy cấp tỉnh, rồi cấp ủy cấp huyện quản lý. Cho nên việc
thành lập Ban Chỉ đạo để thể hiện sự đồng bộ trong đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực. Chủ trương này hoàn toàn đúng đắn và cần thiết” – Thiếu
tướng Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh.
Ban Chỉ đạo ở
Trung ương do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, các thành viên là đại diện lãnh đạo
các ban của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm
sát… Do đó, sau khi được thành lập, mô hình ở cấp tỉnh được tổ chức với trưởng
ban và các thành viên Ban chỉ đạo là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở địa
phương. Ở đây không phải thành lập một cơ quan mới gồm những biên chế mới. Tuy
nhiên, điều dư luận trăn trở là thời gian qua, nhiều địa phương như ở Bình Thuận
hay Khánh Hòa, Bình Dương… chính những người từng đứng đầu Đảng bộ, chính quyền
như bí thư, chủ tịch UBND tỉnh lại mắc sai phạm bị xử lý Đảng, chính quyền, kể
cả hình sự.
Làm rõ những
băn khoăn này, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng: “Khi
được giao Bí thư tỉnh ủy sẽ làm Trưởng ban chỉ đạo, sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng
bộ, chính quyền, nhân dân về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Nếu không xứng đáng, không làm được thì Trung ương có thẩm quyền xử lý. Tổng Bí
thư nói: Các đồng chí mà vào Ban Chỉ đạo cấp tỉnh trước hết gương mẫu, trong
sáng, không được tham nhũng như thế đã tốt rồi. Tập hợp được bao nhiêu người
như thế vào Ban Chỉ đạo là đã tốt rồi”.
Thành lập Ban
chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh quan trọng nhất là xây dựng các quy
định, quy chế hoạt động sao cho hiệu quả, đạt được các yêu cầu, kỳ vọng đặt ra
về việc không có vùng cấm, không chịu bất cứ áp lực nào trong công tác phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, phải chọn những người trong sạch, liêm
khiết thì mới tiến hành chỉ đạo đấu tranh phòng chống tham nhũng ở cơ sở hiệu
quả.
Nguyên Bí thư tỉnh
ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh kỳ vọng: “Phải trong sáng, trong sáng ngay từ tư tưởng,
tâm hồn, bản lĩnh và hết sức bình thường là đạo đức, lối sống. Càng những người
trong cuộc, những người trực tiếp làm nhiệm vụ thì càng phải đi đầu, gương mẫu,
làm thật tốt yêu cầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo, như thế hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ, như vậy đáp ứng yêu cầu Đảng cần”.
Đề án Thành lập
Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sẽ được trình
xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 5. Sau khi Trung ương có chủ
trương, Bộ Chính trị có thông báo, hướng dẫn để các tỉnh thành lập Ban chỉ đạo
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Bí thư sẽ quy định về chức năng nhiệm vụ
của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu Ban chỉ đạo cấp
tỉnh được thành lập làm thực chất, mạnh mẽ và không chịu sức ép nào sẽ giúp
ngăn chặn được từ sớm, từ xa những hành vi vi phạm, tham nhũng trong thời gian
tới./.
Lại Hoa/VOV1
0 nhận xét: