Chỉ trong một
thời gian ngắn, video clip cũng như các đoạn livestream liên quan vụ xô xát giữa
một số học sinh tại TP Hồ Chí Minh đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội,
thu hút đông người xem. Không ít cá nhân dù chưa hiểu rõ tường tận câu chuyện, mới
chỉ xem qua vài đoạn video đã vội vàng đưa ra những đánh giá chủ quan, phiến diện,
có tính chất chụp mũ đối với người mà họ cho là có lỗi.
Hiện sự việc
đang được cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình các học sinh cùng nhau giải
quyết. Nếu bình tâm lại có thể thấy rằng vụ xô xát giữa con trẻ hoàn toàn có thể
giải quyết ổn thỏa nếu các gia đình có thiện chí, bản thân mỗi học sinh cùng thẳng
thắn nhìn nhận ra những khuyết điểm trong cách ứng xử từ đó rút kinh nghiệm và
chân thành xin lỗi nhau. Tuy nhiên, do cách giải quyết có phần chậm trễ từ nhà
trường, sự nóng vội của phụ huynh khiến cho sự việc đã bị đẩy lên ồn ào quá mức.
Hậu quả là các bên liên quan dù đúng dù sai cũng đều bị tổn thương, chịu phiền
lụy ngoài ý muốn, và các học sinh cũng phải gánh chịu áp lực nặng nề từ dư luận.
Điều đáng nói
hơn là trong khi vụ việc đang được giải quyết thì đã và đang diễn ra một vụ bạo
lực khác trên không gian mạng, đó là dùng mạng xã hội để chỉ trích, tấn công cá
nhân. Từ sự việc đang gây tranh cãi, người tham gia mạng xã hội chia làm hai
phe và mặc sức sỉ nhục người mà họ cho là có lỗi và cả những người không cùng
quan điểm.
Vụ việc trên
tiếp tục cho thấy tình trạng gia tăng bạo lực trên mạng xã hội. Bất cứ sự việc
gì đang gây tranh cãi trong đời sống đều có thể trở thành chủ đề để cư dân mạng
bàn luận, tranh cãi, tấn công những người có liên quan và những người tham gia
trao đổi ý kiến dưới nhiều hình thức. Có người chỉ vì có quan điểm trái chiều,
chót bênh vực kẻ được cho là “thủ phạm” mà sau một đêm trở thành đối tượng bị cộng
đồng mạng săn tìm ráo riết, truy ra địa chỉ gia đình, người thân, nơi làm việc,…
để chửi bới, nhục mạ. Dù mỗi cá nhân đều có quyền bày tỏ quan điểm của mình về
một vấn đề đang được quan tâm, tuy nhiên khi ý kiến nêu ra có tính chất công
kích, mạt sát, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác thì đã vượt quá giới
hạn cho phép và tùy theo mức độ có thể sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chắc chắn các
vụ mâu thuẫn dẫn đến xô xát, đánh chửi nhau ngoài đời sẽ không thể được giải
quyết thông qua mạng xã hội, thế nhưng một số người lại cho rằng chỉ có mạng xã
hội mới có thể giúp đòi lại công bằng, chính nghĩa. Chính niềm tin vô căn cứ ấy
đã khiến cho nhiều vụ việc trong thực tế trở nên phức tạp hơn sau khi bị đưa
lên các diễn đàn mạng xã hội.
Cũng từ đây
làm nảy sinh những mâu thuẫn, chia rẽ trong cộng đồng và gây bất ổn trong xã hội.Cần
khẳng định rằng, bất luận vì lý do gì thì bạo lực luôn cần bị lên án và phải được
ngăn chặn, dù đó là trên không gian mạng. Để làm được điều này đòi hỏi sự hợp
tác, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân. Hành vi có tính chất bạo lực khi bị
chia sẻ, lan tỏa trên không gian mạng để nhiều người tham gia phán xét không thể
khiến bạo lực chấm dứt.
Chưa kể, nếu
mật độ các thông tin xấu, độc hại xuất hiện quá dầy trên không gian mạng có thể
tác động tiêu cực đến nhận thức và hành vi của cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Cộng đồng mạng đương nhiên không thể làm thay vai trò của các cơ quan thực thi
pháp luật. Do đó, dù là ngoài đời thực hay trên mạng xã hội, các phát ngôn,
hành động của mỗi cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật. Đó chính là điều
kiện tiên quyết để bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, giúp ngăn chặn hữu hiệu các
hành vi tiêu cực, bạo lực có thể xảy ra.
0 nhận xét: