9/6/22

Quy hoạch “dục tốc bất đạt”

 Phải tránh tình trạng quy hoạch nhầm, quy hoạch vội rồi sớm cho cán bộ trẻ đi vào “đường cao tốc”, vì việc làm “dục tốc” này có thể gây hệ lụy cho cả tổ chức, cá nhân và làm hỏng một mắt xích quan trọng trong công tác cán bộ. Tôi quen biết người anh hiện giữ chức vụ tương đương cục trưởng. Tôi trân quý anh ở đức tính điềm đạm, khiêm nhường và ý chí tự lập thân, lập nghiệp, phấn đấu đi lên bằng khả năng, thực lực của mình. Trước đó, từng có nhiều năm làm việc ở một cơ quan có liên quan đến công tác tham mưu về công tác nhân sự, vì thế anh nắm từng “chân tơ kẽ tóc” của công việc hệ trọng mà không kém phần nhạy cảm này.


Có lần, trong một cuộc trò chuyện, anh bất chợt hỏi tôi: “Cậu có thích đi xe trên đường cao tốc không?”. Tôi trả lời theo phản xạ tự nhiên: “Thích chứ anh. Vì đường cao tốc rộng rãi, trơn tru, bằng phẳng, xe có thể đi tốc độ cao, nhanh về tới đích mà hiếm khi gặp đường ngang lối tắt nào cản trở”.

Khi thấy tôi có vẻ băn khoăn vì chưa hiểu ý tứ sâu xa điều anh hỏi, thì anh giải thích, trước đây dân gian đúc kết “Cả đời phấn đấu không bằng một giờ cơ cấu”; còn thời nay người ta ví von: “Sung sướng như được quy hoạch vào đường cao tốc”. Nghĩa là cán bộ nào mà sớm lọt vào “mắt xanh” của người đứng đầu cấp ủy, cán bộ chủ chốt và mấy ông bà thường vụ đầy quyền lực, thì người đó như có trong tay tấm vé được đi vào đường cao tốc, nhờ vậy mà hành trình tiến thân của họ diễn ra suôn sẻ, hanh thông; chứ không “chầy chật, vất vả, gian nan” như những người phải đi trên những con đường khác gặp không ít ghập ghềnh, chông gai.

Vì những “ma lực” vô cùng hấp dẫn, vô cùng tiện lợi của quy hoạch “đường cao tốc” trong quy trình công tác nhân sự mà nhiều người đua nhau “chạy ma-ra-tông” để kiếm một tấm vé đi cho hành trình quan lộ theo đúng lộ trình “Đường thông, hè thoáng, không rào chắn/ Ta sẽ ung dung trên đường dài!”. Cũng nhờ lợi thế vô song của “đường cao tốc”, mà thỉnh thoảng đây đó lại rộ lên những chuyện lùm xùm “con ông nọ, cháu bà kia” tuy tài năng ở mức độ vừa phải, bản lĩnh chưa đủ chín, thành tích chả đáng là bao, công lao chưa đóng góp rõ ràng cho dân cho nước, thế mà họ cũng “lèo lái” tập thể thường vụ, cấp ủy đưa con cháu mình vào “đường cao tốc”. Lại có người mất ăn mất ngủ, ngày đêm chạy vạy lòng vòng biết bao “cửa sau” để dựa hơi vào các “ông to, bà nhớn” nhằm tranh thủ số phiếu của họ cho cá nhân mình được quy hoạch vào “đường cao tốc”!

Không thể phủ nhận có những cán bộ trẻ tài năng, được đào tạo bài bản, sở hữu tố chất năng lực lãnh đạo, quản lý tốt, do vậy việc sớm được quy hoạch, bổ nhiệm họ vào vị trí, chức vụ tương xứng là cần thiết, góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp. Và trên thực tế, có nhiều cán bộ trẻ được quy hoạch, bổ nhiệm đúng thời điểm nên đã phát huy tốt khả năng, thực lực của mình, có nhiều đóng góp, cống hiến tích cực cho tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhưng cũng có sự thật là không ít cán bộ trẻ, trong đó có cả thành phần “4C” (con cháu các cụ) do được quy hoạch quá nhanh vào “đường cao tốc” nhưng hành trình quan lộ lại sớm “xuống dốc không phanh” bởi bản thân họ chưa đủ tài năng, bản lĩnh, vốn sống, kinh nghiệm để “làm chủ tốc độ” trên đường cao tốc! Hơn nữa, do không thấu hiểu phương châm “Cuộc sống không phải là đi qua cánh đồng” nên họ nhìn đời, nhìn việc với con mắt chủ quan, đơn giản nên đã tự mình vấp ngã, rồi “đứt gánh giữa đường”.

Quy hoạch là một trong những khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Việc quy hoạch và sử dụng cán bộ trẻ cũng không ngoài mục đích góp phần trí tuệ hóa, năng động hóa, sáng tạo hóa trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy vậy, việc quy hoạch cán bộ trẻ cần thực chất, đúng quy định, đúng đối tượng nhằm phát huy tốt nhất giá trị của người được quy hoạch. Mặt khác, phải tránh tình trạng quy hoạch nhầm, quy hoạch vội rồi sớm cho cán bộ trẻ đi vào “đường cao tốc”, vì việc làm “dục tốc” này có thể gây hệ lụy cho cả tổ chức, cá nhân và làm hỏng một mắt xích quan trọng trong công tác cán bộ./.

 


0 nhận xét: