27/7/22

Sự xuyên tạc vô giá trị

 


Để hoàn thành bất kỳ một nhiệm vụ gì, điều đầu tiên là phải đánh giá đúng tình hình. Vì vậy, việc đánh giá đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam sẽ là tiền đề cho sự hợp tác quốc tế hiệu quả để ngăn chặn vấn nạn này.

Những ngày qua, báo chí thế giới liên tục đưa tin về các vụ tai nạn trong quá trình di cư trái phép, những đường dây buôn người qua biên giới các nước bị phát hiện. Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 25/7, nhà chức trách thị trấn Tarfaya, miền Nam Maroc, cho biết đã vớt được thi thể của 8 người di cư bất hợp pháp sau khi thuyền cao su chở họ bị chìm gần khu vực ven biển của xã Akhfennir. Có 18 người sống sót và toàn bộ là người gốc Phi. Một tháng trước, 23 người di cư đã thiệt mạng khi cố gắng vượt biên để vào Melilla. Theo tổ chức phi chính phủ Caminando Fronteras, gần 1.000 người di cư đã thiệt mạng hoặc mất tích trên biển trong nửa đầu năm nay trong các chuyến vượt biển đến Tây Ban Nha.

Còn ở Mexico, ngày 24/7, Viện di trú quốc gia Mexico cho biết, tổng cộng có 225 người di cư được phát hiện trong nhà kho ở Jilotepec thuộc bang Mexico. Trong số này, có 194 người mang quốc tịch Guatemala, 14 người Honduras, 9 người Nicaragia và 3 người El Salvador.  Những người di cư trên đang ẩn náu tại nhà kho để chờ nhóm buôn người đưa lên phía bắc.

Cũng trong ngày 24/7, giới chức địa phương xác nhận đã có 16 người thiệt mạng trong vụ lật thuyền chở người di cư Haiti ngoài khơi quần đảo Bahamas, trong bối cảnh gia tăng làn sóng di cư bằng đường biển tới Mỹ. Bộ trưởng Lao động và Nhập cư Bahamas – ông Keith Bell cho hay 4 phụ nữ và 17 nam giới đã được cứu sống trong vụ việc xảy ra ở khu vực ngoài khơi cách đảo New Providene khoảng 11 km.

Đó chỉ là thống kê các vụ việc buôn người bị phát hiện mà báo chí đưa tin trong 3 ngày qua, nếu lùi tiếp thời gian thì khuôn khổ một bài báo không liệt kê đủ. Có thể thấy, tình trạng buôn người vẫn đang diễn ra trên khắp thế giới, nhức nhối và dai dẳng, để lại nỗi đau không thể nguôi ngoai với gia đình các nạn nhân.

Ở Việt Nam, dư luận vẫn chưa quên vụ việc đau lòng khi 39 người Việt thiệt mạng trong xe tải từ Bỉ sang Anh cách đây 3 năm. Mới đây nhất, vì nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng lạ trên mạng xã hội về “việc nhẹ, lương cao”, 7 thanh niên người dân tộc thiểu số tại làng Kloong, xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã bị lừa vượt biên trái phép sang Campuchia lao động bất hợp pháp. Họ bị bắt làm những công việc vi phạm pháp luật, bị đe dọa tính mạng, buộc phải gọi điện về nhà cầu cứu, nộp tiền chuộc thân.

Nạn nhân của các vụ buôn người chủ yếu là những người có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức và hiểu biết pháp luật hạn chế, mong muốn tìm kiếm những cơ hội đổi đời ở vùng đất mới. Đặc biệt là trong thời gian dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế ở một số nước càng làm tình trạng di cư trái phép gia tăng. Bởi vậy, giải pháp ngăn chặn vấn nạn buôn người cần những nỗ lực hợp tác quốc tế để vừa triệt xóa các băng nhóm tội phạm, vừa phòng ngừa bằng các biện pháp tổng hợp nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Ở Việt Nam, Luật Phòng, chống mua bán người đã được Quốc hội thông qua ngày 29/3/2011. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 30/7 hàng năm làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, trùng với “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” của Liên hợp quốc để nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, tăng cường các biện pháp phòng chống vấn nạn này. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng cũng tăng cường quản lý biên giới, địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi buôn người. Bên cạnh đó, các giải pháp phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, đào tạo nghề, đưa người đi làm việc ở nước ngoài bằng con đường chính thống… cũng đã góp phần giảm thiểu nạn buôn người và trên thực tế số vụ án ngày càng giảm.

Có thể lấy ngay dẫn chứng ở tỉnh Gia Lai, nơi vừa xảy ra vụ việc 7 thanh niên bị lừa bán ra nước ngoài làm việc. Sáu tháng qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã giới thiệu trên 20 doanh nghiệp đến địa phương để tư vấn, tuyển dụng lao động, trong đó có trên 15 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hướng dẫn 46 lao động làm hồ sơ thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc. Toàn tỉnh đã có 470 lao động được các doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai đã thu thập thông tin việc làm trống của 355 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh với gần 6.000 vị trí việc làm, sau đó đăng tải trên cổng thông tin điện tử và fanpage của Trung tâm để người lao động nắm bắt được thông tin. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 8 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, 1 hội chợ việc làm, 2 phiên tư vấn dịch vụ việc làm tại phiên chợ nông sản, 3 phiên tư vấn cho bộ đội xuất ngũ và 7 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm, qua đó đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 8.000 lượt người, gần 600 lao động tìm được việc làm. Sở thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số vay vốn phát triển kinh tế. Sáu tháng đầu năm 2022, hơn 36.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn…

Vụ việc như 7 thanh niên bị lừa bán ở trên chỉ là đơn lẻ, không thường xuyên, cho nên không xoá bỏ được những nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền và kết quả trong việc phòng, chống nạn buôn người ở Việt Nam. Bởi vậy, ngày 21/7/2022, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ra Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới với các thông tin không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam”.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: Triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 vào tháng 2/2021, thời gian qua, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người với sự vào cuộc và tập trung cao độ của tất cả các bộ, ngành và địa phương; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và các văn bản chính sách, pháp luật về phòng ngừa mua bán người, lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trên thực tế, tình hình phòng, chống mua bán người trong nước và qua biên giới cũng luôn được rà soát để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp, khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.

Việt Nam cũng đang tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế. Ngày 18/7/2022 vừa qua, hướng tới Ngày Thế giới và Toàn dân phòng chống mua bán người 30/7, các Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng và Ngoại giao cũng đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Với những dẫn chứng ở trên, việc các đối tượng chống phá dẫn báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhằm xuyên tạc tình hình Việt Nam cũng sẽ là vô giá trị.

 

0 nhận xét: