Các thế lực
thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã và đang dùng mọi âm mưu, thủ đoạn chống
phá Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng, đi đến xóa bỏ vai trò lãnh
đạo cách mạng Việt Nam của Đảng. Trong đó chúng xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt về
việc thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng ta, quy chụp: đây là biểu hiện
mất đoàn kết nội bộ, chứ còn tự phê bình và phê bình chỉ là hình thức, không có
tác dụng gì. Đặc biệt gần đây, chúng lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng của
Đảng, Nhà nước ta để chỉ trích, xuyên tạc, vu cáo cho rằng “ thực chất đó là thỏa
hiệp, chia chác quyền lực giữa các phe nhóm trong Đảng”; việc Đảng kỷ luật một
số cán bộ đảng viên có vi phạm chỉ là “thanh trừng, đấu đá giữa các phe nhóm
trong Đảng”.
Nhưng thực chất
cả về lý luận cũng như thực tiễn đã bác bỏ sự xuyên tạc xấu xa đó và khẳng
định tự phê bình và phê bình là một trong những biện pháp quan trọng để giữ gìn
và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, để Đảng đã đoàn kết càng đoàn
kết hơn và tạo ra sức mạnh to lớn để lãnh đạo cách mạng thắng lợi.
Từ rất sớm,
Mác, Ăngghen đã chú trọng đến vệc tự phê bình và phê bình trong nội bộ Đảng Cộng
sản. Các ông cho rằng việc tự phê bình và phê bình là hết sức cần thiết có ý
nghĩa quan trọng trong quá trình hoạt động và phát triển của một chính đảng
cách mạng; chỉ có bằng tự phê bình và phê bình mới giúp giải quyết, sửa chữa,
khắc phục được những mâu thuẫn, hạn chế, sai lầm, khuyết điểm của Đảng.
V.I. Lênin đã
sáng tạo, kế thừa và phát triển tư tưởng của Mác và Ăngghen về tự phê bình và
phê bình trong các đảng cách mạng. Lênin xác định tự phê bình và phê bình là
quy luật bất di bất dịch, là động lực phát triển của Đảng: “Tự phê bình là một
việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống.
Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan, tự mãn”. Theo Lênin: nếu “Công
khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh để ra sai
lầm, nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy”, thì đó sẽ là
dấu hiệu Đảng nghiêm túc, là Đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình, trong đó có
nghĩa vụ lãnh đạo cách mạng. Thực tiễn thắng lợi “long trời lở đất” của Cách mạng
Tháng Mười Nga năm 1917 đã chứng minh sức mạnh to lớn của Đảng Cộng sản do
Lênin vĩ đại lãnh đạo.
Hơn 92 năm ra
đời, trưởng thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh
và Đảng ta đã chứng minh rất rõ hiệu quả, ý nghĩa to lớn của tự phê bình và phê
bình trong Đảng.
Hồ Chí Minh đặc
biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết trong Đảng và theo Người một trong những biện
pháp quan trọng để Đảng đi đến đoàn kết hơn chính là phải tăng cường tự phê
bình và phê bình. Người cho rằng: tự phê bình và phê bình là “vũ khí thần diệu”
để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh và “ta có hai cách để thực hiện thống
nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là phê bình và tự phê bình”.
Hồ Chí Minh
luôn yêu cầu tự phê bình và phê bình phải được quan tâm, chú trọng đúng mức.
Không được coi nhẹ, xem thường công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng. Đồng
thời, Hồ Chí Minh cũng yêu cầu tự phê bình và phê bình phải đúng mục đích, đúng
cách. Người dạy: Tự phê bình và phê bình phải có mục đích là để học cái hay,
tránh cái dở, là “ trị bênh cứu người”, giúp đỡ, hỗ trợ cho nhau sửa chữa khuyết
điểm để tiến bộ, vì vậy, “Tuyệt đối không nên có tính mỉa mai, bới móc, báo
thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên “trước mặt không nói, soi mói
sau lưng”.…
Thấm nhuần tư
tưởng và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã triển
khai thực hiện thường xuyên, tích cực, kiên quyết, kiên trì công tác tự phê
bình và phê bình, đem lại những hiệu quả to lớn cho công tác xây dựng, chỉnh đốn
Đảng, để Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng Việt Nam
đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thực tế này đã được Chủ tịch Hồ Chí
Minh khẳng định: “Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo
nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Đó là vì Đảng ta khéo
dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình”.
Tuy nhiên, thời
gian qua, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm trong tự phê bình và phê bình, ảnh
hưởng đến sức chiến đấu của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Đại
hội Đảng lần thứ XIII đã thẳng thắn chỉ rõ: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu
của một số tổ chức đảng còn thấp. Công tác rèn luyện, quản lý đảng viên ở một số
nơi chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu chặt chẽ; có nơi còn buông lỏng sinh
hoạt đảng, chất lượng sinh hoạt chưa cao, sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn
hình thức; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu”.
Yêu cầu thực
tiễn hiện nay cũng như những năm tới đòi hỏi Đảng ta phải quyết tâm khắc phục,
sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm trên, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả
của công tác tự phê bình và phê bình của Đảng. Muốn vậy, chúng ta cần tập trung
làm tốt các giải pháp đồng bộ, kiên quyết, thiết thực.
Trước hết,
nâng cao nhận thức, hiểu biết, xây dựng quan điểm, thái độ đúng đắn về tự phê
bình và phê bình trong Đảng. Tránh những biểu hiện sai trái, tả khuynh, hữu
khuynh, lợi dụng tự phê bình và phê bình… như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng
phát biểu: “…chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người
khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình…
không dám nói hết khuyết điểm của mình và không dám phê bình người khác, nhất
là phê bình cấp trên. Thái độ nể nang, hữu khuynh “im lặng là vàng”, hoặc thái
độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều
là không đúng”.
Thực hiện tự
phê bình và phê bình đúng nguyên tắc, đúng quy trình, đúng phương pháp, nghiêm
túc, hiệu quả. Đây là cơ sở quyết định bảo đảm cho hiệu quả thiết thực, đúng đắn
của tự phê bình và phê bình trong Đảng. Đảng ta đã có những quy định rất cụ thể
về vấn đề này, đòi hỏi các tổ chức đảng cũng như từng cán bộ, đảng viên phải
nghiêm chỉnh chấp hành và thực hiện theo đúng các quy định đó của Đảng. Nếu làm
sai, không đúng nguyên tắc, quy trình sẽ gây nhiều hậu quả ảnh hưởng đến việc tự
phê bình và phê bình, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực.
Kết hợp chặt
chẽ giữa khen thưởng, xử phạt trong tự phê bình và phê bình. Qua tự phê bình và
phê bình sẽ cho thấy rõ ưu điểm cũng như khuyết điểm, hạn chế rồi từ đó phát
huy ưu điểm, khắc phục sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ. Nếu công tác khen thưởng,
xử phạt trong tự phê bình và phê bình làm tốt, chặt chẽ, phù hợp, thấu lý, đạt
tình, kịp thời, đúng đắn…thì sẽ có tác dụng động viên, cổ vũ hay giáo dục, răn
đe, ngăn chặn rất hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thương yêu là
luôn luôn chú ý đến công tác của họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa
ngay… Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ. Làm thế
không phải là làm cho họ kiêu căng, mà cốt làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng
sức. Phải vun đắp chí khí của họ, để đi đến chỗ “bại cũng không nản, thắng cũng
không kiêu”. Lúc phê bình họ, ta chớ có thái độ gay gắt. Lúc khen ngợi họ, ta
phải cho họ hiểu rằng: năng lực mỗi người đều có giới hạn, tuy có thành công
cũng chớ kiêu ngạo. Kiêu ngạo là bước đầu của thất bại”.
Nêu cao trách
nhiệm, tính tự giác của cán bộ, đảng viên trong tự phê bình và phê bình. Trong
đó tăng cường trách nhiệm, tình cảm của bản thân từng cán bộ, đảng viên với
mình cũng như với đồng chí, với tổ chức. Chú ý tính tự giác, trách nhiệm gương
mẫu, làm gương của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, việc tự
phê bình và phê bình phải được cán bộ, đảng viên tự giác duy trì thường xuyên,
như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự
phê bình, tự sửa chữa như rửa mặt mỗi ngày. Được như thế thì trong Đảng sẽ
không có bệnh và Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng”.
Phát huy vai
trò trách nhiệm của các tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở, các chi bộ. Tập
trung thực hiện tốt nhiệm vụ mọi mặt, trong đó có nhiệm vụ tự phê bình và phê
bình ngay từ tổ chức cơ sở đảng, từ tổ đảng, chi bộ đảng. Phấn đấu thực hiện tốt
quy định tại Điều lệ Đảng: “Xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh về
chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ;
nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn
kỷ luật và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; thường xuyên giáo dục,
rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng,
tính chiến đấu, trình độ kiến thức, năng lực công tác; làm công tác phát triển
đảng viên”. Nghị quyết số 21- NQ/TW của Hội nghị Trung ương năm, khóa XIII,
ngày 16 – 6 – 2022, chỉ ra một trong những giải pháp quan trọng để “Tăng cường
củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên
trong giai đoạn mới”, là: “Thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt
cấp ủy; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần tự phê bình và
phê bình, đoàn kết nội bộ, nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng thiết thực,
trọng tâm, trọng điểm…”.
Từng cán bộ,
đảng viên, tổ chức đảng tăng cường đoàn kết thống nhất, nỗ lực rèn luyện phấn đấu
để thực hiện thắng lợi Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có nội dung tự
phê bình và phê bình: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và
nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển
sự đoàn kết và thống nhất của Đảng…”.
0 nhận xét: