22/8/22

Màn kịch “kêu oan” sau phiên toà phúc thẩm xét xử Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm

             Tung tin giả, tô vẽ hình tượng để kêu oan cho các bị cáo trước, trong và sau phiên tòa đã trở thành chiêu trò quen thuộc của những đối tượng chống phá Việt Nam. Đây cũng là thời cơ để các đối tượng “mượn gió bẻ măng” nhằm tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ ngành Tư pháp và chế độ. 

Ngay sau khi TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm 2 bị cáo Trịnh Bá Phương (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1972), cùng trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, các đối tượng tự xưng “nhà dân chủ”, các trang báo như BBC, RFA, VOA… đã đồng loạt lên tiếng “bẻ lái” vụ án, tìm cách tẩy trắng tội danh nhằm “kêu oan” cho các đối tượng.

Vở kịch này khởi nguồn từ bài viết của một nhân vật với danh nghĩa luật sư, tung lên trên mạng xã hội. Nội dung của bài viết phản ánh về quá trình diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm, trong đó chủ yếu tập trung ngòi bút của mình để “ca ngợi” bị cáo Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm với những lời lẽ thật mĩ miều như: “tại phiên tòa, tâm thế của các bị cáo rất hiên ngang, mạnh mẽ và bình tĩnh trong phiên đối chấp trước tòa”! Và cũng theo tác giả này, biểu hiện đó của các bị cáo cho thấy “khả năng xử lý thật đáng làm người ta phải kinh ngạc”!?

Các “nhà dân chủ” giả hiệu ở trong và ngoài nước cho đến các trang báo điện tử thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC, VOA, RFA… cũng “té nước theo mưa”, tạo nên làn sóng phản đối tẩy chay phiên tòa, “tẩy trắng” tội danh cho các đối tượng.

Xuất hiện những bài viết có nội dung ca ngợi, xây dựng các bị cáo trở thành những “người hùng”, coi đó là biểu tượng của những những người “dám đấu tranh cho sự phản kháng quật cường trước các vấn đề trong xã hội”! Nhưng “vải thưa không che được mắt thánh”, đối chiếu với những bằng chứng về các hành vi phạm tội của các đối tượng, chúng ta thấy rõ những thông tin, luận giải của những “nhà dân chủ” nêu trên là trò hề, là vở hài kịch được vẽ ra để tung hứng.

Trò diễn kịch bấy lâu nay, các đối tượng tung ra hòng lừa bịp những người còn thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin nhằm cố tạo làn sóng ngược dòng, thể hiện chút nghĩa tình với các bị cáo đã bị sa vào vòng lao lý, không bỏ rơi những “chân rết” của mình trong “cuộc đấu tranh vì dân chủ”! Hoặc cũng có thể là họ cố tình đóng vai những người “đạo đức”, tỏ ra bênh vực, đồng cảm để bày tỏ sự quan tâm, động viên, khích lệ tới thân nhân của các đối tượng chống đối. 

Thực tế quá trình đấu tranh, xử lý các đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia cho thấy, không ít người đã lầm tưởng dẫn tới sự tự tin thái quá khi được các tổ chức, cá nhân thù địch, chống phá Việt Nam hậu thuẫn, chống lưng hoặc được các trang báo điện tử thiếu thiện chí ở nước ngoài dùng làm trò tiêu khiển như những quân cờ.

Khi được những tổ chức, cá nhân thù địch “hỏi quan điểm” dưới dạng trao đổi, phỏng vấn, đánh giá về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, số “chân rết” này ảo tưởng về sự bao bọc, đãi ngộ vật chất nên mặc nhiên trả lời theo chủ ý của kẻ xấu, xuyên tạc tình hình thực tế mà không nghĩ đến hậu quả của sự xảo trá, bôi nhọ do mình gây ra.

Đã có nhiều “tấm gương mờ” vì ảo tưởng và động cơ tiêu cực mà tiếp tay cho kẻ xấu. Việc xét xử được thông tin công khai, rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, sự răn đe, cảnh tỉnh cho những người lầm đường lạc lối. Thế nhưng, bên cạnh những người đã kịp thức tỉnh “quay đầu là bờ” thì vẫn còn có một số người vẫn ngoan cố, bảo thủ, không nhận ra lỗi lầm của mình, bị những lợi ích vật chất làm lu mờ tâm trí, để các thế lực xấu dần biến họ trở thành những “con rối” để sai khiến thực hiện các hành vi xâm hại đến an ninh, trật tự.

Trường hợp của bị cáo Trịnh Bá Phương là một ví dụ điển hình cho điều này. Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Tâm đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo Tâm thừa nhận hành vi lợi dụng mạng xã hội Facebook, thực hiện việc phát trực tiếp các video, đăng tải các bài viết, trạng thái, chia sẻ trên tài khoản cá nhân các nội dung liên quan đến sự việc ở xã Đồng Tâm. Từ đó, bị cáo Tâm mong muốn tòa phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ. Thế nhưng bị cáo Trịnh Bá Phương tiếp tục không thừa nhận hành vi phạm tội, không thành khẩn, vẫn quanh co chối tội và có hành vi chống đối.

Trong khi đó, các tài liệu chứng cứ phản ánh về hành vi phạm tội của Trịnh Bá Phương đã được làm rõ. Ngoài tuyên truyền, xuyên tạc vụ Đồng Tâm, Trịnh Bá Phương còn có hành vi tàng trữ tài liệu dạng sách gồm 278 trang mà kết quả giám định cho thấy có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân. Như vậy, cùng trong một vụ án, cùng tính chất, hành vi phạm tội nhưng bị cáo Nguyễn Thị Tâm đã biết ăn năn hối cải, nhận tội và mong được pháp luật khoan hồng để sửa sai nhưng người còn lại là Trịnh Bá Phương thì ngoan cố, không chịu nhận tội, còn thể hiện hành vi chống đối ngay tại phiên tòa.

Đối với trường hợp của Trịnh Bá Phương, việc bị cáo này không nhận tội cho thấy ý thức chống đối đến cùng. Các thế lực xấu nhân cơ hội đó đã tìm cách tung hô, cổ suý, coi bị cáo Phương như “người hùng”, ca ngợi “dũng cảm, bản lĩnh”! Qua những gì đã thể hiện, bản thân Trịnh Bá Phương luôn ảo tưởng về con đường mà mình đang theo đuổi nên từ trước đến nay, dù đã được các cơ quan chức năng nhiều lần răn đe, giáo dục nhưng Phương không những không nhận thức được những hành vi sai trái mình đã phạm phải mà ngược lại, thường tìm cách quanh co, chối bỏ sự thật, cố tình thực hiện các hành vi chống đối manh động hơn.

Do đó, trong phiên tòa phúc thẩm, dù những chứng cứ buộc tội quá rõ ràng nhưng bị cáo vẫn bảo thủ, bao biện hành vi phạm tội của mình. Và một nguyên nhân khác dẫn tới việc bị cáo ngoan cố chối tội chính là tâm lý ảo tưởng, luôn mong chờ về sự can thiệp từ bên ngoài, cho rằng phủ nhận tội trạng sẽ được các tổ chức, cá nhân bên ngoài can thiệp, từ đó chờ đợi ngày được “minh oan”, được trao thưởng kiểu “giải nhân quyền”, tìm đường ra hải ngoại như các đối tượng Trần Thị Nga, Nguyễn Văn Đài, Bạch Hồng Quyền, Tạ Phong Tần, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…

Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, những ai cố tình lấy lợi ích cá nhân đặt trên lợi ích của xã hội, bán rẻ lương tâm, làm tay sai, quân cờ cho các thế lực thù địch để chống phá Đảng, Nhà nước thì tất yếu phải bị xử lý. Đây vừa là  biện pháp mang tính răn đe, vừa là biện pháp phòng ngừa chung. Do vậy, các cá nhân đã, đang hoặc nuôi ý tưởng thực hiện hành vi phạm pháp, lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để chống phá lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân thì hãy biết dừng lại, biết “quay đầu là bờ” trước khi quá muộn.

 

0 nhận xét: