Báo cáo khi được “tô hồng”, khuyết điểm được giấu đi sẽ gây trì trệ cho sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống chính trị của đất nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương… Nó giống như thầy thuốc chẩn bệnh sai. Về lâu dài là mối nguy hại ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Kết cục
không có hậu
Thành tích,
khen thưởng vốn là những từ rất đẹp, rất ý nghĩa. Một cá nhân, tập thể khi được
vinh danh, khen thưởng là nguồn động viên khích lệ tinh thần, vật chất, tạo nguồn
lực nội sinh để tiếp tục phấn đấu phát triển. Điều này khác xa hoàn toàn với việc
“tô hồng” báo cáo, chạy thành tích để “đánh bóng” tên tuổi, thương hiệu để làm
“bình phong” che giấu những khuyết điểm, vì động cơ không lành mạnh. Điểm chung
của những câu chuyện “tô hồng” báo cáo, giấu giếm khuyết điểm, “chạy thành
tích”, “chạy danh hiệu” đó là đều có kết cục không có hậu.
Chỉ mới đây
thôi, dư luận chưa hết bức xúc vì UBND huyện Long Hồ (Vĩnh Long) bị đoàn thanh
tra của Chính phủ về Dự án xây dựng nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Phú phê
bình, nhắc nhở do báo cáo không trung thực, “tô hồng” thành tích về tiến độ thực
hiện dự án. Thì ngay sau đó (đầu tháng 7-2022), UBND tỉnh Vĩnh Long đã có tờ
trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị hủy bỏ quyết định khen thưởng
huân chương đối với 2 tập thể, 2 cá nhân trong tỉnh bởi liên quan đến các vụ việc
tham ô, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng nói, trước đó, những cá
nhân, tập thể này đều là những cơ quan “cầm cân nảy mực”: Ban Thi đua-Khen thưởng,
Hội Chữ thập đỏ, sư trụ trì của một ngôi chùa lớn trên địa bàn và đều được khen
thưởng, “tung hô” vì quá trình công tác dày thành tích và làm nhiều việc thiện.
Thử hỏi, những tập thể, cá nhân ấy nếu không bị tố giác, vẫn ung dung, chễm chệ
đứng trên bục vinh danh, cao quý để rao giảng đạo lý thì hệ lụy sẽ ra sao?…
Chủ tịch Hồ Chí
Minh chỉ rõ: “Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng
là một bệnh rất nguy hiểm”. Người từng răn dạy, nhân dân có hàng triệu “tai, mắt”
để nghe thấy, nhìn thấy mọi sự ở đời. Thế nên có tinh vi, dùng phương tiện để
“đánh bóng” hình ảnh cá nhân đến mấy như ông Nguyễn Đức Chung, lúc đang là Chủ
tịch UBND TP Hà Nội, rồi cũng bị phanh phui ra ánh sáng. Cũng nhờ có danh hiệu
hào nhoáng mà ông Chung đã dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt (như cơ quan điều
tra chỉ ra): Khi báo chí phản ánh việc gia đình ông có liên quan đến việc mua
bán chế phẩm Redoxy 3C, ông Chung chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra toàn diện. Để
lừa dối cơ quan chức năng, ông Chung nhiều lần chỉ đạo, định hướng kết luận
theo hướng không có sai phạm gì. Đáng chú ý, ông Chung còn lấy số tiền lợi nhuận
từ Công ty Arktic tặng quà, tài trợ cho một số cơ quan, tổ chức nhằm “đánh
bóng” hình ảnh, tên tuổi, thương hiệu của mình.
Có một điểm
chung nhất liên quan đến những đối tượng từng vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng,
gây nhức nhối dư luận xã hội như Nguyễn Đức Chung hay Trịnh Xuân Thanh, nguyên
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC),
đó là đều nhờ sở hữu những thành tích lấp lánh, hào nhoáng bao bọc bên ngoài,
được xây dựng nên bởi những báo cáo “tô hồng”, không đúng sự thật. Thậm chí nhờ
có thành tích, “tấm huân chương” làm bệ đỡ mà đối tượng này liên tục được
bổ nhiệm, luân chuyển nhiều vị trí công tác!
Rõ ràng, “lưu
manh” đội lốt trí thức, khi mà tấm bình phong hết nhiệm màu thì hậu quả thật
nghiêm trọng. Thiệt hại về kinh tế còn có thể cân đong, đo đếm được, nhưng thiệt
hại về việc làm sai lệch, méo mó các chính sách của Đảng, Nhà nước, làm giảm niềm
tin của nhân dân vào cơ quan công quyền, làm sai lệch các chuẩn mực xã hội thì
khó mà bù đắp.
Dư luận đặt
câu hỏi: Còn bao nhiêu vụ việc lớn nhỏ khác hệ lụy từ tệ “tô hồng” báo cáo,
“đánh bóng” tên tuổi, danh hiệu để giấu giếm khuyết điểm mà chưa được khui ra
ánh sáng? Rõ ràng đây là một sự suy thoái về đạo đức, lối sống rất đáng báo động,
lên án, như Đảng và Bác Hồ đã từng “bắt bệnh”. Bệnh này đang ngấm ngầm gặm nhấm,
làm băng hoại phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và ảnh hưởng đến
đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
“Thành
tích ảo”, giảm lòng tin
Đảng ta xác định:
Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa,
xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Một
xã hội phát triển, dân chủ, công bằng, văn minh là xã hội mà người dân được hưởng
lợi từ các chính sách tích cực của Nhà nước. Hạnh phúc của nhân dân là thước đo
tiến bộ, công bằng xã hội. Hiện nay, nếu chỉ lắng nghe những báo cáo dày đặc
thành tích nhưng thử hỏi người dân có hài lòng không, mức độ hài lòng là bao
nhiêu?
Để sớm được
công nhận về đích trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương báo cáo rất “đầy
đặn”. Buổi lễ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới ở một số địa phương được tổ chức
linh đình, cấp trên xuống dự, cờ đèn kèn trống, báo chí rầm rộ đưa tin, thành
công tốt đẹp, thế nhưng thực chất, bộ mặt đời sống người dân không có nhiều
thay đổi, thậm chí nhiều hộ dân rơi vào khó khăn vì thành tích “thoát nghèo”. Tất
cả đều do bệnh thành tích, thích “đánh bóng” tên tuổi, phô trương mà nên.
Trên lĩnh vực
kinh tế, cũng vì “tô hồng” báo cáo tài chính, kinh doanh của nhiều tập đoàn
kinh tế, doanh nghiệp nhà nước khiến người dân và cả chuyên gia cũng không biết
đó là lãi giả, lỗ thật hay lãi thật, lỗ giả! Bởi có doanh nghiệp vừa mới báo
cáo làm ăn có lãi nhưng chỉ giai đoạn sau thì phá sản, xin trợ vốn gấp. Những
báo cáo này đã khiến nền kinh tế bị méo mó, thiếu sự cạnh tranh, minh bạch. Thậm
chí, có đơn vị khi cần một báo cáo đánh giá trung thực, khách quan để có căn cứ
đưa ra các quyết sách, lại phải nhờ vào một đơn vị độc lập đánh giá, khảo sát lại
chứ không thể sử dụng báo cáo của các cơ quan, đơn vị đã công khai.
Đặc biệt, bệnh
“tô hồng” báo cáo, thành tích, háo danh trong lĩnh vực xây dựng Đảng biểu hiện ở
nhiều nội dung, từ công tác cán bộ đến đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng
viên, phát triển đảng viên mới và kiểm tra, giám sát. Bệnh thành tích đã nâng đỡ,
tâng bốc, “lót đường” thăng quan tiến chức cho một số kẻ gian dối. Họ đã đi lên
bằng những báo cáo thành tích hào nhoáng, không có thật, nhưng lại được hợp thức
hóa bằng những phần thưởng cao quý. Điều này làm thui chột nhiệt huyết của những
người chân chính, làm việc, cống hiến thật sự. Nó làm cho nhiều cán bộ, đảng
viên giảm sút ý chí phấn đấu vươn lên.
Theo chuyên
gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt
Nam: Thực tế, có rất nhiều dạng làm dở mà báo cáo hay, nhưng nguy hiểm nhất là
sai về chất lượng. Ví dụ chương trình làm ra không tốt nhưng vẫn nghiệm thu,
công trình chất lượng bình thường hoặc có vấn đề nhưng vẫn báo cáo tốt. Kiểu
báo cáo này vô cùng nguy hại, nhất là ở những dự án, vấn đề quan trọng quốc
gia. Khi cơ quan chỉ đạo điều hành không nắm được đúng vấn đề thì giải pháp có
thể không sát, kế hoạch cũng có thể sai và đặc biệt là đánh giá con người cũng
có thể không chính xác.
Rõ ràng, bệnh
thành tích và những báo cáo không trung thực dễ bịt mắt những cán bộ, lãnh đạo
quan liêu, sống xa dân, dẫn đến sự mơ hồ khi đề ra các chủ trương và biện pháp
chỉ đạo cấp dưới, làm méo mó các chủ trương, chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà
nước. Đó cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển, làm nghèo
nàn, lạc hậu đất nước, và hơn thế nữa, nó gây bất bình trong nhân dân và giảm
lòng tin với Đảng. Vậy làm sao để phòng và chống căn bệnh này? Đó là nội
dung chúng tôi sẽ bàn ở bài 3 trong vệt bài này.
PGS, TS Nguyễn
Xuân Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị Quân sự: “Bệnh
thành tích đã nâng đỡ, tâng bốc, lót đường thăng quan tiến chức cho những kẻ
gian dối; đồng thời, làm thui chột nhiệt huyết của những người chân chính,
làm việc, cống hiến thật sự và gây chán nản, mất lòng tin cho những cán bộ,
nhân viên cấp dưới. |
0 nhận xét: