14/10/22

Bài 1: Sự ngụy tạo không thể phá hoại bức tranh toàn cảnh

             Các thế lực thù địch luôn sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do Internet như một “chiêu bài” hòng chống phá Đảng và Nhà nước ta, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thế nhưng, thực tế cho thấy những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ngày càng được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Chùm bài “Sự thật khách quan là câu trả lời đanh thép” gồm 03 bài nhằm bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch về vấn đề nhân quyền của Việt Nam, qua đó khẳng Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền con người một cách toàn diện.

Không khó để nhận diện những đối tượng có âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đó là những tổ chức thù địch, thiếu thiện cảm với Việt Nam nhưng tự cho mình quyền bình phẩm, phán xét về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Đó là các thế lực cực đoan trong chính giới ở một số nước phương Tây, các tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài… với những luận điệu thù địch, bất mãn hòng phủ nhận những thành quả thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của Việt Nam. Công cụ mà các đối tượng này thường sử dụng là đưa những thông tin sai lệch, bóp méo sự thật, được phát tán trên các trang mạng xã hội nhằm gieo rắc tâm lý hoài nghi, làm lung lay lòng tin của người dân về sự lãnh đạo của Đảng, công tác điều hành, quản lý của Nhà nước, từ đó gây bất ổn chính trị – kinh tế – xã hội trong nước, hạ thấp uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Một số tổ chức như Theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá quốc tế (AI), Phóng viên không biên giới, Freedom House, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF)… thường xuyên công bố các bản phúc trình hằng năm về nhân quyền Việt Nam với cái nhìn phiến diện, thiếu khách quan. Trước thềm Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025, trong đó Việt Nam là một ứng cử viên, một số tổ chức quốc tế cùng với các lực lượng phản động người Việt ở trong và ngoài nước liên tục xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam và tìm cách tác động tới chính giới một số nước hòng cản trở việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Mới đây, ba tổ chức “Quan sát LHQ” (Thụy Sĩ), Quỹ Nhân quyền (Mỹ) và Trung tâm Raoul Wallenberg về Quyền con người (Canada) đã đưa ra báo cáo chung nói rằng “thành tích nhân quyền của Việt Nam còn yếu kém, thiếu hợp tác với Hội đồng Nhân quyền”.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao cuối tháng 9 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta Lê Thị Thu Hằng đã “hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan với định kiến xấu mà một số tổ chức nước ngoài đã đưa ra về tình hình Việt Nam”.

Bằng việc hiện thực hóa thành công chủ trương “lấy con người làm trung tâm”, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật và đáng ghi nhận về đảm bảo quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định chính sách nhất quán, xuyên suốt về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Đảng và Nhà nước ta, trong đó “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể. Điều này vừa được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan, vừa được thể hiện rõ qua việc đảm bảo và thúc đẩy những quyền cơ bản của con người về chính trị, kinh tế, văn hóa…; đảm bảo bình đẳng giới, nỗ lực bảo vệ người yếu thế trong xã hội.

Ông Philip Fernandez, thành viên Hiệp hội Hữu nghị Canada – Việt Nam nhận xét: “Dưới sự lãnh đạo đã kinh qua thử thách của Đảng Cộng sản Việt Nam, các cơ cấu đã cho phép người dân trở thành thành viên bình đẳng trong chính thể và các điều kiện kinh tế”.

Quyền chính trị là một trong những quyền công dân đang được Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ và đạt kết quả tốt. Kể từ khi tham gia Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1982, Việt Nam không ngừng nỗ lực nội luật hóa các quy định trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hiến pháp năm 2013 cùng Luật Khiếu nại 2011, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật Tố cáo năm 2018… là những cơ sở pháp lý quan trọng để người dân thực hiện quyền chính trị của mình, tham gia xây dựng chính quyền, quản lý nhà nước và xã hội; tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các cơ quan đại diện. Các phiên chất vấn đại biểu Quốc hội, các chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” hay “Dân hỏi – lãnh đạo trả lời” đã trở thành những kênh đối thoại thường kỳ được người dân hết sức quan tâm và ủng hộ, cho thấy người dân nhận thức và phát huy ngày càng tốt hơn các quyền chính trị của mình, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Đảm bảo bình đẳng giới cũng là thành tựu nổi bật của Việt Nam. Sự vươn lên mạnh mẽ của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, được thể hiện qua việc Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 số nước đứng đầu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ này liên tục gia tăng trong nhiệm kỳ gần đây. Đại sứ Colombia tại Việt Nam Miguel Ángel Rodríguez Melo nhấn mạnh Việt Nam đã đạt được những bước tiến dài trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đại sứ Maroc Jamale Chouaibi cũng khẳng định Việt Nam là một trong những mô hình thành công nhất về thúc đẩy bình đẳng giới. Trong khi đó, đại diện ghi nhận Việt Nam đang nỗ lực trao quyền cho phụ nữ tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nỗ lực bảo vệ quyền của nhóm người yếu thế cũng như bảo đảm điều kiện sống cho mọi đối tượng trong xã hội cũng là những trọng tâm trong các quyết sách của Nhà nước Việt Nam. Trong báo cáo “Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp” đánh giá về thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam tháng 4/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đầy ấn tượng trong thập kỷ qua với nhiều xu hướng tích cực đang nổi lên, trong đó tình hình của những nhóm nghèo nhất ở vùng sâu, vùng xa, các nhóm dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt. Dựa theo chuẩn quốc gia thu nhập trung bình thấp của WB, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 16,8% xuống còn 5% trong giai đoạn từ 2010 – 2020, với trên 10 triệu người dân đã được hỗ trợ thoát nghèo.

Trải qua 4 đợt dịch COVID-19, kể cả trong giai đoạn dịch căng thẳng nhất do biến thể Delta vào giữa năm 2021, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo các quyền của người dân như chăm sóc y tế và tiêm vaccine miễn phí, cung cấp các gói hỗ trợ và an sinh xã hội cho người dân, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Bà Rana Flowers, quyền Điều phối viên LHQ tại Việt Nam, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng, với những nỗ lực kiểm soát đại dịch trong hai năm qua, Việt Nam đã trở thành tiêu chuẩn trên thế giới, đạt tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu để bảo vệ người dân, bao gồm cả những người dân nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đe dọa việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), Việt Nam vẫn được đánh giá là đã thực hiện hiệu quả các mục tiêu này để thúc đẩy quyền con người. Việt Nam đứng thứ 51 trên tổng số 193 quốc gia thành viên LHQ về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với điểm cao hơn mức trung bình của nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ông Terence D.Jones thuộc Văn phòng đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định Việt Nam thuộc nhóm đầu trong 3 nhóm quốc gia có tiến độ thực hiện tốt nhất các tiêu chí mục tiêu toàn cầu ở châu Á về phát triển bền vững.

Cuối tháng 3 vừa qua, tại buổi công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III và thông tin việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025, bà Rana Flowers đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người. Việc Việt Nam công bố báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp nhận theo UPR chu kỳ III cũng thể hiện rõ trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”. Đó chính là nền tảng tạo nên những bước tiến đáng ghi nhận trong nỗ lực bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Đó là những minh chứng hùng hồn khẳng định tính đúng đắn trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc đảm bảo quyền con người. Vì thế, những tiếng nói của các thế lực thù địch hòng lợi dụng vấn đề nhân quyền để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc trở nên lạc lõng, thiếu tính thuyết phục, thậm chí phản tác dụng.

 

0 nhận xét: