“Chính phủ Việt Nam đã rất minh bạch với công chúng trong suốt cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Báo chí và truyền thông Việt Nam đã góp phần tạo nên sự đồng thuận xã hội, xây dựng niềm tin của người dân nhằm chung tay phòng, chống đại dịch thành công”. Nhận định trên của tạp chí Foreign Policy về vai trò của báo chí và truyền thông Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch có thể coi là minh chứng rõ ràng nhất về những nỗ lực nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin ở Việt Nam
Truyền thông quốc
tế khi đề cập tới những “bí quyết” giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả các đợt
bùng phát dịch COVID-19 đã nhiều lần nhắc tới yếu tố “thông tin minh bạch, rõ
ràng”. Nhiều quan chức, chuyên gia nước ngoài cũng đánh giá cao Chính phủ Việt
Nam tận dụng hiệu quả việc có hơn 70% dân số sử dụng Internet để cập nhật tình
hình dịch bệnh cũng như hướng dẫn người dân tuân thủ các biện pháp phòng chống
dịch. Nhà báo David Hutt chuyên về chính trị Đông Nam Á đánh giá, khi đại dịch
COVID-19 bùng phát, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã rất minh bạch, cởi mở trong việc
chia sẻ, cập nhật dữ liệu về tình hình COVID-19. Đó là một trong những lý do
khiến người dân Việt Nam đặt niềm tin vào các biện pháp chống dịch của chính phủ.
Tương tự, việc
truyền hình trực tiếp các cuộc chất vấn, trả lời chất vấn và tranh luận tại các
kỳ họp Quốc hội về những vấn đề “nóng” của đất nước ngày càng nhận được sự ủng
hộ mạnh mẽ của cử tri cả nước. Điều đó giúp thông tin rộng rãi hơn, đảm bảo các
hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch hơn, gần gũi với cử tri
và nhân dân, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và cử tri giám sát các
hoạt động của Quốc hội.
Hay việc các cơ
quan báo chí thông tin kịp thời, công khai, minh bạch về các vụ xử lý những
quan chức cấp cao vi phạm kỷ luật đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào
các nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.
Vậy mà, một số
tổ chức như “Freedom House” và tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) cùng một
số thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, chỉ trích tình hình tự do báo chí,
tự do ngôn luận ở Việt Nam. Trong báo cáo công bố tháng 5 vừa qua, các tổ chức
này xếp Việt Nam vào cái gọi là “nhóm các quốc gia không có tự do Internet và
không có tự do báo chí”. Đây không phải là năm đầu tiên “Freedom House” và RSF
đưa ra những nhận định chủ quan, phiến diện và không chính xác như vậy về Việt
Nam.
Những thế lực
thù địch dường như cố tình quên rằng việc đảm bảo mọi công dân có quyền tự do
ngôn luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật là chính sách
nhất quán của Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền
con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận của công dân. Tự do ngôn luận được
xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa năm 1946: “Công dân Việt Nam có quyền: tự do ngôn luận, tự do xuất
bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước
và ra nước ngoài” (Điều 10). Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 tiếp tục
khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông
tin,… ” (Điều 25). Cùng với Luật Báo chí năm 2016 và Luật Tiếp cận thông tin
năm 2016, khung pháp lý của Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và
tiếp cận thông tin cơ bản đầy đủ, đồng bộ, tương thích với luật pháp quốc tế về
quyền con người. Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có những
quy định nhằm hạn chế và ngăn chặn những hành vi lợi dụng tự do ngôn luận xâm hại
lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Luật An ninh
mạng năm 2018 được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 là nỗ lực
của Việt Nam nhằm đảm bảo sự an toàn và trật tự của toàn xã hội trên không gian
mạng, qua đó bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet của
người dân.
Báo chí Việt
Nam luôn là kênh thông tin, phản biện xã hội rộng rãi, công khai và có hiệu quả
đối với các cấp chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh nhiệm vụ tuyên
truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
thông tin mọi mặt hoạt động của xã hội đến với nhân dân, báo chí còn là diễn
đàn của nhân dân để nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chính kiến, tham gia
phản biện, đề xuất ý kiến về những chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc
phòng – an ninh, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Nhân dân được trực
tiếp tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách, quyết định
những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua việc thảo luận, góp ý và bày tỏ ý
kiến, quan điểm ở mọi phương diện, lĩnh vực trên báo chí.
Tính đến
4/2022, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó 115 báo thực hiện 2 loại hình
(in và điện tử): 116 tạp chí thực hiện 2 loại hình; 29 báo và tạp chí điện tử
chỉ có loại hình điện tử; 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh – truyền
hình; khoảng 41.600 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Cả
nước có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo 2021 – 2025 (tính đến 15/8/2021)… Điều
đó cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của báo chí tại Việt Nam trong những năm gần
đây.
Cùng với sự
phát triển của công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội trở thành công cụ
phổ biến để mọi cá nhân, tổ chức bày tỏ quan điểm, truyền bá thông tin, thể hiện
quyền tự do ngôn luận. Theo báo cáo toàn cảnh Digital năm 2022 do tổ chức We
Are Social và Hootsuite thực hiện, tính đến tháng 1/2022, số người sử dụng mạng
xã hội ở Việt Nam là 72,1 triệu người, chiếm 73,2% dân số, trong đó các mạng xã
hội Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, Tiktok,… được người dân sử dụng rộng
rãi … Từ năm 2021 đến 2022, số người dùng Internet ở Việt Nam đã tăng 3,4 triệu,
cho thấy bước mở rộng và phát triển đáng kể phạm vi sử dụng Internet ở nước ta.
Hiện Việt Nam là quốc gia có số người dùng Internet cao thứ 12 trên thế giới và
đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Việt Nam
cũng đang đẩy mạnh mục tiêu “Chuyển đổi số quốc gia”, hướng tới mỗi người dân
có một điện thoại thông minh; mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc
độ cao… Đó là những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm tôn trọng quyền được tiếp
cận Internet của tất cả mọi người. Qua Internet, người dân Việt Nam cũng có thể
dễ dàng tiếp cận thông tin của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới,
như: AFP, AP, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times, New York Times….
Những con số
trên là bức tranh sinh động cho thấy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí tại
Việt Nam là thực tế khách quan không thể phủ nhận và bác bỏ.
Tuy nhiên,
Freedom House, RSF và một số tổ chức thù địch, phản động thường xuyên đưa ra những
cáo buộc vô căn cứ về việc Việt Nam “đàn áp” tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự
do bày tỏ chính kiến của người dân. Thực tế cho thấy Luật pháp Việt Nam chỉ trừng
trị những đối tượng lợi dụng các quyền tự do dân chủ, trong đó có quyền tự do
Internet, tự do ngôn luận, để thực hiện các hành vi xuyên tạc, chống phá, bôi
nhọ, lừa đảo, phát tán tin giả, lấy cắp thông tin… gây tổn hại cho lợi ích của
Nhà nước, cộng đồng và cá nhân, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Không ít đối tượng lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do mạng xã hội để đăng tải
nhiều clip có nội dung chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc tình hình chính trị
nội bộ, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao, kích động biểu tình, phá rối
an ninh trật tự. Thủ đoạn chủ yếu là tạo lập, sử dụng các trang mạng có máy chủ
ở nước ngoài để phát tán thông tin xấu độc, đặc biệt là vào thời điểm diễn ra
các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước. Riêng
trong năm 2021, hàng chục nghìn thông tin xấu, độc trên các mạng xã hội đã được
chặn và gỡ bỏ. Mới đây nhất, ngày 9/10, các lực lượng chức năng đã phối hợp kịp
thời xử lý đối tượng sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook đăng tải,
bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc
người dân đồng loạt rút tiền tại các ngân hàng, từ đó tác động xấu đến hoạt động
của các ngân hàng và tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Việc Việt Nam
áp dụng Luật An ninh mạng để xử lý các hành vi vi phạm là nhằm bảo vệ một không
gian mạng lành mạnh cho người sử dụng ở Việt Nam. Rõ ràng, khi đưa ra những
đánh giá về tự do Internet tại Việt Nam, Freedom House, RSF và các thế lực thù
địch đã cố tình bỏ qua một thực tế là không chỉ Việt Nam ban hành Luật An ninh
mạng mà trên thế giới đã có hơn 180 quốc gia đã ban hành luật này hoặc quy định
các điều luật về an ninh mạng trong bộ luật bảo đảm an ninh quốc gia. Nhiều quốc
gia như Mỹ, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Singapore,… đã có điều khoản xử lý nghiêm khắc
những hành vi vi phạm trên không gian mạng.
Có thể thấy các
báo cáo hay bảng xếp hạng hàng năm của Freedom House, RSF cũng như một số tổ chức
nhân quyền và thế lực thù địch khác luôn mang tính chủ quan, thể hiện góc nhìn
phiến diện, định kiến, chủ yếu dựa trên những thông tin lượm lặt từ các lực lượng
chống phá mà không dựa trên ý kiến của chính người dân Việt Nam, không phản ánh
đúng tình hình thực tiễn về tự do báo chí, tự do Internet của Việt Nam.
Đảng và Nhà nước
ta luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do
Internet của người dân. Việc Freedom House và RSF cũng như một số thế lực thù địch
vẫn cố tình xuyên tạc sự thật càng cho thấy thái độ thiếu thiện chí đối với Việt
Nam. Sự thật sinh động về những kết quả mà Việt Nam đạt được trong việc bảo đảm
quyền con người, trong đó có tự do báo chí, tự do Internet, là câu trả lời đanh
thép.
0 nhận xét: