Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt, chủ trương nhất quán, đúng đắn của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều đối tượng phản động đã tìm mọi cách xuyên tạc mục tiêu nói trên, nhằm làm chệch hướng cách mạng Việt Nam…
Trong cuốn sách
“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Độc lập dân
tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng
Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí
Minh. Song với mưu đồ chính trị đen tối, các thế lực thù địch, phản động, chống
đối, cơ hội chính trị luôn tìm cách xuyên tạc mối quan hệ giữa độc lập dân tộc
và chủ nghĩa xã hội (CNXH); phá bỏ mục tiêu xây dựng CNXH tại Việt Nam. Chúng
rêu rao luận điệu cho rằng: Mô hình CNXH là không tưởng; mô hình CNXH đã sụp đổ
ở Liên Xô nên không phù hợp với Việt Nam; trong điều kiện hiện nay, Việt Nam chỉ
cần độc lập dân tộc, không cần CNXH…
Đặc biệt, lợi dụng
những mặt trái của xã hội, những hạn chế, khuyết điểm trong công cuộc xây dựng
và phát triển đất nước, đặc biệt là hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong bộ
máy công quyền, nhiều đối tượng cơ hội chính trị đã ra sức xuyên tạc bản chất
chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Từ đó, đòi xóa bỏ CNXH, xóa bỏ vai trò lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Trước hết cần
khẳng định, độc lập dân tộc và CNXH có mối quan hệ thống nhất, biện chứng với
nhau. Độc lập dân tộc là sự không lệ thuộc, không phụ thuộc, không chịu sự chi
phối, hướng lái từ bên ngoài; là việc bất khả xâm phạm của quốc gia trên tất cả
các lĩnh vực; là quyền tự quyết định tương lai, vận mệnh của chính dân tộc
mình. Mô hình CNXH mà chúng ta đang xây dựng là xã hội do nhân dân lao động làm
chủ; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực,
hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát
triển toàn diện cá nhân; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản
xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết,
tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển… Độc lập dân tộc là điều kiện tiên
quyết để xây dựng CNXH; CNXH là cơ sở để bảo đảm độc lập dân tộc trên thực tiễn.
Do đó, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là điều kiện bảo đảm
thắng lợi của cách mạng nước ta.
Thực tiễn lịch
sử cho thấy, quá trình xây dựng CNXH là quá trình lâu dài, chưa từng có trong
tiền lệ; đòi hỏi các đảng Cộng sản phải vừa thực hiện, vừa nghiên cứu, điều chỉnh,
rút kinh nghiệm. Đã có thời điểm, các đảng Cộng sản phải trả giá cho những sai
lầm, khuyết điểm trong xây dựng CNXH mà sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu là ví
dụ rõ nét nhất. Song, cần nhận thấy, đây là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể của
CNXH đã lạc hậu. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta tiếp tục kiên định
lập trường chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với
chủ nghĩa xã hội là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển.
Trên thực tế,
những thành tựu trong hơn 35 năm đổi mới đã khẳng định rõ tính đúng đắn của mục
tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Việt Nam đã
đạt được những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã ra khỏi khủng hoảng kinh
tế – xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, đang
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng.
Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn
hóa, xã hội có bước phát triển mới; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên;
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được củng cố; độc lập,
chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ
vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín
của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam cũng được
thế giới đánh giá cao về hiệu quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Điển
hình nhất là công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe của nhân dân
trong hơn 2 năm qua.
Trước xu thế
toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, quá trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc
gắn liền với CNXH, nước ta cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức.
Bên cạnh đó là hiện tượng tham nhũng, tiêu cực ở một bộ phận cán bộ, đảng viên
thoái hóa, biến chất. Với tinh thần thẳng thắn, Đảng ta xác định, tham nhũng,
tiêu cực là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Song, tham nhũng là “căn bệnh chung” của hầu hết các quốc gia trên thế giới,
không phải là “sản phẩm riêng” của chế độ XHCN, không phải là hệ quả của chế độ
CNXH như các thế lực đang tìm mọi cách tuyên truyền. Mặt khác, thời gian qua, Đảng,
Nhà nước ta đã nêu cao quyết tâm chính trị, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các
trường hợp sai phạm với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Độc lập dân tộc
gắn liền với CNXH là mục tiêu cách mạng, phù hợp với nguyện vọng của quần chúng
nhân dân, vì lợi ích của quần chúng nhân dân. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc
gắn liền với CNXH là chủ trương nhất quán, đúng đắn của cách mạng Việt Nam. Vì
vậy, mọi luận điệu xuyên tạc mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH, đòi xóa
bỏ CNXH… đều đi ngược lại quyền lợi, lợi ích của nhân dân, dân tộc. Các luận điệu
này cần phải bị vạch trần và đấu tranh, loại bỏ./.
0 nhận xét: