Bài 5: Làm tốt khuyến nghị của quốc tế: Việt Nam vững tin tham gia “luật chơi” toàn cầu
Sau nhiều năm
nỗ lực “lấy xây để chống,” đảm bảo “sức mạnh mềm” về nhân quyền, giờ đây, Việt
Nam đã đủ “sức đề kháng” trước mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch;
giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra các “điểm
nóng” về an ninh trật tự; qua đó chủ động tham gia vào “luật chơi” toàn cầu.
Với kết quả
trên, tại Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền cho hơn hàng nghìn cán bộ cấp
cơ sở, diễn ra tại tỉnh Lai Châu mới đây, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại
(Bộ Thông tin và Truyền thông) Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Đảng, Nhà nước Việt
Nam luôn sẵn sàng trao đổi, đối thoại cởi mở với các cơ quan, tổ chức quốc tế về
quyền con người trên tinh thần xây dựng nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau; để
các cơ quan, tổ chức quốc tế có nhận định, đánh giá thực tiễn tình hình nhân
quyền trong nước trên cơ sở công bằng, minh bạch và khách quan.”
Đủ “sức đề
kháng” trước mọi luận điệu xuyên tạc
Nhấn mạnh
chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng,
đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; người dân tộc thiểu số được hưởng
toàn bộ các quyền con người chính đáng, bà Trần Chi Mai, Phó Vụ trưởng Vụ hợp
tác quốc tế (Ủy ban Dân tộc của Chính phủ) cho biết thời gian gần đây, niềm tin
của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã không
ngừng được củng cố và tăng cường, đi vào chiều sâu và tầm cao mới.
Cùng với đó,
sự đồng thuận xã hội đã được nâng lên, khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng
vững chắc hơn, đủ “sức
đề kháng” với mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch; qua đó
góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phong trào toàn
dân bảo vệ an
ninh Tổ quốc được phát triển sâu rộng, không để xảy ra các “điểm
nóng” về an ninh trật tự như thời gian trước.
[Làm
chủ ‘sức mạnh mềm’ nhân quyền: Việt Nam tự tin vào ‘sân chơi lớn’]
Khảo sát của Ủy
ban Dân tộc cũng cho thấy kinh tế-xã hội tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số
và miền núi trong những năm qua đã có bước phát triển khá.
Các địa
phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều đạt được tốc độ tăng trưởng
kinh tế cao hơn trước. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và thu nhập bước đầu có
sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ
trọng nông, lâm nghiệp. Kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền
núi được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận với các dịch
vụ công thuận lợi hơn. Tiềm năng lợi thế ở từng vùng, từng khu vực được khai
thác hiệu quả hơn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó,
sự nghiệp giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân
tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất
lượng, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
Công tác giữ
gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu
số được quan tâm, phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ; một số sản phẩm
văn hóa vật thể, phi vật thể được khôi phục, lưu truyền. Hàng năm, các ngày hội
văn hóa các dân tộc được tổ chức mang đậm dấu ấn của từng vùng, từng dân tộc,
phong phú, đa dạng, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tại Việt Nam,
theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ
9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020. (Ảnh: Nhật Anh/Vietnam+)
Có chung quan
điểm, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin
và Truyền thông) cũng nhấn mạnh những năm qua, dù là đất nước đang phát triển,
đời sống kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam luôn nỗ lực và đã
đạt được những kết quả tích cực trong bảo vệ quyền con người.
Điển hình là,
theo Báo cáo kinh tế-xã hội tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,
tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm
2015 xuống dưới 3% vào năm 2020; hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non
cho trẻ em 5 tuổi; tại Việt Nam không có khủng bố, người dân được sinh sống và
lao động trong môi trường an ninh, an toàn, ổn định…
Báo cáo Hạnh
phúc thế giới năm 2022 của Liên hợp quốc cũng khẳng định chỉ số hạnh phúc quốc
gia của Việt Nam xếp vị trí 77 (tăng 2 bậc so với năm 2021).
“Với những kết
quả đạt được, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, đối thoại cởi mở
với các cơ quan, tổ chức quốc tế về quyền con người trên tinh thần xây dựng nhằm
tăng cường hiểu biết lẫn nhau; để các cơ quan, tổ chức quốc tế có những nhận định,
đánh giá thực tiễn tình hình nhân quyền trong nước trên cơ sở công bằng, minh bạch,
khách quan. Mặt khác, Việt Nam không bao giờ chấp nhận và kiên quyết đấu tranh
với những luận điệu, đánh giá chủ quan, phiến diện, thiếu thiện chí, không có
cơ sở, không phản ánh đúng tình hình thực tế,” ông Dũng nhấn mạnh.
Trên tinh thần
đó, đại diện Cục Thông tin đối ngoại cho biết hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục
hướng tới mục tiêu đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân,
xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng
văn minh. Đồng thời chủ động ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn sử dụng vấn đề “dân chủ,
nhân quyền” để chống phá cách mạng Việt Nam.
Hội nhập
quốc tế sâu rộng, làm chủ thông tin
Để thực hiện
mục tiêu trên, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Đinh Tiến Dũng cho biết
công tác thông tin, tuyên truyền có vai trò, vị trí rất quan trọng. Trong đó,
Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công
tác nhân quyền trong tình hình mới đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm
của công tác nhân quyền, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là: Tăng cường công tác
tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân để mọi người nhận thức sâu
sắc hơn về quan điểm của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con
người, quyền và nghĩa vụ của công dân, nhận thức rõ bản chất tốt đẹp của chế độ
ta là vì con người.
Trong thời
gian qua, nhằm tăng cường hoạt động thông tin và nâng cao khả năng tiếp cận
thông tin cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa,
biên giới và hải đảo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu trình Thủ tướng
Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn
thông công ích đến năm 2020; tích hợp các chính sách hỗ trợ thông tin, tuyên
truyền cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa,
biên giới và hải đảo kết hợp với các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về thông
tin, Chương trình Mục tiêu quôc gia về giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó,
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban
hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử
hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phổ cập
và cá nhân hóa các dịch vụ (như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế) tới từng người
dân để phục vụ quyền của người dân tốt hơn; tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng
sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng,
bình đẳng và nhân văn, rộng khắp.
Chăm sóc tốt
sức khỏe cho người dân và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho cho đồng bào dân tộc
thiểu số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. (Ảnh: Nhật Anh/Vietnam+)
Theo bà Trần
Chi Mai, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Ủy ban Dân tộc của Chính phủ), những
thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới sẽ tiếp tục tạo đà
cho sự phát triển của đất nước cũng như đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại
phía sau.” Uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục tăng
lên sẽ là yếu tố nền tảng để hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.
Mới đây, Báo
Washington Times ngày 21/9 đã đăng bài viết trong đó ủng hộ Việt Nam ứng cử vào
Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Theo bài viết, Việt Nam
tiếp tục được đánh giá cao tại Liên hợp quốc với việc cử cán bộ tham gia phái bộ
gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, là thành
viên tích cực trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền
vững ưu tiên của Liên hợp quốc.
Đồng tình với
nhận định trên, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Viện trưởng, Viện
Quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết để thực hiện
nghĩa vụ pháp lý của một quốc gia thành viên đối với các công ước, trong những
năm qua, Việt Nam đã chủ động cam kết và thực hiện nghĩa vụ của mình thông qua
việc đẩy mạnh việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên
lĩnh vực quyền con người; thực thi các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp
để bảo đảm quyền con người; soạn thảo và đệ trình báo cáo quốc gia định kỳ về
việc thực hiện công ước; hợp tác quốc tế trong việc thực hiện công ước; xây dựng
các chương trình quốc gia để thực hiện đúng cam kết quốc tế.
Đặc biệt,
trong những năm gần đây, Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực
hiện các khuyến nghị của một số cơ quan giám sát việc thực hiện quyền
con người của Liên hợp quốc trên cơ sở quyết định của Thủ tướng
Chính phủ. Đây là phương thức khuyến nghị chủ yếu và trực tiếp nhất mà Việt Nam
đang triển khai áp dụng đối với khuyến nghị của các uỷ ban công ước.
Việt Nam
chủ động tham gia “luật chơi” toàn cầu
Theo phó giáo
sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, sở dĩ Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm
tới vấn đề nhân quyền, bởi đây là một “luật chơi mới” trên phạm vi toàn thế giới.
Việt Nam muốn hội nhập quốc tế, tham gia hội nhập về kinh tế, văn hóa, ngoại
giao thì phải tham gia “luật chơi” toàn cầu này.
“Giống như
chúng ta chơi cầu lông, bóng đá thì phải hiểu luật chơi đó. Muốn tham gia ‘sân
chơi toàn cầu’ thì phải tương tác, đối thoại với thế giới; chia sẻ việc thực hiện
quyền con người của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới,” bà Hải nói.
Bà Hải cũng
khẳng định Việt Nam hiện đang không coi nhân quyền là vấn đề nội bộ. Bằng chứng
là sự tham gia rất tích cực của Việt Nam vào các cơ chế nhân quyền của quốc tế.
Sự chủ động của Việt Nam đã được thể hiện trong rất nhiều cuộc đối thoại song
phương, đối thoại đa phương trên các diễn đàn quốc tế.
Tuy vậy, có một
thực tế cần lưu ý là nhân quyền còn có cả khía cạnh chính trị trong đó. Mặc dù
nhân quyền liên quan đến mỗi cá nhân, con người trong xã hội, như “cơm chúng ta
ăn, nước chúng ta uống, không khí chúng ta thở hàng ngày đều liên quan tới nhân
quyền,” song đây cũng là cụm từ dễ bị các thế lực, tổ chức phản động lợi dụng,
để làm cho nhân quyền trở thành vấn đề nhạy cảm và trở nên “méo mó.”
Do đó, theo
bà Hải, nhận thức của mỗi cán bộ, nhất là lực lượng công an giữ vai trò rất
quan trọng trong việc tuyên truyền, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Phó giáo sư,
tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhật Anh/Vietnam+)
Một lý do
khác để nói nhân quyền là một “luật chơi mới” trên toàn cầu, là bởi hiện nay có
hẳn một hệ thống pháp luật quốc tế về vấn đề này. Việt Nam chấp nhận tham gia
“cuộc chơi” này bằng cách phê chuẩn rất nhiều công ước, điều ước quốc tế về quyền
con người; tham gia tích cực vào các diễn đàn, đối thoại trên toàn cầu. Hơn thế,
nhân quyền còn là vấn đề ngoại giao quốc tế. Vì thế, trong các cuộc đối thoại
song phương hay trong các cuộc đàm phán về thương mại mà Việt Nam tham gia, nội
dung nhân quyền cũng được đưa ra để trao đổi và thảo luận công bằng.
“Nhìn từ góc
độ tích cực thì việc tham gia ‘luật chơi mới’ về nhân quyền theo yêu cầu của
Liên hợp quốc cũng là một kênh rất tốt để Nhà nước Việt Nam tự hào báo cáo với
thế giới một cách đàng hoàng về các thành tích mà mình đã làm được. Từ đó,
chúng ta thu hút nhà đầu tư đến với Việt Nam nhiều hơn,” bà Hải nhấn mạnh.
Xác định tầm
quan trọng của vấn đề nhân quyền, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người cho biết
trước đây dù còn nghèo nhưng mỗi năm, Việt Nam vẫn đóng góp 1 triệu USD cho các
hoạt động của Liên hợp quốc; từ năm 2022, Việt Nam đã tăng khoản đóng góp lên gấp
đôi, tức 2 triệu USD (khoảng 46-47 tỷ đồng). Điều này cho thấy sự tham gia của
Việt Nam ngày càng chủ động hơn. Cùng với hỗ trợ tài chính, Việt Nam cũng đã
tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, đóng góp tích cực cho Liên hợp quốc.
Trong công cuộc
“củng cố” về nhân quyền, đảm bảo quyền con người, Việt Nam đã từng là thành
viên không thường trực 2 nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021; từng là thành viên của
Hội đồng nhân quyền (cơ quan quan trọng nhất, chuyên trách chuyên sâu nhất về vấn
đề nhân quyền của Liên hợp quốc) trong nhiệm kỳ 2014-2016. Và bây giờ, Việt Nam
đang vận động để được xin ứng cử vào thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hợp
quốc cho nhiệm kỳ 2023-2025.
“Bên cạnh đó,
Nhà nước ta cũng đang điều chỉnh một số luật trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng
nhân quyền Liên hợp quốc, như tòa án phải độc lập để đảm bảo việc xét xử công bằng
– đây là vấn đề rất tích cực. Thực tế, Nhà nước ta cũng đang gấp rút xây dựng
chiến lược thúc đẩy Nhà nước pháp quyền; trong đó nhân quyền được coi là vấn đề
cốt lõi, xuyên suốt,” bà Hải thông tin.
Đặc biệt,
theo bà Hải, Việt Nam đang làm rất tốt việc giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức
về nhân quyền cho đội ngũ cán bộ, công chức của Nhà nước, đặc biệt là cán bộ
công an, cán bộ thực thi pháp luật. Hiện tại, Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh – cơ quan đào tạo cán bộ cấp lãnh đạo quản lý từ Trung ương tới địa
phương cũng đã có hẳn một môn học về quyền con người.
Cùng với đó,
một đề án của Chính phủ cũng đang được triển khai, đó là đưa nội dung quyền con
người vào chương trình học trong hệ thống giáo dục quốc dân; rà soát từ bậc mầm
non cho tới đại học.
“Ngoài ra, về
khuyến nghị xóa đói, giảm nghèo, tôi cho rằng Việt Nam đã và đang làm rất tốt.
Thậm chí, theo tôi biết thì có nước ở châu Phi cũng đã sang Việt Nam để học hỏi
kinh nghiệm. Đây là minh chứng cho thấy Việt Nam đã làm rất tốt việc đảm bảo
quyền con người, vững tin tham gia ‘luật chơi’ toàn cầu,” bà Hải nói./.
Việt Nam
lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Mới đây,
ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), Việt Nam đã
trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ
2023-2025. Theo đó, 14 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền sẽ đảm nhiệm trọng
trách trong nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu vào tháng 1/2023. Kết quả trên cho thấy sự
tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền
Liên hợp quốc trong nhiều năm qua. Trên cơ sở đó, những cam kết và nỗ lực mạnh
mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc
tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. |
0 nhận xét: