30/12/22

Báo chí quốc tế: Việt Nam là quốc gia kiểu mẫu phục hồi hậu Covid-19

            Năm 2022, bất chấp những khó khăn của làn sóng Covid 19 những tháng đầu năm, xung đột Nga – Ukraine khiến giá năng lượng leo thang, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 8,02%, cao hơn so với mục tiêu mà Chính phủ và các định chế tài chính quốc tế đưa ra.

Với chỉ số tăng trưởng này, báo chí quốc tế đã gọi Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng kiểu mẫu hậu đại dịch. Hãng Nikkei Asia đã xếp hạng Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có chiến lược quản lý dịch bệnh tốt nhất thế giới và Việt Nam cũng là quốc gia có vị trí tốt nhất để tiếp nhận các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyển dịch.

Tờ Channelnewsasia của Singapore có bài bình luận nhan đề “Việt Nam phục hồi kiểu mẫu hậu Covid 19” của giáo sư Edmund Maleski, giám đốc Trung tâm phát triển quốc tế Duke, thuộc trường đại học Duke, Hoa Kỳ. Theo giáo sư Maleski, Việt Nam đang là nền kinh tế hoạt động tốt nhất ở khu vực Châu Á. Việt Nam đang trở thành hình mẫu kinh tế cho các nền kinh tế mới nổi hậu đại dịch. Tổng số vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2022 đã tăng 15% với hơn 1570 dự án mới, trị giá 9,9 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 5,7% lên tới 58,3 tỷ USD.

Giáo sư Maleski cũng nhận định, Việt Nam đã nỗ lực giảm thiểu các đợt bùng phát của dịch Covid 19 nhờ các chiến lược phòng ngừa và tiêm chủng vaccine, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động kinh tế. Đồng thời, Việt nam đã tận dụng lợi thế của tình hình địa chính trị quốc tế, trong đó có chiến lược Zero Covid của Trung Quốc và kế hoạch tăng thuế của Hoa Kỳ, để thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, vốn là những động lực giúp nền kinh tế tăng trưởng. Hãng Nikkei Asia đã xếp hạng Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới có chiến lược quản lý dịch bệnh tốt nhất, Việt Nam cũng là quốc gia có vị trí tốt nhất để tiếp nhận các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyển dịch.

Bài báo đánh giá, nếu so với năm 2019, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực nhờ những tư duy cải cách trong hoạt động lãnh đạo. Kế hoạch chống tham nhũng đạt hiệu quả và các thủ tục hành chính đã hợp lý hơn thông qua Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước và Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia.

Theo khảo sát Chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh 2021, tỷ lệ mà các doanh nghiệp phải trả các khoản phí không chính thức trong giao dịch kinh doanh đã giảm từ 66% trong năm 2016 xuống 41% trong năm 2021. Giáo sư Malesky cho rằng, mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng Việt nam đang viết lên một câu chuyện thành công trong phát triển thời kỳ hậu Covid 19, liên tục cải cách và nỗ lực tìm kiếm các yếu tố cơ bản để thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.

Tờ Firstpost cũng có bài nhận định, Việt Nam đang là một nền kinh tế có tốc độ đáng kinh ngạc bất chấp dịch bệnh và xung đột. Theo bài báo, với tốc độ tăng trưởng 8,02%, Việt nam đang cho thấy một năng lực điều hành tốt và biết tận dụng yếu tố thay đổi của tình hình thế giới. Tăng trưởng nhờ các yếu tố xuất khẩu và nguồn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, bài báo cũng cảnh báo về tính thiếu ổn định của sự tăng trưởng này, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam xuất hiện nhiều rủi ro trong những tháng cuối năm từ thị trường trái phiếu và bất động sản.

Hãng tin Reuters cho rằng, với tốc độ tăng trưởng 8,02%, Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tốc độ tăng trưởng này là nhờ xuất khẩu và doanh số bán lẻ nội địa. Tuy nhiên, hãng tin này cũng nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro suy thoái của nền kinh tế toàn cầu năm 2023.

Reuters trích dẫn chuyên gia kinh tế cho rằng, suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ tác động mạnh đến nhu cầu xuất khẩu và đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Áp lực lạm phát tăng nhanh vào cuối năm có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu và từ đó tác động đến sản lượng sản xuất trong năm tới. Do đó, Việt nam sẽ điều chỉnh  giảm tăng trưởng trong năm 2023 và cần có những giải pháp để kìm hãm lạm phát./

 

0 nhận xét: