Sau hơn 77 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến nay, có thể khẳng định rằng nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục được hưởng thụ ngày càng đầy đủ quyền con người theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Vì thế, dù các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, cơ hội cố tình xuyên tạc, bóp méo, bôi đen việc thực thi nhân quyền/quyền con người, quyền tự do, dân chủ ở Việt Nam; phao tin và cho rằng Việt Nam không xứng đáng khi đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, thì sự thật việc đảm bảo nhân quyền ở Việt Nam vẫn và luôn là không thể phủ nhận. Việt Nam nhận thức sâu sắc quyền con người là giá trị chung của các quốc gia, dân tộc và giá trị đó được cộng đồng quốc tế ghi nhận, được ghi rõ trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, vì thế tôn trọng, thực thi, bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tuy Ngày Nhân quyền thế giới bắt đầu có từ 10/12/1948, nhưng quyền con người, quyền công dân của người dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được hiến định tại Hiến pháp 1946 và tiếp tục ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh, rõ ràng hơn, đầy đủ hơn tại các Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và nhất là tại Hiến pháp 2013.
Việt Nam cũng
đã thông qua nhiều luật quan trọng như: Bộ luật Lao động; Luật Xuất cảnh, nhập
cảnh của công dân Việt Nam; Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án; Luật Người Việt
Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính… liên quan đến quyền con người,
quyền công dân, phù hợp với các Công ước quốc tế, nhất là Tuyên ngôn quốc tế
nhân quyền năm 1948. Gần nhất, năm 2021, Việt Nam tiếp tục thông qua và sửa đổi
nhiều bộ luật quan trọng như Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi; xem xét thông
qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Thực tế cho
thấy, việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh qua các năm luôn đảm bảo
nguyên tắc ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án luật nhằm triển khai thi hành
các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của
công dân. Cùng với đó, Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham
gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các
tổ chức quốc tế khác ban hành. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập
7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập
25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản
liên quan đến các lĩnh vực thương lượng tập thể, phòng chống phân biệt đối xử,
lao động trẻ em và lao động cưỡng bức…
Những thành tựu
Việt Nam đạt được trong xây dựng hệ thống pháp luật, triển khai thực thi quyền
con người; tham gia ký các công ước quốc tế, điều ước quốc tế về quyền con người
và cam kết thực hiện, coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước;
hoàn thành trước hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và đang
tích cực triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG)… nhất là
đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền (với chu kỳ III, Việt Nam đã thực
hiện nghiêm túc, trách nhiệm 82,6% các khuyến nghị đã chấp thuận) và việc khởi
động tiến trình Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV là thêm một minh chứng
cho thấy không phải Việt Nam “sợ nhân quyền”, “không thực thi nhân quyền” mà là
luôn chú trọng đảm bảo nhân quyền, quyền công dân cho người dân.
Hằng năm, nhân
dịp Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước đều ký
Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân có quá trình cải tạo
tốt. Đây không chỉ là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước Việt
Nam, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn thể hiện sự nghiêm minh
trong xét xử người phạm tội đi liền với sự khoan hồng, nhân đạo đối với những
phạm nhân đã cải tạo tốt để trở lại làm người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó,
việc xem xét đặc xá cho những trường hợp có quốc tịch nước ngoài được thực hiện
công bằng, minh bạch không chỉ góp phần làm cho cộng đồng quốc tế nhận thức rõ
hơn về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam mà còn
thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ song phương với các nước có công dân được đặc
xá.
Ở Việt Nam, quyền
dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của người
dân ngày càng được bảo đảm tốt hơn. Trong đó, tự do báo chí được thể hiện, với
việc cả nước có khoảng 800 cơ quan báo chí (hơn 100 báo có hoạt động báo điện tử;
hơn 600 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập; 67 đài phát thanh, truyền
hình với 182 kênh) và 18.000 nhà báo được cấp thẻ, khoảng 5.000 phóng viên; 60
nhà xuất bản và 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt
Nam… Nói quyền tự do Internet, sử dụng mạng xã hội thì Việt Nam đang đứng top đầu
thế giới như We Are Social & Hootsuite đã thống kê về chỉ số tiếp cận
internet: “Việt Nam có tới 150 triệu kết nối mobile; khoảng 70 triệu người dùng
internet; 58 triệu tài khoản sử dụng Facebook. Hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8%
dân cư và internet cáp quang đã tới 98% số phường, xã”(1).
Ở Việt Nam, quyền
tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đảm bảo và được khẳng định tại các bản Hiến
pháp. Việc phát triển hệ thống báo chí, truyền thông không chỉ góp phần nâng
cao dân trí và mức sống văn hóa của xã hội mà còn góp phần lan tỏa những thông
điệp đúng đắn, sâu sắc, toàn diện trong cộng đồng để thực hiện đại đoàn kết
toàn dân tộc. Việt Nam hiện có 42 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận tư
cách pháp nhân; 95% dân số có tín ngưỡng, tôn giáo; trong đó các tôn giáo sống
hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và được Nhà nước tạo điều kiện cho
in ấn, phát hành kinh sách… Đặc biệt, việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
năm 2016 và hai Nghị định thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo khuôn khổ
pháp lý để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân…
Việt Nam cũng
luôn tham gia tích cực, chủ động và trách nhiệm tại các diễn đàn đa phương quốc
tế về quyền con người như: Phiên họp cấp cao và các Khóa họp thường kỳ trong
năm 2022 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (Geneva, Thụy Sỹ); đồng chủ trì
thúc đẩy thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết về “Biến đổi khí hậu và quyền
lương thực” với số nước đồng bảo trợ cao tại Khoá 50 Hội đồng Nhân quyền (tháng
7/2022); tham gia các cuộc họp của Uỷ ban 3 Đại hội đồng Khoá 74 (tháng 10
-11/2022)… và triển khai xây dựng Báo cáo thực hiện Công ước Liên hợp quốc về
các quyền dân sự, chính trị (ICCPR); Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn
(CAT); Báo cáo lần thứ 9 thực hiện Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối
xử với phụ nữ (CEDAW); nộp và chuẩn bị bảo vệ Báo cáo Công ước về chống phân biệt
đối xử (CERD); tổ chức Hội thảo quốc tế về bảo đảm quyền các nhóm dễ tổn thương
trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Hội thảo quốc tế nhân dịp kỷ niệm Ngày nhân
quyền quốc tế và khởi động tiến trình UPR chu kỳ IV,v.v.. Việt Nam cũng đã thiết
lập cơ chế bảo hộ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo Hiến pháp và các
điều ước quốc tế về hợp tác lao động thông qua cơ quan đại sứ quán, lãnh sứ
quán, hội người Việt Nam ở các quốc gia sở tại; phát huy thế mạnh của cộng đồng
người Việt Nam hướng về xây dựng quê hương, đất nước gắn liền với việc tăng cường
công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại về chủ trương, đường lối, về thành tựu
dân chủ, nhân quyền của Việt Nam…
Thực tế, Việt
Nam không chỉ ủng hộ những tư tưởng tiến bộ về quyền con người được Liên hợp quốc
khẳng định trong Tuyên ngôn và các văn kiện quan trọng khác, mà còn nỗ lực xây
dựng, triển khai các chính sách để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người phù hợp với
điều kiện cụ thể của Việt Nam và sự quyết tâm, thực thi đó đã đạt được các kết
quả nổi bật, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việc thực thi quyền con người
ở Việt Nam đúng như nhận định của ông Jean – Pierre Archambault, nguyên Tổng
thư ký Hội Hữu nghị Pháp – Việt khi cho rằng: “Bảo đảm tốt quyền con người là một
trong những thành tựu của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam, những kết quả đạt được
trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người của Việt Nam là không thể phủ nhận”.
NHÂN QUYỀN
NGÀY CÀNG ĐƯỢC BẢO ĐẢM DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Ở Việt Nam, tư
tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản đã được triển khai từ sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
ra đời: tổ chức Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội khóa I ngày 6/1/1946 theo nguyên
tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, đoàn kết và bỏ phiếu kín để Quốc hội trao
cho Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ chính thức, thông qua Hiến pháp
1946… Sau đó, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân
dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản theo tư tưởng
của Người được triển khai, vận dụng sáng tạo phù hợp điều kiện cụ thể của Việt
Nam trên tinh thần: Dựa vào dân, lấy dân làm gốc; nhân dân là nguồn gốc và chủ
thể của quyền lực Nhà nước và tất cả vì lợi ích của nhân dân. Trong Nhà nước
đó, các cơ quan trong tổ chức bộ máy Nhà nước và cả hệ thống chính trị đều vì
nhân dân phục vụ, thực hành theo nguyên tắc “các cơ quan của Chính phủ, từ toàn
quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho
dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của
Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta
phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính
ta”(2) và “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền
hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn
thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức lên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng
đều ở nơi dân”(3) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.
Những nội dung
nêu trên đều được khẳng định tại Văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng, trong Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương
lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát
triển năm 2011), mà điểm nhấn chính là: Việt Nam kiên định con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội, và chế độ “xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam xây dựng
là xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm
chủ… con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển
toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng
và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân
dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”(4). Điều này
cũng đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Chúng ta xây dựng “một
hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục
vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có” và hệ thống
chính trị đó “hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi
ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người” trong
tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Thực tế, việc
“xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh,
tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển
của đất nước”(5) và “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa,
quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết
toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân; tăng cường tạo đồng thuận
xã hội”(6) tiếp tục là một nội dung quan trọng được khẳng định tại Đại hội XIII
của Đảng. Bởi rằng, ở Việt Nam, dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ
nghĩa, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (nền dân chủ cho đại đa số nhân dân lao
động, phục vụ lợi ích cho đại đa số) khác với các nền dân chủ tư sản (nền dân
chủ cho thiểu số, phục vụ lợi ích cho thiểu số); trong đó, nội dung cốt lõi là
tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân gắn với trách nhiệm và nghĩa
vụ công dân được quy đinh trong Hiến pháp. Trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa,
dân chủ, pháp luật, kỷ cương xã hội không loại trừ, mà thống nhất biện chứng,
là tiền đề phát triển của nhau nhằm phát huy mọi khả năng của con người trong
vai trò làm chủ, trong việc thụ hưởng giá trị của tự do, dân chủ, được sống, được
hạnh phúc… trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Trong chế độ xã
hội đó, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…
của đất nước trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế, hệ thống pháp luật về
quyền con người ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Theo đó, quyền con người,
quyền công dân được thực thi khi nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng việc
thực hiện các quyền tự do, dân chủ (quyền bầu cử, bãi nhiệm; quyền ứng cử đại
biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quyền tham gia quản lý nhà nước và
xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của
cơ sở, địa phương và cả nước của công dân; quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức
trưng cầu ý dân; quyền tham gia xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp; quyền
khiếu nại, tố cáo; quyền giám sát đối với cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức,
viên chức; quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước…) theo quy định của Hiến
pháp và pháp luật. Có thể nói, với 36 điều trong tổng số 120 điều quy định về
quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định tại Chương
II, Hiến pháp năm 2013 đã không chỉ khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền
con người, quyền công dân đã được quy định trong các bản Hiến pháp trước đó, mà
còn thể chế hóa/luật hóa quan điểm của Đảng về quyền con người, quyền và nghĩa
vụ cơ bản của công dân phù hợp với thực tiễn Việt Nam, với chuẩn mực quốc tế về
quyền con người mà Việt Nam đã tham gia.
Thực tế cho thấy
rằng, ở bất cứ quốc gia nào, thể chế chính trị nào mà đời sống vật chất, tinh
thần người dân ngày càng được nâng cao và quyền con người, quyền công dân ngày
càng được bảo đảm thì nơi đó là hạnh phúc. Cho nên, việc giới dân chủ hải ngoại
hay nhóm những người mượn danh dân chủ, đấu tranh cho dân chủ xuyên tạc tình
hình thực thi và đảm bảo nhân quyền ở Việt Nam; mượn các sự kiện “tù nhân lương
tâm như Phạm Chí Dũng, Phạm Thị Đoan Trang, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá
Phương, Lê Dũng Vova, Bùi Tuấn Lâm…” để làm rùm beng trên các trang Việt Tân,
Quyenduocbiet.com, TiengDan.com… và mạng xã hội chắc chắn đó không phải là “những
người đang đấu tranh cho tương lai tốt đẹp của đất nước” như các thế lực thù địch
ảo tưởng tự nhận. Thủ đoạn, một mặt, tô vẽ cho các “nhà báo tự do”, “nhà hoạt động
dân chủ, nhân quyền”, “tù nhân lương tâm”, “công dân yêu nước” hay trao các loại
“giải thưởng nhân quyền”…; mặt khác xuyên tạc sự thật việc thực thi và bảo đảm
nhân quyền ở Việt Nam về bản chất là cùng chung chiêu trò thâm độc để thực hiện
âm mưu “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam, chống phá Đảng và chế độ, đòi thực hiện
đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập và đưa đất nước theo con đường tư bản chủ
nghĩa.
Cho nên, các luận
điệu xuyên tạc sự thật mà các thế lực thù địch hay nhóm những người giả danh
dân chủ, nhân quyền, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền “vinh danh những cá nhân
đã hoạt động tích cực đấu tranh cho nhân quyền của người dân Việt Nam” nhằm mục
đích khuyến khích, ủng hộ và đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam như
việc trao “giải thưởng nhân quyền năm 2022” cho Nguyễn Tường Thụy… chỉ là sự cổ
xúy cho những người đã “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin,
tài liệu, vật phẩm” nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo
Điều 117, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Các hoạt động
đó không phải là “sự quy tụ của những người có nhiệt huyết, trách nhiệm, hoạt động
vì tình yêu đất nước và thương dân” và “bị chụp mũ cho cái tên phản động”, mà
đó đích thị là các hoạt động lấy cớ vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền,
nhằm gây sức ép và hạ uy tín của Việt Nam để tìm cách can thiệp vào công việc nội
bộ của Việt Nam; chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa mà
Việt Nam đang xây dựng. Cùng với đó, những luận điệu “buôn” dân chủ, “buôn”
nhân quyền, cổ xúy cho những người đã, đang cam tâm chống phá Đảng và chế độ; sự
tuyên truyền xuyên tạc làm rối loạn tình hình chính trị ở Việt Nam để “tụng niệm”
các giá trị dân chủ tư sản phương Tây, tuyệt đối hóa tính phổ cập của quyền con
người nhằm chụp mũ “Việt Nam đã vi phạm quyền cơ bản của con người”, vi phạm tự
do, dân chủ… cũng chính là một trong những thủ đoạn nằm trong chiến dịch phá hoại
tư tưởng, hạ thấp uy tín của Việt Nam khi Việt Nam vừa được bầu làm thành viên
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 tại phiên họp của Đại hội
đồng Liên hợp quốc khóa 77, ngày 11/10/2022.
Trên thực tế Đảng,
Nhà nước, cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã
hội, truyền thông, báo chí… đều vào cuộc, đều không ngừng nỗ lực để mỗi người
dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất và “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền
con người, quyền công dân”(7). Cho nên, cần phải nhận diện đúng và tiếp tục khẳng
định rằng: Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nhân quyền/quyền con
người, quyền công dân đã được thực thi, được bảo đảm bằng Hiến pháp và hệ thống
pháp luật. Việc cần phải bác bỏ mọi luận điệu bôi đen, bịa đặt, xuyên tạc, thâm
chí vu khống về tình hình thực thi nhân quyền ở Việt Nam của các thế lực thù địch
là quan trọng và cần thiết!./.
TS. VĂN THỊ
THANH MAI – TS. TRẦN THỊ BÌNH
0 nhận xét: