12/2/23

Lật tẩy những luận điệu chống phá

           Trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ của ta luôn phải đối mặt với rất nhiều luận điệu chống phá từ nhiều phía.

Thời gian gần đây, khi một loạt lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật, cảnh cáo hoặc cho miễn nhiệm chức vụ, thì các tổ chức phản động lại được dịp tung ra những luận điệu mỉa mai, bôi đen, chống phá, dù cũ mèm nhưng vẫn nguy hiểm, thâm độc.

Những luận điệu cũ kỹ như vậy tràn ngập trang Facebook của tổ chức phản động Việt Tân. Trong một dòng trạng thái đăng ngày 5/2, tổ chức này buông lời bình luận xuyên tạc, đại ý rằng Đảng ta dùng “mưu” và “kế” nhằm loại bỏ nhau để giành quyền lực.

Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước và sau khi diễn ra lễ bàn giao công tác của nguyên Chủ tịch nước cho quyền Chủ tịch nước vào ngày 4/2, trang thoibao.de đặt câu hỏi rằng sắp tới đây Đảng có dám thực hiện đổi mới thực sự, căn bản và triệt để về công tác cán bộ hay không.

Khi Quốc hội cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khoá XV đối với ông Phạm Bình Minh; phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Thường trực đối với ông Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng với ông Vũ Đức Đam, các bài viết mang tính công kích, xuyên tạc, quy chụp xuất hiện ồ ạt trên các trang báo, trang mạng xã hội thù địch. Đài VOA giật ngay dòng tít quy chụp “Bộ chính trị thanh trừng hai phó thủ tướng”, rồi bàn đến chuyện “khuất tất đằng sau”.

Ngày 1/1, Đài Á Châu Tự Do (RFA) thì bình luận rằng đây là “cuộc xâu xé quyền lực mạnh được yếu thua” và lý giải nguyên nhân là “không có phe cánh, không có hậu thuẫn”. Trong một bài khác, RFA còn “khuyên” rằng Đảng cần làm công tác cán bộ triệt để hơn và đó phải là “việc của toàn dân”.

Và còn rất nhiều những ví dụ tương tự nữa. Có thể thấy, những người đứng đằng sau những tổ chức, tờ báo nói trên luôn tìm mọi cách, tận dụng mọi thời cơ, mọi sự kiện trong công tác cán bộ của ta để lồng vào đó thông điệp bôi bẩn, suy diễn, sặc mùi chống phá.

Không phải vô cớ mà chúng đặc biệt chĩa mũi dùi vào Đảng ta trong công tác nhân sự, công tác cán bộ. Khi công tác này được chú trọng trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các thế lực xấu cũng tăng cường “kỳ đà cản mũi”. Như Đảng ta luôn khẳng định, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” và việc cán bộ có sai phạm, không làm tròn trách nhiệm, không đủ khả năng đảm đương công việc thì phải “ra”, phải “xuống”, phải “lùi” là điều đương nhiên. Nhưng các phần tử thù địch với Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lấy vấn đề đương nhiên đó để quy chụp, thổi phồng, suy diễn vô căn cứ.

Một suy diễn điển hình là coi công tác cán bộ là vỏ bọc của “tranh giành quyền lực”, “đấu đá nội bộ”. Tuy nhiên, cái gọi là tranh giành quyền lực theo giọng điệu thế lực thù địch chính là tranh giành giữa các đảng phái, chủ thể chính trị khác nhau vì lợi ích cá nhân. Do đó, khi Đảng ta thực hiện công tác cán bộ, khi bổ nhiệm người này, bãi nhiệm người kia, không thể gọi là tranh giành quyền lực vì đây là thay đổi nhân sự/cán bộ, là điều hết sức bình thường trong mọi tổ chức, mọi bộ máy không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Chỉ có thể gọi công tác cán bộ là nhằm loại bỏ người thiếu đức, thiếu tài, chọn người có tâm, có tầm vào đúng vị trí để làm Đảng vững mạnh, tiếp tục phát triển như một cái cây tươi tốt, không còn cành sâu mục.

Lập luận phản bác này không chỉ là do Đảng ta, báo chí cách mạng của ta đưa ra một chiều, mà chính những chuyên gia nghiên cứu về tình hình Việt Nam cũng nhấn mạnh những điều tương tự. Giáo sư Carl Thayer tại Học viện Quốc phòng Australia, nói trong một bài viết ngày 1/1 rằng việc miễn nhiệm hai phó thủ tướng không liên quan đến suy đoán vô căn cứ rằng “đây là kết quả của một cuộc đấu tranh quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam để lựa chọn lãnh đạo cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14 sẽ được tổ chức vào năm 2026”.

Nhìn rộng ra thế giới, có thể thấy việc lãnh đạo cấp cao từ chức, rời ghế là điều bình thường. Ví dụ như nước Anh, trong chưa đầy 2 tháng, đã có tới ba vị thủ tướng. Hai người là bà Theresa May và ông Boris Johnson vì không đáp ứng được kỳ vọng của đảng cầm quyền, của cử tri, phải từ chức trước sức ép dư luận. Điều lạ là với các quốc gia như vậy, không thế lực nào, không tờ báo nào rêu rao rằng họ “thanh trừng” lẫn nhau hay đấu đá quyền lực, mà chỉ tập trung vào nguyên nhân cốt lõi khiến họ phải “xuống”, phải “ra” để nhường chỗ cho người có năng lực hơn. Vậy mà ở Việt Nam, các sự kiện tương tự lại bị lái sang hướng khác để bôi nhọ, hạ thấp. Lý do vì sao lại có “tiêu chuẩn kép” như vậy chắc ai cũng có thể đoán ra.

Sau khi tung những luận điệu suy diễn về việc một số lãnh đạo rời ghế, các thế lực phản động lại tiếp tục đoán già đoán non về ai sẽ “lên”, ai sẽ “vào”, ai sẽ “tiến” dựa trên những lý do không hề liên quan tới năng lực, tư cách. Ví dụ như, người này sẽ “lên” vì có “vây cánh”, người kia sẽ không thể “vào” vì không có hậu thuẫn.

 

0 nhận xét: