Lợi dụng tình
hình phức tạp trên Biển Đông, những năm qua, các thế lực thù địch, phản động,
cơ hội chính trị đã tung nhiều thông tin xuyên tạc, luận điệu sai trái nhằm chống
phá công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta.
Nhận diện những
thông tin xấu độc
Biển, đảo nước
ta là một phần lãnh thổ thiêng liêng, phần máu thịt không thể tách rời và có vị
trí hết sức quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công cuộc
bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta được Đảng, Nhà nước lãnh đạo các lực lượng
chức năng cùng các tầng lớp nhân dân thực hiện với nhiều giải pháp. Thế nhưng,
trên các mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Twitter,… có nhiều tổ chức,
hội, nhóm chống đối, của những người tự xưng là “nhà báo”, “nhà dân chủ”, “công
dân yêu nước”,… đưa ra các thông tin xấu, độc, luận điệu sai trái, xuyên tạc về
đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển,
đảo.
Các tổ chức phản
động lưu vong như: “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, “Triều Đại
Việt”, “Tập hợp dân chủ đa nguyên”, hội nhóm trá hình trong nước như: “Lập Quyền
Dân”, “Diễn đàn xã hội dân sự”, “Tập hợp Quốc dân Việt”… Các trang mạng “Tin tức
hàng ngày”, “Báo tiếng dân”, “Luật khoa tạp chí”, “Thời báo”, “Chân trời mới”;
các trang báo nước ngoài: “BBC”, “RFA”, “VOA”, RFI” và các tài khoản mạng xã hội
như: “Thanh Hieu Bui”, “Nguyễn Văn Đài”, “Phạm Chí Dũng”,… đã phát tán bài viết,
tài liệu, hình ảnh, video xuyên tạc tình hình, diễn biến phức tạp trên Biển
Đông. Nhiều trang được đầu tư về tài chính, có hệ thống máy chủ, đội ngũ kỹ thuật
và chuyên gia bảo mật riêng.
Chúng lợi dụng
các sự kiện như: Vụ việc tàu Viking 02 và tàu Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt
cáp năm 2011 và 2012; Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 năm
2014; Công ty Formosa xả thải ra môi trường biển năm 2016; phản đối dự thảo luật
Đặc khu, Luật An ninh mạng 2018; sự kiện nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo
sát trái phép khu vực bãi Tư Chính năm 2019,… để kích động biểu tình, gây bạo
loạn lật đổ.
Các đối tượng
chống đối đã viết, đăng tải nhiều bài đưa ra các luận điệu xuyên tạc như: “Đảng,
Nhà nước Việt Nam yếu hèn không dám sử dụng vũ lực”, “lãnh đạo Việt Nam vẫn im
tiếng trong căng thẳng Bãi Tư Chính với Trung Quốc”, “Chính phủ Việt Nam luôn
tìm cách bịt miệng báo chí”,… để kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ. Chúng lợi
dụng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc để kích động người dân tạo nên các phong
trào “bài Trung”, “thoát Trung” hay “thân Mỹ”, “liên minh quân sự”…với các nước
lớn. Chúng còn đưa ra luận điệu “đòi” đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Đối tượng chúng
hướng đến để tuyên truyền là những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội,
nhưng trọng tâm, trọng điểm là các thành phần bất mãn và các nhóm thanh niên,
sinh viên “nhẹ dạ, cả tin”,… Từ đó, chúng mong muốn tạo lập lực lượng đối lập với
Đảng, Nhà nước ta. Dưới danh nghĩa “đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, các
đối tượng ở nước ngoài cấu kết với số đối tượng trong nước tìm cách hình thành,
phát triển cái gọi là “xã hội dân sự” cùng các tổ chức, hội, nhóm bất hợp pháp.
Đấu tranh với
luận điệu sai trái, xuyên tạc
Trước âm mưu
tung thông tin xấu, độc với các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, chúng
ta cần nhận diện rõ và phê phán “luận điệu muốn giữ vững độc lập, chủ quyền biển,
đảo hiện nay thì phải “chống Trung”, “bài Trung” triệt để, phải “tẩy chay khách
Trung Quốc”, “tẩy chay hàng hóa Trung Quốc”.
Từ khi Trung Quốc
hạ đặt trái phép giàn khoan HD981, trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta
(năm 2014) và sau sự cố môi trường nghiêm trọng do Công ty Formosa, Hà Tĩnh gây
ra, một số kẻ đóng vai “trí thức”, “học giả”,“người yêu nước”, “nhà báo”, “nhà
dân chủ”,…đưa ra kiến nghị Đảng ta thay đổi Cương lĩnh chính trị, đường lối đối
ngoại. Rằng, cần phải quyết liệt chống Trung Quốc, phải tẩy chay hàng hóa Trung
Quốc, tẩy chay người Trung Quốc. Đây là các luận điệu, quan điểm sai trái, thâm
độc hết sức nguy hiểm.
Việt Nam và
Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển
và có nhiều điểm tương đồng từ văn hóa, lịch sử cho đến thể chế chính trị hiện
nay. Quan hệ giữa hai nước tuy có trải qua nhiều thăng trầm nhưng tình hữu nghị,
hợp tác tốt đẹp giữa nhân dân hai nước không ngừng được bồi đắp qua nhiều thế hệ.
Những “kiến nghị”, “lời kêu gọi” với mục đích “bài Trung”, “thoát Trung”… được
đăng tải trên internet và việc đập phá, hủy hoại tài sản, gây rối của những đối
tượng quá khích ở Bình Dương, Vũng Áng (Hà Tĩnh) năm 2014; tại Bình Thuận năm
2018… đã làm xấu đi hình ảnh của một Việt Nam hòa bình và ổn định chính trị.
Đây là những tư tưởng và hành động gây kích động hận thù dân tộc, cần hết sức đấu
tranh để loại bỏ.
Biển Đông là một
phần quan trọng trong toàn bộ mối quan hệ Việt – Trung. Vì thế, chính sách của
Việt Nam luôn nhất quán. Chúng ta lên án các hành vi xâm lấn trái phép của
Trung Quốc, phản đối công khai, rộng rãi và vận động dư luận quốc tế, sự ủng hộ
của các nước, kiên quyết không lùi bước, phát huy thế “chính nghĩa” của mình, đồng
thời, tăng cường trao đổi, tích cực đối thoại song phương giữa hai Đảng, hai
Nhà nước.
Để bảo vệ chủ
quyền lãnh thổ hiện nay, phải luôn tự chủ, độc lập, tự cường, “dĩ bất biến, ứng
vạn biến”, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dựa trên cơ sở luật
pháp quốc tế, chứ không thể chỉ dựa vào việc liên minh quân sự với một cường quốc.
Vì vậy, sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 đã nêu rõ chủ trương: “Không
tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia;
không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước
khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”
(1).
Những bất đồng,
tranh chấp ở Biển Đông hiện nay là vấn đề khó khăn, phức tạp, lâu dài, không thể
giải quyết một sớm, một chiều. Không phải cứ có cường quốc “bảo vệ, che chở”
thì các nước đồng minh sẽ giữ được chủ quyền lãnh thổ.
Quan điểm dựa
vào nước khác để bảo vệ chủ quyền cũng hoàn toàn trái ngược với truyền thống đấu
tranh của dân tộc ta. Trải qua hơn 1.000 năm Bắc thuộc, rồi “Thắng Tống, bình
Nguyên, diệt Minh, phá Thanh”, đánh thắng các chủ nghĩa thực dân, đế quốc hùng
mạnh nhất, Việt Nam đã đi vào lịch sử thế giới với tư cách một dân tộc không
bao giờ chịu khuất phục, luôn giành chiến thắng với phương châm độc lập, tự chủ,
luôn tự lực, tự cường. Lịch sử thế kỷ XX đã chứng minh, nền ngoại giao Việt Nam
tạo thế cân bằng về lợi ích giữa các nước lớn và không nghiêng hẳn về bên nào.
Việc xây dựng mối quan hệ quốc tế thời gian qua của nước ta cho thấy nước ta
đang xây dựng nhiều đối tác để phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ toàn vẹn
lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo.
Bảo vệ chủ quyền
biển, đảo của Việt Nam là vấn đề hết sức thiêng liêng, nhưng cũng hết sức khó
khăn, phức tạp và lâu dài, không thể nóng vội, chủ quan. Hoàng Sa và Trường Sa
luôn trong trái tim của mỗi người Việt Nam. Trước sau như một, Việt Nam kiên
quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và
lợi ích của đất nước; kiên trì quan hệ hữu nghị với Chính phủ và nhân dân Trung
Quốc, giữ vững môi trường hòa bình và ổn định để phát triển. Việt Nam kiên trì
chủ trương giải quyết những bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật
pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện
đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được
Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
Trước tình hình
hiện nay, đòi hỏi các cấp, ngành nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình,
nghiên cứu, dự báo, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn, đặc biệt là phương thức
hoạt động mới của các thế lực thù địch trên không gian mạng để cùng nhân dân phản
bác, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” liên quan đến tình hình biển,
đảo. Cùng đó, tăng cường cung cấp thông tin chính thống về tình hình Biển Đông
và bảo vệ chủ quyền biển, đảo một cách kịp thời, chính xác, khách quan, trung
thực. Không để những “khoảng trống tâm lý, tâm trạng” trong cán bộ, đảng viên
và nhân dân cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc.
Văn kiện Đại hội
XIII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi
trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước… Tiếp tục thúc đẩy giải quyết
các vấn đề trên biển, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên cơ sở luật
pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”(2).
0 nhận xét: