“Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng theo đuổi chủ nghĩa bảo thủ” là bài viết của Trường Sơn trên
trang Việt Nam Thời Báo ngày 16/5/2023 đã trích dẫn cắt xén phát biểu khai mạc
Hội nghị Trung ương bảy (Hội nghị giữa nhiệm kỳ) khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng vào sáng ngày 15/5 vừa qua, hòng phủ nhận phát biểu của Tổng Bí thư.
Phát biểu
khai mạc Hội nghị Trung ương 7 (Hội nghị giữa nhiệm kỳ) khóa XIII, Tổng Bí thư
nói: “Nhân đây, tôi xin nhắc lại và nhấn mạnh thêm một vài điều tôi nghĩ là cần
thiết. Trong một số lần phát biểu trước đây, tôi đã mạnh dạn khẳng định: Với tất
cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được
cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những kết quả và thành
tựu đạt được trong thời gian qua là sản phẩm kết tinh sự sáng tạo của cả một
quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng,
toàn Dân, toàn Quân ta. Tuy nhiên, trong dịp phát biểu bế mạc Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tôi lại nhắc nhở và lưu ý rằng: “Kết quả và
thành công của Đại hội là rất quan trọng, tuy nhiên đó cũng mới chỉ là bước mở
đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động
hay không; có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho Nhân
dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội”. Mong các đồng chí hết
sức lưu tâm điều đó”[1].
Phát biểu
trên của Tổng Bí thư cho thấy đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy
tín quốc tế như ngày nay là kết quả phấn đấu không ngừng, không mệt mỏi của nhiều
nhiệm kỳ, của cả quá trình của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của sự chung sức,
đồng lòng của cả dân tộc. Đồng thời, nhắc nhở cán bộ, đảng viên, toàn dân ta
không say sưa với thành tựu có được, vì đó là thành quả của sự nỗ lực trong quá
khứ, Tổng Bí thư yêu cầu toàn dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải
nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để có kết quả tốt đẹp hơn trong thời gian tới.
Thế nhưng Trường
Sơn chỉ trích dẫn: Trong phát biểu khai mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng,
“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ
có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” để cho là “Với
mặc định trên, cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là một đại biểu trung thành của
chủ nghĩa bảo thủ đặc trưng của người cộng sản”. Trường Sơn viết rằng: “Người
viết bài này không là đảng viên nên chỉ muốn nêu hai thực tế đang diễn ra, qua
đó cho thấy trúng nhất là Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XIII cần có câu trả lời vì cớ sự nào khiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã
dường như vẫn ngộ nhận về “cơ đồ – tiềm lực – vị thế và uy tín” của Việt Nam đối
với cộng đồng thế giới.
Thứ nhất, nếu
Tổng Bí thư đúng về nhận định mà giờ ông chỉ điều chỉnh đôi chút khi dùng thể
khẳng định “chúng ta vẫn có thể nói rằng…”, thì cần giải thích vì sao trong
vòng bốn tháng đã có khoảng 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng
25,1% so với cùng kỳ năm trước?.
Số liệu cụ thể
đó là do ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố mới đây, với
thừa nhận nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được
đều đã bán…”. Người viết bài này chưa kiểm chứng về số liệu họ dẫn ở trên, cứ
cho đó là số liệu chính xác cũng thấy sự thiếu khách quan, toàn diện của Trường
Sơn. Bởi ông ta đã không đặt nền kinh tế nước ta trong bối cảnh của nền kinh tế
quốc tế ngày nay. Ai cũng biết, do nhiều nguyên nhân mà nền kinh tế thế giới
đang suy thoái, mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng xấu của cuộc suy thoái này, không
riêng gì Việt Nam. Ngay cả nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng bị ảnh
hưởng nghiêm trọng, Chính phủ Mỹ đang đề nghị nâng trần nợ công, nếu không sẽ vỡ
nợ làm tê liệt hoạt động của Chính phủ nước này. “Bộ Tài chính Mỹ thể hiện rõ sự
lo ngại. Hồi tháng 1, cơ quan này bắt đầu dùng tới “các biện pháp bất thường” để
tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ trái phiếu kho bạc Mỹ trong lúc cuộc đàm phán về
nâng trần nợ vừa mới bắt đầu. Một số chuyên gia ước tính rằng ngày mà Chính phủ
Mỹ có thể vỡ nợ – thường gọi là “ngày X”, thời điểm Chính phủ liên bang chính
thức hết tiền để trang trải các hóa đơn – sẽ đến vào cuối tháng 7. Điều này có
nghĩa là hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hiện còn chưa đầy 3 tháng để tìm giải
pháp cho vấn đề… Nếu không có một giải pháp nào cho lần khủng hoảng trần nợ
này, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chao đảo, người hưởng các khoản chi trả từ
ngân sách liên bang sẽ không còn được nhận tiền định kỳ, nhiều bộ phận của
Chính phủ sẽ phải ngừng hoạt động, và nền kinh tế Mỹ sẽ phải hứng chịu những tổn
thất lâu dài – theo nhận định của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome
Powell”[2]. Mặc dù Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ vỡ trần nợ công, nhưng
không thể phủ nhận Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn số 1 thế giới. Tương tự như thế, mặc
dù có một số doanh nghiệp ở Việt Nam rút khỏi thị trường bốn tháng qua cũng
không thể bác bỏ được khẳng định của Tổng Bí thư về cơ đồ – tiềm lực – vị thế –
uy tín quốc tế có được của nước ta ngày nay.
Mặt khác, nếu
làm phép so sánh thì số doanh nghiệp ở Việt Nam rút khỏi thị trường trong bốn
tháng qua với nguy cơ vỡ trần nợ công của nước Mỹ hiện nay thì cái nào đáng sợ
hơn. Cùng với đó, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang nâng lãi suất
thì các ngân hàng của Việt Nam lại hạ lãi suất. Vì thế, giá trị thương hiệu quốc
gia Việt Nam không ngừng gia tăng. “Năm 2022, giá trị thương hiệu quốc gia [3]
của Việt Nam được Công ty tư vấn, định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand
Finance định giá là 431 tỷ USD, tăng 1 bậc và vươn lên vị trí thứ 32 trong top
100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới… Brand Finance châu Á –
Thái Bình Dương cho rằng, thương hiệu Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia
có mức độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu với giá trị nên đây là cơ hội thúc đẩy
quốc tế hóa thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia Việt Nam”[4].
Vậy là, việc
Trường Sơn và Việt Nam Thời Báo phủ nhận đánh giá của Tổng Bí thư trong phát biểu
khai mạc Hội nghị Trung ương bảy (Hội nghị giữa nhiệm kỳ) khóa XIII là không
khách quan, không toàn diện. Phủ nhận của họ cũng giống như chỉ nhìn thấy vài
chấm đen trên trang giấy trắng đã vội kết luận tờ giấy ấy toàn màu đen./.
Nguyễn Phù Nghĩa
[2]. Tạp chí
điện tử VnEconomy – “Ác mộng” khủng hoảng trần nợ Mỹ, https://vneconomy.vn/ac-mong-khung-hoang-tran-no-my.htm
[3]. Có thể
hiểu Giá trị thương hiệu quốc gia là giá trị (quy ra tiền / năm) có được từ tổng
năng lực tiềm năng, phát sinh và gia tăng các lợi ích kinh tế (từ hiện tại đến
tương lai gần) của một quốc gia, với tất cả giá trị tuyệt đối, vô hình của quốc
gia đó đã tạo ra cho đến hiện tại.
[4]. https://vtv.vn/kinh-te/thuong-hieu-quoc-gia-viet-nam-xep-hang-32-the-gioi-20230421183120187.htm
0 nhận xét: