Trong những
ngày 15-17/5/2023 diễn ra Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII (Hội nghị Trung ương
giữa nhiệm kỳ) của Đảng Cộng sản Việt Nam, mạng xã hội cũng ì xèo những bài viết,
những thông tin chung quanh những nội dung quan trọng nằm trong chương trình của
Hội nghị. Song từ những thông tin lan truyền trên mạng và nhất là từ bài viết “Đằng
sau những con số- Hội nghị “giữa nhiệm kỳ” không nói được điều gì” của Phạm
Trần đăng trên Việt Báo và Quyenduocbiet.com ngày 15/5/2023 và “Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng theo đuổi chủ nghĩa bảo thủ” của Trường Sơn đăng trên
Vietnamthoibao.org ngày 16/5/2023, có thể thấy quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những
suy diễn, xuyên tạc theo chủ kiến cá nhân nhằm chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam
và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một là,
có thể khẳng định rằng: Kết quả đạt được của Hội nghị Trung ương 7 nói lên được
rất nhiều điều, chứ không phải “không nói được điều gì” như Phạm Trần võ đoán.
Bởi rằng, Hội nghị này không chỉ là một dịp để Trung ương nhìn lại, đánh giá một
cách khách quan, toàn diện tình hình thế giới và trong nước, những thành tựu đã
đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mà còn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, những
nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đồng thời dự báo tình hình mới với những thời
cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để đề ra những chủ trương, quyết
sách lớn nhằm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Những nội dung
quan trọng của Hội nghị; trong đó có việc đánh giá một cách khách quan và toàn
diện tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo
của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ đầu nhiệm kỳ đến nay; lấy phiếu tín nhiệm của
Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
khoá XIII và một số vấn đề quan trọng khác… đã được hoàn thành trên tinh thần
làm việc nghiêm túc, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Dù
không thông tin chi tiết, song các nội dung của Hội nghị và Thông cáo báo chí đều
được đăng tải trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Vì thế, kết quả của
Hội nghị Trung ương 7 không chỉ có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường sự
đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của
Đảng, mà còn là một minh chứng chứng minh rằng Phạm Trần suy diễn, áp đặt khi
nhận định về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nền báo chí cách mạng Việt Nam; về
số lượng các cơ quan báo chí, truyền thông của Việt Nam; việc Việt Nam không cần
“ra báo chí tư nhân” là vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí… cũng như
bẻ cong sự thật về Hội nghị Trung ương 7 trong bài viết “Đằng sau những con số-
Hội nghị “giữa nhiệm kỳ” không nói được điều gì”.
Hơn nữa, những
kết quả của Hội nghị cho thấy nhận định “thời gian họp chỉ kéo dài đến ngày
17/5/2023 cho thấy thời gian ngắn này không đủ để đưa ra những quyết định nhân
sự quan trọng” mà Phạm Trần nêu ra không chỉ là nói mò, mà còn là không hiểu gì
về nguyên tắc tổ chức và hoạt đông của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và nội
dung Hội nghị Trung ương 7 nói riêng. Thực tế, những thông tin về “quyết định
nhân sự quan trọng” mà những người như Phạm Trần muốn có không ngoài mục đích để
kích động, để xuyên tạc, nên khi không có được chi tiết, cụ thể thì suy diễn để
kích động vu vơ, gây tâm lý tò mò, bất an trong cộng đồng.
Hai là,
phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt
Nam rằng, “với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước
ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” từ
Đại hội XIII của Đảng cho đến tại Hội nghị Trung ương 7 không chỉ khẳng định
tình hình quốc tế và trong nước, những thành tựu đạt được và vị thế của Việt
Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà còn cho thấy niềm tin, sự kiên định của Tổng
Bí thư về sự phát triển của đất nước trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức của
tình hình thế giới hậu đại dịch Covid-19, chứ không phải như sự quy chụp “với mặc
định trên, cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là một đại biểu trung thành của chủ
nghĩa bảo thủ đặc trưng của người cộng sản” của Trường Sơn.
Thực tế cho thấy,
cái gọi là “Cơ đồ – tiềm lực”- vị thế và uy tín của Việt Nam đối với cộng đồng
thế giới không chỉ phụ thuộc vào một việc “nhìn từ sức khỏe doanh nghiệp”, lại
càng không phải là đưa ra một con số “các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường,
tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước?” để lập lờ quy kết rằng “có phải vì thiếu
động lực cạnh tranh đảng phái chính trị?”, mà đó phải là kết quả tổng thể đạt
được về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… của
một quốc gia.
Hơn nữa, Trường
Sơn khi thắc mắc, nghi ngờ phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc
không đọc tin tức về tình hình kinh tế thế giới thời kỳ sau đại dịch Covid-19,
nên không biết rằng: Triển vọng kinh tế năm 2023 vẫn “không chắc chắn khi bị ảnh
hưởng bởi tốc độ và trình tự thắt chặt chính sách tiền tệ, diễn biến của cuộc
xung đột tại Ukraina” và những căng thẳng địa chính trị khác đe dọa gián đoạn
chuỗi cung ứng toàn cầu. Suy thoái diễn ra trên diện rộng ở các nước phát triển,
đang phát triển và tăng trưởng thương mại chậm lại trong bối cảnh chuỗi cung ứng
tiếp tục suy yếu, nhu cầu đối với hàng tiêu dùng giảm và xung đột kéo dài ở
Ukraina. Trong khi đó, thị trường lao động toàn cầu năm 2023 vẫn chưa phục hồi
về mức trước đại dịch và IMF nhận định rằng “lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh, dự
kiến chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 của 84% các quốc gia sẽ thấp hơn so với năm
2022”… Ngay cả với Hoa Kỳ[1],
thì “tăng trưởng kinh tế dự kiến cũng sẽ thấp hơn tiềm năng trong cả năm 2023
và 2024 do chính sách tiền tệ làm giảm nhu cầu. Tốc độ tăng trưởng theo quý dự
kiến sẽ chạm đáy vào nửa cuối năm 2023 và cải thiện dần trong năm 2024” và với
Nhật Bản, thì “OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2023 đạt 1,4%, giảm
0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 11/2022”…Từ những thông tin ngắn gọn
đó, có thể thấy rằng, cũng giống như các quốc gia khác, Việt Nam cũng không ngoại
lệ, cũng phải đối diện với những khó khăn, thách thức trong việc phục hồi, phát
triển kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Cho nên, việc
Trường Sơn nêu ra thông tin về việc rút lui của các doanh nghiệp khỏi thị trường
Việt Nam; viện dẫn những nhận định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn
Chí Dũng và ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế của
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hay từ việc Chính phủ quyết
định tăng học phí đại học công lập để “tập trung ngân sách nhà nước đầu tư cho
phát triển giáo dục tại khu vực khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng
bào dân tộc, hải đảo”…, để quy chụp “diễn biến về ngân sách đầu tư vào giáo dục
ở bậc đại học trong suốt 3 nhiệm kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng
yếu kém rất rõ”; đồng thời cho rằng, dù “lạc quan cách mạng đến đâu, nếu là người
có sức khỏe tâm thần bình thường, tin rằng khó ai đủ can đảm cũng như kể cả bảo
thủ trong vững tin” để có thể tin vào lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng về vị thế, tiềm lực của đất nước tại Hội nghị Trung ương 7 trong bài viết
“Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo đuổi chủ nghĩa bảo thủ” thì thật là phiến diện
và không khách quan.
Cuối cùng, phải
khẳng định với Phạm Trần và Trường Sơn rằng: Hội nghị Trung ương 7 đã hoàn
thành sứ mệnh lịch sử của nó. Vị thế, cơ đồ và tiềm lực của đất nước dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát triển; được khẳng
định trong khu vực và trên trường quốc tế đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
đã khẳng định bất chấp sự suy diễn, xuyên tạc trong hai bài viết nêu trên. Dù vẫn
còn những khó khăn, thách thức phải đối diện, nhưng tương lai tươi sáng của đất
nước là không thể phủ nhận, mà không cần phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa
đảng đối lập cũng như không cần ra báo tư nhân, lập hội như Hiến pháp và pháp
luật Việt Nam quy định. Nên là, hãy dừng sự suy diễn, xuyên tạc và bôi đen sự
thật để chống phá Đảng và Tổng Bí thư lại!
0 nhận xét: