19/6/23

“EM THÚY” NAY ĐÃ NGOÀI 80

         Tuy đã bước vào tuổi ngoài 80 nhưng bà Nguyễn Minh Thúy – nguyên mẫu bức tranh “Em Thúy” vẫn giữ được hồn cốt của bé gái năm xưa, một vẻ đẹp trong sáng, thanh lịch thuần túy Hà Nội. Có khác là dấu vết thời gian đã hằn lên làn da và mái tóc trắng mây.

Nói về bức tranh. Cuộc đời bà thật hạnh phúc khi có được một cái “duyên” đặc biệt với hội họa. Nhờ “bác Cẩn”, người bác tài năng đã mở ra những cảm nhận đặc biệt trong tâm hồn bà về nghệ thuật.

Ngày ấy, khi ngồi làm mẫu cho bác Cẩn vẽ tranh, bé Thúy mới lên 8 (1943), đang theo học trường nữ sinh tiểu học Ecole Brieux (nay là trường THCS Thanh Quan) ở 29 Hàng Cót. Việc hằng ngày đi học về phải ngồi làm mẫu cho bác Cẩn vẽ một đến hai tiếng đồng hồ đối với bé Thúy thật là khó khăn. Vì thế mà bác Cẩn cứ phải dỗ dành, đôi lúc lại mắng yêu: “Sao cứ chạy lăng xăng thế!”. Phải mất đến mấy tháng, bác Cẩn mới hoàn thành bức họa và đặt cho nó cái tên giản dị “Em Thúy”. Khi ấy, chẳng ai trong gia đình ý thức được giá trị nghệ thuật của bức tranh. Chỉ nhớ là tại cuộc triển lãm mỹ thuật ở Hội Khai Trí Tiến Đức năm đó, bác Cẩn được nhận giải Nhất với hai tác phẩm "Em Thúy" (sơn dầu) và "Gội đầu" (điêu khắc).

Nhắc về những nét đẹp xưa cũ, bà Thúy nói: “Người Hà Nội xưa chu đáo , nền nã lắm. Trong gia đình bố mẹ dạy các con khi còn nhỏ, ngồi vào bàn ăn được mẹ chú ý sửa cách ngồi, cách cầm bát, cầm đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn... Hà Nội xưa cũng yên bình lắm, không ồn ào náo nhiệt như bây giờ đâu”.

Bà Minh Thúy học sư phạm và trở thành nhà giáo. Sau đó bà kết hôn và sinh được ba người con và trải qua một cuộc đời dạy học khá êm đềm .

Bà Thúy lưu giữ tất cả những bài báo nói về mình và mỗi khi được ôn lại kỷ niệm về “bác Cẩn” yêu quý là một lần bà trở về với những ngày tháng tuyệt vời nhất của tuổi thơ.

 

0 nhận xét: